Wednesday, 4 March 2020

COVID-19 : QUY MÔ Ổ DỊCH IRAN TO LỚN MỨC NÀO? (RFI)




NỘI DUNG :
Trọng Thành  -  RFI
.
Trọng Thành  -  RFI
.
Mai Vân  -  RFI
.
==========================================
.
Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày: 04/03/2020 - 13:32

Hôm nay, 04/03/2020, Việt Nam tổ chức diễn tập quân sự để đối phó với dịch virus corona (Covid-19), theo 5 kịch bản. Lần đầu tiên truyền thông trong nước đưa tin về kịch bản ''cấp độ 5'', với khả năng 30 000 người bị nhiễm virus.

Trong lúc dịch virus corona có nguy cơ lan rộng, thông tin về kịch bản có đến 30 000 người nhiễm virus tại Việt Nam có thể gây hoang mang trong dư luận, trong lúc nhiều người rất hoài nghi về tính thiết thực của phương án đối phó nói trên.

Diễn tập quân sự đối phó dịch Covid-19 hôm nay được thực hiện theo 5 cấp độ. Cấp độ 1 (có trường hợp bệnh Covid-19 xâm nhập), cấp độ 2 (dịch Covid-19 có lây nhiễm thứ phát trong nước), cấp độ 3 (dịch lây lan trên 20 người đến 1000 người mắc), cấp độ 4 (dịch lây lan trong cộng đồng với trên 1000 đến 3000 người mắc) và cấp độ 5 (dịch lây lan trong cộng đồng với trên 3000 đến 30 000 người mắc và lây lan vào một số đơn vị quân đội).

Hôm nay, tại sở chỉ huy bộ Quốc Phòng, phó thủ tướng Vũ Đức Đam – trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 - trực tiếp theo dõi và chỉ đạo ''cuộc diễn tập thực binh chống dịch Covid-19 của các đơn vị quân đội''. Cùng dự ở điểm cầu truyền hình bộ Quốc Phòng có bộ trưởng Quốc Phòng, đại tướng Ngô Xuân Lịch.

Tại khu vực phía bắc, trung đoàn 916 thuộc sư đoàn Không quân 371, quân chủng Phòng không - Không quân sử dụng máy bay trực thăng để vận chuyển tiếp ứng lực lượng, trang bị, vật chất phòng chống dịch Covid-19. Địa điểm diễn tập chính là Sơn Tây. Tại khu vực phía nam, buổi diễn tập sẽ diễn ra tại 13 điểm cầu gồm Quân khu 7, Bộ tư lệnh TP.HCM, Bộ chỉ huy quân sự 8 tỉnh, ba sư đoàn, diễn tập thực binh tại sư đoàn 317.
Một trong các bài tập tại sư đoàn 317 là ''lực lượng vũ trang sẽ xử lý tình huống'' có 15 trường hợp có triệu chứng ho, sốt, khó thở; trong đó có 2 trường hợp nặng trong tổng 550 công dân Việt Nam cách ly.

Thông tin ''dễ gây hiểu lầm''

Trả lời RFI Tiếng Việt, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (Thành phố Hồ Chí Minh) lưu ý là thông tin nói trên rất dễ gây hiểu lầm. Trên thực tế, con số 30 000 nói trên đúng ra là con số để chỉ phương án chuẩn bị 30 000 giường cách ly (với các cơ sở do bộ Quốc Phòng quản lý), để đón tiếp những người trở về từ vùng dịch, hoặc bị nghi ngờ có khả năng nhiễm virus, trong đó có thể có một số khu dành riêng cho người được xét nghiệm dương tính với virus.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết : ''Thật sự ra cái đó là một thông tin mà mình đọc không kỹ, không phải là một nhà chuyên môn, thì chắc chắn mình sẽ hiểu lầm thôi. Hiểu lầm có nghĩa là bây giờ mà đã chuẩn bị đạt được 30 000 giường bệnh đó, thì bên ngoài đã phải là bao nhiêu người rồi mà mình không biết, cho nên người ta dễ hiểu lầm. Phải đính chính lại cái đó không phải là 30 000 bệnh nhân.'' Bác sĩ Trương Hữu Khanh giải thích thêm: ''Diễn tập quy mô 30 000 (giường cách ly, chứ không phải giường bệnh), theo tôi, đó là dự trù cho kịch bản xấu nhất, chứ không phải là do tình hình của Việt Nam đâu, thật sự tình hình Việt Nam hiện nay cũng tương đối là ổn''.

Kịch bản ''30.000 ca nhiễm'': Lưu hành nội bộ ?

Thông tin về ''cấp độ 5'' (30 000 người nhiễm virus), liên quan đến các biện pháp từ phía quân đội, được công bố lần đầu tiên ngày hôm qua, 03/03. Trước đó trên mạng đã lan truyền một đoạn video, trong đó phó thủ tướng Vũ Đức Đam, phát biểu trước báo giới, nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02, khẳng định chính quyền đã sẵn sàng từ trước Tết cho phương án cao nhất để đối phó với khả năng ''30.000 người nhiễm virus''. Tuy nhiên, chính ông Vũ Đức Đam cũng đã nhắc nhở báo giới không tuyên truyền về ''cấp độ thứ 5'', vì sợ rằng, ''nếu tuyên truyền rộng mà không có giải thích, thì nhân dân sẽ hiểu rằng… tới đây sẽ có 30.000 ca nhiễm'', và theo ông, đây cần phải là một ''thông tin lưu hành nội bộ trong hệ thống chính quyền và y tế''.

Cho đến nay, ngành y tế Việt Nam mới có kịch bản 4 phương án chính thức, với cấp độ cao nhất là hơn 1 000 người nhiễm virus (đưa ra vào cuối tháng 1/2020). Về mặt chính thức, hiện nay, tại Việt Nam hoàn toàn không còn ca nhiễm virus nào, toàn bộ 16 trường hợp dương tính đều đã hoàn toàn bình phục. Như vậy, các tình huống trước mắt được coi là có nhiều thách thức trực tiếp nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt, và phải có các biện pháp phù hợp, đó là cách ly những người Việt, du khách nước ngoài từ các vùng có dịch, cũng như đối phó với khả năng lây nhiễm trong cộng đồng ở các khu vực dân cư có nguy cơ cao (tức ''cấp độ 1'', ''cấp độ 2'' và cao nhất là ''cấp độ 3'').

Nguy cơ rối nhiễu thông tin

Hiện tại dường như chính quyền, ngành y tế Việt Nam đang ưu tiên thực thi biện pháp nhiều vòng cách ly (''bốn vòng'' hay ''bốn bước''), với mục tiêu trước mắt là cách ly tốt các nhóm dân cư nguy cơ cao, để ngăn chặn nguy cơ từ gốc, thay vì hướng đến điều trị cho hàng nghìn, hàng chục nghìn bệnh nhân.

Tại Việt Nam, nỗi lo về dịch Covid-19 đang gia tăng, đặc biệt với các thông tin về dịch bệnh tràn ra nhiều nước, cùng lúc với việc hàng ngàn người từ Hàn Quốc ồ ạt trở về do dịch, hơn 10 000 người đang được cách ly, theo dõi. Trong bối cảnh này, theo một số chuyên gia y tế, việc truyền thông rầm rộ, và thậm chí có thể là sai lạc, về kịch bản 30 000 người nhiễm virus, cũng được coi là rất xa với thực tế vào thời điểm này, và cuộc diễn tập thực binh quy mô lớn hôm nay, không chỉ có nguy cơ gây thêm tâm lý lo ngại, thậm chí hoang mang trong xã hội, mà còn có thể làm lạc hướng chú ý khỏi mục tiêu cần ưu tiên hiện nay, là tập trung thực hiện tốt các yêu cầu cơ bản của dịch tễ học, như nhận dạng người bị nghi nhiễm virus từ sớm, minh bạch thông tin, xét nghiệm sàng lọc, thực hiện cách ly phù hợp, hiệu quả (tại các trung tâm hay tại nhà).
Việc tuyên truyền rầm rộ về kịch bản 30 000 ca nhiễm virus cũng khiến một số người hoài nghi: Phải chăng chính quyền đã che giấu thông tin về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh?

------------------------
.
Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày: 04/03/2020 - 14:23

Tại Hàn Quốc, trong vòng 24 giờ qua, theo Reuters, có thêm hơn 500 người nhiễm mới, 4 người chết vì Covid-19. Đưa tổng số ca nhiễm lên 5.621 người, tổng số tử vong 32. Tuy nhiên, số lượng người dương tính với virus được ghi nhận hôm nay, 04/03/2020, thấp hơn so với hôm qua (851 trường hợp).

Nguyên nhân số lượng người nhiễm virus tại Hàn Quốc gia tăng mạnh trong những ngày gần đây là do chủ trương của Seoul xét nghiệm toàn bộ các thành viên của cộng đồng giáo phái Tân Thiên Địa, với khoảng 200 000 người, được coi là một kênh phát tán dịch bệnh chính tại Hàn Quốc. Con số người dương tính với virus chắc chắn sẽ còn tăng lên trong những ngày tới.

Thành phố Daegu là tâm dịch Covid-19 tại Hàn Quốc. Hiện có khoảng 2300 người dương tính với virus đang chờ được tiếp nhận tại các bệnh viện và cơ sở điều trị tại thành phố này. Thị trưởng Daegu cho biết sẽ có thêm 3000 giường bệnh bổ sung đang được chuẩn bị, để sẵn sàng tiếp nhận số bệnh nhân đang gia tăng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định khủng hoảng dịch bệnh tại Daegu và tỉnh Gyeongbuk là nghiêm trọng nhất. Nguyên thủ Hàn Quốc cũng gửi lời xin lỗi đến toàn dân là chính quyền đã không cung ứng đủ khẩu trang một cách kịp thời.

Trong cuộc chiến chống Covid-19, chính quyền Hàn Quốc vừa triển khai một biện pháp mới để giúp cho việc chẩn đoán virus được dễ dàng : Lập nhiều ''trạm xét nghiệm di động'', với đối tượng trước hết là các tài xế.

Anh Trần Công từ Seoul cho biết cụ thể về hoạt động của trạm xét nghiệm, và những lợi thế của phương thức xét nghiệm mới này :

NGHE : Anh Trần Công tại Seoul

''Hôm nay các phòng lấy mẫu lưu động (drive-through) được đặt khắp tại Seoul. Những phòng lấy mẫu lưu động này được đặt trong các contener, có một cửa sổ, để người lấy mẫu giao tiếp với các tài xế. Các tài xế chỉ cần đi qua contener này, mở cửa sổ xe. Người lấy mẫu sẽ yêu cầu tên tuổi, điện thoại và email. Sau đó nhân viên y tế sẽ lấy mẫu bằng dịch họng của tài xế. Sau đó, mẫu này sẽ được gửi về các trung tâm xét nghiệm, danh tính của tài xế hoàn toàn được giữ bí mật…''

Anh Trần Công cũng cho biết thêm về việc một tỉnh giáp ranh với thủ đô Seoul, hôm nay, đã công bố ''lộ trình'' của hai bệnh nhân số 11 và số 12 :

NGHE : Anh Trần Công tại Seoul

Cho đến hôm nay, ít nhất 92 quốc gia đã không cho phép nhập cảnh, hoặc siết chặt điều kiện nhập cảnh đối với các công dân Hàn Quốc. Về phần Nhật Bản, số người nhiễm virus hôm nay vượt quá con số 1000. Theo bộ Y Tế Nhật, có 12 người tử vong vì virus corona.

----------------------------------------.
Mai Vân  -  RFI
Đăng ngày: 04/03/2020 - 11:58

Ngày 03/03/2020, chính quyền Iran chính thức xác nhận nước này có thêm 835 ca nhiễm virus corona (Covid-19), nâng tổng số trường hợp bị nhiễm bệnh lên thành 2.336 người. Song song với số ca nhiễm mới, các trường hợp tử vong cũng tăng mạnh, từ 66 lên 77 người chết trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Tính đến hôm qua, Iran như vậy đã bám chắc vị trí không ai mong muốn là ổ dịch lớn thứ tư của thế giới, chỉ thua ba nước: Trung Quốc, ổ phát tán dịch bệnh ra toàn thế giới, đứng đầu danh sách đen của các nước bị dịch nặng nhất, kế đến là Hàn Quốc, đứng thứ hai và Ý thứ ba.

Chức sắc cao cấp bị nhiễm bệnh, thậm chí tử vong !

Mức tăng của các ca lây nhiễm hơn 800 người trong vòng một ngày ghi nhận vào hôm 03/03 phải nói là rất lớn, trong lúc số 11 trường hợp tử vong cũng rất cao. Cho dù vậy, câu hỏi mà giới quan sát vẫn đặt ra là quy mô thực thụ của dịch Covid-19 tại Iran ra sao, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ tử vong, tức là số người chết so với số người nhiễm virus corona cao bất thường.

Giống như tại Trung Quốc, khi có thông tin về việc dịch Covid-19 xuất hiện tại Iran, giới lãnh đạo tối cao của nước này đã vội khẳng định đó chỉ là một “âm mưu của kẻ thù” nhằm phá hoại lễ kỷ niệm cuộc Cách Mạng Hồi Giáo 1979, rơi vào ngày 11/02, cũng như làm người dân sợ không dám tham gia cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 21/02.

Thế nhưng thực tế đã buộc giới lãnh đạo Iran phải công nhận là dịch bệnh đang lây lan, nhất là khi nhiều chức sắc cao cấp hay nhân vật quyền thế trong chế độ lần lượt mắc bệnh, trong đó có cả phó tổng thống Iran, thứ trưởng bộ Y Tế, người phụ trách chống dịch, và gần đây nhất là người đứng đầu cơ quan y tế khẩn cấp Iran! Bên cạnh đó, theo đài CNN, Quốc Hội nước này cũng xác nhận là có đến 23 dân biểu bị nhiễm bệnh, con số này chắc chắn sẽ còn lên cao.

Trong số chức sắc bị nhiễm virus corona, thậm chí có người đã chết như ông Mohammad Mirmohammadi, một thành viên của Hội đồng cố vấn cho lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, hay Hadi Khosrowshahi, một cựu đại sứ, hoặc là nghị sĩ Mohammad Ali Ramazani Dastak.

Trong những ngày gần đây, chính quyền Iran đã thay đổi thái độ, thông tin thường xuyên hơn và nhiều hơn về diễn biến của dịch Covid-19 tại nước này. Tuy nhiên, chế độ vẫn bị tố cáo là cố gắng giảm thiểu quy mô dịch bệnh.

Hơn chục ngàn người đã bị nhiễm virus ?

Hãng tin Pháp AFP ngày 29/02 vừa qua, đã nêu bật sự chênh lệch to lớn giữa số liệu do chính quyền Iran cung cấp với những con số do các nguồn không phải là chính phủ đưa ra.

Theo chính quyền Teheran, thì tính đến hôm đó, theo số liệu chính thức thì Iran có 43 ca tử vong được xác nhận và 593 người lây nhiễm. Tuy nhiên, theo ban tiếng Iran của đài BBC Anh Quốc, trong thực tế, số trường hợp tử vong vì dịch Covid-19 tính đến cuối tuần qua lên đến hơn 200 ca, một con số mà bộ trưởng Y Tế Iran đã phản bác ngay vào hôm thứ Bảy 29/02

Một nguồn tin khác là tổ chức đối lập lưu vong Những người Moudjahidin của Nhân Dân, bị chính quyền Iran liệt vào diện tổ chức khủng bố, cũng cho rằng đã có hơn 300 người chết tại Iran vì dịch Covid-19, trong lúc số trường hợp bị nhiễm lên đến 15 000 người.
Những tuyên bố về tính chất nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh tại Iran như đã được giới khoa học công nhận.

Theo AFP, trong một bản nghiên cứu công bố hôm 25/02 trên trang tin về y học MedRxiv, 6 nhà dịch tễ học tại Canada đã dựa trên một mô hình toán học để cho rằng có thể đã có hơn 18.000 người bị lây nhiễm virus trên lãnh thổ Iran.

Tính toán của họ, chưa được các đồng nghiệp khác xác nhận, đã đưa ra số liệu trên dựa trên các ca được Iran loan báo, cũng như các ca lây nhiễm ở những người ngoại quốc đã từng đến Iran trong thời gian có dịch.

Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Isaac Bogoch, chuyên gia nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại đại học Toronto, đồng tác giả bài nghiên cứu đã được công bố, giải thích: “Khi một quốc gia bắt đầu xuất khẩu các ca nhiễm sang những nơi khác, rất có khả năng là tình trạng lây nhiễm trong nước đó rất quan trọng”.

Chủ trương che giấu thông tin

Báo Le Monde trong số ghi ngày hôm nay, 04/03/2020, đã tiếp tục tìm hiểu thực hư trong các số liệu về dịch Covid-19 mà chính quyền Iran loan báo, và đã nêu bật lời chứng của giới chuyên môn ngay tại Iran cho rằng chính quyền đã nói dối.

Theo Le Monde, bộ Y Tế Iran hôm thứ Hai 02/03 đã xác nhận 523 trường hợp lây nhiễm và 12 trường hợp tử vong mới, đưa tổng số người chết kể từ khi dịch bắt đầu lên thành 66. Một bác sĩ làm việc ở miền bắc Iran đã không ngần ngại phản bác: “Số liệu của họ là sai. Tôi không một chút nghi ngờ về điều đó. Chúng tôi hiện có những bệnh nhân bị nhiễm bệnh trong bệnh viện của chúng tôi, những người này không hề được thống kê trong các số liệu chính thức”.

Ông Gholam-Ali Jafarzadeh Imenabadi, dân biểu thành phố Rasht, thủ phủ tỉnh Gilan, ở miền bắc Iran sát biển Caspi, đã khẳng định rằng tình hình tại đấy đặc biệt nghiêm trọng. Đối với ông, số liệu chính quyền đưa ra là “một trò đùa”, vì ở tỉnh ông, các bệnh viện và trạm xá đều “đầy những bệnh nhân khả nghi”.

Một bác sĩ ở miền nam Iran cũng cho biết là toàn bộ đất nước Iran đã bị dịch bệnh. Tại bệnh viện của ông, tất cả các ca phẫu thuật bị cho là không khẩn cấp đều đã bị hủy bỏ.
Giải thích về nguyên nhân khiến cho dịch bệnh hoành hành dữ dội tại Iran, giới y khoa nước này đã nêu lên trước tiên chủ trương che giấu thông tin của chính quyền vào lúc đầu, không cho làm bất kỳ cái gì để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Phát biểu với Le Monde, một sinh viên y khoa nội trú ở thủ đô Teheran đã tố cáo: “Khi phủ nhận trong hơn mười ngày rằng dịch Covid-19 đã xuất hiện, chính quyền đã biến nhân viên y tế thành phương tiện truyền bệnh… Chúng tôi bị bệnh nhân lây bệnh, sau đó chúng tôi trở về với gia đình, với bạn bè và như vậy đã có thể lây nhiễm cho hàng chục người khác”.

Các bác sĩ Iran cũng cho rằng tình hình nghiêm trọng hiện nay còn là hậu quả của việc chính quyền từ chối cách ly thánh địa Qom, tâm chấn của dịch Covid-19 tại Iran. Chính ở thành phố thánh này mà các trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên đã xuất hiện. Qom lại là một địa điểm hành hương, luôn thu hút đông đảo tín đồ thuộc hệ phái Hồi Giáo Shia ở Iran và nước ngoài.

Các giáo sĩ và các thành phần bảo thủ rất có thế lực đã thành công trong việc không cho đóng cửa các lăng mộ ở Qom và cách ly thành phố này.

Trước sự hoành hành càng lúc càng dữ dội của dịch Covid-19, chính quyền Iran đã bắt đầu đưa ra biện pháp ngăn ngừa đà lây lan của dịch bệnh : Hủy bỏ buổi cầu nguyện lớn ngày thứ Sáu tại nhiều thành phố, đóng cửa trường học, đóng cửa Quốc Hội cho đến khi có lệnh mới, hạn chế đi lại.

Thế nhưng câu hỏi được nêu lên là phải chăng đã quá muộn ?

--------------------------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
.
.
.
.
.






No comments:

Post a Comment

View My Stats