Nguyễn Văn Lục
Posted on March 23,
2020
Cũng như mọi người, tôi mong mỏi nạn đại dịch thế giới
này chóng kết thúc. Vấn đề của bản thân mỗi người là đã học được gì qua trận đại
dịch này?
Từ một hạt cát trên một phi thuyền không gian đến
Covid-19: Lẽ Trời hay Lẽ người?
Cách đây cũng đã lâu khoảng 30 năm có lẻ, tôi được đọc
một bài làm của một học sinh vừa hết Trung học, tại tỉnh bang Quebec. Bài viết
của cháu học sinh có nhan đề: Un grain de sable dans la navette
spatiale. (Một hạt cát trong phi thuyền không gian).
Thôi thì cứ bỏ phần kỹ thuật chuyên môn của bài viết
sang một bên vì tôi không rành. Xét đến ý chính của bài luận cho thấy chỉ cần một
hạt cát nhỏ thôi — một hạt cát đến vô nghĩa — trong một phi thuyền không
gian thì nó cũng đủ gây rắc rối và làm rối loạn toàn thể hệ thống tinh vi của
phi thuyền gây ra thảm kịch.
Bài viết ấy đã ám ảnh tôi nhiều năm về cái mà tôi gọi
lá cái vulnérabilité của con người trước thiên nhiên. Trước sức mạnh
thiên nhiên, con người, ngay với nền văn minh và kỹ thuật ở thế kỷ thứ 21, vẫn
không là gì cả. Từ điển dịch vulnérabilité từ này là “tính dễ bị tổn
thương”. Nhưng tôi lại nghĩ nó là cái mong manh của con người trước thiên
nhiên. Vì nghĩ thế, tôi có khuynh hướng sống làm hòa với thiên nhiên, thuận
theo thiên nhiên và tôn trọng thiên như các dân tộc cổ xưa. Tôi cảm nhận được
cái tinh thần của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá. Xuân tắm
hồ sen, hạ tắm ao.” Cho đến bây giờ thì cái tinh thần đó vẫn là điều mong ước
không trọn vẹn.
Cái mong manh kỹ thuật của phi thuyền chỉ liên quan
đến một chương trình, một cơ quan. Thất bại này chỉ giúp họ chỉnh sửa cái tiếp
theo.
Nhưng nếu nhân rộng về hệ thống kinh tế toàn cầu lấy
lợi nhuận làm tiêu chuẩn, lợi dụng con người, khai thác tài nguyên thiên nhiên
đến hủy diệt như ngày hôm nay. Chúng ta đang có thể chứng kiến một sự đổ vỡ, một
sự tan rã từng mảnh của hệ thống kinh tế ấy. Cái mong manh của một hạt cát tạo
ra những tác động dây chuyền thật đáng lo ngại.
Cái tác động dây chuyền không chỉ ảnh hưởng những nước
lớn như nước Tàu, nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Đó là điều mà không một ai
cách đây hơn hai tháng tiên đoán được. Không phải hàng triệu người lo lắng hoảng
hốt. Mà hằng tỷ người. Chi tiêu hàng trăm hàng ngàn tỉ để giữ nền kinh tế khỏi
sụp đổ.
Cái mong manh của con người được thử thách, được đặt
thành vấn đề chăng trong một thế giới cực kỳ văn minh và tiến bộ? Càng văn
minh, tiến bộ với phương tiện di chuyển từ nước này sang nước kia đã giúp con
virus bỗng chốc trở thành mối đe dọa toàn cầu. Tội phạm không chỉ mình con
virus mà còn là nền văn minh kỹ thuật – ở đây là phương tiện di chuyển hàng
không, đường thủy cũng như đường bộ — do những con người quản lý quốc gia chịu
trách nhiệm. Phải chăng đây là một bài học lớn thiên nhiên cảnh thức cho con
người? Hay là sự thách thức giữa thiên nhiên và con người?
Có chút niềm tin thì đặt vấn đề lẽ trời và lẽ người?
Thời xưa, gặp thiên tai là nỗi lo thường xuyên của
con người. Chỗ nào cũng có thiên tai. Thái độ con người như thế nào? Chúng ta học
được gì?
Thời nay ở Việt Nam có câu, “Mất mùa là tại
thiên tai, Được mùa là tại thiên tài đảng ta” không phải là sư thật mà
là để nói nên tính vô trách nhiệm của nhà đương cuộc tại đây.
Mặt khác, trong bối cảnh đau buồn ấy, Giáo Hoàng
Phan Xi Cô đã rời Vatican đến hai địa điểm hành hương quan trọng ở Roma để cầu
nguyện.
“Địa điểm thứ nhất là Đền thờ Đức Bà Cả, Salus
Populi Romani. Người ta được dịp nhớ lại là năm 593, Giáo Hoàng Gregorio đã giơ
cao bức ảnh trong một đám rước để ngăn chặn một bệnh dịch. Và vào năm 1837, một
trận dịch khác cũng đã xảy ra, người ta cũng kêu đến Đức Mẹ như thế.
Địa điểm thứ hai là là tại nhà thờ San Marcello trên
đường Corso, nơi đặt một cây Thánh giá đã từng được rước đi trong trận dịch
năm 1522.”
Nguồn: Bài viết của Đặng Tự Do 15/3/2020. Viet
Catholics News
Cử chỉ và thái độ của Giáo Hoàng có thể chỉ mang
tính biểu tượng. Nhưng một lần nữa nó đặt lại toàn bộ tâm thức, thái độ con người
trước thiên nhiên trong hoàn cảnh hiện nay. Có một điều gì đó chưa hoàn chỉnh.
Có một bài học nào đó con người cần ngồi lại để học lại từ đầu.
Bài viết này dùng những sự kiện hiện đại như chất liệu
để đặt một vấn đề cao cả và rộng lớn hơn. Làm thế nào và đến lúc này, con người
có thể tôn trọng thiên nhiên trong lúc vẫn lạm dụng quá độ và gây ra sự
biến đổi sinh thái đe dọa đến chính trật tự thiên nhiên hay không?
Nhìn lại ngày xưa, tổ tiên và ông cha đã để lại
cho chúng ta nhiều bài học lắm. Ngay cả người thiểu số miền cao nguyên hay các
dân tộc cổ xưa trên thế giới cũng vậy. Tất cả không trừ, họ đều có một
thái độ đáng quan tâm: Đó là thái độ kính trọng thiên nhiên. Quả thực thế giới
ngày nay đã thiếu sự tôn trọng thiên nhiên. Nhiều cảnh báo của những hiền giả
nhiều khi như nước đổ lá khoai.
Sau này, rất nhiều các bài viết hữu ích của các nhà
thám hiểm, nhà khoa học giúp chúng ta hiểu thêm về cái thiên nhiên huyền
bí, cái cao cả vĩ đại mà con người hầu như bất lực. Chỉ xin trích dẫn
một hai bài thôi.
Bên ngoài nhà sàn
João ở cổng bộ lạc của thổ dân, kẻ thù của ngày xưa đã trở thành bạn. © © Luca
Locatelli / Picturetank
Trong một số báo Géo 426, tháng 8, 2014, có vài bài
viết như “Le paradis vert des Caboclos”(Thiên đàng xanh của vùng “
Caboclos”). Dân làng này thuộc giống người lai vùng Amazon, bên Ba Tây. Dân
làng Xixuaú đã quyết định sống hòa hợp với thiên nhiên. Họ sống bên một bìa rừng,
bên cạnh một dòng sông, uống nước sông, sống chung đụng với dân bản địa da đen
caimans. Ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, sống chung với sắc dân
khác đã giúp họ không phá rừng, không triệt hạ thú vật, chỉ xử dụng cho nhu cầu
tối thiếu của đởi sống. Và nhất là đã chiến thắng được bệnh sốt rét do một quỹ
của Ba Tây và một đại học Ý tài trợ.
Cá và sắn là thức
ăn chính của người Caboclos (nông dân métis). © © Luca Locatelli /
Picturetank
Đọc mà thấy đẹp làm sao cuộc đời dù ở chốn rừng sâu
heo hút. Cái đẹp ấy không phải dễ mấy ai thấy hết được trong sự tham lam vô độ,
trong sự chiếm hữu của cải tiền bạc, trong sự tranh dành quyền lực đến sắt máu.
Cũng trong số báo này, có đề cập đến các thuốc bằng
lá cây mà nay đến 69 Quốc Gia đã bắt đầu để ý đến cách trị liệu cổ truyền. Chẳng
hạn có bài viết “Pour les Ashaninka, la forêt est une immense armoire à
pharmacie” (Với sắc dân Ashanikas ở Peru, rừng là một tủ thuốc vĩ đại. Géo.
Ibid trang 53).
Người Ashanikas ở
Peru và tủ thuốc vĩ đại phía sau. Nguồn: © Mike Goldwater
Và nhiều bài viết khác như “Le réveil des médecins
ancestrals”, (Ibid, trang 45, Sự đánh thức của các thày thuốc cổ truyền).
Và nhiều đề tài khác viết về dân Nga, dân Bolovie, dân Miến Điện, dân
Indonessia, nhất là dân Tàu về các cách chữa bệnh theo lối cổ truyền của họ.
Thuốc cổ truyền của
người Trung Đông. Nguồn: Layla K. Feghali, MSW, Plantcestral +
Ancestral re-Memberance Facilitator
Dĩ nhiên, tôi cũng không quá ngây thơ để nghĩ
rằng cách trị liệu cổ truyền có thể thay thế các thuốc chủng ngừa và thuốc trụ
sinh. Chẳng những thế, tôi còn dị ứng với việc thương mại hóa các “loại thuốc bổ
và chữa bá bệnh” như hiện nay.
Khẳng định là chúng không thể thay thế kiến thức y
khoa hiện đại. Nhưng bổ túc thì có. Có rất nhiều bằng những kinh nghiệm truyền
thừa cả vài trăm năm đến nghìn năm của tổ tiên họ để lại. Và ít ra nó gợi hứng
cho những tìm tòi hiện đại. Như trường hợp thuốc Aspirine là bản sao của
thuốc cổ truyền? Giáo sư Yung-Chi Cheng, giáo sư dược ở Đại học Tale cho rằng:
“Một trong những thuốc trị liệu lâu đời nhất và hữu hiệu nhất, và có giá trị
khoa học là do xuất phát từ y học cổ truyền: Thuốc Aspirine. (Trích loạt bài
Quand la Médecine Chinoise inspire la Science, Khi nền y học Trung Hoa mở đường
cho Khoa học. National Géographic, janvier, 2019, trang 76).
Một số Đông dược có Tây dược có tác dụng tốt cho việc
máu tuần hoàn (theo thuyết Đông y). Nguồn: Jia
Wei Lim, MBBS, Siow Xian Chee, BSc, Wen Jun Wong, Qiu Ling He, and Tang Ching
Lau, “Traditional Chinese medicine: herb-drug interactions with aspirin”,
Singapore Med J. 2018 May; 59(5): 230–239.
Và ít ra đi nữa, nó cũng cho ta một cái nhìn khoan
dung, mở rộng để thấy rằng thế giới hiện nay còn nhiều điều bất cập lắm!
Nói chung, chúng ta cũng không thể đi ngược lại thời
đại nên chúng cũng không thể nào thay thế cho thuốc tây, kết quả của rất nhiều
thí nghiệm.
Đứng trước thế giới thiên nhiên vô cùng lớn, như các
hành tinh hay đáy biển, hoặc thế giới vô cùng nhỏ như các vi trùng hoặc
virus vẫn là những khám phá mang tính hấp dẫn và khuất phục.
James Cameron đã lặn sâu đến 11000 mét dưới biển
sâu. Thế giới ấy đẹp một cách lạ lùng với mầu sắc không bút nào tả hết được. Hoặc
quan sát thế giới các hành tinh.
Tôi thú nhận là tôi có những cảm giác như ngạc nhiên
đến kinh sợ, nhưng nghịch lý lại gợi óc tò mò thícth thú và bị quyến rũ.
Và càng được quan sát nhiều bao nhiêu, tôi càng cảm thấy sự bé nhỏ, sự vô nghĩa
của cuộc sống nhân sinh trước vũ trụ. Cho nên khi xảy ra vụ Covid-19, tôi không
lạ gì.
Tôi xin trích dẫn lại một số phát biểu của các nhà
thám hiểm để thấy họ rất gần với những cảm nghiệm của tôi.
Brian Skerry phát biểu,
“Mỗi lần tôi lặn xuống biển, tôi không còn biết tôi
đã thấy được gì. Và khi trồi lên mặt biển, tôi luôn luôn có cảm giác kinh ngạc
về những sinh vật đã cho tôi cơ hội được tiếp cận thế giới của chúng.”
Brian Skerry
Hay Carsten Peter:
“Những nơi tôi thám hiểm hình như luôn luôn thuộc
vào một hành tinh khác. Tôi cảm thấy sợ hãi, hoàn toàn bị khuất phục trước sức
mạnh của sự sáng tạo.”
Carsten Peter
Năm 1971, cách mặt đất 400000 km, James Irwin, phi
hành gia đã chào quốc kỳ Mỹ và sự thành công của chương trình Apollo 15, đây là
lần thứ tư, nước Mỹ gửi người lên mặt trăng. David Scott, trưởng nhóm đã gọi vô
tuyến điện về trái đất:
“Tôi mới hiểu rằng còn có một sự thật nền tảng về bản
chất con người: Việc thám hiểm là một sự cần thiết.”
National Géographic, janvier, trang 2-16, 2013
Trong thế giới nhỏ nhoi của bản thân. Tôi đã từng thấy
sự hóa thân của những con ve sầu. Chúng khởi đi của cuộc hành trình chỉ là một
con sâu từ lòng đất leo lên cây sấu. Rồi trong một sự đột biến kỳ diệu tự mình
chui ra khỏi cái vỏ của con sâu để biến thành con ve sầu có cánh. Kỳ diệu thay
cuộc đời một con ve sầu và triệu triệu sinh vật trên trái đất này đều có đạt sự
kỳ diệu như thế. Trong một kinh nghiệm khác ở bãi biển Boston, vào một buổi chiều
chạng vạng, tôi nhìn thấy xa xa một đàn cá không hẹn mà tụ tập không biết bao
nhiêu ngàn con. Cả một vùng biển đen ngòm với đàn cá quậy. Tôi còn đang bất ngờ
thì trong khoẳng khắc, không biết do tín hiệu nào mà một đàn chim bay rập trời,
cùng một cử chỉ, chúng lao xuống mặt biển và rồi cất cánh bay lên với một con
cá ở mỏ..Sự việc xảy ra cũng rất chóng vánh. Chỉ trong khoảnh khắc một thời khắc.
Đàn cá biến mất cũng như đàn chim đã bay xa trả lại cho vùng biển cái quang cảnh
bình thường như thể biến cố hiếm hoi vừa qua như thể chưa bao giờ xảy ra!
Phần tôi ngỡ ngàng trước những hoạt cảnh mà như thể
có một sự sắp đặt vô hình nào đó đã an bài, dàn trải một cách kỳ diệu như thế
như một bản hòa âm phức hợp giữa đất trời, con người và sinh vật của muôn loài.
Nói cho đến tận cùng, đó là vai trò của thiên nhiên, của Lẽ Trời sắp xếp cho
muôn loài, muôn vật, muôn người từ hàng thiên niên kỷ; vật nào vật ấy theo một
luật bù trừ; dù cực lớn, dù cực nhỏ đều theo một trật tự hơn bù kém, được cái
này thì mất cái kia. Trong đó, chỉ có con người được đặc sủng có trí khôn hơn
muôn loài.
Kinh nghiệm hiếm hoi như bắt được của trời giúp tôi
hiểu rằng ngoài thế giới hữu hình hẳn còn có một thế giới siêu nghiệm mà mọi sự
mọi vật ở đời này, dù nhỏ nhoi vô cùng bé nhỏ đến cực tiểu, đến thế giới vô
cùng lớn, cực đại đều có những quy luật tiềm tàng tự hữu cần được khám phá và
lý giải.
Và khi ta đã cảm nghiệm được điều đó rồi thì chẳng
có gì là xa lạ nữa. Tôi viết lan man, loanh quanh như thế là có chủ đích rằng:
có luật người thì cũng có luật trời. Mà luật người thì thường dẫm đạp lên luật
trời. Trời làm một thì Người làm hai.
Biết được lẽ thường của Trời-Đất là biết sống. Là an
bình, là tồn tại, là hạnh phúc miên viễn. Con người ở đời có thể thu tóm vào
hai mệnh đề: Hòa với Người (Lẽ Người) và Hòa với thiên nhiên (Lẽ Trời). Liệu cả
hai mệnh đề ấy, con người đã thực hiện được bao nhiêu?
Hòa với Người: Như trong cuốn phim của đạo diễn
Fellini, người Ý, phim Strada (Con đường). Phải là cái duyên kỳ ngộ giữa nước Ý
của thời Fellini và thời hiện nay với đại dịch. Trong cuốn sách Federico
Fellini, His life and work, 2002, người ta kể rằng F. Fellini thường dùng xe mô
tô đi từ Rome về vùng Turin để thăm bố mẹ. Trên đường đi ngoăn ngoèo giữa núi đồi
vì thời đó chưa có xa lộ “Autostrada del sole” chưa được xây dựng. Ông tình cờ
bắt gặp được Zampano và Gelsomina. Hai nhân vật sau này là nhân vật chính trong
phim Strada. (Sách trang 144)
Câu chuyện thực tế ấy sau này trở thành: Reality is
a fairy tale. Zampano thô bạo, tục tằn, man rợ, đánh Gelsomina mỗi khi hắn say
rượu. Gelsomina chịu đựng, nhiều lần đã muốn bỏ đi. Dưới mắt Zampano thì
Gelsomina chỉ là một vật thừa, vô dụng, không bằng con chó. Vậy mà chia tay, cả
hai mới cảm thấy thiếu cái mà họ cho là thừa. Đây là một câu chuyện vừa bi kịch,
vừa nói lên một câu chuyện tình đẹp vô giá. Chẳng những thế, nó để lại một bài
học triết lý muôn thuở nằm trọn nghĩa về giá trị con người trong câu sau đây:
“Như một hòn sỏi này đây. Nó có một ý nghĩa và một
ích lợi mà ta không biết được. Chỉ có tạo hóa biết. Và nếu hòn sỏi này không vô
dụng thì mọi sự ở đời không có chi vô dụng.”
Fellini
( Trích lại câu trên trong số đặc biệt Tưởng nhớ
Nguyễn Nam Châu do Trần Hoài Thư biên tập trong số 88 tháng 2-2020. Bài viết của
Nguyễn Nam Châu nhan đề: Fellini và giá trị con người.)
Truyện phim này đã hơn nửa thế kỷ, tôi vẫn nghĩ nó
là một bài học cho chúng ta ngày hôm nay.
Hòa với thiên nhiên. Đặc biệt, tôi có đọc được một
bài viết liên quan trực tiếp đến bài viết này: Un tout petit monde..
Les microbes sont invisibles. Ils sont partout. Et ils nous gouvernent. (Một
thế giới rất bé nhỏ. Những vi khuẩn không thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Vậy
mà chúng có khắp mọi nơi. Chúng thống trị chúng ta. De Nathan Wolfe, janvier
2013, trang 104)
Xin tóm lược. Những con vi khuẩn này nhiều vô cùng.
Nhiều hơn cả các ngôi sao trên trời. Chúng có thể có ở 32 cây số trên tầng khí
quyển. Chúng có khắp mọi nơi. Trong mỗi người chúng ta là nơi ẩn náu hàng tỷ tỷ
các vi khuẩn ấy.
Mỗi lần chúng ta hít thở vào, mũi chúng ta hít vào
hàng triệu những phân tử vô hình: nào bụi, nào nhị phấn, sinh bào tử (spores.
Thành phần vi khuẩn ở dạng phôi sinh.) Những hạt vô hình đó bao gồm các vi khuẩn
và virus… Và một vài phần tử đó có thể gây ra dị ứng hoặc suyễn ở vùng khoang
mũi hoặc cổ họng. Chuyện ho, chuyện sổ mũi có thể được coi là chuyện bình thường
do vi khuẩn gây ra. Nhưng con SARS-CoV-2 thì nó không ngần ngại kéo quân tấn
công thẳng vào phổi gây ra bệnh COVID-19. Thế là có chuyện lớn rồi.
Nói chung thì việc hít thở không khí vào thường
có lợi và vô hại. Nhất là các vi khuẩn giúp ích cho việc tiêu hóa và sản xuất
ra các vitamine ở dạ dày. Chúng cần thiết và giúp cho hệ thống miễn nhiễm những
tế bào ngăn mầm bệnh..Các ổ chứa vi khuẩn “đóng đô” ở vùng mũi, cổ họng, lưỡi,
nhất là trong ruột già. Một chi tiết rất đáng nói trong bài này là khởi từ khi
mới sinh ra, đứa trẻ sơ sinh đã được “tắm gội” bằng vi khuẩn trong đường âm đạo
của người mẹ. Theo tác giả De Nathan Wolfe, xin trích nguyên văn:
“Notre premier contact avec ses microbes a lieu dans
le canal vaginal maternel. La population bactérienne y change radicalement
durant la grossesse. Ansi, Lactobacillus jonhsonii, hôte habituel de
l’intestin, où il favorise la digestion du lait, devient plus abondant dans le
vagin. En entrant en contact avec le bébé, il prépare peut- être celui-ci à
bien assimiler le lait maternel.”
Ibid,. trang 107
Sự tiếp cận với các vi khuẩn bắt đầu bằng con âm đạo
của người mẹ. Số lượng các vi khuẩn tăng lên một cách đáng kể trong thời gian
mang thai. Vì vậy Lactobacillus jonhsonii là khách thường trú của ruột, nơi mà
nó giúp cho việc tiêu hóa sữa, chất này đã tăng lên một cách đáng kể trong âm đạo.
Và khi đứa trẻ ra chào đời qua âm đạo của người mẹ, chất này đã có thể giúp cho
đứa trẻ hấp thụ tốt sữa của mẹ.
Đấy là lẽ Trời là như vậy. Nếu chẳng may đứa trẻ ra
chào đời bằng dao kéo mở tử cung, thì phải chăng nó có thể sẽ thiếu các vi khuẩn
bảo vệ sữa và cơ thể nó? Cũng vậy, đứa trẻ bú sữa mẹ thì trong sữa đó có vi khuẩn
chống miễn nhiễm hẳn là tốt hơn sữa bột? Bú sữa mẹ là thuận theo Lẽ Trời..
Còn bú sữa Guigoz là thuận theo Lẽ Người mà đi ngược thiên nhiên. Hai bầu sữa
vú trở thành vô dụng và tự hỏi trời sinh ra chúng dùng để làm gì?
Vậy mà các vi khuẩn chỉ được Antonie Van
Leeuwwenhoek khám phá khoảng 350 năm nay. Vậy trước đó, con người đã mù tịt về
vi khuẩn và đã biết bao nhiêu hệ luận bi kịch từ sự không hiểu biết này? Không
hiểu biết lẽ trời. Còn những con virus nhỏ hơn, nhưng lại nhiều hơn gấp bội mà
con người chỉ biết chúng trong khoảng 100 năm trở lại đây. Trọng lượng các con
vi khuẩn trong thân thể một người vào khoảng 1,35 kg, tương đương với trọng lượng
của não.
Trường hợp SARS-CoV-2 bắt đâu ở Vũ Hán
Phải hiểu được lẽ Trời thì hiểu được cách ứng xử của
người (Lẽ người). Cách đây 60.000 năm khi những người Phi Châu đi ra khắp địa cầu
thì lịch sử loài người đã phải hứng chịu biết bao những thách thức đối chọi với
thiên nhiên? Nào lụt lội, động đất, bão tố, đói kém, khô hạn, núi lửa, các bệnh
thời khí như dịch tả, sốt rét và trăm thứ bệnh tật khác.
Chẳng hạn người ta tìm thấy dấu chân khoảng trên 10
người trên những đất tro núi lửa ở phía Đông Phi Châu. Đặc biệt tro của núi lửa
với dấu chân người ở vùng Engare Seo, ở Tanzanie, dưới chân một ngọn núi
lửa còn đang hoạt động. Con người Phi Châu thời đó đã phải vất vả với thiên
nhiên và chịu đựng những cái mà người Việt Nam gọi là “tai trời”, “ách đất”
không tránh được.Đã có hàng trăm triệu người mắc bệnh thời khí đã chết so với
bây giờ 10.000 người chết vì Covid-19 thì nghĩa lý gì?
Có lẽ vì đã quên quá khứ ấy — lẽ Trời — nên Lẽ người
đã có những bước đi nhầm lẫn và tai hại. Vì thế Covid-19 đã hoành hành một cách
không khoan nhượng ở mức độ công phá của nó.
Dịch
Ebola trước đây đã xảy ra ở nước Congo, 2014, 2017,
2018 được coi là mức độ giết người ghê sợ.
Bản đồ các khu vực
sức khỏe bị ảnh hưởng của dịch Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Nguồn CDC Mỹ
Nhưng phần đáng kể là nó được phát giác sớm và theo
dõi tất cả những người đã giao tiếp với bệnh nhân. Hiện nay vẫn chưa có thuốc
chống virus gây ra Ebola. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)
đã phê chuẩn vaccine Ebola rVSV-ZEBOV (tên thương mại là Er Erbobo) vào ngày 19
tháng 12 năm 2019. Vaccine rVSV-ZEBOV là một vaccine 1 liều được xem là an toàn
và chỉ có tác dụng phòng ngừa đối các loài ebolavirus ở nước Zaire. Đây lần đâu
tiên FDA chấp thuận vaccine ngừa cho Ebola (Zaire ).
Covid-19
trở thành đại dịch vì những lý do sau đây:
1. Chính quyền Hoa lục (nghĩa là ông Tập Cận Bình) không công bố có dịch từ
đầu.
2. Chính quyền Hoa lục bịt miệng bs Lý Văn Lượng cũng như nhà chức trách Hoa
Kỳ đã bịt miệng bác sĩ Helen Chu ở tiể bang Washington khi bà Chu và ông Luọng
lên tiếng báo động về bệnh viêm phổi giống như SARS.
3. Chính quyền Hoa lục để cho rất nhiều người dân Vũ Hán di chuyển ra khỏi
thành phố trước khi giới nghiêm.
4. Chính quyền Hoa lục vẫn có hàng ngàn chuyến bay rời Vũ Hán đi khắp nơi
trên thế giới. Nền văn minh kỹ thuật thế ky 21với khả năng chuyên chở hàng triệu
người đã góp phần làm dịch bệnh trở tahnh đại dịch. Trời làm một, Người làm
hai.
5. Khi chính quyền Hoa lục công bố chính thức có dịch ở Vũ Hán thì không lâu
sau Đại Hàn rồi Ý đã là những tâm điểm bị dich bệnh tấn công. Canada ở cách Hoa
lục ½ vòng trái đất cũng đa có tên dưới 1500 nhiễm bệnh, tuyệt đa số do người
đã viếng tahwm Hoa Lục hay Trung Đông trở về, và họ lây nhiễm cho người khác
trong cộng đồng.
Đây là những lỗi lầm tại con Người không phải tại
ông Trời.
Tập Cận Bình bọp nghẹt thông tin về Coronavirus là
quết định chết người. Nguồn: Financial Times
Virus SARS-CoV-2 đánh phá mọi người. Nó không phân
biệt giai cấp, giàu nghèo, địa vị chức phận. Nó không trừ một ai dù là lãnh đạo
một quốc gia. Dù triệu phú, tỉ phủ. Không phân biệt giới tính. Cùng lắm nó “bắt
nạt” người già hơn người trẻ và những nạn nhân vốn bệnh hoạn sẵn. Công việc
đánh phá này ở một mặt nào đó là công bằng vì nó không tha một ai cả.
SARS-CoV-2 đánh phá bất chấp biên giới, tấn
công hầu như toàn cầu. Tuy nhiên, căn cứ theo Lẽ Trời thì chính con người tự
gây ra họa lớn.
Dù khởi đầu ở Vũ Hán, phần còn lại là do chính con
người giúp nó di chuyển và gây dich bệnh ở mọi xã hội đang sinh hoạt bình thướng.
Con virus cũng gián tiếp sinh ra một thuật ngữ mới
nhưng nay cả thế giới đều biết; đó là “xa cách xã hội” (social distancing). Lẽ
Trời là loài người cùng sống với nhau trong xã hội. Lẽ Người, nay phải tạm sống
cách ly, xa cách nhau để có thể sinh tồn qua đại dịch.
Khởi đầu là Lẽ Trời. Nhưng phát tán là công việc
của người. Và tất cả phần còn lại là do người cả.
Tại sao Ý bị nặng nhất là do mối liên hệ làm ăn giữa
đôi bên. Có phải vì Ý hợp tác với Trung Hoa trong sáng kiến “Một Vành
đai, Một Con đường” mở rộng cửa cho công nhân sang Ý hay không? Có lẽ
câu trả lời là “không” vì trước Ý đã có 11 thành viên liên minh châu Âu và 5 nước
Trung và Đông Âu sắp là thanh viên cuae EU đã ký hiệp ước song phương chính thức
là thành viên của dự án “Một Vành đai, Một Con đường.” Vai trò
quan trọng của Ý trong dự án này nằm ở 3 hải cảng Venice, Trieste, và Ravenna,
nối với Capodistria (Slovenia) và Fiume (Croatia) trong Hiệp hội North Adriatic
Port Association (NAPA). (Nguồn: Valbona Zeneli, “Italy Signs on to
Belt and Road Initiative: EU-China Relations at Crossroads?” The
Diplomat, April 03, 2019.)
Tuy nhiên vì những yếu tố khác khiến khả năng chống
dịch ở Ý khác xa với thành công ở Nam Hàn dù Ý là nước đóng cửa phi trường,
không nhận các chuyến bay từ Hoa Lục sớm nhất thế giới. Thủ tướng Ý Giuseppe
Conte đã tuyên bố đình chỉ hoàn toàn các chuyến bay giữa Ý và Trung Hoa vào
ngày 30 tháng 1, khi Ý mới có hai trường hợp nhiễm coronavirus. Điều này cho thấy
virus vào Ý không đi bằng máy bay mà vì những lý do khác.
Thứ nhất, dịch COVID-19 gây thiệt hại nặng nhất ở bắc
Ý, nơi có tỉ số người cao tuổi cao nhất châu Âu; thứ hai Ý đã không áp dụng sớm
và triệt để biện pháp “xa cách xã hội”, không cắt đường xe điện sớm; thứ ba
tinh thần kỷ luật cũng như trách nhiệm người dân Ý lỏng lẻo; thứ tư biên giớ EU
luôn mở do đó du khách từ Hoa lục đến Âu châu vẫn có thể sang Ý không cần bay
thẳng từ Hoa lục. Ý với dân số khoảng 60.5 triệu người có con số xét nghiệm cao
nhât châu Âu (206,886 xét nghiệm tính đến ngày Mar 20, 2020); nhưng vẫn là con
số nhỏ tính theo đầu người (per capita) khi so với Canada (102,000 xét nghiệm
/37.7 triệu dân) hay Úc (113,615 xét nghiệm/26 triệu dân tính đến ngày
Mar 20, 2020).
Hàn khám phá ra người bệnh ngay từ thời gian ủ bệnh
và theo dõi tìm được tất cả những người có giao tiếp với bệnh nhân, làm xét
nghiệm tối đa và thật nhanh, triệt để cách ly người bệnh nên số người chết giảm
bớt và giữ cho số lây nhiễn không tăng: Nam Hàn đã đe bẹp được đường cong
(flatten the curve) một cách đáng kể.
Nam Hàn đã đè bẹp
được đường cong (flatten the curve) một cách đáng kể. Ý thất bại. Nguồn: Johns
Hopkins, Mar 12, 2020
Mặt tích cực, Covid-19 dạy cho con người tinh thần
trách nhiệm, ý thức xã hôi, cộng đồng. Mỗi hành vi của mỗi cá nhânđều có ảnh
hưởng đến tập thể. Thành phố nơi tôi ở đã có 7000 người trong ngành y tế về hưu
nộp đơn tình nguyện làm thiện nguyện trong các cơ quan y tế của tỉnh.
Do người mà Covid-19 có thể thay đổi diện mạo một quốc
gia. Thay đổi cấu trúc kinh tế, xã hội, đạo đức, tôn giáo. Nước Tàu sau này sẽ
không còn như hiện nay. Họ là nạn nhân của chính họ phần lớn do Người (lãnh đạo
của họ) gây nên chứ không phải tại Trời làm. Giấc mộng bá chủ toàn cầu phải xét
lại. Thế giới cũng phải chuyển hướng, chuyển trục trong cách làm ăn, giáo dục,
di chuyển giao thông. Đây là một báo động mang tính toàn cầu tích của con
SARS-Cov-2. Tai hại cũng nhiều mà phúc lợi cũng không thiếu. Ít nhất nó thức tỉnh
con người phải biết tuân giữ Lẽ Trời, tôn trọng môi trường thiên nhiên và làm
hòa với Trời đất. Tôi muốn nhấn mạnh tới điều tích cực ấy.
Đi chợ trong cơn hốt
hoảng vì COVID-19. Nguồn: Fortune.com
Vì không hiểu Lẽ Trời nên trước nạn dịch, con người
rơi vào sự hoảng loạn đến mất lý trí. Từ cảnh giác biến thành hoảng loạn. Hoảng
loạn như ngày tận thế sắp đến. Bên Canada chỗ tôi ở tương đối tạm yên ổn. Bên Mỹ,
tại Westminster có đông người Việt cho thấy hình ảnh đủ các sắc dân, xếp hàng rồng
rắn từ đường nhỏ Dorothy ra đường Century, ước tính cả ngàn người chờ vào mua ở
siêu thị các đồ dự trữ. Hình ảnh ba bà chất đầy một xe pick-up toàn giấy vệ
sinh trong thật lố bịch. Giả dụ mỗi bịch có 48 cuộn. Số lượng giấy vệ sinh như
thế dùng cả năm cũng không hết. Và giả dụ không có giấy vệ sinh thì đã sao? Rửa
bằng nước vừa sạch hơn và vệ sinh môi trường hơn nhiều. Nước uống, như ở
Montréal, nước máy cũng là nước uống được. Hà cớ gì cứ phải dùng nước uống
trong chai plastic?
Cũng như mọi người, tôi mong mỏi nạn đại dịch thế giới
này chóng kết thúc. Vấn đề của bản thân mỗi người là đã học được gì qua trận đại
dịch này?
© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ
DCVOnline.net”
No comments:
Post a Comment