Ngọc Lễ - VOA
24/03/2020
Không khí căng thẳng và hoài nghi bao trùm trong một
trong những chuyến bay cuối cùng từ Mỹ về Việt Nam trước khi Việt Nam đóng cửa
với thế giới bên ngoài do lo sợ dịch bệnh, một hành khách đi trên chuyến bay đó
nói với VOA.
Bắt đầu từ 0h ngày 22/3, để tăng cường chống dịch
Covid-19, chính quyền Việt Nam đã cấm tất cả người nước ngoài cũng như Việt kiều
nhập cảnh trong khi khuyến cáo công dân Việt Nam ở nước ngoài hạn chế tối đa về
nước mà nếu có muốn về phải đăng ký qua đại sứ quán.
Anh Le T. T., một nghiên cứu sinh tiến sỹ về văn học
Mỹ tại Đại học California, San Diego, đã kịp về đến Việt Nam trên chuyến bay của
hãng hàng không Đài Loan Eva Air quá cảnh Đài Bắc vào ngày 19/3, tức là chỉ 3
ngày trước khi lệnh cấm này được đưa ra.
‘May mắn’
Trao đổi với VOA với điều kiện giấu tên, anh T. nói
anh ‘cảm thấy may mắn về kịp trước khi có lệnh cấm.
“Bây giờ mà muốn về thì phải đăng ký mới được về. Nếu tôi vẫn còn ở Mỹ
vào lúc này, chắc là tôi không về được,” anh nói. “Chính phủ khuyến cáo là không nên về. Vé máy
bay cũng không có thì đành phải ở lại Mỹ thôi.”
Anh cho biết lúc anh về, toàn nước Mỹ chỉ mới có
trên 5.000 ca nhiễm, cho nên anh ‘không phải về nước để tránh dịch’.
“Tôi về là vì trong những lúc như thế này (trường đóng cửa, chuyển sang dạy
và học từ xa) tôi chỉ muốn gần gia đình,” anh nói.
“Mình về sẽ tiết kiệm hơn. Phòng thuê trả lại sẽ không phải tốn tiền thuê
phòng.”
Anh lập luận rằng tỷ lệ nhiễm là 5.000 ca trên tổng
số trên 300 triệu người dân Mỹ thì ‘nguy cơ không cao’. “Tôi cũng không lo mấy.
Thành phố San Diego nơi tôi sống cũng không có nhiều ca nhiễm,” anh cho biết.
Anh nói anh không có nhu cầu về nước tránh dịch vì
anh biết là ‘người trẻ không bị nguy hiểm bởi dịch bệnh’ và bản thân anh cũng
có bảo hiểm nên ‘có gì thì cũng có thể chữa trị được ở Mỹ’.
Tuy nhiên, nghiên cứu sinh này thừa nhận rằng nếu
xét về chữa trị bệnh Covid-19 thì ‘về Việt Nam sẽ tốt hơn Mỹ’.
“Họ sẽ chữa cho mình rất cẩn thận và theo dõi rất sát sao mà không mất tiền,” anh giải thích. “Việt Nam có ít
trường hợp nhiễm hơn Mỹ nên tập trung chữa trị tốt hơn.”
Anh cho biết anh về Việt Nam trong sáu tháng, đến hết
mùa hè anh sẽ quay lại Mỹ để tiếp tục chương trình học. Tuy nhiên, trong bối cảnh
Mỹ tạm dừng cấp thị thực thông thường trên toàn cầu do dịch bệnh, anh T. thừa
nhận rằng nếu 6 tháng mà tình hình không ổn trở lại ‘thì cũng chịu thôi’.
“Trung Quốc chỉ cần 3 tháng là ổn định dịch bệnh thôi mà,” anh tự tin về cơ hội khống chế dịch bệnh của Mỹ.
‘Mọi người đề phòng’
Anh cho biết hôm anh ra phi trường để về nước, sân
bay San Diego ‘rất đông’.
“Về mặt thủ tục, giám sát không gặp trở ngại gì cả,” anh nói. “Sân bay rất đông người
châu Á về nước.”
Theo giải thích của anh thì anh chọn hãng bay Đài
Loan vì muốn tránh phải quá cảnh qua những nơi đang có dịch bệnh nặng nề như
Hàn Quốc hay Nhật Bản.
“Ai cũng đeo khẩu trang. Chỉ có người Mỹ da trắng là không đeo thôi,” anh kể. “Nhưng đến Đài Loan rồi
thì ai cũng đeo.”
“Hành khách châu Á thì rửa tay liên tục. Họ cũng để ý xem ai có ho hay có
hắt xì không nên mình có muốn hắt xì cũng không dám.”
Anh nói khi ra sân bay anh ‘luôn giữ khoảng cách với mọi người từ 1 đến 2 mét.’
“Thủ tục thì cũng không bị hoãn gì cả. Cũng không ai hỏi mình là có được
cho về hay không,” anh nói thêm và cho biết chỉ một hôm sau ngày anh
quá cảnh Đài Loan thì chính quyền Đài Loan đã cấm tất cả các chuyến bay quốc tế
đến hòn đảo này kể cả quá cảnh đi một nước thứ ba.
Theo lời anh thì chuyến bay lấp đầy đến gần 90% nên
‘khoảng cách tiếp xúc là rất gần’.
Khi được hỏi về các biện pháp phòng vệ trên máy bay,
anh kể: “Trên máy bay mọi người kỹ lắm.
Người ngồi cạnh tôi mặc cả áo mưa. Tôi tránh cạ vào nhau. Mình mà lỡ đụng vào
người họ thì họ lau hết người họ luôn.”
“Mọi người đều không nói chuyện với nhau, tránh quay mặt về phía nhau
luôn,” anh nói. “Không
khí căng thẳng lắm"
Về phần mình, anh cho biết là khi lên máy bay anh
cũng sợ nhưng ‘không lo sợ quá’.
“Tôi đeo khẩu trang liên tục và dùng cánh tay, cổ tay, khuỷu tay để mở cửa,
hạn chế động vào những đồ vật trên máy bay và hạn chế đi vệ sinh nhiều nhất có
thể,” anh nói.
Khi ở Mỹ, anh T. cho biết anh ‘không hề được kiểm
tra thân nhiệt gì hết’ nhưng vừa về đến Việt Nam là anh phải ‘khai báo hành
trình đi từ đâu, qua đâu’.
‘Bị kỳ thị'
“Sau khi khai báo xong thì nộp cho cán bộ xuất nhập cảnh kèm theo hộ chiếu
rồi ngồi đợi. Chúng tôi ngồi đợi ở hàng ghế riêng. Khoảng 30-40 phút sau sẽ có
công an vào bảo là bây giờ thi đi. Chúng tôi xuống thì thấy hành lý sắp sẵn
luôn rồi. Chúng tôi lên xe đi luôn mà không đi qua cửa xuất nhập cảnh,” anh kể và cho biết hành khách trên chuyến bay của anh về sân bay Nội
Bài, Hà Nội, đã được đưa về doanh trại quân đội ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa, để cách
ly.
“Người Việt từ Mỹ, các nước EU hay ASEAN thì bị đưa đi cách ly còn về từ
Canada hay Úc thì được cho về nhà cách ly.”
Anh cũng kể là anh nhìn thấy một Việt kiều từ Mỹ về
được kéo ra ngoài và được đưa cho hai chọn lựa, ‘một là phải chịu cách ly, hai là phải quay về Mỹ’,
anh nói.
Theo lời anh thì trên chuyến bay từ Mỹ về Đài Loan
hôm đó ‘chỉ có vài Việt kiều’. Còn trên chuyến bay từ Đài Loan về Hà Nội ‘đa phần
là người đi lao động, người đi học ở nước ngoài về’.
Anh nói anh ‘không sợ mang bệnh về nước’ như các du
học sinh mới bị phát hiện dương tính gần đây. “Khi về đã được cách ly rồi. Mai mốt về nhà còn cách ly thêm nữa,”
anh giải thích.
Tuy nhiên,
theo lời anh thì hiện giờ ở Việt Nam ‘du học sinh bị đánh đồng với Việt kiều’
và anh cảm nhận được sự kỳ thị đối với những người từ nước ngoài về Việt Nam
trong hoàn cảnh này.
Theo lời anh thì ngay cả họ hàng xa của anh ở Thanh
Hóa cũng ‘ngại không muốn tiếp xúc’ và ‘không chịu giúp đưa đồ tiếp tế vào’.
“Bạn bè tôi cũng nói rằng nếu mày về mà mày không đi cách ly thì tao sẽ
không gặp,” anh nói thêm. “Họ
coi như là mình đã có virus rồi vậy.”
Ngoài việc nghiên cứu, anh T. còn tham gia giảng dạy
cho sinh viên ở trường. Hiện giờ trong trại cách ly ở Việt Nam, anh phải thức từ
4-7 giờ sáng để giảng bài cho sinh viên bên Mỹ, anh cho biết.
--------------------------------------------------
VOA Tiếng Việt
21/03/2020
Mặc dù có du học sinh cho rằng Việt Nam là nơi an
toàn hơn Mỹ để trú ẩn giữa dịch Covid-19, một số du học sinh Việt khác ở Mỹ quyết
định không về nước lúc này vì việc học hoặc vì họ xem việc đi về lúc này là ‘rủi
ro’ cho việc học tập, sức khỏe của bản thân và người thân ở Việt Nam.
Theo số liệu tính đến ngày 20/3, toàn nước Mỹ có
trên 16.600 ca nhiễm virus corona và 225 ca tử vong, xếp thứ 6 trên thế giới.
Việt Nam báo cáo có 91 ca nhiễm và chưa có ca tử vong nào. Hầu hết các ca dương
tính với COVID-19 mới phát hiện ở Việt Nam đều là du học sinh trở về từ các nước
Anh, Pháp, Mỹ.
Vào lúc này, mỗi ngày có hàng ngàn người Việt về đến
các cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài từ các nước có dịch. Theo quy định
mới của chính quyền Việt Nam thì bắt đầu từ nửa đêm ngày 21/3 bất cứ ai về từ bất
cứ nơi đâu trên thế giới sẽ bị đưa đi cách ly tập trung 14 ngày.
VOA đã liên lạc một số du học sinh Việt Nam ở vùng
quanh thủ đô Washington D.C. để tìm hiểu về phản ứng của họ.
‘Về mang theo bệnh’
Anh Nam Đoàn, hiện đang học cao học ngành Công nghệ thông tin tại
Đại học Marrymount, tiểu bang Virginia, nói sau khi cân nhắc kỹ, anh quyết định
không về Việt Nam vào lúc này.
Lý do anh đưa ra là anh không muốn gây nguy hiểm cho
bố mẹ anh ở Hà Nội cũng như không muốn gây khó khăn cho công việc chống dịch của
Việt Nam.
“Bây giờ tất cả mọi người từ tâm dịch đổ về Việt Nam cũng có thể là mang
theo mầm bệnh,” anh nói. “Ở
Việt Nam ít người có bệnh, chủ yếu là ở nước ngoài có bệnh rồi về làm lan ra
xung quanh.”
“Bố mẹ em cũng lớn tuổi rồi nên nếu em về mà bị bệnh chẳng hạn thì sẽ gây
nguy hiểm cho bố mẹ,” anh nói thêm.
Anh nói khả năng lây nhiễm lớn là khi anh ‘ra sân bay và lên máy bay gặp người này người
kia có thể bị lây bệnh’.
“Mình ở đâu thì cố gắng ở đấy và tự bảo vệ bản thân thay vì đi về (Việt
Nam) rồi lây cho những người nhà,” anh nói.
Tình hình dịch bệnh giữa Mỹ và Việt Nam, theo anh
Nam, thì Mỹ ‘chắc chắn đáng lo hơn’.
Tuy nhiên, anh sinh viên cao học này nói mặc dù số
ca của Mỹ đã lên đến gần 17.000 nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở các bang New
York, Washington, California và New Jersey và chưa lan nhiều ra những nơi khác
như nơi anh ở là bang Virginia.
“Nếu dịch bùng phát mạnh ở bang Virginia thì có thể em sẽ về, nhưng hiện
tại chưa đến mức,” anh Nam cho biết và nói anh hy vọng dịch ‘sẽ không
bùng phát trên khắp nước Mỹ’ vì Mỹ ‘đã bắt đầu phản ứng nghiêm túc hơn’ và ‘có
những biện pháp để chặn dịch lan rộng’.
Tuy nhiên, anh Nam cũng nói anh sợ rằng lúc đó
‘không về được’ vì ‘các chuyến bay rất hạn chế’ trong bối cảnh các nước đóng cửa
biên giới để chống dịch.
Mặc dù không về Việt Nam vào lúc này nhưng anh Nam
nói anh ‘thông cảm’ với các du học sinh trở về từ châu Âu.
“Việt Nam hiện thực hiện cách ly rất chặt chẽ, cung
cấp đầy đủ ăn ở cũng như chữa bệnh miễn phí nên việc du học sinh trở về nước là
điều có thể hiểu được,” anh nói thêm và chỉ ra việc Việt Nam truy lùng hết những
người tiếp xúc trực tiếp (F1) cũng như gián tiếp (F2) của các bệnh nhân dương
tính – điều mà anh cho là ‘Mỹ không làm được’.
Nếu trong trường hợp bị nhiễm bệnh thì anh nói anh sẽ
về Việt Nam vì ‘sẽ có khả năng được chữa trị cao hơn’.
Theo lời anh thì vào lúc này, cả anh và bố mẹ anh đều
lo lắng cho nhau.
“Bố mẹ em đã lớn tuổi. Rủi bị nhiễm bệnh thì kể cả ở Việt Nam có chữa trị
kịp thời thì khả năng được chữa khỏi là rất thấp. Đó là điều em không mong muốn
nhất vào thời điểm này,” anh nói và cho biết anh đã
khuyên bố mẹ không đi ra ngoài, kể cả đi dạo.
Trong khi đó, bố mẹ anh cũng rất lo cho anh, anh cho
biết, ‘vì các ca bệnh ở Mỹ đang leo thang rất nhanh’.
“Em không muốn giờ đi về rồi dang dở việc học mai mốt qua lại rất khó. Bố
mẹ khuyên em cố gắng hạn chế đi lại và giao tiếp với người khác,” anh nói.
Hiện giờ anh đang học trực tuyến cho đến hết mùa hè,
bỏ luôn việc tập thể hình cũng như đi đến nhà thuốc lấy thuốc vì ‘ở đó toàn người
bệnh’, theo lời anh. Riêng lương thực và nhu yếu phẩm thì anh đã ‘mua thủ sẵn’
trong nhà ngay khi Virginia phát hiện những ca bệnh đầu tiên.
Nỗi lo của du học sinh
Trao đổi với VOA, anh Nguyễn Trần Trí, nghiên cứu sinh tiến sỹ
ngành Tự động hóa thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ và hiện đang cư ngụ ở tiểu
bang Maryland, cho biết anh bị ‘kẹt’ vì sắp đến hạn trình luận án nên không thể
về Việt Nam tránh dịch được.
“Đây là kỳ cuối nên tôi phải ở lại để bảo vệ luận án tiến sỹ, tháng sau
tôi sẽ bảo vệ trực tuyến. Bảo vệ xong tôi sẽ về Việt Nam luôn,” anh nói và cho biết hiệu trưởng trường anh đã thông báo ông bị dương
tính với virus corona sau chuyến đi châu Âu về.
Nếu khi đó tình hình trở nên phức tạp hơn nữa khiến
cho việc đi lại thêm khó khăn thì anh Trí nói anh ‘sẽ ở lại Mỹ chờ đến khi nào
về được sẽ về’.
“Tôi bị bệnh hô hấp, bị hen suyễn nên nếu mắc thêm bệnh Covid-19 nữa thì
sẽ bị ảnh hưởng nhiều,” anh giải thích lý do muốn về
Việt Nam. “Về Việt Nam còn được điều trị
chứ ở đây sẽ bị cách ly ở nhà.”
“Giả sử vô tình mình mắc bệnh thì việc đầu tiên là mình phải tự cách ly ở
nhà chứ không được đến bệnh viện như Việt Nam.”
Anh nói một phần lý do anh vẫn ở lại Mỹ vì ‘tình
hình ở Mỹ không đến mức như ở châu Âu’.
“Nếu tình hình ở đây nghiêm trọng như ở châu Âu thì tôi sẽ về,” anh nói và cho biết nhiều bạn bè của anh ở Anh, Tây Ban Nha hay Thụy Sỹ
‘đều đã về Việt Nam’.
Theo lời anh Trí thì nếu về Việt Nam vào lúc này thì
chắc chắn anh sẽ bị đưa đi cách ly ngay trong 14 ngày ở cách doanh trại quân đội,
nhưng điều đó đối với anh không là vấn đề.
“Cha mẹ tôi cũng lo nhiều và dặn dò nhiều, thúc giục tôi đi chợ mua đồ dự
trữ và dặn không được đi ra ngoài,” anh nói.
Khi dịch chớm xuất hiện ở bang Maryland thì anh ‘đã
đi chợ mua đồ hết rồi’ nên anh ‘không đi ra ngoài trong vòng 10 ngày nay, anh
cho biết. Do đó anh không lo lắng gì hết mà chỉ ở trong nhà không đi ra ngoài.
‘Nhiều rủi ro’
Về phần mình, cô Ngô Tăng Thu Hà, sinh viên năm nhất ngành Kỹ
thuật Y sinh cũng thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ có cùng quan điểm với anh Nam
Đoàn là về Việt Nam bây giờ ‘sẽ rủi ro và tạo sức ép đối với hệ thống chống dịch
trong nước’.
Theo cô thì ‘cách tốt nhất là mọi người ở đâu thì
nên ở đấy’ và gọi việc di chuyển từ nơi có dịch đến nơi ít dịch là ‘chắp vá’ vì
‘dịch xảy ra ở khắp nơi’.
“Em không nghĩ chắp vá thế này có lợi cho việc chống dịch,” cô nói. “Ở đâu cũng như nhau cả.
Cách tốt nhất là tự giữ gìn sức khỏe.”
“Em không muốn vì cá nhân mình mà làm ảnh hưởng đến những người đang chống
dịch ở Việt Nam,” cô nói thêm về lý do cô không muốn về quê nhà của cô
là Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng giống như anh Nam, cô Thu Hà chỉ ra nguy cơ của
việc bị lây nhiễm khi đi máy bay vào lúc này là ‘khá cao’.
“Em không sợ bị nhiễm virus mà chỉ sợ là em sẽ mang virus về lây cho những
người già vốn có nguy cơ tử vong cao.”
Một rủi ro nữa của việc về Việt Nam lúc này, theo lời
người sinh viên năm nhất này, là ‘khó xin thị thực trở lại Mỹ’ trong bối cảnh Mỹ
đã hủy tất cả mọi cuộc hẹn xin thị thực thông thường đối với tất cả các nước
trên thế giới.
Khác với anh Nam và anh Trí, cô Thu Hà cho rằng hiện
tại ở Mỹ ‘an toàn hơn’ ở Việt Nam.
Cô giải thích rằng mặc dù con số lây nhiễm cao nhưng
tỷ lệ nhiễm trên tổng số dân Mỹ ‘không có bao nhiêu’ và rằng chăm sóc y tế ở Mỹ
khi nhiễm bệnh ‘sẽ tốt hơn ở Việt Nam’ trong khi ‘tất cả sinh viên ở Mỹ đều có
bảo hiểm’.
“Ngay cả khi hệ thống y tế ở Việt Nam có kinh nghiệm chống dịch hơn nhưng
khi phát sinh số lượng nhiễm cả ngàn người thì Việt Nam cũng không có năng lực
để xử lý,” cô giải thích.
“Nếu toàn bộ du học sinh về Việt Nam thì làm sao Việt Nam chắc chắn chỉ
có bao nhiêu đó ca nhiễm?” cô nói thêm.
“Hiện giờ em vẫn được trường cho ở lại ký túc xá nên mọi thứ vẫn ổn. Em
đang rất lo là không biết đến mùa hè họ có cho ở lại hay không,” cô nói thêm.
Theo lời cô thì nhiều bạn bè cô đã phải về Việt Nam
vì nhà trường đóng cửa và không cho sinh viên ở nội trú nữa để ngăn dịch.
“Mỹ hành động muộn hơn những nước khác nhưng bây giờ cũng bắt đầu làm quyết
liệt,” cô nói thêm.
No comments:
Post a Comment