NỘI DUNG :
Lê
Phú Khải
.
Hiền
Lương (VNTB)
.
Phạm
Nghĩa (Theo Reuters)
.
====================================
.
Lê Phú Khải
19/03/2020
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị Trung cộng
ích kỷ và đểu cáng bức tử, vì chúng đã xây dựng một chuỗi 8 con đập thuỷ điện với
tổng công suất 15.400 MW ngay trên dòng chính thượng nguồn sông Mekong!
Trung cộng còn giúp đỡ các nước Thái Lan, Lào… xây
các đập thuỷ điện trên dòng Mekong.
ĐBSCL đang bị bức tử. Hàng trăm ngàn hecta lúa chưa
ngậm đòng đã chết lụi! Hàng trăm ngàn hộ dân ĐBSCL đang chết khát nước ngọt!
Vì lẽ đó, tôi rất đau đớn và phẫn nộ khi thấy những
người đang cầm quyền – dù không được dân bầu – vẫn thờ ơ vô trách nhiệm, chỉ lo
sắp đặt, cơ cấu cho phe cánh của mình ở đại hội 13 sắp tới.
Mỗi năm, dòng sông vĩ đại và thiêng liêng này chảy
đi 500 tỷ mét khối nước, với lưu lượng 13.200 m3/giây, chuyên chở 1000 triệu tấn
phù sa màu mỡ… Đó là sự “hẹn hò của lịch sử” chờ đón người Việt đi khai hoang mở
đất về phương Nam.
Thưa quý vị, với tư cách là phóng viên thường trú của
cơ quan ngôn luận cấp trung ương tại ĐBSCL hơn 10 năm, và đặc trách theo dõi đồng
bằng 10 năm sau đó, tôi đã viết hằng ngàn tin, bài cho đài báo, và đã xuất bản
6 đầu sách về vùng đất ĐBSCL mà tôi yêu quý gắn bó. Ba trong sáu cuốn sách đó
đã được tái bản, có cuốn được tái bản đến lần thứ hai như cuốn Đồng Tháp Mười
hôm nay. Cuốn cuối cùng là Đồng bằng sông Cửu Long – 40 năm nhìn lại được in
năm 2015 có độ dày 360 trang.
Hình bìa “Đồng bằng sông Cửu Long – 40 năm nhìn lại”
Trong những cuốn sách được viết bằng mồ hôi và trí
tuệ đó của tôi, tôi đã phản ánh, dự báo tất cả những hiểm hoạ đe doạ ĐBSCL là
thiếu ngọt và xâm nhập mặn. Sách được bán hết và còn tái bản, nhưng chỉ có các
cháu sinh viên, các nhà trí thức, nhà nghiên cứu mua! Tức là những người không
có quyền lực gì đọc (!). Tôi có “điều tra” phỏng vấn một vài vị bộ trưởng,
trong đó có bộ trưởng nông nghiệp và cán bộ lãnh đạo ở ĐBSCL, không ai đọc sách
của tôi cả! Thậm chí, có Tổng bí thư, tôi gửi tặng sách, cũng không hề có hồi
âm! Với tư duy nhiệm kỳ, người ta còn lo giữ ghế và vơ vét!
ĐBSCL tươi đẹp và đau khổ với 13% diện tích của cả
nước, 18% dân số cả nước, có 47% diện tích đất lúa cả nước, có sản lượng 56% sản
lượng lúa cả nước, chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu hằng năm. ĐBSCL có 40% sản lượng
thuỷ sản của cả nước và 60% sản lượng xuất khẩu thuỷ sản hằng năm. Riêng con cá
tra (trong sổ tay phóng viên thường trú của tôi), năm 2008 sản lượng đạt 1,2
triệu tấn, xuất khẩu 640.829 tấn, trị giá xuất khẩu đạt 1,453 tỷ USD, chiếm
32,2% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản cả nước.
Chính 18 triệu nông dân ĐBSCL chứ không phải ai
khác, đã cứu nguy cho đất nước và nhờ đó chế độ đang cai trị đất nước đứng vững
được sau những năm khốn khó của thời kỳ bao cấp và Liên Xô sụp đổ, bằng xuất khẩu
gạo đứng hàng đầu thế giới. Với 2,5 triệu hecta đất nông nghiệp, năm 1990 ĐBSCL
đã tạo ra sản lượng 12 triệu tấn lúa, bằng 50% tổng sản lượng lúa của Thái Lan
canh tác trên 9,5 triệu hecta. Đến năm 1999, đã xuất khẩu được 4,4 triệu tấn gạo.
Vậy mà! Vậy mà… đến nay mặn xâm lấn vào sâu đến 70
km, dân chết khát nước ngọt mà không thấy ai có quyền, có trách nhiệm ở đất nước
này nói năng gì, ngoại trừ vài hình ảnh ĐBSCL đang chết khát trên VTV!
Các vị lãnh đạo lớp trước có trách nhiệm với ĐBSCL
như Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra quyết định 99TTG, và quyết liệt thực hiện quyết
định này trong 5 năm với vốn đầu tư 7.100 tỷ (năm 1966) đã giúp nông dân ĐBSL đứng
vững và làm nên kỳ tích xuất khẩu lúa gạo. Ông Kiệt đã từng nói với người
viết những dòng chữ này rằng: Với ĐBSCL không có lũ cũng là thiên tai!
Ông còn nói: Mọi tư duy của ĐBSCL phải xuất phát từ
khả năng cung cấp nước ngọt. Cái gì cũng có thể làm ra, nhưng phù sa nước ngọt
thì không thể làm ra được, một giọt nước sông Tiền sông Hậu là một giọt vàng!
Nhà lãnh đạo tâm huyết và sáng suốt của ĐBSCL đã đi
xa. Nhớ đến ông tôi không khỏi ngậm ngùi…
Cố vấn Võ Văn Kiệt
và tác giả (2004)
Nay thời thế đã thay đổi, kẻ thù truyền kiếp của dân
tộc Việt Nam là bon thống trị ở bên Tàu đã xây đập ngăn những “giọt vàng” chảy
về hạ nguồn.
Khai mở cho kẻ thù mặn xâm nhập ĐBSCL, chúng quyết
tâm bóp chết cái dạ dày của Việt Nam. Để có chiến lược cho ĐBSCL trong tương
lai, trước hết phải nhận diện kẻ thù mặn ở đồng bằng trong quá khứ một cách
khoa học, căn cơ.
Mặn được đánh giá là tài nguyên, nhưng mặn chỉ phù hợp
với dải rừng đất ướt ven biển, với những nơi hội tụ đủ điều kiện nuôi trồng thuỷ
sản đem lại lợi nhuận cao, nhanh và nghề làm muối. Trái lại, mặn huỷ diệt cây
trồng nông nghiệp và kìm hãm phát triển dân cư, gây trở ngại lớn cho cuộc sống
con người. Vì thế mà các nước giàu có như Mỹ, Nhật chỉ tiêu thụ tôm chứ không
nuôi tôm. Vì như Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có lần nói: Ngọt là môi trường cao cấp
và còn cần cho công nghiệp hoá.
Ở những vùng nhiễm mặn ĐBSCL, từ lâu, mặn đã bị coi
là “kẻ thù” của nông dân. Vì thế từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc nước trời mùa mưa, ở
vùng mặn, người nông dân đã biết “luồn lách” để sống!
Họ tìm cách be bờ giữ ngọt, quai đê lấn biển, đào
kênh dẫn ngọt, trữ ngọt mùa mưa, tiết kiệm mùa khô… ở vùng mặn chỉ làm được một
vụ lúa trông vào nước trời, năng suất thấp.
Khát khao đổi đời của người nông dân vùng mặn ĐBSCL
kéo dài theo năm tháng. Nhưng ngọt hoá cả một vùng rộng lớn thì sức của người
nông dân cá thể không làm nổi. Trước 1975, chính quyền Sài Gòn cũng đã có
chương trình ngăn mặn, ngọt hoá Gò Công nhưng chưa làm được.
Từ năm 1975, bằng nỗ lực của nhà nước và nông dân,
sau nhiều năm cố gắng, các công trình thuỷ lợi đầu mối dẫn ngọt – ngăn mặn, nhằm
ngọt hoá nhiều vùng đất rộng lớn đã hoàn thành.
Phải lần lượt kể đến những chương trình ngọt hoá Gò
Công cho 54.000 hecta, Tầm Phương - Trà Vinh cho 7.000 hecta, Vàm Đồn - Bến Tre
cho 8.000 hecta… và các chương trình lớn, có tác dụng dẫn ngọt, ngăn mặn cho
hàng trăm ngàn hecta như Nam Măng Thít (Trà Vinh – Vĩnh Long), Quản Lộ - Phụng
Hiệp (bán đảo Cà Mau) của Quyết định 99TTG.
Nước ngọt phù sa từ sông Tiền, sông Hậu đưa về đã
xoá bỏ được bao cuộc đời mặn chát cơ hàn bấy lâu nay. Những ai đã từng chứng kiến
mùa khô dài dằng dặc, đất nẻ tận đáy ao, gió chướng mang nặng hơi mặn từ biển dội
vào tàn phá làng mạc, mới thấy hết giá trị của những dòng nước ngọt đem đến cho
nông dân vùng mặn ở ĐBSCL.
Lúa từ một vụ năng suất thấp đã ùa lên thành ba vụ
năng suất cao. Rồi vườn tược, cây trái mọc lên từ phù sa nước ngọt. Huyện Gò
Công Đông nghèo đói, các băng cướp ở Sài Gòn xưa kia, đều có lý lịch là dân Gò
Công! Nay Gò Công làm 3 vụ lúa có chất lượng cao, bán được giá nhất tỉnh, hơn cả
vùng Cai Lậy, Cái Bè ở phía Tây nổi tiếng giàu có xưa nay, đó là điều mới lạ ở
Tiền Giang.
Ở huyện Vĩnh Lợi nằm trong vùng ngọt hoá bán đảo Cà
Mau, những tá điền nghèo khó của công tử Bạc Liêu xưa kia, nay bỗng nhiên có
nhà tường sáng choang nhờ nước ngọt của sông Hậu đã được dẫn về vùng hạ. Bà con
ở xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Lợi cho tôi biết, nhờ có nước ngọt làm được 3 vụ lúa,
lại nuôi được cá nên xã đã xuất hiện một cái chợ sầm uất, có cửa hàng vật liệu
xây dựng cung cấp nguyên vật liệu cho nông dân lên nhà tường. Chương trình Ngọt
hoá của Quyết định 99TTG đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của một vùng đất đai rộng lớn
có mật độ dân cư cao của ĐBSCL.
Nhưng anh bạn 4 tốt 16 chữ vàng đã dã tâm triệt hạ
ĐBSCL của Việt Nam bằng những con đập chặn dòng phù sa nước bạc, nước vàng.
Không thể ngồi yên chờ chết, cũng không thể “dọn”
ĐBSCL đi xa anh hàng xóm bất lương. Phát biểu của Giáo sư Võ Tòng Xuân (VTX) gần
đây đã gây được chú ý của đông đảo người Việt Nam có quan tâm đến số phận của đồng
bằng. Thật bất ngờ (Lịch sử thường đi những lối bất ngờ – Tố Hữu), trước đây
Giáo sư VTX đã phát biểu, một người của công chúng khi phát biểu thường được
nhiều người nghe theo, rằng, ở đâu có nước mặn là nuôi tôm, bất kể việc quy hoạch
vùng mặn - ngọt của chính phủ! Ý kiến của Giáo sư VTX đã được Thủ tướng Võ Văn
Kiệt phê phán ngay. Nhưng thời thế đã thay đổi, lịch sử đã đi “những lối bất ngờ”!
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, nước ngọt bị chặn dòng thì những ý kiến
tìm cách thích nghi với mặn để chung sống với nó của Giáo sư VTX là vô cùng xác
đáng.
Giáo sư Võ Tòng
Xuân và tác giả (2012)
Giáo sư VTX có cả một chiến lược trong đầu, trồng
cây gì, nuôi con gì, giảm diện tích lúa kém hiệu quả để nuôi trồng cây con chịu
được mặn cho ĐBSCL… mà ông đã từng nói cho tôi nghe.
Vì thế, những người có quyền lực tối cao ở đất nước
hôm nay là Bộ Chính trị phải có trách nhiệm và có chính sách quyết đoán mạnh mẽ
về ĐBSCL trước khi quá muộn.
Năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập một
hội nghị bàn về các biện pháp thích nghi cho ĐBSCL trước biến đổi khí hậu. Hội
nghị triệu tập đến 500 đại biểu, diễn ra trong 2 ngày, có cả chuyện Thủ tướng
đi máy bay thị sát ĐBSCL. Đó là chuyện tào lao, vô bổ, nếu không muốn nói là
hình thức và mang tính chất “bầy đàn”!
500 con người thì ai nói ai nghe? Mà biết gì để
nói?! Có đại biểu còn gây cười cho mọi người đến mức ông ta phát biểu: Khô cũng
là tiềm năng!
Hơn 10 năm làm phóng viên thường trú ở ĐBSCL, dẫm
nát các nẻo đường của mảnh đất bằng phẳng đến kỳ lạ này, tiếp xúc từ người trồng
lúa, nuôi tôm, xin số điện thoại của họ để tiện liên lạc, thông tin… đến gặp gỡ
Thủ tướng chính phủ để nghe các quyết sách cho đồng bằng, tôi đề nghị, sắp tới
phải có một hội nghị khoa học để bàn chiến lược lâu dài cho đồng bằng. Hội nghị
này chỉ mời tối đa là 50 đại biểu và không hạn chế thời gian cho đến khi ra được
quyết sách cho đồng bằng.
50 đại biểu đó, ngoài 12 vị đứng đầu các tỉnh thành ở
ĐBSCL, còn lại phải là các nhà khoa học hàng đầu, từng đóng góp cho ĐBSCL những
năm qua như: giáo sư Võ Tòng Xuân, tiến sỹ Tô Văn Trường, giáo sư Nguyễn Văn Luật,
tiến sỹ Vũ Trọng Khải, tiến sỹ Phạm Văn Kim, tiến sỹ Nguyễn Chí Sơn, cô giáo Trần
Thị Thu Ba, tiến sỹ Mai Thành Phụng, tiến sỹ Mai Văn Quyền, tiến sỹ Lê Thanh Hải,
tiến sỹ Nguyễn Bảo Vệ, giáo sư Đào Xuân Học, bác sỹ thú y Vũ Ngọc Xuyến, thạc
sĩ Mai Oanh…, các cán bộ khoa học trẻ ở Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang, cán
bộ quản lý có kinh nghiệm và uy tín như nguyên chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn
Minh Nhị… Ngoài ra, cần mời các nhà báo, nhà văn ở đồng bằng có tiếng như Nguyễn
Ngọc Tư, nhà thơ Lê Chí, nhà văn Phan Trung Nghĩa… Về phía quốc tế, cần mời bằng
được các chuyên gia của Uỷ hội Sông Mekong, các nhà khoa học Israel… Và, cuối
cùng, không thể thiếu tiếng nói của nông dân, những người trồng lúa giỏi, nuôi
tôm cá giỏi, làm vườn giỏi… đó là trí tuệ của ĐBSCL.
Theo thiển ý của tôi, và đã tập hợp ý kiến của nhiều
nhà khoa học đã phát biểu trên mạng xã hội vừa qua, thì, nội dung của hội nghị
khoa học 50 người đó sẽ có 3 vấn đề phải đem ra mổ xẻ và kết luận:
Một
là, vấn đề chuyển đổi cây trồng để thích nghi với mặn.
Chuyển đổi một số diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, hoặc một vụ tôm, một
vụ lúa vào mùa mưa như ở Sóc Trăng. Nghiên cứu, thí điểm những cây con chịu được
mặn.
Hai
là, việc tích ngọt. Chúng ta có cả 6 tháng mùa mưa với
một lượng nước ngọt trời cho và vô tận. Tôi đã có lần đi theo một đoàn du lịch
quốc tế của Công ty Du lịch Vĩnh Long. Nhân viên hướng dẫn du lịch phát cho mỗi
khách lữ hành một cái áo mưa. Khi trời mưa rất to ập đến, mọi người đều mang áo
ra mặc. Duy chỉ có một vị khách không mặc áo mưa và để cho người ướt đẫm suốt
nhiều tiếng đồng hồ. Tôi thấy lạ và đã phỏng vấn người khách này, nên được biết,
ông ta là công dân Israel. Nước ông ta quanh năm không có mưa, toàn sa mạc, bởi
vậy ông muốn dầm mưa cho… đã!
Cái nước Israel ấy ngày nay là một nước nông nghiệp
tiên tiến hàng đầu trên thế giới, ở đó người ta quý trọng và tiết kiệm từng giọt
nước ngọt.
Vậy còn chúng ta? Có nên đào ao chứa nước ngọt vào
mùa mưa hay không? Xin các vị hãy bàn thảo cho kỹ.
Tôi đã có lần lặn lội cả tháng trời ở huyện Đầm Dơi
tỉnh Cà Mau để viết phóng sự điều tra về tình trạng tôm nuôi chết nhiều năm
2005. Tôi đã được thấy nhiều gia đình nông dân làm ăn căn cơ đã xây bể lớn để
trữ nước ngọt xài trong mùa khô. Có nhà không xây bể thì sắm hàng chục cái chum
lớn để trữ ngọt. Vậy điều này nông dân đồng bằng có làm được không? Sẽ tiến tới
phải phát động toàn dân trữ ngọt, tiết kiệm từng giọt nước ngọt, phải đưa việc
giáo dục tiết kiệm nước ngọt vào trường học cho các em học sinh có ý thức tiết
kiệm nước ngọt, phải thay đổi toàn bộ tư duy về nước ngọt cho nông dân ĐBSCL,
vì, sông Mekong, nguồn nước ngọt mà thượng đế ban cho dân đồng bằng đang bị bức
tử!
Ba là, cùng với việc giữ gìn nguồn nước ngọt là việc
bảo vệ môi trường, tuyệt đối không xả rác, vứt xác súc vật chết xuống dòng nước
ngọt hiếm hoi còn giữ được.
Chúng ta nhất định sống được, giữ được ĐBSCL nếu nhà
nước và toàn dân đồng bằng quyết liệt chống lại dã tâm bóp chết ĐBSCL của giặc
Tàu, như nhà nước và nhân dân đang chống giặc COVID-19 hiện nay.
Tiến tới, Quốc hội phải ban hành những luật về bảo vệ
nước ngọt ở ĐBSCL. Vì, đồng bằng ốm, thì cả nước Việt Nam sẽ yếu. Những mơ tưởng
hão huyền về “đi tắt đón đầu đuổi kịp và vượt phương Tây trong vòng mươi, mười
lăm hai mươi năm” như tuyên bố của ông Thủ tướng vô tích sự Phạm Văn Đồng năm
1978 tại Hội nghị Khoa học toàn quốc họp tại Nhà hát lớn Hà Nội … chỉ làm trò
cười cho thiên hạ! Tuyên bố của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh năm 2010 rằng, đến
năm 2020, Việt Nam sẽ thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại… càng
chứng tỏ thiểu năng của lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Việt Nam sẽ là một nước nông nghiệp kỹ nghệ cao, hiện
đại… là phù hợp với thực tế và lịch sử, trong đó ĐBSCL là một vùng trọng điểm của
đất nước, là an toàn cho 130 triệu dân Việt như dự đoán về phát triển dân số tới
đỉnh điểm trong tương lai…
Thật may mắn, bên cạnh những bộ óc thiểu năng của
lãnh đạo, thì ngay trong cơn hoạn nạn hạn hán nặng ở ĐBSCL hiện nay, đã xuất hiện
những người nông dân đầy sáng tạo, biết thích nghi để tồn tại.
Nông dân Nguyễn Văn Đổi ở thị trấn Long Phú, huyện
Long Phú đã phát hiện ra giống bưởi da xanh chịu mặn. Ông Đổi đã trồng bưởi da
xanh được 8 tháng phát triển tốt, trồng xen với cây sả. Bán gốc sả lấy tiền đi
chợ hàng ngày, còn lá sả ủ cho gốc bưởi. Bưởi của ông bán được 5.000 đồng/ký.
Ở xã Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, ông
Phương nuôi 100.000 con cá lóc. Đoán trước tình trạng sẽ khô hạn, ông đã đào ao
trữ ngọt từ mùa mưa. Đến nay, ông đã “chuyển hộ khẩu” (như lời của ông) cho cá
sang ao nước ngọt, nên ông đã thắng.
Còn rất nhiều những nông dân sáng tạo như thế. Nên
chúng ta có quyền tin tưởng nếu những có quyền lực ra tay giúp đỡ nông dân
ĐBSCL.
L.P.K
Tác
giả gửi BVN
---------------------------------------------
.
Hiền Lương (VNTB)
19/03/2020
Sao
lại không buồn khi mà Campuchia tuyên bố dừng các kế hoạch thủy điện trên sông
Mekong, còn Việt Nam thì tháng tư tới đây vẫn sẽ cùng Lào xây dựng thủy điện ở
Luang Prabang.
Campuchia sẽ không phát triển các đập thủy điện mới
trên sông Mekong trong 10 năm tới và tạo năng lượng từ than, khí đốt tự nhiên
cùng năng lượng mặt trời.
Reuters dẫn lời một quan chức năng lượng cấp cao
Campuchia cho biết như trên hôm 18-3 (https://www.reuters.com/article/us-mekong-river-cambodia/cambodia-halts-mainstream-mekong-river-dam-plans-for-10-years-official-says-idUSKBN215187)
Quyết định này có nghĩa là Lào và Việt Nam là hai quốc
gia tại lưu vực hạ lưu sông Mekong lên kế hoạch phát triển thủy điện trên sông
Mekong. Trong vòng 6 tháng qua, Lào đã xây thêm 2 con đập trên dòng chảy chính
của sông Mekong.
Ông Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Biến đổi Khí hậu (Đại
học Cần Thơ), người có thời gian dài làm việc tại Lào và từng nghiên cứu các dự
án trên dòng chính Mekong, cho biết những nhà đầu tư dự án thủy điện Luang
Prabang chuẩn bị khởi động lại dự án vào tháng 4-2020. Chủ đầu tư dự án thủy điện này là một doanh nghiệp
thuộc nhà nước Việt Nam: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (http://www.pvpe.vn/vn/du-an/p13)
Cuối năm 2019, trên Asia Sentinel, ông David Brown –
một nhà cựu ngoại giao Mỹ và rất am tường với Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam,
đã có lời khuyên Việt Nam nên xem lại bài toán kinh tế với dự án đập thủy điện
Luang Prabang. (https://www.asiasentinel.com/p/vietnam-utility-mekong-devastation)
Theo tác giả, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam
đã ký một thỏa thuận với Lào vào năm 2007 liên quan đến con đập. Kể từ đó, mọi
thứ đã thay đổi rất nhiều. Đã thấy rõ sự suy thoái của sông Mekong và nhiều
nhánh sông của nó đang tàn phá sức khỏe kinh tế và môi trường của vùng hạ lưu
sông Mekong, địa bàn của khoảng 20 triệu nông dân và ngư dân. Những tác động
này không còn là vấn đề phỏng đoán.
Phù sa và chất dinh dưỡng hằng năm bị bóp nghẹt, sự
trù phú của đồng bằng sông Cửu Long đang suy thoái. Cá di cư đã từng là nguồn sống
của nghề cá nội địa lớn nhất thế giới, nhưng vì cá không thể đến được nơi sinh
sản, nghề cá đang gặp khó. Năm 2019, khu vực này đã trải qua hạn hán thảm khốc
sau đó là lũ lụt kỷ lục. Biến đổi khí hậu chịu trách nhiệm một phần, nhưng theo
các chuyên gia Việt Nam, việc lưu trữ và xả nước không điều hòa từ các đập thượng
nguồn làm trầm trọng thêm các biến đổi theo mùa mà nông dân phụ thuộc.
“Nếu Việt Nam không thể cấm việc xây dựng thủy điện ở Lào, thì nên chủ động
tham gia yêu cầu họ từ khâu thiết kế đến quy trình vận hành…” – Đó là biện minh mà Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đưa ra ở dự
án thủy điện Luang Prabang.
Trước câu hỏi: “nhiều người cho rằng nếu
ta không làm thì Trung Quốc sẽ nhảy vào?”, ông Lê Anh Tuấn đặt ngược vấn đề: “Thử hỏi, nếu Trung Quốc muốn ra mặt đầu tư
vào thủy điện này thì Việt Nam có ngăn cản được không?. Chẳng qua, họ lui một
bước, và giăng ra một cái ‘bẫy’, khi Việt Nam nhảy vào dự án thủy điện Luang
Prabang thì sau này phải “câm luôn”, không thể phê phán tác hại thủy điện trên
dòng chính của Trung Quốc hay Lào được nữa”.
Dòng sông Mekong đang bị các đập thủy điện cắt ngang
dọc, các dự án tạo cộng hưởng bất lợi khôn lường cho vùng hạ lưu. Có công trình
do vốn từ Trung Quốc đầu tư hại Việt Nam, nhưng cũng có công trình do chính
mình hại mình.
Hãy nhìn hạn mặn, hạn hán đầy khốc liệt đang diễn ra
ở đồng bằng sông Cửu Long, để thấy rằng chẳng còn nước mắt nào để khóc cho một
dòng sông đang bị chính những tập đoàn của nhà nước Việt Nam bức tử!
-------------------------------
.
Tin vui mùa dịch Wuhan coronavirus:
Phạm Nghĩa (Theo Reuters)
19/03/2020
(NLĐO)
– Campuchia sẽ không phát triển các đập thủy điện mới trên sông Mekong trong 10
năm tới và tạo năng lượng từ than, khí đốt tự nhiên cùng năng lượng mặt trời.
Reuters
dẫn lời một quan chức năng lượng cấp cao Campuchia cho biết như trên hôm 18-3.
Quyết định này có nghĩa là Lào sẽ trở thành quốc gia
duy nhất tại lưu vực hạ lưu sông Mekong lên kế hoạch phát triển thủy điện trên
sông Mekong. Trong vòng 6 tháng qua, Lào đã xây thêm 2 con đập trên dòng chảy
chính của sông Mekong.
Tổng Giám đốc năng lượng Bộ Mỏ và Năng lượng
Campuchia, Victor Jona, nói với Reuters rằng Phnom Penh đang theo dõi một
nghiên cứu do nhà tư vấn Nhật Bản thực hiện, trong đó khuyến nghị Campuchia tìm
kiếm năng lượng ở nơi khác.
"Theo nghiên cứu, chúng tôi cần phát triển
than, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), nhập khẩu từ các nước láng giềng và năng
lượng mặt trời. Tôi không thể tiết lộ chi tiết kế hoạch tổng thể của chính phủ"
– ông Jona cho hay và nói thêm: "Trong kế hoạch 10 năm này, từ năm
2020-2030, chúng tôi không có kế hoạch phát triển đập chính".
Các nhà hoạt động môi trường trước đó cảnh báo các
con đập sẽ gây hại cho nghề cá và canh tác dọc hạ lưu sông Mekong dài 2.390 km.
Nhiều ngư trường và đất nông nghiệp được hưởng lợi từ con sông này. Nó chảy từ
Trung Quốc, qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Tuy nhiên, tình trạng hạn hán kỷ lục và lượng cá
đánh bắt thấp năm vừa qua cũng bị đổ lỗi cho biến đổi khí hậu và đánh bắt quá mức.
Campuchia từng công bố kế hoạch xây 2 con đập tại
Sambor và Stung Treng nhưng cả 2 dự án đều đang bị trì hoãn. Bên kia biên giới,
nguồn điện từ nhà máy thủy điện Don Sahong của Lào bắt đầu cung cấp năng lượng
cho Campuchia vào tháng 1 dựa trên thỏa thuận 30 năm giữa 2 bên.
Hồi năm ngoái, Campuchia bị mất điện tồi tệ nhất
trong nhiều năm do nhu cầu sử dụng tăng đột biến, một phần do sự bùng nổ xây dựng
đi kèm với đầu tư của Trung Quốc và mực nước tại các đập thủy điện thấp. Thủy
điện cung cấp khoảng 48% sản lượng điện tại Campuchia, theo Công ty điện lực
Electricite du Cambodge.
Với nhu cầu tăng nhanh, Campuchia đã nhập khẩu khoảng
25% lượng điện vào năm ngoái, phần lớn từ Việt Nam và Thái Lan.
P.N.
No comments:
Post a Comment