Thursday, 5 March 2020

ĐÀN ÁP THÂN NHÂN ĐỂ ÁP LỰC NGƯỜI ĐẤU TRANH : 'MƯU HÈN, KẾ BẨN' CỦA HÀ NỘI! (Diễm Thi, RFA)




Diễm Thi, RFA 
02/03/2020

Những kiểu đàn áp người thân

Đối với những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam thì viễn cảnh bị sách nhiễu, bị đàn áp, bị làm nhục, thậm chí bị bắt giam là điều họ đã chuẩn bị và chấp nhận. Thế nhưng chuyện đàn áp thân nhân của họ khiến nhiều người phải chùn bước.

Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (RSF) hôm 2 tháng 3 ra thông cáo báo chí về tình trạng chính phủ Hà Nội sách nhiễu, quấy rối gia đình ông Bùi Thanh Hiếu, tức Blogger Người Buôn Gió. Trong số những người thân của ông có cả người mẹ 86 tuổi đang phải nằm viện.

Ông Bùi Thanh Hiếu là một nhà báo độc lập, hiện đang sống tại Đức.

Thông cáo trích dẫn thông báo ngưng viết của ông Hiếu trên facebook cá nhân và cho rằng chính quyền lợi dụng việc này để buộc ông phải tuân theo sự điều khiển của họ, chịu sự kiểm soát của họ.

RSF dẫn lời ông Daniel Bastard, người phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức này rằng, cách mà an ninh Việt Nam đang làm để bịt miệng một tiếng nói bất đồng chính kiến thật đáng khinh bỉ và kêu gọi Đại sứ quán Đức ở Hà Nội giám sát những hành vi quấy rối của cơ quan chức năng đối với gia đình ông Bùi Thanh Hiếu.

Thân nhân Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức cũng bị chính quyền Việt Nam gây khó dễ được ông viết trên facebook cá nhân hôm 4 tháng 2 năm 2020 với câu mở đầu là “Cộng sản Việt Nam thù chồng, phạt vợ”.

Ông kể, vợ ông là Vũ Minh Khánh về Việt Nam để thăm gia đình. Khi tới sân bay Nội Bài lúc 7 giờ sáng ngày 4 tháng 2 năm 2020 thì an ninh cho hay bà Khánh không được nhập cảnh Việt Nam vì liên quan tới các công việc của ông trước và sau khi rời Việt Nam. Vợ ông trả lời rằng không biết và không quan tâm tới những công việc của chồng, nhưng họ vẫn không cho bà Khánh nhập cảnh và ép bà lôi lên máy bay trở về Đức hai tiếng sau đó.

Một trường hợp khác là ông Đường Văn Thái, một người đấu tranh hiện đang tạm lánh ở Bangkok, Thái Lan nhưng mẹ già và con trai ở ngoại thành Hà Nội thường xuyên bị đàn áp, sách nhiễu. Con trai ông đi học bị cô giáo gọi vào bảo ‘bố là phản động’, mẹ thì bị an ninh bắt ký giấy nhận tội thay con trai vì ‘không biết dạy con, để con làm phản động’.

Ông kể, khi ông đăng tải những thông tin liên quan đến dịch COVID-19 mà chính quyền giấu diếm lên Youtube, thì hôm 5 tháng 2 năm 2020, an ninh ở Hà Nội; A67 của Bộ Công An và công an địa phương vào nhà ông tra hỏi, hạch sách mẹ ông từ 1 giờ trưa đến 6 giờ chiều mới buông tha dù không lấy được chữ ký nào của bà cụ.

“Họ bắt mẹ em ký biên bản nhận tội thay em. Nhà em bị hạch sách, quấy rối từ năm 2012 đến nay rồi nhưng mẹ em không bao giờ ký giấy tờ gì cả. Đợt này nó cho cả cán bộ địa phương như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên của xã đến ‘đấu tố’ mẹ em rằng không dạy em được em, rằng có con trai là phản động… nói chung là tuyên truyền các kiểu.”

Ông Đường Văn Thái cùng mẹ và con trai trước ngày ông rời Việt Nam. Hình: facebook duongvanthai

Ông Đường Văn Thái bị phía cơ quan và chính quyền địa phương tuyên truyền là thành phần phản động. Khi ông mạnh mẽ lên tiếng phản đối Formosa gây ra thảm họa môi trường biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam hồi năm 2016.

Cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già gọi cách mà nhà cầm quyền đang làm thể hiện sự bất lực của họ với giới đấu tranh. Ông nói:

“Cách hành xử dùng người thân để gây áp lực cho những người đấu tranh thì tôi nghĩ đó là một hình thức khủng bố về tinh thần. Cách đó thể hiện sự bất lực của nhà cầm quyền Việt Nam. Đó là hình ảnh ‘bắt cóc con tin về mặt tinh thần’. Cách hành xử đó không có tính văn minh cần phải có dù Việt Nam đã hội nhập với quốc tế khá sâu và khá lâu.
Trong tình hình hiện nay mà họ vẫn sử dụng cách thức lạc hậu, cổ lỗ thì đó là điều rất đáng xấu hổ đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.”

Có hiệu quả hay không?

Việc đàn áp thân nhân của các nhà bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền là cách mà các thể chế độc tài thường làm, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Trung Quốc. Ông Vũ Quốc Ngữ khẳng định cách làm của chính phủ Việt Nam rập khuôn Trung Quốc.

Báo cáo của Tổ chức Safeguard Defenders có tên ”Behind the scenes of China’s forced TV’s confessions” (Tạm dịch: Phía sau những lời thú tội trên TV) đưa ra con số 45 trường hợp thú tội trên truyền hình từ năm 2013 đến năm 2018. Báo cáo có bằng chứng cho thấy những người bị tạm giam và gia đình của họ bị đe dọa, bị tra tấn và cảnh sát chỉ đạo những lời thú tội.

Việc ‘đánh’ vào người nhà như vậy liệu có tác dụng hay không? Thật ra nếu không có kết quả thì họ không làm, dù kết quả họ đạt được có thể đến từ nhiều lý do mà các nhà đấu tranh không muốn nói ra, như trường hợp blogger Người Buôn Gió.

Cựu tù nhân chính trị Phạm Minh Vũ nhận định về cách hành xử của chính quyền với thân nhân người đấu tranh, cụ thể là ông Thái và blogger Người Buôn Gió, qua ứng dụng messenger:

"Cách hành xử ấy là một cuộc trả thù quá hèn hạ. Sự trả thù có hệ thống như thế ít nhiều có hiệu quả vì đa số người hoạt động ở Việt Nam đều có thân nhân ở Việt Nam. Sự trả thù hèn hạ ấy là có sự tính toán kỹ lưỡng, có khi đó là phương pháp cuối cùng để vô hiệu hoá các nhà hoạt động dân sự ở Việt Nam. Và tất nhiên, cần khẳng định những nhà hoạt động như Thái Văn Đường hay Bùi Thanh Hiếu là những người luôn mong muốn cho Việt Nam được tiến bộ và tốt đẹp về mọi mặt. Họ không làm gì sai, kể cả pháp luật Việt Nam. Nhưng hành xử của nhà cầm quyền đối với họ là một hành xử trả thù vặt, nhỏ nhen. Muốn dập tắt tiếng nói đối lập mà bất chấp vi phạm pháp luật, chà đạp lên luân lý, đạo làm người. Người cộng sản thực quá tàn bạo."

Ông Đường Văn Thái nêu quan điểm của mình:

“Thật sự ra thì em đã lựa chọn con đường đấu tranh rồi. Đã cưỡi lên lưng hổ rồi thì không bao giờ xuống. Em vẫn đấu tranh bình thường. Anh Hiếu thì bà cụ quá yếu và đang nằm viện nên đành cầm lòng ngưng viết một thời gian. Em không ngại vì mẹ em khỏe và tinh thần vững lắm.
Họ càng đàn áp người thân của giới blogger, giới bất đồng chính kiến như vậy thì họ càng không thành công, bởi người thân họ đều hiểu việc làm của mình.”

Ông Thái phân tích thêm rằng, với những người bất đồng chính kiến trong nước thì chính quyền bắt bớ; với người dân bình thường thì họ gởi giấy mời làm việc rồi phạt tiền; với những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh hiện không ở trong nước, không ở trong tầm kiểm soát của họ thì buộc phải dùng ‘mưu hèn kế bẩn’ là đàn áp người thân trong gia đình.

Blogger Nguyễn Ngọc Già nêu nhận xét:

“Dù muốn hay không thì cũng phải nhìn nhận đó là một sự thành công của đảng CSVN. Một cách thành công nhục nhã, bởi vì không có một cái nhà nước nào mà hành xử với công dân của mình như vậy. Tôi cảm thấy rất xấu hổ khi có một nhà nước như vậy nhưng tôi không ngạc nhiên, bởi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không phải do dân bầu lên!”

Biện pháp của chính phủ Việt Nam cho bắt bớ, bỏ tù những tiếng nói bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động bị nhiều quốc gia dân chủ và các tổ chức quốc tể tố cáo là một hình thức vi phạm nhân quyền, vi phạm những công ước quốc tế mà Hà Nội từng tham gia ký kết. Trong những sự kiện trên diễn đàn toàn cầu, đại diện Việt Nam luôn bác bỏ những tố cáo như thế; tuy nhiên trong thực tế những tiếng nói đối lập, những nhà hoạt động đấu tranh luôn nêu ra những hành động của lực lượng chức năng mà theo họ là ‘mưu hèn, kế bẩn’ của cơ quan chức năng các cấp nhằm lung lạc ý chí đấu tranh cho một đất nước Việt Nam dân chủ, tất cả được hưởng mọi quyền căn bản của con người.






No comments:

Post a Comment

View My Stats