Thursday, 12 March 2020

44 CA NHIỄM COVID-19 Ở VIỆT NAM, "TAM TRỤ" CHỐNG DỊCH NHƯ THẾ NÀO? (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân 
13/03/2020

Diễn biến tình hình dịch COVID-19 ở VN trong suốt tuần qua khá phức tạp. Ngày 12/3/2020, Bộ Y tế thừa nhận có thêm 5 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở VN lên 44. Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Thêm 5 ca COVID-19 ở Bình Thuận, đều liên quan bệnh nhân thứ 34.

Bệnh nhân thứ 34 chính là thành viên của đoàn nữ doanh nhân Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) sang Mỹ làm việc từ ngày 22 đến 29/2, về nước ngày 2/3, nhưng đến 9/3 mới nhập viện và đến 10/3 mới được công bố dương tính.

Còn 5 ca nhiễm mới nhất, do đã tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nữ bệnh nhân này, gồm 4 ca ở TP Phan Thiết và một ca ở huyện Hàm Thuận Bắc. Không dừng lại ở đó, số các ca nghi nhiễm COVID-19 tăng tới 268 ca, với gần 29.000 trường hợp phải theo dõi y tế, theo Tiền Phong.

Mọi thứ đã thay đổi chỉ sau buổi tối 6/3, buổi tối mà lãnh đạo CSVN công khai về ca bệnh thứ 17. Trước đó, ngành Y tế VN đã cố gắng giữ số ca nhiễm ở con số 16 trong suốt hơn 3 tuần. Chưa đầy một tuần sau, VN đã có thêm 28 ca nhiễm mới.

Dĩ nhiên, giọng hả hê, tự tin của dư luận “lề đảng” cũng giảm hẳn chỉ trong một tuần. Những tiếng nói từng kêu gọi cho học sinh đi học trở lại, thậm chí quy chụp cho những lời kêu gọi để học sinh tiếp tục nghỉ học là gia đình có những đứa trẻ lười học, giờ đây hầu như vắng bóng.

Đối lập với sự giảm giọng của các dư luận viên là số lượng ngày càng tăng những tiếng nói nghi ngờ, chất vấn về trách nhiệm của các cơ quan chức năng và cao hơn là lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Những tiếng nói nghi ngờ, phê phán đó, thậm chí tràn sang cả phần bình luận của các báo “lề đảng”.

Sự lạnh lùng, vô trách nhiệm của “tam trụ”

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo cao nhất của chế độ, lẽ ra phải là người thường xuyên lên tiếng trước dân chúng kể từ lúc dịch COVID-19 xuất hiện ở VN ngày 22/1. Nhưng ông Trọng vẫn im hơi lặng tiếng suốt gần 2 tháng dịch bệnh bùng phát. Thậm chí, ông Trọng đã biến mất khỏi radar kể từ ngày ông tiếp Đại sứ các nước trình Quốc thư hôm 27/2.

Cả nước đang lo lắng dịch bệnh, còn ông Trọng thì mất tăm. Trong khi đó, vụ cưỡng chế và thảm sát ở Đồng Tâm diễn ra trước thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện ở VN chưa đầy 2 tuần, thì Trọng đã nhanh tay ký trao “huân chương chiến công” hạng nhất cho ba tay công an thiệt mạng vì té giếng!

Một nhân vật khác trong “tam trụ” là Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Từ khi đất nước “mắc dịch” tới nay, hiếm khi thấy bà Ngân xuất hiện trên báo chí nói về dịch bệnh, ngoại trừ lần bà tiếp Đại sứ Australia hôm 19/2, bà “mong hai bên phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm ứng phó để kiểm soát dịch bệnh“.

Trong “tam trụ” chỉ còn lại một người đảm nhận công tác chống dịch, đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc đã có những phát biểu đáng chú ý, đó là nắm bắt thời cơ dịch bệnh để phát triển kinh tế! Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 12/2, ông Phúc mong các ‘ông lớn’ tư nhân biến nguy thành cơ!

Để duy trì nền kinh tế, giữ vững chế độ, ông Phúc ra chỉ thị, “chống dịch quyết liệt, đồng bộ nhưng không phải đóng cửa, tất cả không hoạt động gì. Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương phát động các nhà máy, xí nghiệp, siêu thị, các danh lam thắng cảnh, di tích hoạt động bình thường.

Vừa chống dịch, vừa muốn phát triển kinh tế, cho nên bây giờ đang đón nhận hậu quả: Chín ca nhiễm được công bố trong ngày 8/3 (các ca từ 22 đến 30) cũng chính là 8 du khách đã ngồi chung chuyến bay VN0054 với ca bệnh thứ 17 và ca bệnh thứ 21. Số người nhiễm trên thực tế có thể cao hơn rất nhiều, vì chuyến bay đó có gần 200 người. 

Chưa đầy một tháng sau vụ “biến nguy thành cơ”, chính phủ ông Phúc đã để “lọt lưới” chuyến bay đầy tai tiếng VN0054, với ca bệnh thứ 21, chính là GS Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên của đoàn quan chức VN sang Ấn Độ làm việc rồi quá cảnh ở Anh để về VN, do Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu. GS Thuấn là một thành viên tổ tư vấn kinh tế trong Chính phủ “kiến tạo” của ông Phúc, có khả năng truyền bệnh nhiều nhất, cho chính phủ “mắc dịch” này.

Trong khi cả thế giới gồng mình chống dịch, lẽ ra lãnh đạo CSVN phải đóng cửa ngành du lịch, bởi lợi nhuận thu được không thể nào đủ bù chi phí phải bỏ ra dập dịch, như trường hợp Quảng Ninh phong tỏa 5 khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 hay điểm du lịch đón nhiều du khách, Sa Pa phong tỏa toàn diện và tạm thời 5 khu vực nguy cơ lây nhiễm cao.

Lần “loạn ngôn” kế tiếp của ông Phúc diễn ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 hôm 9/3. Lần này ông Phúc kêu gọi: Trận chiến chống Covid-19 kéo dài nhưng sẽ “thắng lợi kép”, nhưng ông không nói thắng lợi kép là thắng cái gì. Cứ nghĩ sau lần nói hố đầu tiên, ông Phúc sẽ dành thời gian suy nghĩ trước khi nói, nhưng Thủ tướng “ma-dze in Việt Nam” vẫn… miệng nhanh hơn não!

Từ trái qua: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh trên mạng

Tóm lại, trong “tam trụ” thì hai người “im lặng là vàng”, còn lại một người thì “nếu không lên tiếng, không ai nói ông câm”! Có lẽ chỉ còn những người tin đảng đến cùng, đến mức xem đảng CSVN cao hơn mạng sống của họ, mới không nhận ra rằng, các lãnh đạo cao nhất chỉ quan tâm tới chuyện giữ mạng, giữ ghế và giữ vững chế độ, còn mạng sống dân đen chỉ là thứ yếu.
_____

Mời đọc thêm: 


















No comments:

Post a Comment

View My Stats