Sunday, 19 January 2020

VIETCOMBANK TRONG VỤ ĐỒNG TÂM : VẬN DỤNG SÂN CHƠI QUỐC TẾ (TS Nguyễn Đình Thắng)





Trên sân chơi quốc tế, đảng và nhà nước cầm quyền không thể ăn gian
Ts. Nguyễn Đình Thắng
20/01/2020

Khi đưa ra chính sách đổi mới, chế độ ở Việt Nam hiểu rằng họ không thể cưỡng lại trào lưu hội nhập toàn cầu nếu muốn sinh tồn. Tuy nhiên, họ chỉ muốn nhà nước hội nhập quốc tế chứ người dân thì không được phép. Ông Tổng Bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam thời bấy giờ là Nguyễn Văn Linh ví von các tư tưởng nhân quyền, tự do, dân chủ như "ruồi nhặng" cần phải chặn lại khi mở cửa ra thế giới, không để lọt vào xã hội Việt Nam.

Trước sự phê phán nghiêm ngặt của quốc tế, đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam thậm chí phải tung ra các tổ chức phi chính phủ do chính phủ lập ra và kiểm soát, gọi tắt là GONGO (Government-Organized NGO), để qua mắt thế giới rằng, đấy người dân cũng hội nhập quốc tế. Kỳ tình thì chỉ là nhà nước chính hiệu và nhà nước trá hình. Các biện pháp khác để ngăn chặn bao gồm cấm xuất cảnh, ngăn cản người dân tiếp xúc với phái đoàn ngoại quốc, trừng phạt những ai báo cáo vi phạm nhân quyền với LHQ...

Các biện pháp ngăn cản này ngày càng ít hiệu quả vì sự bùng phát của công nghệ tin học, mức tăng trưởng nhanh chóng của số người Việt sử dụng internet và điện thoại thông minh, và số lượng ngày càng đông người Việt đi lại giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Có lẽ quan trọng hơn cả là vai trò của hơn 4 triệu người Việt đang sinh sống ở thế giới tự do - về bản chất họ chính là một phần của quốc tế nên dễ bắc nhịp cầu cho người dân trong nước hội nhập với thế giới bên ngoài. Vấn đề là người dân ở trong nước và những người Việt ở hải ngoại có tận khai thác các lợi thế này không.

Ở đây tôi lấy vụ Vietcombank đóng băng tài khoản phúng điếu cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm làm minh hoạ. Nhiều người ở trong nước kêu gọi tẩy chay Vietcombank. Tôi muốn chỉ ra là người Việt ở trong và ngoài nước còn có thể mở ra một cuộc chơi trên sân chơi quốc tế, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.

Thông tin bối cảnh về Vietcombank

Vietcombank là một phần hậu thân của Việt Nam Thương Tín, công ty thương mại phụ thuộc Ngân hàng Quốc gia thời Việt Nam Cộng hoà. Sau khi tiếp quản Việt Nam Thương Tín, chính quyền mới phân nó ra làm hai: bộ phận đối ngoại trở thành Vietcombank còn bộ phận đối nội được giao cho Ngân hàng Quốc gia của chính phủ lâm thời; tháng 7 năm 1976, nó được sáp nhập với Ngân hàng Nhà nước của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Xem thêm: https://tuoitre.vn/chuyen-tiep-quan-ngan-hang-quoc-gia-viet-nam-cong-hoa-1306197.htm

Để khai thác lượng kiều hối từ Hoa Kỳ ngày càng tăng, tháng 5 năm 2011 Vietcombank đăng ký hoạt động chuyển tiền với tiểu bang California dưới tên VCB Money, Inc. Trụ sở chính của VCB Money, Inc. đặt ngay tại Quận Cam, tại địa chỉ: 12112 Brookhurst, Suite 11, Garden Grove, CA 92840. Xem: https://dbo.ca.gov/2018/03/19/vcb-money-inc/

Đến năm 2018 thì VCB Money đã đăng ký hoạt động ở 17 tiểu bang Hoa Kỳ với nhiều văn phòng đại lý hoạt động dưới thương hiệu "Tín Nghĩa Chuyển Tiền" (Tin Nghia TNMONEX). Xem: https://compacom.com/companies/vcb-money-inc-dba-tin-nghia-tnmonex/vcb-money-inc-dba-tin-nghia-tnmonex-garden-grove-ca

Năm 2018, Vietcombank được Ngân Hàng Liêng Bang Hoa Kỳ (Federal Reserve) cấp phép mở văn phòng đại diện ở New York. Văn phòng này mới được khai trương và đi vào hoạt động cách đây 2 tháng. Xem quyết định cấp giấy phép của Hội Đồng Quản Trị của Federal Reserve: 

Cuộc chơi trên sân chơi Hoa Kỳ

Khi đã hoạt động ở Hoa Kỳ thì một công ty ngoại quốc, kế cả công ty quốc doanh, phải chấp nhận sự chi phối của luật pháp Hoa Kỳ. Dưới đây là 3 kịch bản về khai thác luật Hoa Kỳ.

Trong kịch bản thứ nhất, những người Việt ở trong nước đã chuyển tiền đến tài khoản phúng điếu cụ Kình có thể làm đơn phản đối với Vietcombank. Nếu Vietcombank không giải quyết thoả đáng thì các khách hàng này có thể báo cáo với Hội Đồng Quản Trị của Federal Reserve. Khi đăng ký hoạt động ở New York, văn phòng đại diện của Vietcombank phải cam kết rằng công ty mẹ ở Việt Nam có thể thức để giải quyết thoả đáng các khiếu nại của khách hàng. Nếu vi phạm cam kết này, văn phòng đại diện sẽ bị cảnh cáo và, nếu Vietcombank không giải quyết thoả đáng các khiếu nại, có thể đình chỉ hoạt động ở New York. Tham khảo tài liệu Examination Manual for U.S. Branches and Agencies of Foreign Banking Organizations, phần Review of Home Country Financial System:  https://www.federalreserve.gov/boarddocs/supmanual/us_branches/usbranch.pdf

Trong kịch bản ở trên, Federal Reserve không can thiệp cho các khiếu nại của khách hàng Vietcombank ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu trong số người chuyển tiền đến tài khoản phúng điếu cụ Kình có công dân Hoa Kỳ thì những người này còn có thể yêu cầu Federal Reserve chuyển hồ sơ đến cơ quan hữu trách để can thiệp vì Vietcombank đã vi phạm quy định của luật Hoa Kỳ "Expedited Funds Availability Act". Theo đó, một định chế tài chính không được phép giữ tiền chuyển khoản của người khách hàng lâu hơn bình thường. Đây là kịch bản thứ hai. Tham khảo tài liệu ở trên, phần Regulation CC/Expedited Funds Availability Act, hoặc văn bản luật: https://www.fdic.gov/regulations/compliance/manual/6/vi-1.1.pdf

Trong kịch bản thứ ba, nếu Vietcombank vẫn tiếp tục không hoàn trả tiền chuyển cộng với tiền phí và tiến lời cho suốt thời gian đóng băng, khách hàng ở Hoa Kỳ có quyền kiện Vietcombank ra toà án Hoa Kỳ. Vietcombank không thể tránh né ra toà ở Hoa Kỳ vì có hoạt động ở tại quốc gia này, thông qua chi nhánh của VCB Money, Inc. ở 17 tiểu bang và văn phòng đại diện mới mở ở New York.

Kết luận

Các kịch bản trên đây cho thấy rằng, người dân hội nhập quốc tế càng sâu, càng chặt thì càng dễ dàng mở cuộc chơi trên sân chơi quốc tế, nơi mà đảng và nhà nước cầm quyền không thể ăn gian, không thể chèn ép, không thể dùng luật rừng như ở trong nước.

Qua chương trình Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản, BPSOS đã theo dõi hoạt động của Vietcombank từ nhiều năm nay. Trong số trên 700 hồ sơ đòi tài sản mà chúng tôi nhận được, một số nhỏ có tiền gửi ở ngân hàng Việt Nam Thương Tín trước 30 tháng 4, 1975 và còn giữ được biên nhận. Theo nguyên tắc giao dịch quốc tế, Vietcombank có nghĩa vụ hoàn trả cả vốn lẫn lời cho các thân chủ này, mà nay đã là công dân Hoa Kỳ. Hai trong ba kịch bản ở trên đã được chúng tôi nghiên cứu để áp dụng. Tuy nhiên, chúng tôi còn đang chờ thêm hồ sơ cho đến khi tổng số tiền mà Vietcombank "nợ" các thân chủ người Mỹ gốc Việt đạt mức đáng để đưa ra Federal Reserve và ra toà án. Nhân đây, tôi nhắc nhở những ai ở trong trường hợp như vậy thì xin liên lạc:  taisan@bpsos.org. Quý vị có thể tìm hiểu thêm về chương trình Đòi Tài Sản tại: http://doitaisan.org/

Cuối cùng, tôi muốn lưu ý người đọc là ngoài Hoa Kỳ, Vietcombank còn làm ăn ở Hồng Kông và Singapore. Ở Hồng Kông, nó hoạt động dưới thương hiệu Vinafico, một công ty tài chính. Biết đâu có những người dân Hồng Kông yêu chuộng tự do và quan tâm nhân quyền sẽ giúp tạo áp lực dư luận hoặc pháp lý lên công ty này. Đọc thêm về Vinafico: https://e.theleader.vn/how-do-vietcombanks-two-overseas-subsidiaries-in-us-and-hong-kong-operate-20171024154841546.htm

N.Đ.T.
Mạch Sống gửi BVN






No comments:

Post a Comment

View My Stats