Sunday, 5 January 2020

TƯ TƯỞNG TRỌNG NAM KHINH NỮ TRONG CÁC HỘI THÁNH DUNG DƯỠNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH NHƯ THẾ NÀO (Trần Hà Linh - Luật Khoa)




03/01/2020

Khi kẻ vũ phu biện minh bằng Kinh Thánh.

Dịch từ bài “Evangelical churches believe men should control women. That’s why they breed domestic violence của Vicki Lowik (nghiên cứu sinh) và Annabel Taylor (giáo sư) thuộc Đại học Central Queensland (Úc), đăng trên The Conversation ngày 9/12/2019.


Jane (tên đã được đổi vì lý do riêng tư) là tín hữu của cộng đồng Tin Lành (Evangelical) Australia và trong suốt cuộc hôn nhân của mình, cô đã phải nghe thuyết giảng rất nhiều lần về việc phải tôn trọng quyền lực của người chồng.

Những lời thuyết giảng đó xoay quanh vấn đề người vợ phải phục tùng chồng trong mọi việc, từ tài chính đến chỗ làm, thời gian đi làm. Người chồng được tôn sùng như là ông chủ trong nhà, vì đó là “kế hoạch Chúa định”.

Suốt 30 năm trời, chồng Jane lạm dụng cô nhân danh thứ quyền lực này. Anh ta vây bọc, cô lập vợ, không cho cô sử dụng tiền, xe hơi. Anh ta quát tháo, đạp, đấm, bảo Jane bị điên và dọa giết cô.

Jane là một trường hợp điển hình trong nghiên cứu của tôi. Cô kể với tôi rằng khi cô đến gặp các lãnh đạo ở nhà thờ để xin được giúp đỡ, họ đều hỏi cô có lỗi gì. Sau 10 năm hôn nhân đầu tiên, khi cô cố tránh bị lạm dụng, đánh đập, họ bảo cô nên tiếp tục đến nhà thờ, và đi cùng chồng.

Sau đó, họ nói cô về lại nhà, tự giải quyết các vấn đề trong cuộc hôn nhân của mình, đây sẽ là lần cuối cùng họ cho cô lời khuyên về chuyện này.

Câu chuyện của Jane nghe rất quen. Năm ngoái, một điều tra của ABC (tập đoàn truyền thông lớn của Chính phủ Úc) đã cho thấy các nhà thờ Thiên Chúa bảo thủ dung dưỡng và bao che bạo lực gia đình đến như thế nào.

Còn nghiên cứu của tôi thì vạch ra rằng chính những gì được dạy trong cộng đồng Tin Lành đang khuyến khích, tạo mảnh đất màu mỡ cho bạo lực gia đình, bao biện và che giấu vấn nạn này.

Đọc hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen
Những người theo Tin Lành tin rằng Kinh Thánh là “chân lý”, “đòi hỏi chúng ta phải quy phục vô điều kiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống”. Họ coi Kinh Thánh là “lấy cảm hứng từ Chúa Thiêng”, nên “có sức mạnh tối cao, tối hậu trong mọi lĩnh vực Kinh Thánh đề cập tới”.

Tất nhiên, thông qua một khảo sát toàn diện ở Australia thì vẫn chưa thể đánh giá được tác động của Tin Lành lên vị thế dễ bị tổn thương của phụ nữ trong chuyện bạo lực gia đình. Nhưng rất nhiều báo cáo về bạo lực gia đình ở Giáo phận Anh giáo Sydney đã phản bác thái độ bảo thủ, đặt giáo lý lên trên sự an toàn của phụ nữ, vô cùng tai hại.

Những thuyết giảng về sự vô thời hạn của hôn ước cũng thể hiện thái độ chống lại mọi thay đổi về văn hóa. Không được ly hôn – đó là một cái bẫy tiềm tàng để trói buộc phụ nữ trong những cuộc hôn nhân bạo lực.

Phản ứng chống lại phong trào nữ quyền trong Thiên Chúa giáo
Vào thập niên 1980, những nhà nữ quyền trong cộng đồng Thiên Chúa giáo bắt đầu phản đối việc đàn ông được độc quyền lãnh đạo trong nhà thờ, cũng như phản đối nhiều khía cạnh trong thần học, kể cả việc mặc định Chúa Trời là đàn ông.

Phong trào nữ quyền – vốn tạo được đà đáng kể trong toàn xã hội trong hai thập niên 1960 và 1970 – đã trở thành nòng cốt của cuộc nổi dậy chống chế độ trọng nam khinh nữ trong các hội thánh.

Các hệ phái Phúc Âm trong nhà thờ Cơ Đốc phản ứng lại một cách dữ dội, tăng cường thuyết giảng về quyền lực của đàn ông đối với phụ nữ.

Trên thực tế, các lãnh đạo Tin Lành – những người tin rằng Kinh Thánh không thể sai – bắt đầu đổ tội cho các nhà nữ quyền là đã làm gia tăng số vụ ly hôn, lạm dụng tình dục và lối sống lang chạ.

Từ phản ứng này, sinh ra lời kêu gọi phụ nữ chấm dứt chống lại quyền lực của đàn ông. Lời kêu gọi ấy 40 năm sau vẫn được nhắc lại.

Quyền lực của đàn ông “như kế hoạch Chúa định”
Những hiểu biết truyền thống về vai trò thống trị của đàn ông cả trong gia đình và nhà thờ được củng cố là nhờ người ta coi đó như là lời Chúa đã định. Nghĩa là, quyền lực của đàn ông và sự phục tùng của phụ nữ được xem là các nguyên tắc “ràng buộc vĩnh viễn”.
Những người Cơ Đốc bảo thủ của trường phái Phúc Âm từng cổ vũ quan niệm này một cách nhiệt tình, như một cách để họ chống lại phong trào nữ quyền, và đến nay vẫn ủng hộ các nguyên tắc “ràng buộc vĩnh viễn” ấy.

Thật tiếc là chưa có thống kê nào về tình trạng bạo lực gia đình trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Australia, tuy nhiên vấn đề này đã được nêu trong các nghiên cứu quốc tế. Australia rất cần nhanh chóng có thêm những nghiên cứu về bạo lực gia đình.

Trong một khảo sát các tín đồ ở Cumbria (Anh quốc), cứ bốn người được hỏi thì một người cho biết đã từng trải qua ít nhất một hành vi được coi là lạm dụng – ví dụ như bị đạp, đấm, đe dọa bằng vũ khí, bị cô lập, hoặc bị cưỡng ép phải quan hệ – trong cuộc hôn nhân hiện tại. Và hơn 40% người được khảo sát thừa nhận, đã ít nhất một lần bị lạm dụng trong mối quan hệ hiện nay hoặc trong quá khứ của họ.

Cơ quan khảo sát lưu ý rằng các hội thánh Tin Lành đều tham gia một cách rất miễn cưỡng; có lẽ điều này cho thấy sự miễn cưỡng của các nhà thờ trong việc giải quyết nạn bạo lực gia đình ngay trong cộng đồng của họ.

Theo những nghiên cứu được thực hiện ở Bắc Mỹ, mức độ bạo lực gia đình trong các cộng đồng Tin Lành cao ít nhất cũng ngang mức ở các hội thánh khác. Nhưng các nghiên cứu khác của Mỹ, tiến hành vài năm sau, cho thấy bạo lực gia đình ở các cộng đồng Tin Lành thậm chí còn cao hơn thế, vì những nơi đó dễ tạo ra môi trường nuôi dưỡng bất bình đẳng giới hơn.

Bất bình đẳng giới là lực đẩy đến bạo lực gia đình, lạm dụng. Thuyết giảng rằng phụ nữ ở vị trí thấp hơn nam giới là kế hoạch của Chúa, là đặt sự an toàn của phụ nữ Thiên Chúa giáo vào rủi ro.

Thay đổi một văn hóa độc hại
Văn hóa trọng nam khinh nữ ở cộng đồng Tin Lành có thể được thay đổi nếu có nhiều phụ nữ trở thành lãnh đạo hơn. Điều đó có thể xóa đi quan niệm đàn ông có quyền lực, đàn ông cao hơn phụ nữ, và có nghĩa là không còn có thể coi nhẹ những vấn đề gây ảnh hưởng đến phụ nữ nữa. 

Các cộng đồng tôn giáo cũng có lợi nếu được tăng cường giáo dục rằng bạo lực gây ra những thương tích nhìn thấy được chưa phải là hình thức lạm dụng duy nhất trong gia đình. Nếu các lãnh đạo tôn giáo và các giáo đoàn thừa nhận hành vi lạm dụng ở mọi hình thức của nó, thì họ có thể có những việc làm đúng đắn hơn nữa để hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân.

Quan trọng hơn, các giáo đoàn có lợi từ những giáo lý chỉ trích bạo lực gia đình và khuyên nạn nhân tìm kiếm sự hỗ trợ, ưu tiên sự an toàn của bản thân, hơn là những giáo lý bắt phụ nữ phải phục tùng chồng ngay cả trong lúc bị đánh đập, lạm dụng.

Sự thay đổi theo hướng tiến bộ đó sẽ góp phần chấm dứt việc những kẻ vũ phu lấy Kinh Thánh ra để bao biện cho hành vi của mình.

Khi kẻ vũ phu viện đến đức tin Thiên Chúa để bao biện, những người phụ nữ như Jane không chỉ đối mặt với sự nguy hiểm kéo dài về thể chất và tinh thần, mà còn bị gạt bỏ khỏi hành trình tâm linh – con đường đem đến hòa bình và tình thương yêu trong một cộng đồng có cùng đức tin.


Bài viết này nằm trong loạt bài về vấn đề giới và Thiên Chúa giáo.





No comments:

Post a Comment

View My Stats