Đinh Yên Thảo
24/01/2020
Từ hàng chục năm qua, cứ mỗi độ Tết về thì trong nước
lại xuất hiện câu hỏi, "Liệu có nên bỏ đi Tết Ta?". Nhóm ủng hộ này
đưa ra những lý do rằng, đã đón Tết Tây tại sao lại cần cả Tết Ta để cho công
việc bê trễ, phố sá đông đúc kẹt xe, tệ nạn rượu chè cờ bạc kéo dài... Họ viện
dẫn sang rằng Nhật Bản đã từng thực hiện tại sao không là ta? Vậy thật ra có cần
cung nghinh ngày Tết cổ truyền dân tộc hay không?
Nhìn lại thì Tết là một tập tục, là văn hoá ngàn đời
của dân tộc Việt Nam. Ngày Tết tạo nên một một cảm xúc cộng đồng, một sự đồng
nhất về tâm cảm và ý thức tích cực của số đông. Ở đó, những giá trị về đức tin
tôn giáo, niềm tin xã hội được tái xác nhận. Những tập tục, nghi thức truyền thống
cho đến bày trí, ẩm thực trong mỗi gia đình được chuẩn bị và cung nghinh. Thật
khó có ngày nào trong năm lại đưa con người tụ về một cảm xúc và hành xử chung
như vậy.
Ý thức mơ hồ hay rõ rệt về tinh thần và ý nghĩa ngày
Tết có khác nhau trong mỗi người, nhưng cách này hay cách khác, người ta vẫn
mang cái hồn ngày Tết trong người. Bởi những gì mà mỗi người đã trải qua, của một
thuở ấu thời xa xôi nào đó. Vì ngày Tết là thời gian dễ hoài niệm, dù ở độ tuổi
nào.
Trong nước tất nhiên phải rộn ràng nhưng với người
lưu xứ, không khí Tết vẫn hiện hữu đó đây trên đất người. Nếu không nhìn chợ
búa, hàng quán bài trí bánh mức, hoa quả truyền thống cho ngày Tết, cũng thấy
được những sinh hoạt, trang hoàng tại các chùa chiền hay nhà thờ. Nếu không còn
việc sắm manh áo mới, người ta cũng ăn vận tươm tất hơn ngày thường trong ngày
lễ đầu năm.
Nếu ngán ngẩm trước tin tức thời cuộc, thì cầm tờ
báo Việt hay vào trang mạng Việt ngữ cũng tràn đầy những bài viết ngày Xuân và
nghe đài phát thanh rộn vui những bài ca mừng năm mới cũng nhẹ lòng hơn. Trên
báo chí đầy những thông báo hội chợ đó đây hay họp mặt đồng hương đầu năm. Há
không vui hơn những điều thường nhật?
Dù hờ hững hay không có miếng bánh chưng, bánh tét
và dĩa mứt gừng, thì chẳng ai chẳng không vui khi nhìn nụ cười hồn nhiên, hí hửng
của trẻ thơ lúc được nhận được phong lì-xì đỏ, nhắc các em về một dịp đặc biệt
của văn hóa Việt. Điều này đã tạo nên một ký ức tuổi thơ của mỗi người về ngày
Tết, đeo đuổi đến khi trưởng thành. Nó thấm đẫm vào hồn ta, khó lòng dứt bỏ hay
phủ nhận. Mà tại sao phải từ bỏ nó đi? Từ bỏ một văn hoá, một cảm xúc chung có
trong cội nguồn.
Có một thời của nhiều người, ngày Tết ở quê nhà đến
chậm, qua lâu, với đủ mọi việc để lo toan chuẩn bị. Từ cả tháng trời trước Tết,
là những háo hức về manh áo mới, cái quần Tây mẹ sẽ may cho ngày Tết. Từ ngày
đưa ông Táo về trời, xem ra đã tất bật và vui nhộn với không khí ngày Tết. Còn
nhỏ thì lau lá, ngồi xem ông bà hay ba mẹ gói bánh. Anh lớn được biểu quét màng
nhện, lau cửa, chùi bàn thờ. Nhỏ hơn thì ngồi chà lư hương. Chà sao cho bóng,
cho sáng mới thôi.
Chị thì người làm mứt gừng, mứt hạt sen, người đổ
bánh thuẫn, bánh in, ai cũng muốn trổ tài ngày Tết. Mẹ phơi kiệu làm dưa món,
lo chợ búa nấu dăm món ăn ngày Tết. Này là thịt đông, thịt kho tàu, giò lụa,
măng hầm. Cha sắp mâm ngũ quả, dán thêm vài tấm liễn đỏ cạnh bàn thờ ông bà,
hay đi chọn mua phong pháo, có khi còn đem phơi để đốt sao cho nổ giòn đêm Giao
Thừa. Trước đó đã đi chọn nhành mai hay nhánh đào có thể trổ nhiều cánh ba ngày
Tết.
Không khí chuẩn bị Tết trong gia đình đôi ba thế hệ
thật đầm ấm. Nhất là có thêm anh chị, cô chú đi học hay đi làm xa về ăn Tết,
nhà càng thêm đông vui. Ngày Tết là dịp đoàn viên, hội ngộ cho người xa nhà mà.
Ngoài phố là chợ hoa, là hội chợ kéo về dựng rạp, hô lô-tô, lắc bầu cua xí ngầu
hay trình diễn mô-tô bay. Những sòng bài gia đình quây quần để vui nhiều hơn ăn
thua. Ít ra đó là những gì về hình ảnh ngày Tết thanh bình mà thế hệ tuổi thơ của
không ít người từng trải qua.
Nhưng không khí Tết không chỉ rạo rực, vui nhộn bề
ngoài ngần đó. Nó còn mang những yếu tố tâm linh, tinh thần qua tập tục ngày Tết.
Nghi thức cúng kiếng đưa tiễn ông Táo, đón ông bà là để tưởng nhớ tiền nhân, nhắc
nhở cội nguồn. Kiêng cữ đầu năm hay ước vọng may mắn cho mình, cho người qua
câu chúc Tết là cách nhắc nhau về cách xử thế. Tin vận may để có niềm hy vọng,
lạc quan. Kỵ điềm dữ để không to tiếng, giữ hòa khí.
Đón Xuân cũng là lẽ tự nhiên khi con người cũng cần
song hành cùng chu kỳ tự nhiên. Đêm Giao Thừa, người ta tin rằng đó là thời khắc
thiêng liêng của đất trời, tống biệt điều xấu năm cũ đi để nghinh chào điều tốt
lành năm mới. Ngày Tết, người ta dễ bỏ lỗi cho nhau, ăn nói hòa ái, đối xử ân cần.
Trong diện mạo tươi vui, lời lẽ ân cần và những lời cầu chúc sức khoẻ hay tài lộc,
ngày Tết thắt chặt gia đình, bạn hữu, cộng đồng lại với nhau. Há đó không phải
điều tích cực để khởi đầu một năm mới và thực hiện, cổ súy suốt trong năm trước
một xã hội vốn đã lay đảo những giá trị đạo đức?
Trong đời sống tâm linh, khi người ta thắp nén
nhang, mời cúng ông bà, tổ tiên về cùng đón Tết là cách tưởng nhớ tiền nhân, nhắc
nhở cội nguồn. Khấn nguyện đầu năm theo đức tin tôn giáo để giữ mình biết sống
cho bác ái, công chính và tử tế theo đức tin. Mỗi năm, những ngày Tết lại tái
diễn, hoà mình trong văn hoá và nghi thức truyền thống của gia đình và cả một
dân tộc có lịch sử lâu đời như vậy, ắt cũng điều nên làm.
Học giả Tây học Phạm Quỳnh, chủ bút Nam Phong Tạp
Chí, có lần nhận xét trong các tiểu luận của mình rằng, những điều như vậy là
văn hóa và tập tục ngày Tết của người dân Việt, chẳng là điều mê tín. Chúng chỉ
là những tập tục biểu hiện về một ước vọng tốt đẹp cho một năm mới, đã có hàng
bao đời qua. Vì con người cần có những lúc để niềm tin, ước vọng bùng thắp giữa
cuộc tồn sinh còn lắm điều lo nghĩ. Họ cần có những lúc của mỗi năm, để nhắc mình
cần sống vị tha, khoan dung và chẳng chấp nê, những điều mà tinh thần và truyền
thống của những ngày Tết Việt Nam mang lại.
Trong nước thì đã là thói quen, tập tục của người
dân làm sao bỏ được. Có chăng là vấn đề tổ chức và hành chính của xã hội mà người
ta có thể thay đổi, điều chỉnh để đón Tết ra sao và bao lâu. Cứ bỏ đi những hủ
tục, nghi thức rườm rà, vui chơi lãng phí và giữ lại cái hồn, cái tinh thần
ngày Tết. Còn bỏ Tết sẽ là bỏ bánh chưng, bánh dày vuông tròn nhắc sự hiếu
nghĩa của hoàng tử Tiết Liêu. Một tập tục ngàn đời, một văn hóa của dân tộc, tại
sao phải bỏ đi?
Nơi xứ người, những tất bật hay điều kiện ắt chẳng
thể nào cho phép giữ trọn vẹn cái hồn ngày Tết đến vội qua mau như xưa. Nhưng
bao lâu nữa, rồi nó sẽ nhạt nhòa hay mất đi, chẳng ai có thể cả quyết. Bởi ngày
Tết không chỉ cảm xúc cá nhân mà là một cảm xúc cộng đồng, một niềm vui số đông
như đã nói trên. Mà đã là số đông thì sức sống của hồn Tết tăng bội lần. Nhất
là về ý niệm tinh thần. Nó chẳng thể nào bị lụi tàn một sớm một chiều. Nên mỗi
năm thì ngày Tết vẫn hiển hiện rõ ràng đó đây để những người con dân Việt cùng
đón chào và gìn giữ.
Xin đón chào một năm mới Canh Tý an khang, tốt lành
đến mọi nhà.
No comments:
Post a Comment