Thursday, 2 January 2020

SÁCH TRẮNG QUỐC PHÒNG VN 2019 : CẢNH CÁO BẮC KINH, ĐỂ NGỎ VỚI MỸ (RFI)




NỘI DUNG :
Thụy My - RFI
.
Trọng Thành - RFI

=======================================
Thụy My - RFI
Đăng ngày: 02/01/2020 - 18:07

Mười năm là một thời gian dài để chờ đợi một điều gì. Nhưng theo hai tác giả Derek Grossman và Christopher Sharman trên War On The Rock, việc Việt Nam công bố Sách Trắng quốc phòng vào ngày 25/11/2019 xứng đáng để được chờ đợi.

Đây là Sách Trắng quốc phòng đầu tiên kể từ năm 2009, và thứ tư từ khi Hà Nội bắt đầu công bố vào năm 1998 đến nay. Thường thì chỉ nhằm khẳng định chính sách trước những mối đe dọa cho an ninh Việt Nam từ bên ngoài, Sách Trắng quốc phòng với cách diễn đạt theo kiểu chủ nghĩa Mác-Lê, những từ ngữ đầy ẩn ý, khó thể nhận ra một thông điệp rõ ràng từ đó.

Tuy nhiên theo hai tác giả Grossman và Sharman, Sách Trắng quốc phòng 2019 là một lời cảnh báo cho Trung Quốc – vốn là mối đe dọa hầu như duy nhất của Việt Nam – rằng Hà Nội có thể siết chặt quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ nếu Bắc Kinh tiếp tục tỏ thái độ hung hăng trên Biển Đông. Đồng thời là một thông điệp ý nghĩa cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và rộng mở » của Washington.


Lời cảnh báo cho Trung Quốc…

Quan hệ Việt-Trung xưa nay vốn phức tạp và đầy mâu thuẫn. Một mặt, Việt Nam rất vị nể Trung Quốc, cố gắng hợp tác với Bắc Kinh trên nhiều lãnh vực, từ an ninh cho đến kinh tế. Năm 2008 Việt Nam còn nâng tầm quan hệ với Trung Quốc lên mức « đối tác hợp tác chiến lược toàn diện », mức cao nhất chưa bao giờ dành cho một cường quốc. Mặt khác, Hà Nội ngày càng tức giận trước các hành động hà hiếp của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Căng thẳng đặc biệt tăng cao vào mùa hè vừa qua, với việc Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 tung hoành ngang dọc tại bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt nhiều tháng trời. Hà Nội cũng hết sức nghi ngại trước việc Bắc Kinh dẫn dụ các đối tác thân cận của Việt Nam là Cam Bốt và Lào tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, có thể được thiết kế nhằm bao vây Việt Nam.
Mặc dù Hà Nội rất cẩn trọng trong đối sách với người láng giềng khổng lồ, Sách Trắng quốc phòng 2019 tỏ ra tiêu cực với Trung Quốc hơn tất cả các Sách Trắng trước đó. Năm 2009, Sách Trắng quốc phòng chỉ nêu ra từ « Trung Quốc » có bốn lần trong văn bản chính (không kể các phụ lục), và mô tả một cách rất tích cực, nhấn mạnh đến các hoạt động song phương mang tính xây dựng như việc phân định vịnh Bắc bộ và biên giới trên đất liền.

Còn trong Sách Trắng quốc phòng 2019, từ « Trung Quốc » được nêu ra tám lần, trong đó có ba lần liên quan đến việc Bắc Kinh gây bất ổn trên Biển Đông. Đáng chú ý là Sách Trắng ghi : « Những bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến chủ quyền tại Biển Đông là một tồn tại lịch sử, cần được giải quyết một cách thận trọng, tránh các tác động tiêu cực ».


…Và cánh cửa đã mở hé cho Hoa Kỳ

Nhưng đối với Việt Nam, giữ cân bằng là việc cốt yếu, nên Sách Trắng hoàn toàn im lặng về những xung đột quân sự với nước láng giềng phương bắc. Cũng giống như các Sách Trắng quốc phòng trước đó, Hà Nội mô tả chi tiết cuộc chiến với Pháp và Mỹ, nhưng không hề đề cập đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Cũng không nhắc tới chiến dịch năm 1978 ở Cam Bốt chống lại quân Khmer Đỏ được Trung Quốc hỗ trợ.

Tất nhiên các xung đột quan trọng trên biển cũng không được nêu ra, kể cả vụ thảm sát Gạc Ma năm 1988, vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shiyou) 981 đến vùng biển Hoàng Sa năm 2014, và mới nhất là vụ đối đầu ở bãi Tư Chính năm 2019.

Tuy vậy các tác giả ghi nhận tại những chỗ khác Việt Nam nới tay hơn, thậm chí hồi tháng 2/1979, nhân kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc, còn để cho một số nhà bình luận gọi thẳng Trung Quốc là « kẻ xâm lược ». Quyết định không nhắc đến những vụ tấn công của Trung Quốc trong quá khứ trong Sách Trắng quốc phòng cho thấy Hà Nội không muốn đi quá xa trong việc chỉ trích Bắc Kinh.

Với Sách Trắng quốc phòng lần này, Hà Nội dường như mở rộng chính sách « ba không ». Đó là chính sách « không tham gia các liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia ». Sách Trắng 2019 nói thêm rằng Hà Nội chống lại việc « sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế ».

Thoạt nhìn thì đây chỉ là tiêu chí bình thường trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh vụ đối đầu ở bãi Tư Chính mới đây và vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014, vốn suýt nữa thì vượt ra ngoài tầm kiểm soát, chừng như Hà Nội muốn tỏ dấu hiệu muốn tránh khởi đầu một cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc.


Khái niệm « Ấn Độ-Thái Bình Dương » tự do và rộng mở

Ẩn trong Sách Trắng quốc phòng mới, là một thông điệp tinh tế cho Washington. Chẳng hạn văn bản sử dụng cụm từ « Ấn Độ-Thái Bình Dương », ghi rằng « Việt Nam sẵn sàng tham gia các cơ chế hợp tác an ninh quốc phòng…kể cả tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ». Khi dùng cụm từ do chính quyền Donald Trump đưa ra, dường như Việt Nam muốn cho Trung Quốc thấy rằng Hà Nội ủng hộ khái niệm này.

Từ trước đến nay, từ « Ấn Độ-Thái Bình Dương » chỉ mới được sử dụng mỗi một lần, trong chuyến thăm Ấn Độ tháng 3/2018 của chủ tịch Trần Đại Quang nay đã quá cố. Việt Nam vốn cẩn trọng trong từ ngữ, nên việc Sách Trắng 2019 đưa cụm từ này vào là rất ý nghĩa.

Bên cạnh đó Sách Trắng quốc phòng cho biết « tùy theo tình huống và điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc việc phát triển quan hệ quân sự và quốc phòng cần thiết và thích hợp với các nước khác ». Diễn dịch một cách chừng mực, thì nếu Trung Quốc tiếp tục bắt nạt trên Biển Đông, Việt Nam có thể nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ lên mức « đối tác chiến lược », chỉ dấu cho mối quan hệ mang lại lợi ích lâu dài để làm đối trọng với Trung Quốc.

Xung đột địa chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc là cơ hội cho Washington để hợp tác với Hà Nội, vì lợi ích của đôi bên. Tuy nhiên Hà Nội luôn muốn độc lập, tránh trở thành một quân cờ giữa hai đại cường Trung Quốc và Hoa Kỳ. Sách Trắng cảnh báo không để Biển Đông trở thành điểm nóng đối đầu giữa các cường quốc. Có nghĩa là Việt Nam vẫn luôn chủ trương « ba không », ngại tham gia các hoạt động đối kháng với Bắc Kinh, ngoại trừ trường hợp bị Trung Quốc đe dọa trước. Khó thể có việc Việt Nam tham gia với bộ tứ Úc, Ấn, Nhật, Mỹ.


Hợp tác an ninh phi truyền thống

Tuy nhiên vẫn có những vấn đề an ninh phi truyền thống, như gởi các chiến hạm đến thăm viếng xã giao, và hợp tác quốc phòng đa phương. Qua đó Washington có thể tăng cường hợp tác với Việt Nam mà không gây phương hại đến nỗ lực giữ thăng bằng của Hà Nội. Các mối đe dọa tin tặc, khủng bố, biến đổi khí hậu, hải tặc, thảm họa môi trường không phải là những khái niệm mới, nhưng trong Sách Trắng 2019 nhấn mạnh đến « các thách thức nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực ». Hợp tác trong các vấn đề như trên là vô hại, Việt Nam có thể làm việc với Hoa Kỳ mà không chọc giận Trung Quốc.

Sách Trắng cho biết Việt Nam « ưu tiên » cho việc hợp tác an ninh phi truyền thống « với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới », bên cạnh đó « sẵn sàng mở rộng quan hệ quốc phòng, bất chấp chế độ chính trị và trình độ phát triển ». Như vậy triển khai thêm sự hợp tác Việt-Mỹ hiện nay trong trợ giúp nhân đạo và thảm họa, có thể là một gợi mở cho Washington.

Nghị định 104/2012/NĐ-CP của Việt Nam năm 2012 chỉ cho phép các chiến hạm nước ngoài viếng thăm xã giao một lần trong năm. Nhưng Sách Trắng 2019 viết : « Việt Nam sẵn sàng đón tiếp các tàu của hải quân, lực lượng tuần duyên và các tổ chức quốc tế đến thăm cảng hoặc quá cảnh kể cả để sửa chữa, tiếp tế hay tránh bão ». Như vậy Việt Nam muốn gia tăng số lần ghé cảng, qua việc mở rộng cho nhiều loại tàu thay vì chỉ có tàu quân sự nước ngoài theo định nghĩa trong nghị định 104.

Việc sửa đổi nghị định này có thể là cơ hội cho Hải quân và tuần duyên Mỹ gia tăng số lần đến cảng Việt Nam, với lý do sửa chữa hay tiếp tế. Cho dù Việt Nam có thể điều chỉnh tần số ghé cảng để tránh bị Bắc Kinh coi là khiêu khích, nhưng vẫn khẳng định được tính độc lập với việc cho tàu Mỹ đến thường xuyên hơn, để bày tỏ sự bất mãn trước sự chèn ép của Trung Quốc.

Cuối cùng, khi nhấn mạnh vào hợp tác quốc phòng đa phương, Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với các đối tác trên toàn cầu. Các diễn đàn như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) nhằm xúc tiến hòa bình và ổn định khu vực, và các cuộc tập trận không nhắm vào một quốc gia nào, là lý tưởng cho nền ngoại giao quốc phòng của Việt Nam.

Việc đưa phụ lục này vào cho thấy việc hợp tác trong các hoạt động quân sự đa phương là một ưu tiên của Hà Nội. Bài viết nhắc nhở, Washington là một thành viên của ADMM Plus và ARF. Sử dụng các thiết chế này để đào sâu thêm việc hợp tác với Việt Nam và các nước ASEAN khác mang lại lợi ích cho cả Hoa Kỳ và Việt Nam.


Hãy để Việt Nam đi bước trước

Bài viết kết luận, Sách Trắng quốc phòng 2019 là lời cảnh báo cho Trung Quốc và là cơ hội cho Hoa Kỳ. Trong tương lai, Washington không cần phải cố « thuyết phục » Hà Nội về việc gia tăng các hoạt động quốc phòng song phương. Sách Trắng cho thấy Việt Nam « tình trong như đã, mặt ngoài còn e ». Washington chỉ cần trấn an Hà Nội về sự cam kết của Hoa Kỳ qua việc tăng cường các trao đổi quân sự hiện có, như vậy Việt Nam sẽ tự tin hơn để đối đầu với Trung Quốc, một khi tình thế bắt buộc.

-------------------------------
·         Derek Grossman là chuyên gia phân tích quốc phòng của RAND Corporation, một tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái, có trụ sở chính tại Hoa Kỳ.
·         Christopher Sharman là đại úy Hải quân Mỹ, từng là tùy viên của Hải quân tại Việt Nam và Trung Quốc, chuyên nghiên cứu về an ninh tại Viện đại học Stanford, California, Hoa Kỳ.

-----------------------------------------------------
.
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 02/01/2020 - 17:55

Biển Đông đang trở thành lò thuốc súng. Theo nhiều nhà quan sát, trong năm 2020, vùng biển này là một trong những điểm nóng nhất hành tinh, nguy cơ bùng phát xung đột vũ trang là nhãn tiền, đặc biệt giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, giữa Bắc Kinh và một số quốc gia khu vực. Vì sao nguy cơ xung đột gia tăng, và làm thế nào để giảm nguy cơ bùng nổ chiến tranh? Đó là câu hỏi ngày càng ám ảnh giới chuyên gia.

Theo kết quả cuộc điều tra thường niên, công bố cuối tháng 12/2019, về những nguy cơ hàng đầu đối với nước Mỹ trong năm mới của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Hoa Kỳ (Council on Foreign Relations), một viện tư vấn về chính trị quốc tế có tiếng tại Mỹ, thì Biển Đông được xếp hạng khu vực thứ hai trên thế giới, mà ''đụng độ vũ trang'' có nguy cơ dễ dàng bùng nổ nhất, sau khu vực Trung Đông (với nguy cơ xung đột giữa Iran với Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của Washington). Trong một bài viết trên trang mạng The National Interest, ngày 28/12/2019, chuyên gia về lịch sử hải quân Robert Farley thậm chí cảnh báo Biển Đông là một trong năm địa điểm trên thế giới có thể khiến Thế chiến Thứ Ba bùng phát trong năm 2020 đầy căng thẳng này.

Tại sao lại là Biển Đông ?
Bài ''Trung Quốc gần hoàn tất chương trình (quân sự hóa) "nguy hiểm" tại Biển Đông'', đăng tải ngày 02/01/2019, trên trang web hàng đầu nước Úc news.com.au, nhấn mạnh đến cuộc chạy đua vũ trang gia tăng tại Biển Đông, giữa một bên là Trung Quốc, bên kia là các quốc gia láng giềng đang bị Bắc Kinh đẩy vào chân tường, buộc phải tăng chi phí quốc phòng.

Khoảng 15 năm trở lại đây, chi phí quân sự tại khu vực tăng gấp đôi, chủ yếu để chuẩn bị cho ''một cuộc chiến tranh quy ước với cường độ cao''. Theo ghi nhận của một cựu chuyên gia tình báo Úc, tiến sĩ Mark Baily, sau gần 20 năm lấn dần từng bước một, Trung Quốc đã xây dựng, củng cố cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo, và dần dần bình thường hóa việc kiểm soát trên thực tế gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Cựu chuyên gia tình báo Úc so sánh tình hình hiện nay tại Biển Đông với thập niên 1930, khi đế quốc Nhật bành trướng quân sự, trước khi dùng vũ lực đánh bật các đối thủ, để độc chiếm vùng biển chiến lược này. Đây là lần thứ hai trong lịch sử, một cường quốc có tham vọng nguy hiểm như vậy.

Ba đề xuất của học giả Trung Quốc
Trong bối cảnh nguy cơ xung đột nhãn tiền, trang mạng The Diplomat ngày đầu năm mới, đăng tải một bài phân tích đáng chú ý của học giả Trung Quốc, mang tựa đề ''Ba chìa khóa để Hải Quân Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng tồn tại hòa bình''. Giáo sư Hu Bo, giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Biển thuộc Viện Nghiên Cứu Đại Dương ở Bắc Kinh, thừa nhận nguy cơ ''xung đột vũ trang ở quy mô nhỏ'' tại Biển Đông, trong bối cảnh cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều sẵn sàng chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ nhất.

Tác giả đề xuất ba việc cần làm để giảm nguy cơ xung đột vũ trang. Đề xuất thứ nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc cần đạt được đồng thuận về việc chia sẻ quyền lực tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo tác giả, tương quan lực lượng tại vùng biển này đang từ từ nghiêng về phía Bắc Kinh, với các đầu tư hiện đại hóa quân sự từ hàng chục năm nay, cho dù xét về sức mạnh tuyệt đối, hiện tại cũng như thời gian tới, Trung Quốc không thể nào sánh ngang nước Mỹ. Tuy nhiên, xét về lâu dài, Trung Quốc sẽ có sức mạnh quân sự áp đảo tại các vùng ven bờ, cụ thể là ở Biển Đông và biển Hoa Đông, và đây là điều mà tác giả khuyến cáo Washington nên chấp nhận như một thực tế. Như vậy, hai bên cần dàn xếp để duy trì đối thoại chiến lược về khu vực Tây Thái Bình Dương, nhằm hạn chế chạy đua vũ trang, tạo thế cân bằng lực lượng tại khu vực này. Và đây chính là khuôn khổ bảo đảm an ninh chung.

Đề xuất thứ hai mà tác giả khuyến cáo là hai đại cường cần nỗ lực triển khai thiết lập các quy tắc an ninh trên biển, nhằm duy trì ổn định tại khu vực. Tác giả nhấn mạnh Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là một nền tảng quan trọng, nhưng không đủ để thiết lập trật tự và an ninh. Theo học giả Trung Quốc, do cả Bắc Kinh và Washington đều không đủ sức mạnh để đơn phương áp đặt trật tự, các quy tắc này phụ thuộc vào sự nhất trí của cả hai bên. Về vấn đề này, có hai bước cần tiến hành. Thứ nhất là xác lập các quy tắc để tránh va chạm ngoài ý muốn giữa Hải Quân và Không Quân hai nước tại vùng biển này. Và thứ hai là xác định các quy tắc chung cho các hoạt động quân sự nhằm tránh mọi xu hướng leo thang nguy hiểm.

Khuyến cáo Mỹ ''trung lập'' liệu có khả thi ?
Hai đề xuất nói trên của học giả Trung Quốc gián tiếp thừa nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Biển Đông. Đề xuất thứ ba, và cũng là điểm đặc biệt đáng chú ý trong bài viết của học giả Trung Quốc là việc khuyến cáo Hoa Kỳ nên có lập trường ''trung lập'' về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Tác giả cảnh báo mọi can thiệp của Hoa Kỳ, đứng về phía một hoặc các bên tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, có thể dẫn đến ''các phản ứng dữ dội'' từ phía Trung Quốc. Lợi ích mà nước Mỹ thu được khi làm như vậy sẽ nhỏ hơn rất nhiều các thiệt hại, và thậm chí các can thiệp đó có thể dẫn đến đối thoại với Trung Quốc bị cắt đứt, trật tự do Mỹ tạo lập tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ''sụp đổ hoàn toàn''.

Có thể nói đề xuất thứ ba này liên quan đến nguy cơ trực tiếp và chủ yếu dẫn đến bùng nổ xung đột vũ trang tại Biển Đông, khi Hoa Kỳ đứng về phía một quốc gia ven bờ không chấp nhận sự lấn lướt của Trung Quốc. Trong bảng xếp hạng các quốc gia có nguy cơ đụng độ vũ trang với Bắc Kinh của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Hoa Kỳ, Việt Nam xếp cuối theo trật tự abc. Tuy nhiên, trên thực tế, Hà Nội đang nằm ở tuyến đầu trong thế trận quốc tế đang dần dần hình thành, chống lại đà bành trướng Trung Quốc. Trong nửa cuối năm vừa qua, tuần duyên Việt Nam phải đối đầu liên tục trong bốn tháng với tuần duyên Trung Quốc, xâm nhập khu vực đặc quyền kinh tế, quấy nhiễu giàn khoan.

Nhà phân tích quân sự Derek Grossman, trung tâm tư vấn chiến lược Rand, chuyên về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, phát biểu với báo Úc, ghi nhận Hà Nội đang nỗ lực phát triển mạng lưới hợp tác quốc phòng với nhiều nước ASEAN, cùng Úc, Nhật Bản và Ấn Độ - ba quốc gia trong Bộ Tứ đi đầu trong việc duy trì khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ''rộng mở và tự do'', dựa trên luật pháp quốc tế. Washington cũng ủng hộ nỗ lực bảo vệ quyền chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, và chính thức bước đầu hỗ trợ Hà Nội về hải quân.

Xét trong bối cảnh như vậy, liệu khuyến cáo của học giả Trung Quốc, để Washington từ bỏ sự ủng hộ đối với các quốc gia Đông Nam Á đang bị Bắc Kinh lấn át, có thể nào là khả thi?







No comments:

Post a Comment

View My Stats