Friday, 3 January 2020

PHIÊN XỬ THỨ 2 VỤ "ĐẤT VÀNG" Ở ĐÀ NẴNG : XUẤT HIỆN LỜI KHAI QUAN TRỌNG (BTV Tiếng Dân)




BTV Tiếng Dân
03/01/2020



--------------------------

Ngày 3/1/2020, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm 21 bị cáo trong vụ bán đất công sản ở TP Đà Nẵng cho Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, gây thất thoát hơn 22.000 tỉ đồng cho nhà nước. Phiên xử này đã xuất hiện các lời khai rất quan trọng, nêu đích danh người từng là chính khách quyền lực nhất TP Đà Nẵng: Cựu Bí thư Nguyễn Bá Thanh. 

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Ông Nguyễn Bá Thanh gợi ý bán đất cho Vũ ‘nhôm’? Sau khi Vũ “nhôm” bị cách ly, HĐXX bắt đầu xét hỏi các bị cáo về quá trình Vũ thu tóm loạt nhà đất công sản và dự án ở Đà Nẵng. Bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, cựu Giám đốc Công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng, khai nhận, sau khi cơ quan này được UBND TP Đà Nẵng đồng ý bán cho 2 lô đất, ông Nguyễn Bá Thanh đã gọi điện nói, cái nào không dùng thì bán cho Vũ “nhôm”. Bị cáo Lộc nói thêm: “Sau đó, Vũ ‘nhôm’ liên hệ với tôi để gặp nhau và tôi chỉ đồng ý nhượng lại lô đất 37 Pasteur”.

Báo Dân Việt có clip ghi lại lời khai của bị cáo Lộc: Bị cáo khai biết Vũ “nhôm” có quan hệ với cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh.


Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Ông Nguyễn Bá Thanh giới thiệu cho Vũ ‘nhôm’ mua nhà tại Đà Nẵng? Bài báo nhắc lại lời khai trên của bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, đồng thời dẫn lời khai tương tự của bị cáo Phan Xuân Ít, cựu Phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng. Ông Ít khai: “Tôi không có quan hệ với Vũ, chỉ nghe Vũ là chủ doanh nghiệp bình phong của Bộ Công an… Biết là Vũ có mối quan hệ với ủy ban, quan hệ với Bí thư, Chủ tịch HĐND cũ đã mất và sau có quan hệ với anh Trần Văn Minh”.

VTC có clip ghi lại toàn bộ lời khai nói trên của bị cáo Phan Xuân Ít: Vũ “nhôm” có mối quan hệ với lãnh đạo nhiều thời kỳ?



Đó là lời khai của bị cáo Nguyễn Viết Vĩnh, cựu Chuyên viên, Trưởng phòng Quản lý đô thị thuộc Văn phòng UBND TP Đà Nẵng: “Sau khi bị cáo báo cáo có 2 đơn vị sử dụng đất, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng giao nhiệm vụ cho Đào Tấn Bằng xin ý kiến Bí thư, Chủ tịch HĐND giao đoạn đó là ông Nguyễn Bá Thanh. Sau khi bị cáo Bằng xin ý kiến xong đã giao bị cáo thực hiện soạn thảo theo chỉ đạo của cấp trên”.

Báo Dân Trí có bài thống kê các lời khai nêu đích danh “cụ Bá” trong phiên xử vụ Vũ “nhôm”: Cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh liên tục được nhắc tên! Bên cạnh các lời khai trên, bài báo dẫn lời bị cáo Nguyễn Văn Cán, cựu Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng về hai dự án Khu dân cư An Cư 2 và 3 mở rộng, diện tích là 13.088,17 m2.

Bị cáo Cán thừa nhận, biết Vũ “nhôm” có quan hệ với Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí thư Đà Nẵng. “Quá trình công tác, ông Cán chủ yếu nhận chỉ đạo gián tiếp từ ông Nguyễn Bá Thanh, trực tiếp từ ông Trần Văn Minh, có những vấn đề chỉ đạo bằng văn bản, có vấn đề chỉ đạo miệng, có vấn đề thông qua bị cáo Phan Xuân Ít để chỉ đạo”.

Thêm lời khai đáng chú ý trong phiên xét xử vụ cựu lãnh đạo Đà Nẵng: “Nếu không làm thì không thể tồn tại được ở ghế đó nữa”, báo Đầu Tư đưa tin. Bị cáo Nguyễn Công Lang, GĐ Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng trần tình, cáo trạng truy tố quá nặng, trong khi “bị cáo là cấp dưới, chỉ làm theo văn bản của UBND TP”. Bị cáo Lang còn nói: “Nếu không làm thì không thể tồn tại được ở ghế đó nữa”.  

Trong phiên xử chiều 3/1, cựu Chủ tịch Đà Nẵng lý giải về 5 khẩu súng bị thu giữ, theo VietNamNet. Bị cáo Trần Văn Minh nói về 5 khẩu súng cùng 18 viên đạn do cơ quan chức năng thu giữ được tại nhà, rằng có 3 khẩu súng là công cụ hỗ trợ, bắn hơi cay, 2 khẩu còn lại là súng đồ chơi. Về mối quan hệ với Vũ “nhôm”, ông Minh khẳng định đã được Bộ Công an giới thiệu “thượng tá” Phan Văn Anh Vũ, là cán bộ tình báo, nên “phải tạo điều kiện cho tình báo viên hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ”.

Đến lượt người kế nhiệm của ông Minh là bị cáo Văn Hữu Chiến khai, thời gian Chiến còn làm Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng: “Bị cáo Minh là người ra chủ trương chuyển nhượng các dự án nhà đất thành phố, bán nhà chuyển quyền sử dụng đất”. Còn việc bán nhà đất công sản cho Vũ “nhôm” là theo công văn của Bộ Công an “làm để hỗ trợ Bộ Công an hoàn thành nhiệm vụ. Cần xác định phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo quốc phòng, an ninh”.

Báo Tuổi Trẻ có clip ghi lại lời bị cáo Trần Văn Minh trả lời thẩm vấn tại tòa


Cũng khai nhận về vai trò liên đới của Bộ Công an, bị cáo Đào Tấn Bằng, cựu Phó Văn phòng UBND TP Đà Nẵng kể: ‘Thấy văn bản mật của Bộ Công an nên tin tưởng’, theo báo Pháp Luật TP HCM. Về dự án khu đất 3,264 m2 ở đường Ngô Quyền, Chủ tịch lúc đó là Trần Văn Minh đã có bút phê và “cho bị cáo xem công văn của Bộ Công an với nội dung đề nghị TP cho phép Công ty bình phong Bắc Nam 79 được chuyển nhượng khu đất trên”.

Đối với Công văn 8332 để Minh ký chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất trên cho Vũ “nhôm”, bị cáo Bằng thừa nhận, ông ta đã tham gia soạn thảo văn bản này. “Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ chính trị, liên quan đến văn bản mật của Bộ Công an về bảo vệ Đảng, Nhà nước chứ bị cáo không hưởng lợi gì”.

VTC đặt câu hỏi: Người mua nhà, đất tại dự án liên quan đến Vũ ‘nhôm’ sẽ thế nào? LS Lê Cao trả lời: “Dù người dân đã bỏ tiền ra rất nhiều để ký các giao dịch mua bán nhà, nhưng nếu tòa án có bản án buộc thu hồi lại đất, thì dù đã vào ở trong các căn hộ của dự án, người mua cũng buộc phải chấp hành các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, chấp hành quyết định về thi hành án. Nếu người dân không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành án”.

Nhận định về phiên xử thứ 2 vụ sai phạm “đất vàng” Đà Nẵng

Thật ra, chuyện Vũ “nhôm” có quan hệ với Nguyễn Bá Thanh đã được phanh phui trong dư luận “lề dân” không lâu, sau khi ông Thanh qua đời. Có điều, những thông tin đó đã bị các nhóm dư luận viên, tuyên truyền viên của chế độ phủ nhận và bôi nhọ. Thậm chí, ngay cả một số người có tư tưởng cấp tiến, muốn xã hội VN thay đổi, cũng phủ nhận thông tin này vì với họ, Thanh là người “vì nước vì dân” nhưng không gặp thời và bị “đồng chí” hãm hại.

Chỉ đến phiên tòa xử vụ các cựu lãnh đạo, quan chức Đà Nẵng giao “đất vàng” cho Vũ “nhôm”, mối quan hệ Nguyễn Bá Thanh – Phan Văn Anh Vũ mới được làm sáng tỏ bởi chính những kẻ từng là “đồng chí” thân thiết của 2 người này. Nhiều bị cáo chứ không chỉ một người đã khai đích danh Nguyễn Bá Thanh, họ cũng được phép phát biểu liền mạch chứ không bị ngắt lời hay nhắc nhở, lời họ nói cũng được cả báo “lề đảng” dẫn lại hoặc ghi lại bằng video. 

Nghĩa là các bị cáo đã được phép đồng thanh nhắc đến Nguyễn Bá Thanh và báo “lề đảng” cũng được “bật đèn xanh” để đưa tin. Qua đó có thể thấy, chính phe “đốt lò” cũng không muốn giữ bí mật chuyện này nữa, dường như Thanh cũng là nơi để tháo gỡ nút thắt, bởi mồ ông đã xanh cỏ rồi.

Dù một số dư luận viên hoặc những người vẫn còn muốn tin vào ông Thanh với “đạo đức sáng ngời”, cho rằng các bị cáo chỉ tìm cách đổ tội cho người đã chết, nhưng chính các “đồng chí” còn sống của Thanh sẽ quyết định công tội ông ta, chứ không phải những người vẫn còn bị mê hoặc bởi khái niệm “Đà Nẵng đáng sống” được xây dựng từ thời Nguyễn Bá Thanh, hay những dư luận viên đã từng say sưa đi báo cáo từng bài viết bất lợi về “cụ Bá”.

Nguyễn Bá Thanh là một ví dụ khá tiêu biểu cho sự ngộ nhận về các quan chức CS “vì nước vì dân”. Một số người dân tuy đã nhận ra chế độ cần thay đổi, nhưng họ vẫn cho rằng trong số quan chức CS vẫn có người tốt, như nhóm “người hâm mộ” Thanh cho rằng ông này đã xây dựng Đà Nẵng thành “nơi đáng sống”.

Các trường hợp tương tự khác như Đinh La Thăng hay Trần Đại Quang. Lúc Thăng sắp bị ném vào “lò”, vẫn có một người chán ngán chế độ này nhưng cho rằng, họ thật sự tôn trọng Thăng bởi sự ngộ nhận: 1. Họ cho rằng Thăng thuộc phe “chống Tàu”, tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của TQ ở VN; 2. Họ đã được hưởng lợi vì các chính sách dân túy thời Thăng làm quan chức ở miền Nam.

Còn với Trần Đại Quang, họ cho rằng ông ta là công thần bị đầu độc, mà không nghĩ đến chuyện Quang chính là “kiến trúc sư trưởng” của các kế hoạch đàn áp hết sức tàn bạo, nhắm vào người Thượng ở Tây Nguyên năm 2004. 

Đinh La Thăng là tay sai của Ba X và ông ta chưa bao giờ thật sự chống TQ cả, nhưng đôi lúc Thăng tung ra mấy phát biểu có tính dân túy để tranh thủ sự ủng hộ của một số người cả tin. Với Đại Quang thì “thành tựu” duy nhất trong cuộc đời ông ta là biến nước VN thành một nhà tù khổng lồ và ông ta đã nhận được “phần thưởng xứng đáng” là liều thuốc độc từ chính “đồng chí” của ông ta.

Nguyễn Bá Thanh cũng giống 2 người này, không có ông ta thì hạng côn đồ như Vũ “nhôm” làm sao có thể tàn phá, trục lợi ở Đà Nẵng được như vậy. Các dự án hủy hoại môi trường ở Đà Nẵng đến nay vẫn chưa bị xử lý hết.

Điều đáng ngại trong phiên tòa xử Vũ “nhôm” và quan chức Đà Nẵng hôm nay là vẫn có một số độc giả của báo “lề đảng” vào bình luận theo hướng ủng hộ Nguyễn Bá Thanh, cho rằng ông ta là người chết nên không cãi được. Cũng như ngay trong số những người có xu hướng cấp tiến, muốn làm mới xã hội, vẫn thần tượng những người như Đinh La Thăng, Trần Đại Quang…

Chuyện các lãnh đạo, quan chức CS quay sang hủy hoại, thanh trừng lẫn nhau là điều tất yếu, bởi với những người cộng sản không có “tình đồng chí” dù họ vẫn luôn miệng gọi nhau là “đồng chí”. Với các nhận định phổ biến, cho rằng, “vẫn có quan chức CS là người tốt nhưng không gặp thời”, sẽ là nguy cơ làm chậm tiến trình dân chủ hóa VN trong thời hậu CS. 
_____









No comments:

Post a Comment

View My Stats