Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày: 21/01/2020 - 16:11
Trên
báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 21/01/2020, có hai chủ đề được bình luận rộng rãi
: Phiên tòa truất phế tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức được tiến hành tại
Thượng Viện Hoa Kỳ, và nguy cơ lan rộng của virus viêm phổi chết người xuất xứ
từ Trung Quốc. Ngoài hai hồ sơ quốc tế đó, các báo tiếp tục quan tâm đến phong
trào chống cải tổ hưu bổng tại Pháp vẫn chưa dứt hẳn.
Phiên tòa xét xử việc truất phế tổng thống Mỹ đã được
nhật báo cánh hữu Le Figaro dành cho một hồ sơ dài, kèm theo một bài xã luận. Đối
với tờ báo Pháp, để chống lại đảng Dân Chủ muốn truất phế ông, “Tổng thống
Trump dùng dư luận chống lại những người tố cáo”, tựa lớn ngay trên trang
nhất.
Le Figaro ghi nhận thực tế là chính nhờ vận động được
dư luận, mà phiên tòa mở ra tại Thượng Viện để xem xét việc truất phế tổng thống
đã bị những người ủng hộ ông Trump coi là một âm mưu thanh toán chính trị do đảng
Dân Chủ tiến hành.
Trong bài “Truất phế : Một phiên tòa lịch sử
nhưng kết quả được an bài trước”, tờ báo công nhận rằng phiên tòa dự trù
kéo dài khoảng một tháng bắt đầu từ hôm nay quả là một sự kiện “hiếm thấy”, nếu
không muốn nói là lịch sử vì ông Trump chỉ là tổng thống Mỹ thứ ba phải ra trước
Thượng Viện vì phạm “trọng tội”.
Có điều là, theo Le Figaro, dù lịch sử nhưng kết quả
phiên tòa đã được thấy trước vì ông Trump chắc chắn sẽ không bị hề hấn gì. Lý
do rất đơn giản : “Tổng
thống Trump thuộc đảng Cộng Hòa, lại được Thượng Viện với đa số trong tay đảng
Cộng Hòa xét xử, do đó gần như không có bất kỳ nguy cơ bị kết án nào”.
Tiến trình truất phế mang tính chính trị hơn
là pháp lý
Theo Le Figaro, vụ truất phế này thực ra mang tính
chất chính trị nhiều hơn là pháp lý. Đảng Dân Chủ muốn thông qua tiến trình truất
phế, tấn công vào toàn bộ những gì họ cho là sai trái nơi ông Trump, bị cho là
đã “hạ thấp vai trò” của tổng thống và làm suy yếu nhà nước pháp quyền.
Ngược lại, khi chống lại việc truất phế, đảng Cộng
Hòa bảo vệ những gì mà ông Trump đã làm, giúp kinh tế thành công lâu dài, cắt
giảm thuế, hành động quyết đoán, thậm chí tàn bạo, chống nhập cư, bổ nhiệm hàng
loạt các thẩm phán bảo thủ...
Đối với Le Figaro, phiên tòa truất phế sẽ không khiến
bất kỳ ai ở Mỹ thay đổi ý kiến. Nó sẽ không làm cho ông Trump bị suy yếu về uy
tín chính trị, nhưng cũng sẽ không đảm bảo một trăm phần trăm khả năng được bầu
lại của người tự cho mình là “nạn nhân”.
Một chi tiết được cả Le Figaro lẫn đồng nghiệp
Libération chú ý là dù chắc chắn là mình sẽ thắng, ông Trump vẫn cố tìm cách bảo
vệ danh dự khi thuê hai luật sư sừng sỏ làm người biện hộ cho mình : Luật sư
chuyên về luật Hiến Pháp Alan Dershowitz, từng bào chữa cho những tội phạm nổi
tiếng, và cựu công tố viên bang Texas, Kenneth Starr, người đã điều tra để luận
tội cựu tổng thống Bill Clinton trước đây trong vụ Monica Lewinsky.
Đối với Libération, thực ra, vai trò của hai luật sư
sừng sỏ này không phải là để bảo vệ ông Trump trước Tòa Án ở Thượng Viện, mà là
để đảm trách vấn đề truyền thông ngoài tòa, chắc chắn sẽ nổi sóng trong thời
gian diễn ra phiên xét xử.
Virus 2019-nCoV bí ẩn nhưng chết người gây lo ngại
Hồ sơ lớn thứ hai được tất cả các báo lưu ý dù không
đưa lên thành tựa lớn trang nhất là nguy cơ lây lan của con virus gây ra bệnh
viêm phổi lạ nhưng chết người xuất phát từ thành phố Vũ Hán, miền trung Trung
Quốc.
Nhật báo Le Monde đã nhấn mạnh nguyên nhân lo ngại
chủ chốt trong hàng tựa chẳng khác gì tiếng chuông báo động : “Việc lây lan
từ người sang người của con virus bí ẩn đến từ Trung Quốc có dấu hiệu được xác
nhận”.
Le Monde nhắc lại rằng Tổ chức Y Tế Thế Giới (OMS,
WHO) sẽ phải họp khẩn vào ngày 22/01/2020 để xem xét khả năng tuyên bố tình trạng
khẩn cấp y tế cấp quốc tế hay không.
Nhật báo Pháp Le Figaro cũng dành cho mối lo âu về mặt
y tế này một tựa quan trọng trên trang nhất dù không phải là tựa chính : “2019-nCoV:
Virus mới tại Trung Quốc đang khiến thế giới lo lắng”.
Tờ báo giải thích rằng 2019-nCoV là tên gọi hiện thời
được đặt ra cho con virus đang có tốc độ lây lan nhanh chóng vừa mới xuất hiện ở
Vũ Hán, và đã lan ra các thành phố lớn của Trung Quốc. Le Figaro cũng không
quên nhắc lại rằng rốt cuộc một chuyên gia giầu kinh nghiệm của Trung Quốc đã
thừa nhận rằng căn bệnh này đã có thể truyền từ người sang người, làm tăng nguy
cơ lây nhiễm.
Nhật báo Libération thì đã chú ý đến phản ứng của
Trung Quốc, vừa đề cao cảnh giác, vừa hết sức lo ngại trước nguy cơ dịch viêm
phổi Vũ Hán lan rộng, đặc biệt trong bối cảnh hàng chục triệu, thậm chí hàng
trăm triệu người Trung Quốc chuẩn bị lên đường về quê hay đi du lịch nhân dịp Tết,
làm tăng khả năng lây nhiễm.
Điều được Libération cảm thấy an ủi là so với dịch
viêm phổi cấp tính SARS vào năm 2003, chính quyền Trung Quốc lần này có dấu hiệu
được chuẩn bị tốt hơn và minh bạch hơn, hợp tác chặt chẽ hơn với các các cơ
quan quốc tế, chứ không còn giấu diếm như trước đây để cho tình hình biến thành
thê thảm.
Một trong những chi tiết mà theo Libération có thể
khiến Trung Quốc mạnh tay chống dịch hơn là “lệnh” mà ông Tập Cận Bình đã đưa
ra, đòi phải “kiên quyết” chặn đứng con coronavirus mới này.
Như nói ở trên, thời sự Pháp tiếp tục là chủ đề thu
hút các báo Pháp, đặc biệt là hai tờ Libération và Les Echos đã giành tựa lớn
trang nhất cho vấn đề cải tổ hưu bổng.
Les Echos : Kế hoạch cải tổ hưu bổng tác động mạnh đến mức
lương cao
Trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa
: “Hưu bổng : Một vụ (thay đổi lớn như vụ nổ) Big Bang cho những mức
lương cao”. Theo tờ báo, những người có thu nhập hơn 120.000 euro mỗi
năm sẽ phải chuyển sang chế độ tích vốn để bổ sung cho tiền hưu bổng của mình,
và chính quyền sẵn sàng giảm nhẹ các quy định để tạo thuận lợi cho việc tiết kiệm
để về hưu.
Libération : CFDT trước nguy cơ bị chia rẽ vì thỏa hiệp với
chính phủ
Libération thì chú ý đến chủ trương thỏa hiệp với
chính phủ của công đoàn CFDT trong vấn đề cải cách hưu bổng. Chủ trương tương
nhượng với chính quyền đang đẩy công đoàn này vào thế bị người đình công đả
kích, trong đó có cả những người trong công đoàn này tại các cơ sở.
Libératon lưu ý là việc chấp nhận thảo luận với
chính phủ về kế hoạch cải cách hưu bổng khiến CFDT có nguy cơ bị chia đôi như
năm 1995, hay bị mất thành viên như năm 2003. Nhưng tổng thư ký của CFDT tin chắc
rằng khi phối hợp với chính quyền, ông đang tham gia vào việc tạo ra một hệ thống
công bằng.
Le Monde : Đã đến lúc châu Âu bớt thờ ơ về Libya
Tình hình Libya, với tín hiệu tích cực đến từ hội
nghị thượng đỉnh Berlin đã được Le Monde ghi nhận trong bài xã luận.
Tại cửa ngõ châu Âu, thùng thuốc súng Libya có nguy
cơ biến thành một cuộc xung đột quốc tế và một thảm họa cho con người tương
đương với Syria. Đã đến lúc cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là châu Âu bớt thờ
ơ, họp lại với nhau để đề ra sáng kiến nhằm cố gắng ngăn chặn vòng xoáy chiến
tranh nguy hiểm.
Theo Le Monde, việc 11 lãnh đạo của các quốc gia
liên quan, thậm chí can dự vào sự hỗn loạn của Libya, đã gặp nhau tại Berlin dưới
sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc hôm 19/01 là một diễn biến tích cực.
No comments:
Post a Comment