Wednesday, 15 January 2020

NƯỚC MẮM "QUỐC HỒN QUỐC TÚY" CỦA VIỆT NAM SẼ VỀ ĐÂU? (RFA)




RFA
14/01/2020

Tiếp tục gây lo ngại

Truyền thông trong nước hôm 13/1 loan tin thanh tra Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trong năm 2019 đã phát hiện 4 cơ sở sản xuất nước mắm ở thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long và An Giang sử dụng nguyên liệu soda công nghiệp chuyên dùng cho sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh trong quá trình sản xuất nước mắm.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Hồng Côn, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội được báo giới dẫn lời cho biết rằng chất soda công nghiệp để trung hòa axit trong nước mắm chứa rất nhiều tạp chất nhất là các kim loại nặng, sẽ gây nên các bệnh mãn tính và có nguy cơ gây ung thư…

Đài RFA ghi nhận với thông tin mới nhất liên quan đến nước mắm, không ít người tiêu dùng tại Việt Nam bày tỏ lo ngại rằng họ không biết làm thế nào để mua được đúng một sản phẩm nước mắm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vì vốn dĩ nước mắm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình người Việt Nam.

Đài Á Châu Tự Do nhận thấy nỗi lo lắng của một số người tiêu dùng ở trong nước mà chúng tôi có dịp trao đổi cũng phải lẽ vì món nước chấm được xếp loại là “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam, nhưng hồi trung tuần tháng 10 năm 2016, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) công bố cuộc khảo sát trên 150 mẫu nước mắm tại 19 tỉnh thành, đã phát hiện có đến 101 mẫu, chiếm 67,33% số nước mắm được khảo sát có hàm lượng thạch tín-arsen tổng vượt ngưỡng cho phép.

Thông tin này khiến cho người tiêu dùng rất hoang mang về các sản phẩm bày bán trên thị trường ở Việt Nam, đặc biệt gây ảnh hưởng đến các sản phẩm nước mắm truyền thống, do bởi kết luận từ Vinastas rằng nước mắm nhiễm thạch tín và độ đạm càng cao càng nhiễm độc nhiều.

Ông Duyệt, một chủ nhà thùng nước mắm ở Phú Quốc, Kiên Giang lên tiếng với RFA rằng người tiêu dùng thuộc thành phần có thu nhập thấp là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất khi mua và sử dụng các sản phẩm nước mắm “thật-giả” lẫn lộn trên thị trường. Ông Duyệt giải thích:

“Những người có mức thu nhập thấp thì người ta không tìm hiểu được. Người ta chỉ biết rằng trong bữa cơm có dùng thôi. Nói tóm lại là người dân thấy rẻ khi so sánh giá nước mắm trên thì trường thì thấy rẻ và mua ăn thôi. Còn truy ra nguồn gốc mà biết được thì muộn rồi.”

Ông Duyệt còn nhấn mạnh về một hình thức giả mạo khác mà người tiêu dùng cũng không thể nào phân biệt được. Ông Duyệt nêu lên ví dụ:

“Một số các doanh nghiệp trên đảo Phú Quốc còn vấn vương cái vấn đề này lắm. Thứ nhất, nước mắm giả ở đây thì không nói mà tôi muốn nói đến nước mắm giả thương hiệu nước mắm Phú Quốc, làm chao đảo thị trường. Ví dụ như nước mắm Phú Quốc mà sản xuất tại Sài Gòn thì hiện nay các cơ quan chức năng chưa làm tốt được khâu kiểm soát nên một số doanh nghiệp còn lợi dụng thương hiệu “Phú Quốc” và vấn đề này gây ra thiệt thòi cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm ở tại Phú Quốc. Theo văn bản, công văn từ xưa tới giờ đã thông báo cho các tỉnh biết, như sản xuất ở Sài Gòn thì không được ghi ở Phú Quốc. Nhưng các cơ quan chức năng chưa làm tốt vấn đề đó. Họp vẫn nói mà cũng như thế thôi. Mong làm sao các cơ quan chức năng làm mạnh và giải quyết được cho các doanh nghiệp ở huyện đảo Phú Quốc và giúp cho người tiêu dùng không bị mua nhầm.”

Từ năm 2007, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, bà Nguyễn Thị Tịnh, nói với truyền thông trong nước rằng có đến khỏang 90% nước mắm mang nhãn hiệu Nước mắm Phú Quốc là hàng giả mạo, nghĩa là không được sản xuất tại Phú Quốc. Và theo như chia sẻ của ông Duyệt thì vấn đề này đã kéo dài hơn 1 thập niên nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết triệt để.

Cuộc chiến nước mắm trên thị trường Việt Nam

Tổng Cục thống kê Việt Nam ghi nhận Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm, trong đó nước mắm sản xuất theo phương thức công nghiệp chiếm tỷ lệ 75%. Và theo Euromonitor, một công ty nghiên cứu thị trường thì thị trường nước mắm Việt Nam ước tính trị giá 4,5 tỷ USD và có mức tăng trưởng hàng năm khoảng 4,7% trong giai đoạn 2016-2021.

Hồi trung tuần tháng 3 năm 2019, Báo mạng Zing.vn đăng tải một bài ghi nhận của Bình Nguyên về “Cuộc chiến khốc liệt ở thị trường nước mắm”. Tác giả bài báo nêu lên vấn đề thị trường nước mắm ở Việt Nam có đủ sức hấp dẫn để các doanh nghiệp lao vào “cuộc chiến thị phần với đủ chiêu trò” và trong gần 20 năm xuất hiện nước chấm công nghiệp, Tập đoàn Masan đang làm chủ cuộc chơi. Một trong những yếu tố thành công của tập đoàn này được tác giả Bình Nguyên đưa ra gồm hạ giá sản phẩm và đẩy mạnh tiếp thị nhất là trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Cô Phượng, một nhân viên làm việc trong một công ty xuất nhập khẩu thực phẩm ở thành phố Hồ Chí Minh nói với RFA về ghi nhận của cô đối với mặt hàng nước mắm trên thị trường nội địa:

“Chính người Việt Nam mình cũng không biết được tất cả các loại nước mắm ngon. Như vậy vô tình lượng nước mắm mà người ta mua về do các công ty tinh chế ra những loại cũng gọi là nước mắm nhưng thực ra là nước mắm công nghiệp thì không còn chất lượng nữa. Cứ thuận tiện thì lấy. Hiện giờ vẫn có các sản phẩm nước mắm, chẳng hạn như nước mắm Phú Quốc ở tất cả siêu thị nhưng người tiêu dùng vẫn chưa có ý thức được việc là phải ăn đúng nước mắm truyền thống ủ đúng ngày. Điều này còn cần thêm một quá trình nữa. Chứ còn bây giờ hỏi người tiêu dùng nước mắm nào ngon thì đa phần họ không biết. Họ chỉ nhớ về một số thương hiệu mà họ nghe nói truyền miệng với nhau thôi.”

Trả lời câu hỏi của RFA về sản phẩm nước mắm xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới, cô Phượng cho biết rất hạn chế và như công ty của cô thì phải xuất các lô hàng nước mắm gián tiếp qua một nước trung gian là Thái Lan và các sản phẩm nước mắm của Việt Nam gần như chưa được xuất khẩu trực tiếp.

Là một người sinh trưởng ở Phú Quốc, nơi sản xuất nước mắm nổi tiếng của Việt Nam, cô Phượng rất lấy làm tiếc về sản phẩm nước mắm đạt tiêu chuẩn lẫn trên thị trường nội địa và cả thị trường ngoài nước:

“Nước mắm của Việt Nam phải đảm bảo về chất lượng truyền thống, ủ truyền thống 3-0: không màu, không đường hóa học và không chất bảo quản. Ủ truyền thống là phải ủ từ 12 đến 18 tháng mới được lấy nước mắm ra. Đúng thời gian ủ như vậy mới ra được nước mắm rất ngon, chất lượng rất tốt mà lại không xuất khẩu ra nước ngoài được thì rất là phí.”

Vai trò quản lý ra sao?

Đài RFA liên lạc với Kỹ sư Lê Anh, người điều hành hãng nước mắm truyền thống Lê Gia để nêu lên vấn đề về vai trò quản lý của các cơ quan chức năng liên quan việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nước mắm ở Việt Nam. Câu hỏi chúng tôi đặt ra cho Kỹ sư Lê Anh liệu rằng Dự thảo Tiêu chuẩn về “Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” khi được ban hành có thể sẽ giúp cho việc quản lý được hiệu quả hơn không và được Kỹ sư Lê Anh trình bày:

“Câu chuyện của Dự thảo tiêu chuẩn 12607 năm vừa rồi thì không xuất phát từ thực tiễn, mà có những thông tin không công bằng, không minh bạch cho cả hai ‘sân chơi’ nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, tạm gọi là như vậy, nên đã bị dừng lại. Hiện tại Dự thảo 12607 là Dự thảo thực hành quy phạm sản xuất nước mắm thì đã dừng lại rồi do sức ép của dư luận.

Theo tôi nghĩ, một chính sách nào khi đưa ra thì phải đảm bảo điều kiện là khách quan, minh bạch trong quá trình soạn thảo, ban hành và tạo ra một ‘sân chơi’ bình đẳng chứ không thiên lệch cho một nhóm đối tượng, một nhóm sản phẩm, một nhóm lợi ích nào thì mới nhận được sự ủng hộ. Còn ở Việt Nam hiện có một tiêu chuẩn về nước mắm, đó là Tiêu chuẩn 5107/2018, được cải tiến từ Dự thảo 5107/2003. Tuy nhiên tiêu chuẩn mới nhất của nước mắm theo Tiêu chuẩn 5107/2018 thì cũng vấp phải sự không đồng tình của những nhà sản xuất nước mắm truyền thống, bởi vì theo hướng hạ thấp các tiêu chuẩn nước mắm. Ví dụ như nồng độ đạm axit amin hạ xuống cho nên các nhà sản xuất nước mắm truyền thống cho rằng việc hạ tiêu chuẩn này làm cho ranh giới để phân biệt giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp hay giữa các phân cấp các loại hình độ đạm chất lượng nước mắm không đồng nhất, không rõ ràng.”

Kỹ sư Lê Anh lưu ý thêm rằng nước mắm truyền thống là “hộ chiếu ẩm thực” của Người Việt, theo cách gọi của ông vì nước mắm là một gia vị tôn vinh văn hóa ẩm thực của Việt Nam, đồng thời là một quốc gia nổi tiếng về sản xuất nước mắm nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa có Hiệp hội nước mắm truyền thống ở Việt Nam được thành lập.

Trong sự quan tâm của dư luận xoay quanh món “quốc hồn quốc túy” nước mắm tương lai sẽ thế nào, Tiến sĩ Trần Thị Dung, một chuyên gia về nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Nông nghiệp-Phát tiển Nông thôn bày tỏ với RFA rằng bà đặt niềm tin vào chính quyền trong việc quản lý cho nghề sản xuất nước mắm truyền thống không bị mai một. Còn Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu từng chia sẻ nỗi niềm với RFA rằng “Chúng tôi không hình dung được nếu Việt Nam mình không có nước mắm làm từ cá thì nó còn cái hương vị ẩm thực của rất nhiều món ăn của Việt Nam hay không?”





No comments:

Post a Comment

View My Stats