Sunday, 19 January 2020

NÊN LỰA CHỌN THÁI ĐỘ NHƯ THẾ NÀO TRƯỚC MỘT VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ GÂY TRANH CÃI? (Trịnh Hữu Long - Luật Khoa)




Trịnh Hữu Long  -  Luật Khoa
19/01/2020

Quyết định đầu tiên ta cần đưa ra khi đứng trước một vấn đề chính trị là: có cần phải quan tâm tới nó không? Quan tâm là một thái độ, không quan tâm cũng là một thái độ. Bạn có thể lựa chọn hoàn toàn không quan tâm gì đến chính trị, cũng có thể chọn lọc những vấn đề chính trị để quan tâm. Một người quan tâm tới chính trị không nhất thiết phải quan tâm đến tất cả mọi vấn đề. (Mà thực sự có ai đủ sức quan tâm tới tất cả mọi vấn đề đây?)

Khi quan tâm rồi thì ta đứng trước một nan đề: một vấn đề chính trị đang gây tranh cãi, ai cũng có vẻ đúng mà ai cũng có vẻ sai, chẳng biết tin ai bây giờ. 

Lấy ví dụ như vụ Đồng Tâm xảy ra ngày 9/1/2020. Chính quyền thì nói dân Đồng Tâm lấn chiếm đất quốc phòng, tàng trữ vũ khí, chống người thi hành công vụ; dân Đồng Tâm và những người ủng hộ thì nói đất ruộng là của họ, họ bị công an tấn công bố ráp lúc 4:00 sáng và giết ông Lê Đình Kình. 

Bạn đang hoang mang không biết làm gì thì lại có tin công an phong tỏa tài khoản ngân hàng Vietcombank của bà Nguyễn Thúy Hạnh vì cho rằng đó là tài khoản nhận tiền tài trợ khủng bố, trong khi bà Hạnh tuyên bố chỉ nhận tiền phúng điếu cho ông Lê Đình Kình. Một số người ngay lập tức kêu gọi đóng góp cho dân Đồng Tâm trên GoFundMe và lại lập tức nhận được rất nhiều khoản đóng góp, hầu hết là nhỏ lẻ từ rất nhiều người. 

Thiên hạ chia đôi, bên nào cũng quyết liệt bảo vệ quan điểm của mình. Ta phải lựa chọn thái độ như thế nào đây? Một số gợi ý sau đây có thể giúp bạn tháo gỡ được một số nút thắt để lựa chọn thái độ, rồi từ đó xây dựng quan điểm riêng của mình. 

1. Cân nhắc tương quan lực lượng giữa các phe

Mỗi vấn đề chính trị có những nhân tố khác nhau tham gia. Phổ biến là các cặp chính quyền – người dân và doanh nghiệp – người dân, rất thường xuyên xuất hiện các vấn đề bao gồm cả ba nhân tố: chính quyền – người dân – doanh nghiệp. 

Trong hầu hết các trường hợp, sức mạnh nghiêng hẳn về phía chính quyền. Họ có súng, có loa, có tiền và có người. Người dân, mà thực ra là một cá nhân hoặc một nhóm người dân, vừa yếu thế về vũ khí (gần như không có), lại không nắm được truyền thông chính thống, rất hạn chế về tiền bạc, và thường không có lợi thế về nhân sự. Ngày nay, người dân có được một công cụ truyền thông là Internet thì tương quan lực lượng truyền thông giữa hai bên không còn thiên lệch quá mức như trước.

Doanh nghiệp, trong mối quan hệ với người dân, cũng có lợi thế hơn hẳn. Thường họ có dư dả tiền bạc, nắm được truyền thông và có quan hệ tốt với chính quyền. Dĩ nhiên, trong hầu hết các trường hợp, họ phải phục tùng chính quyền bởi chính quyền mạnh hơn họ. 

Ai mạnh hơn thì dễ chi phối cách người khác nghĩ về mình hơn. Và bạn là đối tượng họ muốn chi phối. Nhưng dĩ nhiên, phe yếu thế cũng muốn chi phối cách bạn nghĩ và thái độ bạn chọn. Mọi phương pháp thao túng dư luận đều có thể được cả hai phe tung ra. Nhưng, một lần nữa, phe nào có nguồn lực để thao túng dư luận hơn? Không khó để có câu trả lời. 

Hiện tượng phổ biến là các phe không có cơ hội như nhau để bày tỏ chính kiến của mình. Điều đó nên được chúng ta cân nhắc khi đưa ra thái độ và phán xét.

Bạn lựa chọn thái độ thế nào trước tình huống này? (Ảnh đã qua chỉnh sửa so với ảnh gốc)

2. Suy xét vấn đề trong bối cảnh của nó

·         Nổ súng bắn công an là sai quá rồi!

·         Ai lại cởi truồng ra trước cơ quan nhà nước như thế!

·         Làm gì có chứng cứ nào chứng minh công ty kia xả thải xuống biển làm cá chết. 

Ta dễ dàng tìm thấy những phán xét giản đơn như vậy. 

Nổ súng giết người vốn đã là việc tày trời, mặc định được cho là xấu. Đằng này lại còn là nổ súng bắn công an. Nhưng ta lại cần đặt vấn đề trong bối cảnh của nó bằng cách đặt ra một số câu hỏi: Tại sao người này lại nổ súng bắn công an? Anh/chị ta có lựa chọn nào khác không? Nếu không nổ súng bắn công an thì anh/chị ta sẽ ra sao? Có khả năng nào anh/chị ta nổ súng để tự vệ hay không?

Cởi truồng la hét trước cửa cơ quan nhà nước là chuyện không có gì lạ ở nước ta. Thường là dân oan đi kêu cửa quan. Quả là chướng tai gai mắt? Nhưng trước khi phán xét ta có thể đặt ra vài câu hỏi: Bình thường chẳng ai muốn làm cái việc dễ gây phản cảm như thế, tại sao người này lại làm? Anh/chị ta, nếu đi kêu oan, thì đã đi khiếu kiện đúng thủ tục chưa? Cơ quan nhà nước có tiếp đón anh/chị ta không? Anh/chị ta có cách nào khác để kêu oan hay không? 

Trong nhiều vụ việc, không có cách nào để ta có đủ thông tin chứng minh cho một quan điểm. Thiếu chứng cứ. Việc tìm ra chứng cứ một công ty nào đó xả thải xuống biển gần như nằm ngoài tầm tay của người dân. Vậy thì ta có thể kết luận công ty đó vô tội? Có thể, nhưng trước khi kết luận, ta có thể đặt ra vài câu hỏi: Cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra đúng quy trình nghiệp vụ chưa? Quy trình này có đảm bảo điều tra độc lập không? Cán bộ điều tra có thể nhận tiền mà lấp liếm vụ việc hay không? Thông tin về quá trình điều tra có công khai hay không? Có tổ chức độc lập nào ngoài nhà nước (thậm chí là tổ chức nước ngoài) tham gia thẩm định các mẫu hóa chất và quy trình xả thải hay không? Kết quả thẩm định có được các chuyên gia độc lập phản biện kỹ càng không? Các nhân chứng và nạn nhân có cơ hội lên tiếng hay không? Báo chí có bị cản trở tác nghiệp tại hiện trường hay không? v.v.

Đặt ra các câu hỏi Ai, Cái gì, Ở đâu, Lúc nào, Tại sao, Như thế nào với mọi khía cạnh xung quanh một vấn đề, ta sẽ có một khung tranh toàn cảnh. Khung tranh thôi, bởi ta gần như không bao giờ có câu trả lời cho tất cả những câu hỏi để ghép lại thành một bức tranh hoàn chỉnh. Ta sẽ luôn thấy những mảnh ghép còn thiếu của bức tranh đó và phải đặt ra một câu hỏi quan trọng: Có nên phán xét toàn bộ bức tranh khi vẫn còn thiếu một vài mảnh ghép hay không?

Ảnh: Chưa rõ nguồn.

3. Tách bạch các khía cạnh khác nhau của một vấn đề để đưa ra thái độ riêng

Một sự việc có rất nhiều khía cạnh. Lấy ví dụ vụ Đồng Tâm.

Chuyện ông Lê Đình Kình và nhóm dân Đồng Tâm có phải khủng bố hay không là một chuyện. Bạn có thể yêu ghét giận dữ khoan dung gì đó về khía cạnh này thì tùy. Và nó không nên ảnh hưởng tới thái độ của bạn đối với các khía cạnh khác.

Các khía cạnh khác đó là gì?

Là việc quy trình xử lý vụ việc cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn nhất định.

Là việc dư luận chất vấn các cơ quan chức năng và đòi minh bạch thông tin.

Là việc tác nghiệp của báo chí trong vụ việc.

Là việc nhiều người gửi tiền phúng điếu ông Lê Đình Kình.

Và còn nhiều khía cạnh khác nữa.

Một người vừa có thể phản đối ông Lê Đình Kình vì cho rằng ông đã kích động người dân lấn chiếm đất quốc phòng và chống người thi hành công vụ, nhưng vừa có thể ủng hộ cảnh sát rút lui khi có dấu hiệu bạo lực có khả năng cao dẫn đến thương vong không đáng có cho cả hai bên, ủng hộ dư luận chất vấn các cơ quan chức năng, ủng hộ báo chí được tác nghiệp và đưa tin tự do, tôn trọng truyền thống gửi tiền phúng điếu cho người đã khuất, v.v.

Trong một vụ việc, một người vừa có thể làm đúng cái này và vừa làm sai cái kia. Ít ai đúng hết và cũng ít ai sai hết. Công an có thể đúng khi bắt giữ một nghi phạm, nhưng họ sẽ sai khi tra tấn nghi phạm. Người dân có thể đúng khi cho rằng đất ruộng là của họ, nhưng họ sẽ sai khi tung tin thất thiệt về việc công an giết người diệt khẩu trong quá trình cưỡng chế. (Xin lưu ý: Đây là các ví dụ giả định, không gắn với vụ việc cụ thể nào, và tính đúng sai của sự việc cũng chỉ là ví dụ chứ không phải là phán xét.)


***
Các vấn đề chính trị, cũng như hầu hết các vấn đề khác, luôn cực kỳ phức tạp. Thông thường, một vụ việc không chia ra làm trắng và đen, mà luôn có vùng xám. Thái độ của bạn trước những vấn đề này sẽ thể hiện tư duy và tính cách của bạn (kể cả việc bạn chọn cách không thể hiện thái độ – rất tiếc, đó cũng là một thái độ). Dù có thể ở các phe khác nhau, người ta vẫn có thể chia sẻ với nhau những phương pháp tiếp cận chung. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn gỡ được một số thắc mắc của mình.




No comments:

Post a Comment

View My Stats