Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã trở thành
một khẩu hiệu kinh tế nhan nhản trong các bài phát biểu của lãnh đạo chính quyền,
từ Trung ương xuống địa phương. Khẩu hiệu này cũng xuất hiện trong Nghị quyết của
Đảng từ khoảng hơn 20 năm trước và được nhắc lại trong nhiều năm qua.
Sau hơn 20 năm hô khẩu hiệu, mục tiêu công nghiệp
hoá vào năm 2020, mặc dù đã bị phá sản hoàn toàn nhưng vào tháng 3-2018, Bộ
Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã linh hoạt, đi trước một bước, nhanh nhạy,
quyết đoán khi ban hành Nghị quyết số 23, với kế hoạch đến năm 2030, Việt Nam
hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ bản trở thành một nước
công nghiệp theo hướng hiện đại.
Như vậy là cột
gôn được dời đến 2030 và đất nước có thêm 10 năm hô khẩu hiệu.
Công nghiệp hoá đất nước không phải là thành tựu
phát ngôn của ông Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.
Thành tựu lưu lại cho đời sau của ông Mạnh là nỗi băn khoăn “Trồng cây gì, nuôi
con gì?”, từ đó phong trào hô khẩu hiệu “Trồng cây mũi nhọn, nuôi con mũi nhọn”
rộn ràng khắp các địa phương.
Phát huy truyền thống vẻ vang ấy, liên tục trong những
năm sau, các phong trào kinh tế như “quả đấm thép”, “đầu tàu”… phát triển tung
toé.
Trong mấy chục năm kể từ khi chuyển đổi cơ cấu kinh
tế, mặc dù mục tiêu công nghiệp hoá chưa đạt được, nhưng cơ đồ đất nước chưa
bao giờ được như hôm nay, với những Paris, Dubai, Singapore, với những đầu tàu,
đại bàng, hồng hạc, với những vùng động lực, trung tâm phát triển khu vực…
Thế cho nên, mặc cho mây đen bao phủ toàn cầu, mặt
trời chân lý vẫn đang chói lọi tại Việt Nam.
Có được những thành tựu ấy, một phần là nhờ nỗ lực
hô khẩu hiệu, hô xung phong.
No comments:
Post a Comment