Saturday, 25 January 2020

MÙA XUÂN TRONG NHẠC NGOẠI LỜI VIỆT (Tuấn Thảo – RFI)




Tuấn Thảo  -  RFI
Đăng ngày: 25/01/2020 - 10:42

Mùa xuân dường như là điều mà rất nhiều người luôn mong đợi, ở lứa tuổi nào dù đã yêu hay chưa, ai cũng có một lý do để háo hức chờ đón xuân về, trong tim không ngủ yên vì niềm vui thao thức. Mùa xuân, trong mắt các nhà soạn nhạc cổ điển, từ Vivaldi đến Johann Strauss II cũng là một chủ đề đáng để ngợi ca.

Đây cũng là dịp để cho Góc vườn Âm nhạc tìm hiểu thêm về những giai điệu nhạc nước ngoài từng được đặt thêm lời Việt với chủ đề mùa xuân. Trên lãnh vực nhạc cổ điển, tác giả Beethoven mà trong năm 2020, toàn thế giới kỷ niệm 250 năm ngày sinh, từng viết bản sonate số 5, opus 24 dành cho vĩ cầm. Khúc nhạc này còn thường được gọi là “Spring Sonata” (Bản Tình ca Mùa xuân) sau ngày nhà soạn nhạc qua đời vào năm 1827.

Tình ca Mùa xuân nhân 250 năm Beethoven

Cho dù lúc sinh tiền, nhà soạn nhạc Beethoven đã không chính thức đặt tên cho khúc nhạc, nhưng giai điệu sống động vui tươi làm cho người nghe liên tưởng đến mùa xuân. Ở một thời điểm khác, tác giả người Đức Robert Schumann đã chấp bút viết khúc “Giao hưởng số 1” (cung si giáng trưởng, opus 38) hay còn có tên gọi quen thuộc là “Giao hưởng mùa Xuân”.

Đây là bản giao hưởng đầu tiên của nhà soạn nhạc Robert Schumann. Ông mất gần một tháng trời (trong mùa đông năm 1841) để hoàn thành tác phẩm này. Clara Schumann, vợ của tác giả nổi tiếng, cho biết trong quyển nhật ký của mình là chồng bà đã gợi hứng từ một bài thơ mang tựa đề “Mùa Xuân của Tình yêu” của Adolph Boettger để sáng tác bản giao hưởng này, giai điệu giàu nét trữ tình, theo xu hướng soạn nhạc lãng mạn thịnh hành tại các nước Tây Âu vào giữa thế kỷ 19.

Một tổ khúc khác “Kinderszenen” được tác giả Schumann viết tặng cho vợ sau khi bà Clara nói đùa rằng có nhiều lúc tánh tình ông lại giống như trẻ con. Khúc nhạc số 7 trong tổ khúc này mang tựa đề "Träumerei" (Mộng mơ) từng được tác giả Dương Thụ phóng tác sang tiếng Việt thành nhạc phẩm “Những ngày mộng mơ” được ca sĩ Mỹ Linh ghi âm trên album mang tựa đề ‘‘Chat với Mozart’’ phát hành vào mùa thu năm 2005. Giọng ca của Mỹ Linh cũng từng gắn liền với nhiều ca khúc xuân, tiêu biểu nhất là Thì thầm mùa xuân (tác giả Ngọc Châu) hay Hoa cỏ mùa xuân (tác giả Bảo Chấn).

Hai khúc xuân tiếng Việt theo nhạc Schumann

Giai điệu “Những ngày mộng mơ” có những câu mở đầu như sau : ‘‘Mộng mơ... Một ngày xuân sang nắng ấm. Những con đường lá xòe xanh non. Góc đường nơi anh vẫn hẹn’’. Phiên bản của tác giả Dương Thụ khác với phiên bản phóng tác tiếng Việt đầu tiên của tác giả Phạm Duy, từng nổi tiếng qua tiếng hát của danh ca Lệ Thu với những câu thơ chọn mùa sầu lá rụng chứ không phải là mùa xuân tươi rói làm bối cảnh : ‘‘Chiều rơi từ nơi nào xa vắng cũ... Ðột nhiên hạt sao rụng như cánh lá. Tình ta hòa theo vết sao bỡ ngỡ. Tới nơi mơ hồ có một trời hoa. Suốt một đời mơ ước thành tình ta’’.

Tác giả Phạm Duy cũng từng sáng tác lời Việt cho một khúc nhạc ngoại thành bài ‘‘Khúc hát thanh xuân’’ dựa theo điệu song ca “Wer Uns Getraut” trích từ vở nhạc kịch nổi tiếng nhất của tác giả Johann Strauss II (con). Mang tựa đề “Der Zigeunerbaron » (Le Baron Tzigane), vở kịch này được dựng tại thủ đô Vienna vào năm 1885 và trong tiếng Việt bài từng nổi tiếng qua các tiếng hát của Thái Thanh, Thanh Lan, Ngọc Hạ, Trần Thu Hà. Về sau này, tác giả Tô Hải cũng đạt lời Việt cho một giai điệu cổ điển của Mozart.

Khúc hát thanh xuân trên điệu valse của Strauss

Trên album "Chat với Mozart", ngoài nhạc phẩm “Những ngày mộng mơ”, Mỹ Linh còn ghi âm nhạc phẩm “Sớm Nay Mùa Xuân”, dựa theo giai điệu của tác giả nhạc cổ điển người Nga Aleksandr Borodine (lời Việt Dương Thụ). Hơn một thập niên năm sau đó, cô tự viết lời Việt cho nhạc phẩm ‘‘Đợi Những Ngày Xuân’’, dựa theo nền nhạc của Franz Liszt cho album "Chat với Mozart" tập nhì.

Ca sĩ Mỹ Linh từng cho biết khi tìm lời bài hát, những hình ảnh gắn liền với miền đồng quê Bắc Bộ cứ hiện lên trong đầu, những hình ảnh Tết truyền thống cứ nhắc nhớ cô về một thời thơ ấu tươi đẹp... Trong thành công của các giai điệu phóng tác, ngoài tác giả (Dương Thụ) và người diễn đạt (Mỹ Linh), còn phải kể đến nỗ lực của nhóm chuyển soạn (Thanh Bình, Anh Quân, Huy Tuấn) làm thế nào để đem những giai điệu trong kho tàng âm nhạc cổ điển đến gần hơn với thính giả người Việt.

Trong nguyên tác, rất có thể các nhà soạn nhạc cổ điển Tây Âu không hẳn nghĩ tới mùa xuân, tuy nhiên niềm lạc quan hay những năm tháng hạnh phúc trong cuộc sống vẫn là động lực thúc đẩy các nhạc sĩ này viết lên những giai điệu thiết tha yêu đời. Điều đó tạo cơ hội cho các tác giả người Việt trong nước hay ở hải ngoại phóng tác thành những khúc hát tươi mát, làm giàu bộ vựng tập về chủ đề mừng xuân.

Chuyện phóng tác lời Xuân theo nhạc ngoại

Trong chuyện đặt thêm lời Việt cho nhạc ngoại, để biến thành những ca khúc với chủ đề xuân, không phải bài nào cũng hợp. Nhạc phẩm ‘‘Xuân Yêu thương’’ trở thành một bản nhạc trẻ trung kích động, quen thuộc với thính giả Việt, nhưng bài hát tiếng Pháp lại ít nổi tiếng khi ta so với các khúc nhạc Pháp từng lập kỷ lục số bán trong những năm 1980. Ca khúc ăn khách duy nhất (one huit wonder) của ca sĩ Laroche Valmont từng được xem là một cú tiếp thị tài tình của một người ban đầu làm việc trong ngành xuất bản báo chí.

Nắng Xuân của tác giả Phạm Duy dựa vào giai điệu tiếng Pháp trữ tình của bài Solenzara, cho dù nội dung bản gốc và phiên bản phóng tác không liên hệ gì với nhau. Trong trường hợp của các ca khúc phóng tác như ‘‘Bài Ngợi ca mùa xuân’’ (tác giả Đức Nam), ‘‘Nhạc Khúc Tình Xuân’’ (tác giả Nhật Ngân) hay là ‘‘Nhớ về một mùa Xuân’’ (tác giả Yên Tử) những lời lẽ về mùa xuân khá thích hợp nhờ vào những nhịp điệu trẻ trung, tiết tấu vui nhộn.

Bán cổ điển hay nhạc pop, nhạc nguyên tác tiếng Việt hay chuyển thể từ nhạc ngoại, mỗi người có một cảm giác riêng biệt, nhưng nhạc xuân thường nổi bật hơn khi được sáng tác ở điệu trưởng, nhịp phách nhẹ nhàng đơn giản nhưng vẫn chuyển tải được niềm hân hoan khi thì tiềm tàng lúc thì rộn rã, phản ánh niềm tin và hy vọng ở một cuộc sống an lành tươi đẹp hơn qua câu chúc đầu năm.

Hơn ai hết tác giả Phạm Đình Chương đã thấu hiểu điều này, các điệu valse giợi hứng từ âm nhạc Tây phương nhưng vẫn đậm đà hồn Việt. Dưới ngòi bút của ông, lời nhạc lung linh muôn màu, mềm mại tiếng xuân, khúc giao thoa gieo rắc ngàn hồn hoa, cho hương non thêm nồng, cho mạch xuân thêm ấm.

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN






No comments:

Post a Comment

View My Stats