Tuesday, 7 January 2020

KHỦNG HOẢNG MỸ - IRAN : RỐI LOẠN THÔNG TIN TẠI WASHINGTON (RFI)




NỘI DUNG :
Tú Anh  -  RFI
.
Thụy My  -  RFI

=======================================
Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày: 07/01/2020 - 16:56

Trong vòng một ngày, Bộ Quốc Phòng Mỹ phải hai lần trấn an công luận trong và ngoài nước. Thứ nhất là phủ nhận lời đe dọa tấn công vào Iran của tổng thống Donald Trump, và sau đó cải chính thông tin Mỹ quyết định rút khỏi Irak.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Florida ngày 29/12/2019 về vụ không kích ở Irak và Syria, bên cạnh ông là tướng Mark Milley và bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper. REUTERS/Tom Brenner/File Photo

Trong bối cảnh tình hình nóng bỏng tại Trung Đông với nguy cơ nổ ra chiến tranh sau vụ Hoa Kỳ oanh kích giết tướng Iran, thượng tầng lãnh đạo nước Mỹ có dấu hiệu tiền hậu bất nhất.

Đầu tiên là chủ nhân Nhà Trắng. Trước những lời thề trả thù của Teheran, đẩy nước Mỹ vào « những ngày đen tối », tổng thống Donald Trump đe dọa tấn công vào « 52 mục tiêu » tại Iran kể cả những di sản văn hóa. Tuyên bố này gây bất bình trong công luận trong và ngoài nước cũng như bất lợi cho hình ảnh nước Mỹ. Phe Dân Chủ và Unesco khuyến cáo tổng thống Mỹ coi chừng phạm tội ác chiến tranh.

Liền sau đó, lần lượt bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper và ngoại trưởng Mike Pompeo lên tiếng phủ nhận tuyên bố của tổng thống Donald Trump. Chủ nhân Lầu Năm Góc khẳng định với báo chí là « Hoa Kỳ luôn tôn trọng công ước quốc tế trong chiến tranh ».

Vài giờ sau, trên đài truyền hình ABC và CNN, ngoại trưởng Mỹ cũng xác định Hoa Kỳ « tuân thủ và hành động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế ». Mike Pompeo cam kết với công dân Mỹ là những địa điểm chọn lựa để phản công sẽ là những « mục tiêu hợp pháp » với mục đích duy nhất là « bảo vệ nước Mỹ và người Mỹ ».

Vụ thứ hai, diễn ra ngay tại Irak. Một ngày sau khi Quốc hội Irak yêu cầu chính phủ « trục xuất » các đơn vị nước ngoài, quân đội Mỹ thông báo với chính quyền Bagdad quyết định « tái phối trí » để rút đi. Bức thư có dấu ấn ký của tướng William H. Seely, tư lệnh hành quân tại Irak. Một lần nữa, bộ Quốc Phòng phải đính chính.

Hư thực như thế nào ?

Thông tín viên Eric de Salve tại Mỹ tường thuật :
"Vụ trống đánh xuôi kèn thổi ngược gây kinh ngạc, xuất phát từ một bức thư được lan truyền trên mạng xã hội hôm thứ Hai. Một văn kiện có đóng dấu của Lầu Năm Góc thông báo với Bagdad là lực lượng Mỹ đóng tại Irak chuẩn bị tái phối trí để rút quân.

Cuộc triệt thoái sẽ được tiến hành trong đêm và bằng trực thăng. Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Irak còn ghi thêm một câu : Chúng tôi tôn trọng quyết định tối cao của quý vị ra lệnh cho chúng tôi ra đi.

Một ngày trước, Nghị viện Irak yêu cầu tất cả mọi lực lượng ngoại nhập phải rút khỏi Irak. Cho dù hình thức thông báo này không hoàn toàn theo đúng nghi thức ngoại giao, bức thư được Bộ tham mưu quân đội Mỹ xác nhận là thật… nhưng chỉ mới ở dạng dự thảo lẽ ra không được gửi đi như thế. Gửi đi là một sai lầm.

Vài giờ sau đến lượt bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper lên tiếng cải chính bổ sung : Không có quyết định triệt thoái khỏi Irak… bức thư đó không phản ảnh đúng tinh thần (chiến lược) hiện nay…là tái phối trí lực lượng chứ không rút đi.

Quân số Mỹ đóng tại Irak hiện nay là 5.200 người.

Sự kiện dự án bị thông báo lầm chứng tỏ Washington, tối thiểu, là đang điều nghiên một phương án triệt thoái, nhưng trong sự hỗn độn."

*
LIÊN QUAN
Đăng ngày: 05/01/2020 - 10:10

------------------------------------------
.
Thụy My  -  RFI
Đăng ngày: 07/01/2020 - 17:17

Ngay sau khi tổng thống Mỹ đe dọa Irak « trừng phạt chưa từng thấy », cấm vận quốc tế áp đặt lên nước này trong thời Saddam Hussein lại ám ảnh người dân Irak, với các kỷ niệm đau thương khốn khó.

« Nếu Hoa Kỳ trừng phạt Irak, đồng dinar sẽ mất giá và chúng tôi sẽ quay lại với quá khứ, thời kỳ bị cấm vận ». Hicham Abbas, một người dân trên một con đường buôn bán tấp nập ở trung tâm Bagdad lo lắng nói với AFP.

Hôm Chủ nhật 5/1, Quốc Hội Irak đòi trục xuất càng sớm càng tốt lực lượng Mỹ trú đóng, để trả đũa vụ ám sát trên lãnh thổ nước mình tướng Iran Qassem Soleimani, và Abou Mehdi Al Mouhandis - người phụ trách tất cả các mạng lưới chính của Iran tại Irak.

Quân đội Mỹ trong một lá thư cho biết « Chúng tôi tôn trọng quyết định của quý vị », loan báo việc « tái phối trí » lực lượng liên minh chống thánh chiến với mục tiêu « triệt thoái khỏi Irak một cách an toàn và hiệu quả ». Tuy nhiên sau đó bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper đã đính chính là không có việc quân Mỹ rút đi.

Tổng thống Donald Trump đã đe dọa Bagdad : sự trả đũa của Washington « sẽ khiến cho các trừng phạt hiện nay đối với Iran có vẻ nhẹ nhàng ».

Mỹ cấm vận và tấm gương tày liếp của Iran
Theo các số liệu chính thức, sau bốn thập niên bị cấm vận, phân nửa dân số Iran sống dưới ngưỡng nghèo khó, và mỗi năm sức mua của họ giảm đi 32%. Năm 2017, khi các giáo sĩ Hồi giáo nhận được 120 tỉ đô la nhờ vào hiệp ước nguyên tử năm 2015, vẫn còn 16 triệu dân Iran nghèo khổ (20% dân số).

Nhưng chính quyền Hồi giáo vẫn đổ tiền vào các cuộc xung đột ở nước ngoài, bất chấp đồng tiền quốc gia suy sụp, tệ nạn ma túy, mại dâm, nạn tự tử…, chỉ có đạo Hồi là quan trọng. Giáo chủ Khomeini tuyên bố : « Toàn thế giới phải quy phục trước Hồi giáo ».

Khi chính quyền Trump tái lập cấm vận năm 2018, những ai đến Iran du lịch có thể thấy ngay tác động nơi hệ thống ngân hàng nước này. Không có thẻ tín dụng nào hoạt động được, nên phải mang theo tất cả tiền mặt bên mình để chi trả. Người dân Iran khi ra nước ngoài cũng vậy. Đó là đối với cá nhân, còn đối với doanh nghiệp lại càng khốn khổ hơn : không thể chuyển và nhận tiền từ các nước, hoạt động của họ bị thu hẹp hẳn.

Tháng 2/2019, lễ kỷ niệm 40 năm cách mạng Hồi giáo diễn ra trong bối cảnh u ám. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2019 Iran bị suy thoái nặng nề nhất kể từ 2012, lạm phát có thể lên đến 37%, trong khi tổng thống Rohani trước đó hứa hẹn sẽ vực dậy nền kinh tế.

Hồi mà Saddam Hussein gởi quân sang xâm lăng nước Koweit láng giềng vào mùa hè năm 1990, sự đáp trả của Mỹ đã rất dữ dội. Sau khi đuổi quân Hussein khỏi Koweit, Hoa Kỳ và các đồng minh liền áp đặt cấm vận ngặt nghèo đối với Irak.

Dưới cấm vận, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Irak lao dốc chỉ còn một nửa, khoảng mấy chục nhà máy quan trọng phải đóng cửa. Ngày nay trong một đất nước bị tham nhũng hoành hành, các cơ sở hạ tầng rệu rã do không được bảo trì vì liên tục xảy ra xung đột, những cơ sở kỹ nghệ này vẫn chưa mở cửa lại.

Irak hiện nay có 40 triệu dân, số lượng xe hơi tăng gấp mười, nhà nào cũng có điện thoại di động và máy tính, tiêu thụ bùng nổ. Theo các nhà quan sát, nếu giờ đây lại bị cấm vận, hậu quả sẽ nặng nề hơn trước rất nhiều.

Thả « bom H »
Cách đây vài tháng, một nhà ngoại giao Mỹ ở Bagdad khẳng định với AFP là Washington cân nhắc việc đánh vào túi tiền của Irak. « Có thể sẽ trừng phạt, và hạn chế lượng tiền mặt đi vào Irak. Nhưng đó cũng giống như là thả xuống một quả bom H ! ». Giờ đây khả năng này đang được đặt ra, và tổng thống Mỹ chừng như không lùi bước trước bất cứ điều gì, khi ông đã đe dọa không kích các địa điểm văn hóa của nước Iran láng giềng.

Nếu « quả bom H » của Mỹ được thả, « sẽ giống như thời Saddam Hussein và chắc chắn còn tệ hơn nữa » - Samer, một thanh niên Irak lo sợ. Anh nói với AFP : « Như vậy cả nước sẽ không còn tiền mặt ».

Trong thời kỳ bị cấm vận từ năm 1990 đến 2003, trị giá đồng dinar chỉ còn có 1/10.000. Trong khi đó đồng đô la là sống còn đối với Irak, nước sản xuất dầu lửa thứ nhì của khối OPEP, vì ngân sách quốc gia có đến 90% là từ vàng đen, được trả bằng đô la. Với những đồng tiền này nhà nước có thể trả lương và trợ cấp cho hàng triệu người Irak.

Tổng thống Trump đòi Irak phải hoàn lại chi phí
Bên cạnh đó còn là vấn đề điện năng, vốn thường xuyên bị thiếu tại Irak. Cho đến nay, Washington vẫn cho phép Bagdad mua điện của Iran để các nhà máy có thể hoạt động, và bảo đảm được nhiều tiếng đồng hồ có điện cho toàn bộ dân số. Nhưng điều này có thể thay đổi.

Ngay trong lúc Quốc Hội Irak họp lại để đòi hỏi chính phủ phải rút lại lời mời liên minh chống thánh chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo, chủ tịch Quốc Hội Mohammed Al Halboussi đã cảnh báo các dân biểu. Ông lý giải, để cho đất nước đi đến chỗ bị trừng phạt kinh tế chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề của Irak, khi mà cứ năm người dân thì có một sống dưới ngưỡng nghèo khổ, và cứ bốn thanh niên thì có một người bị thất nghiệp.

Ngoài nỗi lo về kinh tế trước lời đe dọa của tổng thống Mỹ, dù dài hạn hay ngắn hạn, những thiệt hại về hình ảnh của Hoa Kỳ tại Irak, nơi mà Iran không ngừng mở rộng ảnh hưởng, cũng đã thấy rõ.

Nhà nghiên cứu Karim Bitar, Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) khẳng định : « Người Irak cảm thấy nhục nhã về các tuyên bố mới đây của ông Donald Trump, đòi họ phải hoàn trả lại chi phí ».

Đó là vì Irak, dưới sự chiếm đóng của Mỹ trong suốt tám năm, nay muốn đưa các đội quân ngoại quốc đang trú đóng ra khỏi lãnh thổ, nên tổng thống Mỹ bắt đầu tính toán các con số để đòi bồi thường. Ông Trump tuyên bố : « Chúng tôi có một căn cứ không quân hết sức đắt tiền ở đó, tốn mất nhiều tỉ đô la để xây lên. Chúng tôi không đi đâu cả nếu họ không hoàn tiền lại ».

Ông Bitar nói : « Thật khó thể tưởng tượng, điều này nhắc người ta nhớ đến việc ông Donald Trump muốn Mêhicô phải trả chi phí cho việc xây dựng bức tường biên giới ».





No comments:

Post a Comment

View My Stats