Friday, 17 January 2020

CHÍNH TRỊ NGA : PUTIN SỬA SOẠN RÚT LUI ĐỂ NGỒI LẠI (Tú Anh - RFI)




Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày: 17/01/2020 - 16:25

Biến động có tổ chức trên chính trường Nga với mưu đồ trường trị của Putin ; Khủng hoảng hạt nhân và nội tình bất ổn tại Iran ; Thỏa hiệp hưu chiến mong manh Mỹ-Trung ; Châu Âu trong trận đồ kinh tế và địa chính trị thế giới… là những chủ đề tốn nhiều giấy mực trên báo Pháp ngày 17/01/2020.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và giám đốc sở thuế Mikhail Mishustin, Matxcơva, Nga, 15/01/2020. Sputnik/Alexey Nikolskiy/Kremlin via REUTERS

Vladimir Putin : Quyền lực ám ảnh

Làm cách nào để có thể rời ghế tổng thống nhưng vẫn tiếp tục nắm quyền sau 24 năm độc chiếm ? Vladimir Putin đã tìm ra phương án « xào bới » ở thượng tầng được trình bày trong diễn văn đầu năm 2020.

Đó là nhận định của Le Monde với tựa trên trang nhất « Chiến lược bám trụ của Putin » và bài xã luận « Quyền lực ám ảnh ». Nhật báo độc lập thông cảm với cựu trung tá mật vụ, ở tuổi 67, đã đến lúc tính chuyện hồi hưu. Tuy nhiên, điều khó khăn là làm sao có thể từ bỏ quyền lực vì năm 2024 là đúng 24 năm, một thời gian kỷ lục của một lãnh đạo Nga, tính từ lúc Stalin ?

Nỗi ám ảnh của Putin không phải là các đối thủ chính trị tiềm tàng. Đại gia Mikhail Khodorkowski đã phải lưu vong từ năm 2013 sau 10 năm ngồi tù. Luật sư Alexei Navalny thì bị vô hiệu hóa với một loạt án tù ngắn hạn mất quyền ứng cử. Điều làm Putin lo ngại chính là phe cùng đảng nhưng không đồng chí cũng không đồng tâm.

Theo các nguồn tin từ bên trong đảng Nước Nga Thống Nhất, gần đến năm bầu lại tổng thống 2024, các xu hướng kình địch « mài dao » chuẩn bị. Đứng trước nguy cơ này, Putin ngay từ bây giờ lập ra một khung chuyển tiếp. Những người trung thành như Dmitri Medvedev được mời đi xuống, cất vào một nơi để chờ cơ hội, tốt nhất cũng như xấu nhất.

Tại sao Medvedev ? Trong bài « Medvedev bị hy sinh lần nữa », Le Monde giải thích : Trong giai đoạn bốn năm giữ ghế cho Putin, từ 2008 đến 2012, với phong cách luật gia, cởi mở, Medvedev từng là ngọn lửa hy vọng của xu hướng cải cách ở nước Nga và các nhà lãnh đạo phương Tây. Nhiều người thân cận muốn Medvedev ngồi luôn ở ghế tổng thống Nga, nhưng nhân vật trung thành này, mặc dù không giấu ước mơ, đã từ chối. Trong bối cảnh uy tín bị suy sụp vì tai tiếng đầu cơ địa ốc, đây có thể là lần cuối cùng Medvedev đóng vai « cầu chì », chịu đòn cho ông chủ Putin với hy vọng làm phó trong hội đồng an ninh quốc gia.

Còn đối với Le Figaro, nhật báo thiên hữu đoan chắc : Hậu Putin sẽ là Putin. Dự án tu chính hiến pháp làm giảm bớt thẩm quyền tổng thống chẳng qua là để Putin tiếp tục duy trì quyền lực ở một chiếc ghế khác, có thể là chủ tịch một định chế hiện nay chưa có định hình là Hội Đồng Nhà Nước. Làm « cha già dân tộc », theo mô hình Kazakhstan, vừa kiểm soát được chính sách đối ngoại vừa không bị tai tiếng nếu kinh tế suy yếu.

Mikhail Michustin : Lá chủ bài của Putin

Trong khi tiến hành chiến lược bám trụ này, chủ nhân điện Kremlin bổ nhiệm giám đốc sở thuế Mikhail Michustin làm thủ tướng. Theo nhật báo cánh hữu, tân thủ tướng Nga được báo chí thân chính phủ mô tả là một nhà kỹ trị hiệu quả, là « người sáng lập ra bộ máy thu thuế tốt nhất thế giới ». Lương một năm của vị giám đốc này tương đương với 370.000 đô la mỗi năm. Bà vợ, Vladlena, là một nhân vật đáng được quan tâm. Là công chức cao cấp mà thu nhập trên 2,3 triệu đô trong năm 2014, giàu hàng thứ 9 thế giới trong giới công chức theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes.

Thán phục, Libération được luật sư chống tham nhũng Alexei Navalny giải thích một cách hóm hỉnh như sau : tại Nga, công chức thường có vợ là những phụ nữ tài ba, nhất là nếu họ làm thương vụ. Tài của họ được thi thố tột đỉnh khi ông chồng nắm được quỹ nhà nước. Từ năm 2010 đến nay, vợ của tân thủ tướng Nga thu được 13 triệu đô la mà không làm gì khác ngoài vai trò làm vợ, theo kết luận của nhật báo cánh tả.

Thỏa hiệp Mỹ-Trung : Hưu chiến không phải là hoà bình

Trao đổi thương mại, trước đây vận hành theo nguyên tắc đa phương, ngày nay có nguy cơ trở thành võ đài mạnh được yếu thua.

Le Monde đưa độc giả từ hy vọng đến thực tế phũ phàng qua hai tựa « Mỹ-Trung tiến dần đến hòa dịu » và « Hưu chiến không có nghĩa là hòa bình ». Thỏa thuận phần một ký hôm thứ Năm sẽ cho phép Mỹ thu ngắn mức thâm thủng trong cán cân thương mại với Trung Quốc. Cuộc leo thang xung khắc giữa Washington và Bắc Kinh sẽ giảm đi nhưng mọi vấn đề cũ vẫn tồn tại và còn phát sinh ra những bất cập mới.

Cụ thể, khi Trung Quốc thực thi tôn trọng tác quyền thì doanh nhân Mỹ sẽ làm gì ? Đầu tư vào Hoa lục hay tạo công ăn việc làm cho người Mỹ ở Mỹ ? Ép được Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng Mỹ thì thị phần của các nước xuất khẩu nông phẩm như Brazil, Achentina, Úc ở Hoa lục sẽ ra sao ? Các đối tác trong lãnh vực linh kiện điện tử với Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sẽ bị tác hại.

Vậy thì, liệu thỏa thuận sơ bộ Mỹ-Trung có tốt cho thương mại thế giới hay không ?
Chuyên gia Sébastien Jean lưu ý : Thỏa thuận này chà đạp hai nguyên tắc công bình : cấm ưu tiên cho đối tác này hơn một đối tác khác và cấm hạn chế khối lượng hàng trao đổi. Rõ ràng là cuộc đọ sức hiện nay sẽ tiếp tục vì mỗi bên chỉ trông cậy vào sức mạnh hơn là dựa vào các nguyên tắc hay luật lệ.

Cũng nhìn từ góc cạnh « mạnh được yếu thua này » qua cuộc đấu đá Mỹ-Trung, trả lời báo kinh tế Les Echos, nhà ngoại giao Pháp Michel Duclos cho rằng tổng thống Mỹ Donald Trump trong lãnh vực quan hệ quốc tế chỉ gây xáo trộn lung tung, từ hồ sơ Bắc Triều Tiên cho đến Trung Đông. Trong hồ sơ thương mại, cũng thế, còn phải chờ xem Donald Trump có bị Trung Quốc lường gạt trong « cú lừa lịch sử » hay không ?

Tuy nhiên, điểm đáng khen của chủ nhân Nhà Trắng là nếu ông duy trì được hướng đi, kiên trì bắt Tập Cận Bình ký một hiệp định đầy tham vọng, thì đó là một cú « sốc » làm đảo ngược tình huống, chấm dứt tham vọng bá quyền thế giới của Bắc Kinh. Dù sao đi nữa, theo nhà ngoại giao Michel Duclos, chế độ Trung Quốc phải ý thức rằng họ không bao giờ thống trị thế giới nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Họ phải biết là tôn trọng các nguyên tắc quốc tế là có lợi cho chính họ. Điều đáng lo cho thế giới là Bắc Kinh một lúc nào đó áp đặt luật chơi theo kiểu riêng của họ và bắt quốc tế tuân theo.

Do vậy, vì quyền lợi sống còn, Châu Âu và Mỹ phải hợp sức đương đầu với Trung Quốc theo tương quan lực lượng mạnh được yếu thua : cản đường, hạn chế lối hành xử đáng trách của Trung Quốc như đánh cắp tác quyền, tài trợ công ty quốc doanh, cạnh tranh bất chính… Hồ sơ 5G sẽ là cuộc trắc nghiệm hay hơn ai hết.

Châu Âu phải dứt khoát không chơi với Hoa Vi

Vì sao và bằng cách nào ? Les Echos phân tích lợi hại. Theo nhật báo kinh tế, cuộc chiến chống Hoa Vi là một cuộc đấu tranh toàn diện chứ không riêng gì quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong trận thế này, Châu Âu phải chọn Châu Âu có nghĩa là không chơi với Hoa Vi. Bởi vì cuộc chiến tranh giành thế áp đảo trong lãnh vực công nghệ số và điện tử này với Hoa Vi là cơ hội để Châu Âu xây dựng nền tảng công nghệ đủ sức tranh hùng.
Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã đặt hồ sơ này vào hàng ưu tiên số một. Ủy viên đặc trách, Thierry Breton, nguyên là bộ trưởng, kỹ nghệ gia Pháp nhấn mạnh đến « chủ quyền kỹ thuật số » và đề xuất « hệ thống 6G » trong trận chiến tương lai.

Điều bất cập là nếu sử dụng công nghiệp Châu Âu thì Châu Âu sẽ đi trễ so với Hoa Vi của Trung Quốc. Tuy nhiên, Châu Âu phải chấp nhận cái giá phải trả trước, phải đầu tư vào 6G vào phần mềm ứng dụng ngay từ bây giờ.

Chiến lược này sẽ rất khó khăn, tốn kém và nguy hiểm. Khó khăn vì cần đồng thuận của 27 nước thành viên. Tốn kém vì nếu chọn Nokia và Ericsson thay vì Hoa Vi thì trong một thời gian, hệ thống viễn thông của Châu Âu bị chậm. Nguy hiểm là Trung Quốc dọa trả đũa nếu Châu Âu loại Hoa Vi. Nhưng theo Les Echos, đó là cái giá phải trả để không mất chủ quyền.

Chính quyền Iran vô kế khả thi

Kêu gọi nhân dân đoàn kết ủng hộ Vệ binh Cách mạng, nỗ lực vô vọng của tổng thống Rohani. Người dân đã biết được sự thật là chế độ nói dối trong suốt ba ngày.

La Croix lưu ý tình thế khó xử của Châu Âu, trong thế trên đe dưới búa, một bên là Mỹ bắt chẹt, một bên là sức ép của Iran. Tuy Anh, Pháp, Đức kích hoạt cơ chế giải quyết bất đồng mà hệ quả là tái lập lệnh cấm vận quốc tế Iran, nhưng thủ tục kéo dài đến hai năm mới hoàn tất.

Về phía Iran, tình hình cũng không sáng sủa gì. Theo Le Monde, chính quyền Iran muốn động viên toàn dân ủng hộ quân đội trong bối cảnh xảy ra hàng loạt tai biến. Nhưng lời kêu gọi này sẽ khó đạt được kết quả. Một là vì tổng thống Rohani từ chối lên án lực lượng Vệ binh Cách mạng bắn rớt máy bay dân dụng giết chết 176 người mà đa số là công dân Iran hoặc công dân Canada gốc Iran. Thứ hai là chính quyền đã che giấu sự thật suốt 72 tiếng đồng hồ. Đến khi Canada và báo chí Mỹ đặt vấn đề thì một số quan chức Iran vẫn cố tình vớt vát.

Dân chúng bất bình mà ngay trong chế độ, chính sách nội trị của tổng thống Iran cũng bị bộ phận cực đoan chỉ trích công khai, lên án tổng thống « có những dự án chống lại đất nước ».

Libya, ván bài của những con bạc bịp

Chín năm sau ngày Kadhafi sụp đổ, Libya rơi vào cuộc nội chiến mà những thế lực ngoại bang sẽ gặp nhau vào Chủ Nhật này (19/01/2020) để tìm một lối ra. Nhưng làm cách nào giải phương trình với hàng trăm thông số : Hồi giáo chính trị chống độc tài quân phiệt; lính Nga trong hàng ngũ phe nổi dậy ở miền Đông; Thổ Nhĩ Kỳ và chiến binh Syria chống chế độ Damas chiến đấu bảo vệ chính quyền trung ương ở Tripoli.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cùng phe ở Syria nhưng đối nghịch quyền lợi ở Lybia. Châu Âu muốn ngưng bắn nhưng Hy Lạp, thành viên Châu Âu, đặt điều kiện buộc Thổ Nhĩ Kỳ và Tripoli phải bỏ hiệp định khai thác vùng đặc quyền kinh tế của Lybia chồng chéo với vùng biển của Hy Lạp…

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.





No comments:

Post a Comment

View My Stats