22/01/2020
Tổng thống lâm thời Guaidó trèo qua hàng rào để vào
Quốc hội, ngày 5/1/2020. Ảnh: Reuter
Tròn một năm sau ngày Juan Guaidó tuyên thệ nhậm chức
tổng thống lâm thời, chế độ độc tài của Nicolás Maduro vẫn chưa sụp đổ. Điều gì
đang xảy ra ở Venezuela?
Venezuela bước vào cuộc khủng hoảng về tính chính
danh của tổng thống từ tháng 1/2019. Chỉ vài ngày sau khi Nicolás Maduro tuyên
bố tái đắc cử tổng thống, Quốc hội Venezuela kết luận ông đã “tiếm quyền” và
thông báo kế hoạch đưa Chủ tịch Quốc hội Juan Guaidó lên làm tổng thống lâm thời
(Interim President). Juan Guaidó tuyên thệ nhậm chức ngày 23/1 và được Mỹ cùng
với hơn 50 quốc gia công nhận. Trong khi đó, quyền lực thực sự tại đất nước dầu
mỏ này vẫn thuộc về Maduro.
Ngày 5/1/2020, căng thẳng gia tăng khi lực lượng cảnh
vệ của Tổng thống Maduro ngăn
cản Guaidó tiến vào tòa nhà Quốc hội để tham gia bỏ phiếu bầu Chủ tịch
Quốc hội cho nhiệm kỳ mới. Phe của Maduro cũng tiến hành bỏ phiếu bầu Luis
Parra, cựu đảng viên phe đối lập, vào chức Chủ tịch Quốc hội thay thế Guaidó.
Không chấp nhận hành động lạm quyền này của phe Maduro, phe đối lập đã tổ chức
một cuộc bầu cử tại toà báo El Nacional, để bỏ phiếu tái bổ nhiệm Guaidó giữ chức
Chủ tịch Quốc hội.
Không phải đến khi người ta tranh cãi ai mới là tổng
thống chính danh của Venezuela thì đất nước này mới lâm vào khủng hoảng. Các cuộc
biểu tình lớn đã liên tục xảy ra trong vài năm gần đây dưới thời Tổng thống
Nicolás Maduro trước tình trạng khủng hoảng kinh tế, siêu lạm phát, thức ăn
khan hiếm, đàn áp chính trị, và các vi phạm nhân quyền. Bất chấp các kết quả tệ
hại đó, cộng thêm sự trừng phạt kinh tế của Mỹ, chế độ độc tài Maduro vẫn chưa
có bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ nào.
Bài viết dưới đây phân tích bốn nguyên nhân chính
giúp chế độ Maduro duy trì quyền lực.
Sự ủng hộ mạnh mẽ của quân đội
Lịch sử minh chứng rằng thay đổi chế độ sẽ có nhiều
cơ hội thành công khi có được sự hậu thuẫn của quân đội. Ở Venezuela cũng vậy,
các tướng lãnh quân đội vẫn một lòng trung thành với quyền lợi mà Maduro cung cấp.
Maduro trao cho quân đội quyền kiểm soát công ty dầu
mỏ nhà nước PDVSA. Không chỉ vậy, ông còn bật đèn xanh cho phép các tướng lãnh
thực hiện các hoạt động thu lợi bất hợp pháp như buôn bán ma túy. Rõ ràng, các
tướng lãnh tiếp tục đứng về phía Maduro vì họ không muốn mất đi bầu sữa lợi
ích. Thêm nữa, họ cũng sợ phải đối mặt với việc bị truy tố về các hành vi tham
nhũng, buôn bán ma túy, và vi phạm nhân quyền nếu chế độ Maduro sụp đổ.
Sự tồn tại của chế độ độc tài Cuba trong suốt vài thập
kỷ bị Mỹ cấm vận kinh tế đóng vai trò như một bảo chứng niềm tin cho các tướng
lãnh quân đội Venezuela. Họ tin là Venezuela cũng không dễ bị sụp đổ chỉ vì cấm
vận, và tiếp tục ủng hộ Maduro.
Chiến lược thất bại của Mỹ
Chính sách cấm vận kinh tế của Mỹ với Venezuela là một
con dao hai lưỡi, bởi nó khiến đời sống của người dân ngày càng thêm điêu đứng
và khốn khổ. Điều này đã tác động trực tiếp lên làn sóng di dân của Venezuela.
Trong bốn năm từ 2015-2019, đã có trên
4,5 triệu người, (khoảng 15% dân số Venezuela), đến xin tị nạn tại các nước
lân cận. Việc thiếu vắng những người thất vọng với chính quyền này sẽ ảnh hưởng
đến khả năng phe đối lập huy động được người biểu tình, và như vậy sẽ có lợi
cho chế độ Maduro.
Quan trọng hơn, khi hàng triệu di dân Venezuela ở nước
ngoài gửi kiều hối về trợ giúp người thân trong nước, chính quyền Maduro lại được
thổi thêm luồng sinh khí. Theo ước tính, ít
nhất bốn tỉ USD đã chảy về Venezuela trong vài tháng đầu năm 2019. Lượng
kiều hối lớn tất nhiên giúp cho dân nghèo, nhưng cũng giúp chế độ vốn thèm khát
ngoại tệ, kéo dài thêm tuổi thọ.
Trump bị Maduro đá khỏi đất nước, trong một biểu ngữ
tại cuộc biểu tình phản đối chính sách cấm vận của Trump do Tổng thống Maduro
lãnh đạo. Ảnh: TheGrayZone.
Sau nữa, Ngoại
trưởng Mỹ đã tuyên bố chuẩn bị đưa quân vào Venezuela để hạ bệ Maduro.
Tuy nhiên, các đồng
minh dân chủ, thậm chí thành
viên đảng Cộng hòa, đều lên tiếng phản đối. Tổng thống Brazil, Jair
Bolsonaro, người rất ủng hộ Trump, cũng không ủng hộ kế hoạch can thiệp
quân sự này, vì nhiều cuộc can thiệp quân sự của Mỹ trước đây chỉ để lại nhiều
tang tóc, chia rẽ, và gây ra nội chiến kéo dài.
Quan trọng hơn, Mỹ đã đánh giá thấp chế độ Maduro và
các đồng minh nuôi dưỡng chế độ này. Đặc phái viên của Bộ ngoại giao Mỹ về các
vấn đề Venezuela, Elliott
Abrams, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 6/1/2020 rằng: “Chúng tôi đã
đánh giá thấp tầm quan trọng sự hậu thuẫn của Cuba và Nga đối với chế độ
Maduro, là hai trụ cột quan trọng nhất trợ giúp cho chế độ và nếu không có hai
thế lực này, thì Maduro đã mất quyền lực.”
Cuối cùng, chính sách ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng
thống Trump không khiến chế độ Maduro phải thực sự lo ngại để đi đến bước phải
nhượng bộ và rút lui. Uy tín của Mỹ đã giảm đáng
kể, đặc biệt sau khi Trump quyết
định rút quân khỏi Syria và bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurds.
Theo khảo sát mới nhất của Pew
Research Center tại 33 quốc gia, có khoảng 64% người tham gia cho biết
họ không tin Trump có khả năng giải quyết các vấn đề thế giới. Hành vi bị nhiều
người cho là phản bội đồng minh người Kurds, lực lượng dân chủ có tiềm năng nhất
Syria, phần nào chứng minh với phe Maduro rằng dân chủ không phải là mối quan
tâm đối với Trump.
Thêm nữa, Trump liên tục khen ngợi lãnh tụ độc tài,
như Kim
Jong-un, Tập
Cận Bình, và Putin,
nhưng thường xuyên chỉ
trích các nước đồng minh dân chủ. Các nhà bình luận cho rằng chính quyền
Trump đã thất
bại trong việc hạ bệ Maduro và nên có một kế
hoạch dự phòng thực tế hơn, đặc biệt cần sự hợp tác chặt chẽ của các đồng
minh dân chủ.
Sự hậu thuẫn của Cuba, Nga và Trung Quốc
Cuba
Đối với chính quyền Trump, chế độ Maduro chỉ là con
rối của Cuba. Sự hậu thuẫn của Cuba với Venezuela đã rất mạnh mẽ từ thời Tổng
thống Hugo Chavez. Chính Fidel Castro, người sáng lập đảng Cộng sản Cuba, đã
giúp Chavez kéo dài thời hạn nắm quyền tại Venezuela.
Một bức tranh vẽ Fidel Castro tại thủ đô Cascara,
Venezuela. Ảnh: Getty Images.
Về quân sự, có đủ bằng chứng để chứng minh ảnh hưởng
to lớn của Cuba đối với quân đội Venezuela. Theo các tài liệu được Reuters xem
xét, hai thỏa thuận ký vào tháng 5/2008 giữa Castro và Chavez đã giúp Maduro nắm
vững quyền lực đến ngày nay.
Theo thỏa thuận đầu tiên, Bộ Quốc phòng Cuba sẽ giám
sát việc tái cấu trúc Tổng cục Tình báo Quân đội Venezuela và tư vấn tạo ra các
đơn vị mới trong tổng cục này. Tổng cục Tình báo Venezuela cũng sẽ gửi sĩ quan
tới thủ đô Havana để nhận huấn luyện về kỹ năng gián điệp và kiểm soát quân đội.
Theo thỏa thuận thứ hai, hai nước sẽ tạo ra một ủy ban Điều phối và Liên lạc
bao gồm tám chuyên gia quân sự người Cuba. Uỷ ban này sẽ thường đến Venezuela để
kiểm tra quân đội và huấn luyện binh sĩ.
Về kinh tế, sau khi Castro ký thỏa thuận với Chavez
vào tháng 10/2000, Cuba đã gửi đến Venezuela hàng ngàn bác sĩ, y tá, giáo viên,
kỹ sư, và các chuyên gia khác. Năm 2017, có tới 15.000
người Cuba sống ở Venezuela, trong đó có các mật vụ được cài cắm khắp
nơi nhằm giúp Maduro vô hiệu hóa giới bất đồng chính kiến. Tóm lại, Cuba có ảnh
hưởng quân sự và kinh tế rất lớn tại Venezuela và chính ảnh hưởng này đã giúp
chế độ Maduro kéo dài tuổi thọ.
Nga
Kể từ thời Tổng thống Chavez, Nga đã trở thành đồng
minh thân cận của Venezuela để tiếp cận được nguồn dầu mỏ khổng lồ của nước
này. Chính tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga đã giúp tập đoàn Petroleos de
Venezuela tránh
nguy cơ sụp đổ.
Tổng thống Nga Putin đón Tổng thống Venezuela Maduro
tại Moscow năm 2017. Ảnh: AFP/Getty Images.
Cuối tháng 5/2019, Nga và Venezuela còn ký thỏa
thuận cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn dầu mỏ Rosneft khai
thác hai mỏ dầu khí Patao và Majillon, thuộc chủ quyền Venezuela. Điều kiện thuận
lợi này bao gồm cả giảm thuế. Tháng 9/2019, Putin long
trọng đón tiếp Maduro tại điện Kremlin và nhấn mạnh Nga luôn ủng hộ “những
lãnh đạo chính danh, bao gồm tổng thống Maduro.”
Đặc phái viên Elliott
Abrams cũng cho biết các công ty Nga hiện đang nắm hơn 70% lượng dầu của
Venezuela và nền kinh tế Venezuela đã phụ thuộc nhiều hơn vào Moscow. Nga còn
ký thỏa thuận cho phép Venezuela tái
cấu trúc món nợ hơn ba tỉ USD với Nga, nhằm giúp nước này nâng cao khả
năng trả nợ.
Không chỉ là chiếc phao kinh tế với chế độ Maduro
trong hai thập kỷ qua, Nga còn là nhà
cung cấp vũ khí lớn nhất cho Venezuela. Tháng
7/2006, Putin và Chavez tuyên bố thỏa thuận trị giá ba tỷ USD, trong đó Nga
sẽ gửi hàng chục máy bay chiến đấu phản lực và máy bay trực thăng tới
Venezuela.
Tháng
9/2009, Nga đã đồng ý cho Venezuela vay 2,2 tỷ USD để mua 92 xe tăng và tên
lửa phòng không hiện đại. Venezuela và Nga cũng thường tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung.
Mới đây, vào ngày 10/12/2019, Nga cũng điều
hai máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân đến Venezuela, nhằm
phô trương sức mạnh quân sự và hậu thuẫn với Maduro.
Trung
Quốc
Trung Quốc xem Venezuela là đối tác thương mại và đồng
minh chính trị. Từ năm 2007 – 2018, Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Exim
Trung Quốc đã cho Venezuela vay tổng cộng 67,2 tỉ USD, chủ yếu cho các dự
án phát triển để đổi lấy dầu thô. Trung Quốc gần đây còn đồng ý giúp
sửa chữa các cơ sở lọc dầu của Venezuela, khiến chính quyền Mỹ phản đối.
Nếu Venezuela có thể phục hồi được các cơ sở lọc dầu quan trọng này, nó sẽ giúp
Maduro xoa dịu sự tức giận của người dân, và có lợi thế khi đàm phán với phe đối
lập.
Chiến lược thất bại của Guaidó và phe đối lập
Để buộc Maduro phải nhượng bộ, phe đối lập của
Guaidó phải thuyết phục được các tướng lãnh quân đội rằng họ sẽ được hưởng lợi
khi chấm dứt ủng hộ Maduro, cũng như bảo đảm họ sẽ không bị truy tố và trả thù
dưới chế độ mới. Tuy nhiên, cho đến nay, Guaidó vẫn chưa thể đưa ra những cam kết
đó. Một quan chức đối lập phụ trách đàm phán với các tướng lãnh quân đội cho
biết: “Chúng tôi đã thất bại. Chúng tôi không có gì để thuyết phục họ.”
Ông Guaidó (đứng giữa) tuyên thệ vào ngày 5/1/2020 tại
toà soạn El Nacional, trong một nỗ lực giành lại vị trí đang ngày càng sa sút của
mình. Ảnh: Adriana Loureiro Fernandez/The New York Times
Laura Gamboa-Gutierrez,
giáo sư chuyên các vấn đề Châu Mỹ Latin tại Đại học Utah, cho rằng các tướng
lãnh Venezuela chẳng thà không một xu dính túi, nhưng được nắm quyền, còn hơn
là từ chức và bị tù giam. Vì thế, bà đề nghị phe đối lập cần đề xuất một bộ luật
ân xá hấp dẫn và toàn diện để thuyết phục các tướng lãnh từ bỏ quyền lực và để
các phán quyết ân xá không bị các tòa án đảo ngược trong tương lai.
Biến cố ngày 30/4/2019 khi Guaidó kêu gọi quân đội lật
đổ Maduro được đánh giá là quá hấp tấp và sai lầm. Rạng sáng hôm đó, Guaidó có
mặt tại căn cứ không quân La Carlota cùng một số binh sĩ và Leopoldo López, một
thủ lĩnh phe đối lập. Guaidó đã phát biểu: “Tôi đang có mặt cùng với các đơn
vị quân đội chính của Lực lượng Vũ trang, bắt đầu giai đoạn cuối cùng của Chiến
dịch Tự do.”
Tuy nhiên, kế
hoạch của Guaidó liền bị vạch trần là màn trình diễn, ngụy tạo sự ủng
hộ của quân đội nhằm buộc Maduro phải từ chức. Ngay sau đó, lực lượng cảnh vệ
Maduro lấy lý do trừng phạt âm mưu đảo chính, thẳng tay đàn áp và khiến một số
lãnh đạo đối lập phải đi trốn. María Corina Machado, một nhà lập pháp phe đối lập, nói về
kế hoạch lật đổ Maduro: “Tôi nghĩ rằng Guaidó đã phạm sai lầm… Phe đối lập cứ
lặp đi lặp lại những sai lầm tương tự. Và điều đó đã khiến họ mất uy tín.”
Thêm vào đó, bê
bối tham nhũng bị phanh phui vào đầu tháng 12/2019 liên quan đến chín
thành viên đảng Dân Ý (Popular Will) của Guaidó trở thành một đòn giáng mạnh
vào uy tín đang suy yếu của phe này. Theo thăm dò của công ty Datanálocation tại
thủ đô Caracas, danh tiếng của Guaidó đã giảm
đáng kể. Gần đây, Guaidó gặp khó khăn khi kêu gọi người dân xuống đường. Số
lượng người tham gia biểu tình giảm hẳn so với các cuộc biểu tình vào năm
ngoái.
Không có cuộc tranh đấu thay đổi chế độ nào là dễ
dàng. Thực trạng Venezuela ngày càng bất ổn tạo ra một tương lai không chắc chắn,
mù mịt đối với người dân đất nước này. Phe đối lập của Guaidó đang nỗ lực duy
trì ngọn lửa hạ bệ chế độ Maduro. Tuy nhiên, khi còn nhận được hậu thuẫn vững
chắc của quân đội và các nước đồng minh, Maduro sẽ còn bám chặt quyền lực cai
trị. Bởi vận mệnh chính trị cũng chính là sinh mạng của ông ta.
No comments:
Post a Comment