Saturday, 11 January 2020

BẦU CỬ ĐÀI LOAN : BÀ THÁI ANH VĂN TÁI ĐẮC CỬ TỔNG THỐNG (BBC Tiếng Việt)



NỘI DUNG :
BBC Tiếng Việt
.
Thùy Linh
Thùy Linh
.
=========================================
.
BBC Tiếng Việt
11/01/2020

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã thắng cử nhiệm kỳ thứ hai sau khi giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử bị chi phối bởi mối quan hệ của hòn đảo này với Trung Quốc.

Bà Thái Anh Văn đã yêu cầu Trung Quốc từ bỏ đe dọa sử dụng sức mạnh. GETTY IMAGES

Với gần như tất cả các phiếu được kiểm, bà Thái có khoảng 58% phiếu bầu, vượt xa đối thủ Hàn Quốc Du.
Bà Thái phản đối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, với ông Hàn cho rằng các mối quan hệ sẽ mang lại lợi ích kinh tế.

Từ Đài Bắc, phóng viên Thùy Linh của BBC News Tiếng Việt bình luận:

"Có thể nói Đài Loan vừa có một cuộc bầu cử mang tính lịch sử khi bà Thái Anh Văn vừa giành chiến thắng với một tỷ lệ phiếu bầu chưa từng có trong lịch sử bầu cử tổng thống Đài Loan.
"Bà giành chiến thắng với 8,1 triệu phiếu bầu, chiếm 58%, áp đảo đối thủ là ông Hàn Quốc Du, người hiện có 5,5 triệu phiếu, tương đương 38% cử tri.

"Chưa hết Dân tiến Đảng còn có thêm một chiến thắng áp đảo khác khi họ chiếm được 62 trên 113 ghế tại Quốc hội, trong khi đó Quốc Dân Đảng chỉ có khoảng 38 ghế, theo Uỷ ban Bầu cử.

"Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 74%, cao nhất trong 20 năm trở lại đây.

"Năm 2000, tỷ lệ cử tri đạt kỷ lục với 84% và nó đánh dấu tiến trình dân chủ hoá hoàn toàn trong ôn hoà của Đài Loan khi Dân tiến Đảng thay thế đảng lập quốc, Quốc Dân Đảng, lên nắm quyền.

VIDEO :
Ủng hộ viên nói bà Thái Anh Văn đại diện cho nền độc lập của Đài Loan

"Vấn đề chủ quyền, nền dân chủ và quan hệ Trung-Đài là những vấn đề mấu chốt quyết định lá phiếu của cuộc bầu cử năm nay.

"Vì vậy kết quả hai cuộc bầu cử tổng thống và trên phản ánh rõ quan điểm người dân Đài Loan về mối quan hệ họ muốn có với Trung Quốc."

"Bà Thái nói trong một cuộc họp báo: "Đài Loan đang cho cả thế giới thấy rằng chúng tôi trân trọng lối sống dân chủ tự do và chúng tôi trân trọng quốc gia mình đến mức nào".

"Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến ở Trung Quốc năm 1949. Họ nói rằng Đài Loan cuối cùng phải được đoàn tụ với Trung Quốc, bằng vũ lực nếu cần thiết."


'Nên từ bỏ đe dọa dùng bạo lực'

Trong bài phát biểu ngay sau tin chiến thắng của mình, bà Thái nói thẳng với Trung Quốc rằng nước này hãy từ bỏ việc đe dọa để lấy lại hòn đảo bằng vũ lực.
Phóng viên BBC John Sudworth tại Đài Loan nói rằng kết quả của cuộc bầu cử là một vấn đề lớn đối với Bắc Kinh.
Tầm nhìn độc đoán của Bắc Kinh về sự thống nhất lớn hơn của Trung Quốc đã bị bác bỏ kịch liệt, ông nói thêm.
Bà Thái Anh Văn nói rằng Trung Quốc nên từ bỏ đe dọa đó.

"Hòa bình có nghĩa là Trung Quốc phải từ bỏ các mối đe dọa vũ lực chống lại Đài Loan", bà nói tại thủ đô Đài Bắc.
"Tôi cũng hy vọng rằng chính quyền Bắc Kinh hiểu rằng Đài Loan dân chủ, và chính phủ được bầu cử dân chủ của chúng tôi, sẽ không nhượng bộ trước các đe dọa và hành động hăm dọa."

VIDEO :
Bầu cử Đài Loan: Ứng viên Hàn Quốc Du và chính sách thân TQ

Ông Hàn, ứng cử viên thuộc Quốc dân đảng, trước đó đã thừa nhận thất bại khi kết quả bầu cử trở nên rõ ràng.
"Tôi đã gọi cho Tổng thống Thái để chúc mừng bà ấy. Bà ấy có một nhiệm vụ mới trong bốn năm tới", ông nói với một đám đông ở thành phố Cao Hùng, thuộc miền Nam.

Trước cuộc bỏ phiếu, bà Thái đã dẫn đầu trong các cuộc thăm dò khi cử tri Đài Loan theo dõi cách thức Bắc Kinh xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.
Lập trường của bà rất phổ biến với những người lo sợ Đài Loan bị Trung Quốc đại lục chiếm cứ.
Tổng thống Thái khẳng định tương lai của Đài Loan nên được quyết định bởi 23 triệu người dân.
Các cử tri cũng đã chọn các thành viên tiếp theo của cơ quan lập pháp Đài Loan, nơi đảng của bà Thái chiếm đa số.

Phóng viên Thùy Linh (phải) phỏng vấn một cử tri ở Đài Loan

Vẫn từ Đài Bắc, phóng viên Thùy Linh của chúng tôi bình luận thêm:

"Trong khi đây là một chiến thắng vẻ vang cho Dân tiến Đảng thì đây là một trong những thất bại đau đớn cho Quốc Dân Đảng và những người ủng hộ Hàn Quốc Du và chính sách 'thân Trung Quốc'.
"Ông Hàn hiện đang là thị trưởng thành phố lớn nhất miền Nam, Cao Hùng, nơi được cho là khu vực cử tri lớn nhất của ông.

"Tuy nhiên, toàn bộ uỷ viên lập pháp khu vực ở Cao Hùng đã hoàn toàn bị chiếm bởi các ứng viên của Dân tiến Đảng. Ông Hàn đã mất hoàn toàn kiểm soát và tầm ảnh hưởng ở ngay chính thành phố của mình," phóng viên Thùy Linh bình luận.

--------------------------------------
.
Thùy Linh
BBC News Tiếng Việt
11 tháng 1 2020

Nếu ví cuộc vận động tranh cử của Quốc Dân Đảng như một lễ hội thì cuộc vận động của Dân Tiến Đảng lại như một hòa nhạc. Và điều này phản ánh những khác biệt sâu xa trong tư tưởng và lối sống của cử tri ủng hộ hai đảng.

Không khí sôi động tại cuộc vận đồng tranh cử của bà Thái Anh Văn (Dân Tiến Đảng) tối 10/1 tại đại lộ Ketagalan

Sau khi tham dự cuộc tuần hành vận động bầu cử của Hàn Quốc Du và Quốc Dân Đảng hôm 9/1, tôi đã rất nóng lòng để tham dự cuộc vận động của đương kim Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn và Dân Tiến Đảng diễn ra một ngày sau đó (10/1).
Vẫn tại cùng một địa điểm, nhưng không khí của cuộc tuần hành này rất khác so với những gì đã xảy ra ở đây 24 giờ trước đó.

Điều đầu tiên tôi nhận thấy là, đám đông những người ủng hộ bà Thái đặc biệt trẻ trung hơn rất nhiều so với đám đông ngày hôm trước của ông Hàn.
Trái với sắc xanh - đỏ đồng bộ của những người ủng hộ KMT (Quốc Dân Đảng), dường như thời trang chính trị của người ủng hộ DPP (Dân Tiến Đảng) không có một trường phái màu sắc thống nhất nào. Mọi người mặc theo ý mình muốn.
Cũng không có ai vẫy lá cờ đỏ sao xanh của Trung Hoa Dân Quốc, thay vào đó là lá cờ bảy màu - đặc trưng của cộng đồng LGBT ở Đài Loan.

Năm 2018, chính quyền của bà Thái Anh Văn thông qua luật công nhận hôn nhân đồng tính. Và Đài Loan trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Á làm được điều này.
Và điều đó đã đem lại cho bà Thái một lượng lớn cử tri là những người trẻ, có quan điểm và suy nghĩ về tình yêu và giới tính khác biệt so với thế hệ trước.

Bà Thái Anh Văn có một lượng lớn cử tri là những người trẻ, với quan điểm và suy nghĩ về tình yêu và giới tính khác biệt so với thế hệ trước

Vinson, 36 tuổi, một kỹ sư từng du học tại Anh, cho biết là anh một người đồng tính. Và một trong những lý do chính khiến anh ủng hộ bà Thái Anh Văn là vì chính quyền của bà đã thông qua luật về hôn nhân đồng giới.
Trong khi đó, Quốc Dân Đảng của ông Hàn Quốc Du lại không ủng hộ điều này.

Và tất nhiên, vấn đề "độc lập" của Đài Loan cũng là một trong những yếu tố quyết định tác động đến lá phiếu.
Bà Thái Anh Văn được xem là "biểu tượng cho sự độc lập của Đài Loan". Thế hệ trẻ của Đài Loan lớn lên trong một môi trường chính trị đa dạng và dân chủ, nhất là kể từ năm 2000, khi hai đảng lớn Đài Loan đã thay phiên nhau cầm quyền, bên cạnh sự xuất hiện của các đảng nhỏ khác.

Trái với thế hệ lớn tuổi, những người trẻ không có sự gắn bó mật thiết với Quốc Dân Đảng, và không còn giữ tư tưởng hướng về đại lục mà Tưởng Giới Thạch cùng KMT sang hòn đảo này cách đây 70 năm trước.
Với phần lớn thế hệ trẻ Đài Loan và những người đang có mặt tại buổi vận động này thì:
"Đài Loan là Đài Loan. Và Đài Loan sẽ không bao giờ là một phần của Trung Quốc".

VIDEO :
Ủng hộ viên nói bà Thái Anh Văn đại diện cho nền độc lập của Đài Loan

Nhưng có lẽ, sự khác biệt giữa cử tri của hai đảng không chỉ là quan điểm về sự độc lập của Đài Loan. Khác biệt có lẽ xuất phát từ ngay bên trong lối sống và tư tưởng của chính họ. Và điều này bộc lộ ra bên ngoài, dẫu vô tình hay cố ý.
Những người mà tôi phỏng vấn ngày 10/1 tại buổi tuần hành của Dân TIến Đảng nhiệt huyết không kém những người ủng hộ Quốc Dân Đảng, nhưng họ trả lời một cách từ tốn, chậm rãi hơn và câu cú cũng rõ ràng và gãy gọn hơn.
Họ cũng có vẻ tôn trọng không gian riêng (personal space) của nhau hơn, chứ không quá vô tư khi chen lấn, xô đẩy hay lớn tiếng.
Họ thậm chí còn đồng thanh hát những bài hát bằng tiếng Mân Nam - được cho là phương ngữ chính thức của Đài Loan.
Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, dễ bị bỏ qua như vậy nhưng thực ra lại có ý nghĩa sâu xa.

Ông Su nói, ông từng bầu cho cả Quốc Dân Đảng lẫn Dân Tiến Đảng, nhưng ông luôn chọn người mà ông nghĩ là có thể đem lại lợi ích cho Đài Loan

Việc ăn mặc tự do thoải mái, không đồng nhất, cho thấy cộng đồng cử tri ủng hộ Dân Tiến Đảng là một cộng đồng đa dạng và chấp nhận sự khác biệt của nhau.
Việc hát tiếng Mân Nam thay vì tiếng Quan Thoại cũng là cách thể hiện một nét văn hoá, ngôn ngữ riêng của hòn đảo này.
Việc tôn trọng không gian riêng của nhau, cũng như cái nhìn cởi mở về tình yêu và giới tính, cho thấy họ có hơi hướng Tây hóa.

Có thể ví cuộc vận động tranh cử của Quốc Dân Đảng như một lễ hội. Người ủng hộ tụ tập từng nhóm nhỏ để tìm kiếm sự đồng thuận và hân hoan trong niềm vui. Và nếu như có ai đó mạnh miệng hô vang những lời lẽ cay nghiệt về đối thủ, những người còn lại sẽ lập tức hùa theo. Một ví dụ điển hình của chủ nghĩa tập thể?

Trong khi đó, cuộc vận động tranh cử của Dân Tiến Đảng lại có vẻ giống một buổi hoà nhạc. Những người đến dự có vẻ biết rõ họ cần gì và muốn gì. Họ không cần tìm sự đồng cảm. Họ không cần tụ lại thành nhóm.
Mỗi người đứng một khoảng lặng riêng, ngước lên màn hình sân khấu, vẫy lá cờ của họ trong tay. Sự thể hiện của chủ nghĩa cá nhân chăng?

Tuy vậy, có một điều đáng lo cho bà Thái Anh Văn, đó chính là đám đông những người ủng hộ bà đêm 10/1 nhỏ hơn hẳn so với đám đông ủng hộ ông Hàn Quốc Du vào tối hôm trước.

Henry - người quay phim của tôi - đưa ra một giả thuyết: "Có thể nhiều người đã về quê rồi".
Henry không phải không có lý. Theo quy định bầu cử của Đài Loan, người dân phải bỏ phiếu tại chính địa phương gốc gác của họ.
Nhiều người, thay vì đến cuộc tuần hành vận động vào chiều thứ Sáu, rất có thể đã lên tàu và hướng về mọi ngả của Đài Loan, thăm nhà và tiện cho việc đi bỏ phiếu vào thứ Bảy 11/1.

Sau khi cảm nhận được cái hồn của buổi vận động tranh cử, chúng tôi ra về với thắc mắc rằng, liệu sự khác biệt trong số lượng người tham gia ở hai cuộc vận động tranh cử có phản ánh đúng tỉ lệ ủng hộ của những người đi bỏ phiếu hay không?

Và khi đi dọc những con phố nhỏ của Đài Loan, tôi nhận ra càng đến gần ngày bầu cử, tiết trời Đài Bắc lại càng trở nên dễ chịu đến lạ.
Dự báo thời tiết cho biết, ngày bỏ phiếu 11/1 sẽ là một ngày ngập tràn nắng ấm, thôi thúc bước chân cử tri đến phòng bỏ phiếu.
Nhưng ánh sáng vinh quang sẽ dành cho ai ? Chúng ta sẽ sớm biết điều ấy thôi.

---------------------------------------------
Thùy Linh
BBC News Tiếng Việt
10 tháng 1 2020

Theo cảm nhận của tôi, việc được lựa chọn trong bầu cử thật sự là một đặc quyền với người dân xứ Đài.

Cử tri Đài Loan chia sẻ quan điểm của họ qua phỏng vấn của phóng viên BBC News Tiếng Việt (bìa trái)

Đó là 7 giờ tối thứ Năm và chúng tôi đang bị kẹt giữa dòng người ngập trong sắc xanh - đỏ trên một đại lộ rộng lớn ở Đài Bắc.
Những con đường lớn, ban ngày người dân phải đi xuống cầu ngầm để qua đường, thì giờ nó hoàn toàn bị bao phủ bởi hàng chục ngàn người.

Xung quanh tôi, họ vừa đi , vừa vẫy những lá cờ đỏ ngôi sao xanh trắng và vừa hô vang: "Hàn Quốc Du! Hàn Quốc Du! Hàn Quốc Du!"
Đó là tên của ngôi sao chính trị sáng giá nhất hiện tại của Quốc Dân Đảng, người đang thách thức đương kim Tổng thống Thái Anh Văn của Dân Tiến Đảng trong cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan, sẽ diễn ra vào ngày 11/1 tới.

VIDEO :
Thùy Linh của BBC News Tiếng Việt tường thuật từ Đài Bắc

Đã nghe danh về nền dân chủ tự do ở Đài Loan từ lâu, tôi quyết định làm chuyến đi lần này để tận mắt chứng kiến bầu cử tự do của nền dân chủ đi lên từ độc tài ở hòn đảo này.
Nhất là trong bối cảnh sức ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục ngày càng lớn mạnh và khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng đe doạ sẽ dùng vũ lực để thống nhất "tỉnh ly khai" này.

Tôi đến Đài Loan vào đầu tháng Một nên tiết trời còn se lạnh.
Khách sạn của tôi và toà tháp Taipei 101 nổi tiếng đã bắt đầu rục rịch trang trí cho Tết Nguyên Đán, vốn chỉ còn cách có hai tuần nữa.
Nhưng thật ra, cả hòn đảo này đã sôi sục từ suốt mấy tháng nay và chưa đầy 72 tiếng nữa, có lẽ sẽ đạt đến đỉnh điểm, khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày thứ Bảy 11/1 này.
Vì vậy, tôi đến đúng dịp cuối cùng mà hai đảng lớn của Đài Loan, Quốc Dân Đảng (KMT) và Dân Tiến Đảng (DPP) tranh thủ vận động cử tri để bỏ phiếu cho mình.

Cuộc tuần hành tranh cử của ông Hàn Quốc Du bắt đầu lúc 6 giờ chiều, nhưng ngay từ 5 giờ chiều, các ga tàu điện MRT đã chật cứng người, nô nức và náo nhiệt.
Họ mặc những chiếc áo khoác, những chiếc nón sặc sỡ in cờ Đài Loan, ve vẩy biểu ngữ, áp phích có hình ảnh Hàn Quốc Du.

Khi lên tàu, chúng tôi gặp ba người phụ nữ trung niên nói chuyện rôm rả. Sau khi bắt chuyện, tôi bất ngờ khi biết hai trong số họ đang sinh sống ở Bắc Mỹ và đã bay về Đài Loan để tham gia bỏ phiếu.
Ann, người hiện sống ở Vancouver, Canada, khoe với tôi rằng, bà đã canh me tới 3 tiếng đồng hồ để mua bằng được chiếc áo gió có thêu chữ H, tức chữ đầu tiên trong họ Hàn của Hàn Quốc Du.
Còn Lola, người đã sống ở Hoa Kỳ gần 40 năm qua thì nói, bà vẫn giữ song tịch để có thể về Đài Loan thực thi quyền bầu cử của mình.

Từ trái qua: Ann, từ Vancouver, Canada và Lola từ New Jersey,Hoa Kỳ, cùng một người bạn ở Đài Bắc, tại cuộc vận động tranh cử chiều tối 9/1.

Và cũng như Ann và Lola, phần lớn những người ủng hộ ông Hàn Quốc Du là tầng lớp trung niên, tranh thủ thời gian sau giờ làm để đến ủng hộ cho ứng cử viên mà họ yêu quý.
Họ nói lý do chính khiến họ ủng hộ ông Hàn là vì kinh tế. Họ cho rằng, chính phủ hiện tại của bà Thái Anh Văn không giúp cải thiện được cuộc sống của người dân.

Tôi hỏi họ nghĩ gì khi ông Hàn Quốc Du bị gắn mác "ủng hộ Cộng sản", đặc biệt là sau những chuyến đi cấp cao của ông ta đến Đại lục và Hong Kong để gặp các quan chức cấp cao của Bắc Kinh.

Câu trả lời của họ phần lớn là: "Nếu Đài Loan muốn phát triển phải biết thoả hiệp (compromise) và tạo quan hệ với Trung Quốc".

Tôi bèn đặt một câu hỏi nhạy cảm hơn, là họ có nghĩ 'Đài Loan là một phần của Trung Quốc đại lục không'?
Hầu hết họ đều cố gắng thể hiện quan điểm ủng hộ "độc lập", nhưng theo họ, việc có quan hệ tốt hơn với Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến độc lập của Đài Loan.
Một số người khác thì đáp xoáy lại rằng, "Tại sao không phải là 'Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có phải là một phần của Trung Hoa Dân Quốc' hay không?"
Đây là một cách đáp trả thú vị và không phải không có cơ sở lịch sử.


Người trẻ Đài Loan cũng rất náo nức với cuộc bầu cử.

Tên chính thức của Đài Loan hiện tại là Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China). Chính thể này được thành lập bởi Tôn Trung Sơn vào tháng 1/1912 ở Nam Kinh, bên trong Trung Hoa đại lục.
Đến năm 1949, Quốc Dân Đảng chạy sang Đài Bắc nhưng Hiến pháp của Trung Hoa Dân Quốc vẫn cho rằng, chính phủ này mới là chính phủ hợp pháp duy nhất của vùng lãnh thổ gồm Đài Loan, Trung Quốc đại lục và cả một phần của Mông Cổ.
Vì vậy, họ lập luận rằng, Đài Loan mới là "đất mẹ" và đứa con lớn "đại lục" đang tạm nằm trong tay Đảng Cộng sản. Nhưng dù sao thì Đài Loan và Trung Quốc vẫn "là một gia đình", như quý ông tên Liang nói.

VIDEO :
Bản sắc Đài Loan và ảnh hưởng tới cuộc bầu cử 11/1

Tuy nhiên, Quốc dân Đảng của 70 năm trước và bây giờ ít nhiều đã có thay đổi, với một trong những chính sách nổi bật nhất của KMT hiện tại là cải thiện mối quan hệ với chính quyền Cộng sản Trung Quốc.
Vì vậy, với việc bà Thái Anh Văn của Đảng Dân chủ Cấp tiến đắc cử tổng thống vào năm 2016 cho thấy, chính sách của Quốc dân Đảng có thể đã không đáp ứng mong muốn của người dân xứ Đài.

Bà Thái Anh Văn và DPP năm nay vẫn giữ nguyên quan điểm ủng hộ Đài Loan độc lập và tăng cường mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á trong cái gọi là chính sách 'Tân Nam Tiến.'

Tôi không chắc đám đông đang đứng hô hào ở đây có đại diện cho phần lớn người dân Đài Loan hay không để có thể dự đoán chính xác liệu Hàn Quốc Du hay Thái Anh Văn sẽ đắc cử.
Nhưng dù bạn có đồng ý với sự lựa chọn của họ hay không, thì cũng không thể phủ nhận rằng, đang có một niềm hân hoan lan toả mạnh mẽ giữa những con người này.

Tôi nghĩ cái họ tìm kiếm chính là sự kết nối. Họ đến đây với mong muốn được gặp những người cùng chí hướng, quan điểm, và chia sẻ niềm vui với nhau về điều đó.
Và dẫu dù ai thắng cử thì họ vẫn có một niềm vui chung, là họ biết chắc rằng họ không cô đơn hay lạc lõng trong tư tưởng. Ít ra, còn có hàng ngàn người ở đây sẵn sàng cùng họ hô:
"Thái Anh Văn! Sa thải! Thái Anh Văn! Sa thải!"

Từ ánh mắt hân hoan của họ, tôi buột miệng nói luôn tâm tư với người phiên dịch của mình: "Shu Ching à, tôi nghĩ việc được lựa chọn trong bầu cử thật sự là một đặc quyền.
"Dù lựa chọn ấy đúng hay sai đi chăng nữa, ít ra các bạn vẫn có quyền được chọn. Các bạn phải biết, các bạn may mắn lắm đấy! Ít ra là may mắn hơn chúng tôi."

Cử tri Đài Loan trông đợi đến ngày bầu cử 11/1 để có thể dùng lá phiếu thể hiện tiếng nói của mình

Rồi tôi nhận ra không khí hân hoan này thật ra rất quen thuộc, ít ra là tôi đã gặp nó đâu đó ở Việt Nam rồi.
Bạn cũng biết cái cảm giác đó mà. Đó là sự vui sướng, hạnh phúc khi ta vô tình bắt gặp ánh mắt của một người hoàn toàn xa lạ nào đó và chúng ta mỉm cười với nhau vì trái tim cùng chung nhịp đập.
"Tôi nhớ rồi, Việt Nam có lẽ chỉ đông vui thế này nếu chúng tôi vừa thắng một trận bóng đá, hay đi xem pháo hoa Giao thừa thôi," tôi cười và Shu Ching cũng cười.







No comments:

Post a Comment

View My Stats