Wednesday, 15 January 2020

BÀ THÁI ANH VĂN : ĐÀI LOAN ĐÃ LÀ MỘT QUỐC GIA ĐỘC LẬP (RFI)




NỘI DUNG :
Thụy My  -  RFI
.
Ngô Nhân Dụng
.
================================================
.
Thụy My  -  RFI
Đăng ngày: 15/01/2020 - 10:26

« Trung Quốc phải chấp nhận thực tế Đài Loan đã là một quốc gia độc lập ». Vừa tái đắc cử, nữ tổng thống Thái Anh Văn hôm 15/01/2020 tuyên bố như trên, và cảnh báo Bắc Kinh mọi mưu toan xâm chiếm Đài Loan sẽ phải trả giá rất đắt.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (P) và ông Lại Thanh Đức (William Lai), phó tổng thống tranh cử, sau chiến thắng ngày 11/01/2020, bên ngoài trụ sở của đảng Dân Tiến tại Đài Bắc. REUTERS/Tyrone Siu

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh và luôn muốn sáp nhập vào Hoa lục, bằng vũ lực nếu cần thiết, nhất là nếu hòn đảo này tuyên bố độc lập.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên kể từ khi tái đắc cử, nữ tổng thống khẳng định : « Chúng tôi không cần tuyên bố Đài Loan là một Nhà nước độc lập. Chúng tôi đã là một đất nước độc lập, với quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc ».

Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh : « Đài Loan có bản sắc riêng, và thực chất là một quốc gia. Chúng tôi là một nền dân chủ thành công, và có nền kinh tế khá vững chắc, xứng đáng được Trung Quốc tôn trọng ». Bà không quên cảnh cáo : « Nếu xâm lăng Đài Loan, Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá vô cùng đắt ».

Nữ tổng thống mãn nhiệm thắng cử với số phiếu cao kỷ lục từ 20 năm qua, với chiến dịch tranh cử nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đối phó với những đe dọa của Trung Quốc độc đoán. Hôm 14/01, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tuyên bố : « Những kẻ ly khai sẽ để lại tiếng nhơ suốt 10.000 năm ». Trước đó, Bắc Kinh đã chỉ trích tất cả các nước lên tiếng chúc mừng tân tổng thống Đài Loan.

Trong bốn năm vừa qua, Trung Quốc đã dùng tiền bạc mua chuộc được 7 đồng minh của Đài Bắc, khiến nay Đài Loan chỉ còn được 15 quốc gia trên thế giới công nhận - đa số là những nước nghèo ở châu Mỹ La tinh và Thái Bình Dương.

Về áp lực quân sự, Reuters dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan cho biết mỗi năm có 2.000 lượt oanh tạc cơ Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan. Năm 2019, Hoa Kỳ đã thông qua việc bán 66 chiến đấu cơ F-16 mới và nhiều thiết bị quân sự có tổng trị giá 8 tỉ đô la cho Đài Bắc.

Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây do Hiệp hội các chính sách eo biển Đài Loan thực hiện, có đến 80% dân Đài Loan bác bỏ nguyên tắc « nhất quốc lưỡng chế » mà Tập Cận Bình đang ra sức chiêu dụ.

Quy chế này được hình thành nhằm thu hồi Đài Loan, và sau thời gian áp dụng với Hồng Kông đã cho thấy rõ mặt trái : Bắc Kinh không ngừng gặm nhấm các quyền tự do căn bản của người dân đặc khu. Cuộc khủng hoảng Hồng Kông là một trong những yếu tố khiến người dân Đài Loan ồ ạt dồn phiếu cho bà Thái Anh Văn thay vì ứng cử viên của Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh.

----------------------------------------------------------------------------
.
Ngô Nhân Dụng
January 14, 2020

Trong quý thứ ba năm 2019, tỷ số tăng trưởng Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) Trung Quốc 6% là mức thấp nhất kể từ năm 1992. Và sẽ còn xuống thấp hơn. Chiến tranh mậu dịch với Mỹ là một nguyên nhân, nhưng còn nhiều yếu tố khác khiến kinh tế tiến chậm lại.

 Mối lo lớn nhất của Bắc Kinh bây giờ là xã hội bất ổn nếu quá nhiều người mất việc. Trong hình, công nhân Trung Quốc làm việc tại một nhà máy ở Trương Gia Khẩu, phía Bắc tỉnh Hà Bắc hôm 13 Tháng Giêng, 2020. (Hình: STR/AFP via Getty Images)

Thí dụ, sức tiêu thụ của người dân giảm sụt, vì giá cả nhà cửa và thịt heo lên cao khiến họ không còn dư tiền mua những thứ xa xỉ như xe hơi hay điện thoại mới. Số tiền nợ của chính phủ địa phương và các xí nghiệp vẫn tăng cao, lo không trả được.

Để đối phó với quả bom nợ, năm ngoái Cộng Sản Trung Quốc đã tảo thanh hệ thống “ngân hàng đen;” tức là những quỹ cho vay mà Ngân Hàng Trung Ương không kiểm soát. Hành động này khiến các xí nghiệp tư doanh thiếu tiền vì xưa nay không thể vay được từ các ngân hàng chính phủ họ phải quay sang các “ngân hàng đen” với lãi suất có khi lên tới 20%.

Các xí nghiệp tư giúp kinh tế Trung Quốc phát triển gấp bội hơn các doanh nghiệp nhà nước. Khi họ giảm bớt tiền đầu tư thì GDP không tăng trưởng như trước nữa.

Lâu nay, khi lo kinh tế trì trệ, Bắc Kinh vẫn dùng món võ cũ: In tiền! Rồi đem tiền xây dựng hạ tầng cơ sở, để dân có việc làm. Bộ Giao Thông lại mới đưa ra một kế hoạch chi khoảng $400 tỷ cho đường xe lửa, xa lộ và dẫn thủy.

Trong cuộc chiến tranh thương mại, Trung Quốc và Mỹ chưa bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng hầu hết các nước khác đã lãnh đạn. Vì họ đứng giữa, cung cấp nguyên liệu hoặc các món tạo thành những sản  phẩm đang bị hai nước đánh thuế. Nền kinh tế của các nước này nhỏ hơn nên sức chịu đựng thấp hơn. Khi dân các nước đó nghèo hơn thì họ cũng không nhập cảng hàng hóa từ hai nước lớn.

Vì chiến tranh mậu dịch, ngành công nghiệp chế tạo (manufacturing sector) ở Mỹ và Trung Quốc đang giảm. Cả hai nước xuất cảng ít hơn. Nhưng Trung Quốc lo sợ hơn Mỹ. Vì khác với nước Tàu, công nghiệp chế tạo ở Mỹ chiếm một vị trí nhỏ, ngành dịch vụ mới quan trọng. Không những thế, nhiều công ty chế tạo đang bỏ Trung Quốc qua nước khác để khỏi bị Mỹ đánh thuế. Dù không bị Mỹ gây chiến các công ty sản xuất ở bên Tàu cũng tìm địa bàn hoạt động mới, vì lương bổng ở Trung Quốc đã lên cao, luật lệ vẫn phức tạp, nạn tham nhũng chưa giảm,

Hàng xuất cảng của Trung Quốc lãnh đòn nặng nhất. Tới Tháng Mười Một, 2019, số hàng Trung Quốc bán sang Mỹ đã giảm 20%, xuống mức thấp nhất kể từ Tháng Ba, 2013. Mỹ đã tăng số nhập cảng từ các món sản xuất tại Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan và Mexico; vì nhiều nhà sản xuất đã đổi cơ xưởng từ Trung Quốc sang các nước này. Lâu nay, thương vụ Mỹ mua bán với Tàu cao nhất (và Tàu được lợi nhất vì bán nhiều và mua ít). Bây giờ Trung Quốc đứng hàng thứ ba, sau Mexico và Canada.

Thỏa hiệp “Hưu Chiến Đợt 1” cho cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ với Trung Quốc sẽ ký kết trong mấy ngày sắp tới cũng không giúp được cho công nghiệp sản xuất bao nhiêu vì phạm vi ảnh hưởng rất giới hạn.

Nhưng dó không phải là mối lo lớn nhất của giới lãnh đạo Bắc Kinh.

Đầu năm ngoái Trung Cộng đặt ưu tiên là kiềm chế số nợ khổng lồ. Nhưng năm nay, mục tiêu ngăn không cho quả bom nợ căng phồng đã trở thành thứ yếu! Các địa phương sẽ được phép bảo ngân hàng đưa tiền để họ làm những gì họ muốn, miễn là dân có công việc làm.

Mối lo lớn nhất của Bắc Kinh bây giờ là xã hội bất ổn nếu quá nhiều người mất việc.

Tháng trước, Quốc Vụ Viện, tức chính phủ Trung Quốc, ra lệnh chính quyền các địa phương phải “làm hết sức” trong năm 2020 để không xảy ra cảnh thất nghiệp nặng nề – họ nói rõ đây là ưu tiên số một. Họ loan báo chỉ tiêu mỗi năm phải tạo ra 11 triệu công việc mới.

Trên giấy tờ, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc chỉ từ 4% tới 5%. Nhưng ai cũng nghi ngờ các con số đó. Một cuộc nghiên cứu (NBER Working Paper No. 21460) đã ước tính từ năm 2002 đến 2009 tỷ số thất nghiệp bình quân của nước Tàu là 10.9%; trong khi nhà nước đưa ra con số 4.2%. So với các quốc gia cùng trình độ phát triển thì 11% thuộc hàng rất cao.

Vị trưởng quan Hành Chánh còn báo động rằng nước Tàu có thể phải đối đầu với “các biến động quần chúng bất ngờ” nếu thất nghiệp gia tăng. Những chữ này ít khi được dùng trong các văn kiện nhà nước, ám chỉ các vụ dân tụ tập phản đối bằng bạo lực.

Ông Tập Cận Bình cũng đã cảnh báo điều này một cách văn vẻ. Năm ngoái ông khuyến cáo các đảng viên phải coi chừng hiện tượng “Thiên Nga Đen” (black swan), tức là những chuyện không ai tưởng tượng được nhưng bất ngờ xuất hiện. Gần như ai cũng chỉ thấy những con thiên nga màu trắng! Dân nổi lên bạo loạn là một thứ “black swan.”

Để số người mất việc không tăng nhanh quá, nhà nước đã giảm thuế nhập cảng, để hàng hóa đỡ tăng giá. Họ báo cho chính phủ Mỹ là họ đang nhượng bộ về thuế quan, nhưng mục đích chính là kích thích tiêu thụ. Họ lại cắt lãi suất, để nhiều người vay tiền tiêu thụ và đầu tư hơn.

Bắc Kinh còn nới lỏng chính sách hộ khẩu, cho nông dân được lên thành phố kiếm việc dễ dàng hơn.

Năm nay kết thúc kế hoạch 5 năm thứ 13 của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Năm 2015, họ đã ấn định chỉ tiêu là chấm dứt cảnh nghèo và thiết lập một “xã hội phồn vinh.” Cuối năm 2020, khi Tập Cận Bình tuyên bố kế hoạch năm năm đã thành công mỹ mãn mà quá nhiều người thất nghiệp kéo nhau đi biểu tình, thì sẽ rất bẽ bàng!

Ông Tập Cận Bình sẽ phải đối phó với bốn vấn đề hóc búa: Quả bom nợ toàn quốc phồng lên, dân bớt tiêu thụ, chiến tranh mậu dịch với Mỹ; và đáng lo nhất là sẽ rất nhiều xí nghiệp sa thải công nhân. (Ngô Nhân Dụng)






No comments:

Post a Comment

View My Stats