Wednesday, 8 January 2020

BA MƯƠI NĂM H.O. (Chu Tất Tiến)




Chu Tất Tiến
Tuesday, 07/01/2020 - 07:26:20

Nhìn tờ lịch thấy hôm nay là ngày 5 tháng 1 năm 2020, tôi bồi hồi nhớ lại đúng 30 năm trước, ngày 5 tháng 1 năm 1990, cùng gia đình đến Mỹ theo diện H.O. 1, trong ngày đầu tiên mà diện H.O. được thực hiện. Tôi nhớ trước đó khoảng 8, 9 tháng, nghe phong thanh ở Quận Phú Nhuận sẽ nhận đơn đi Mỹ theo diện O.D.P. (Orderly Departure Program) (1), tôi mừng quá, vội báo tin cho một số bạn thân đi nộp đơn. Một ông bạn cũ, cựu Đại Úy, gạt phắt ngay, “Không! Tôi không ngu! Nộp đơn để chúng nó bắt lại à?”
Tôi ngỡ ngàng, trả lời, “Bắt cái gì? Không nộp đơn thì nếu chúng muốn bắt thì bắt lúc nào chẳng được? Sao phải bầy ra vụ kêu gọi nộp đơn!”

Bạn tôi không thèm trả lời nữa, quầy quả bỏ đi. Đến một anh bạn cùng đi lính và cùng đi tù, nói anh nộp đơn. Bạn cũng từ chối, nhưng nhẹ nhàng hơn, “Mày muốn nộp thì cứ nộp trước đi! Tao còn kẹt chuyện gia đình!”

Thế là tôi bực mình, chán nản, không rủ rê ai nữa, mà chờ đến khi có tin chính thức từ Quận cho biết sáng mai nhận đơn tại Công An Quận. Đêm đó, tôi ngủ không được. Thấp thỏm đến gần 3 giờ sáng thì chạy ra Công An Quận, tưởng là mình đến sớm, không ngờ có bạn đã mắc võng ở gốc cây, ngay cổng từ 11 giờ đêm hôm trước. Tôi là người thứ 50!

Khi vào trong phòng, môt tay công an đưa tờ giấy cam kết ra cho tôi, hỏi, “Tại sao anh muốn đi Mỹ?”

Tôi trả lời, “Vì tôi muốn các con tôi có tương lai. Ở lại đây, con tôi sẽ không bao giờ có việc làm vì lý lịch xấu!”

Hắn gật đầu, và hỏi, “Sau khi sang Mỹ, anh có ý định chống đối Cách Mạng không?” Tôi lắc đầu, “Chống làm gì? Tôi nghĩ là sang đó, chỉ lo đi làm thôi.” Tay công an đưa tờ giấy cam kết cho tôi bảo tôi viết câu, “Tôi cam kết không làm gì chống phá cách mạng!” Tôi viết liền vì chẳng dại gì mà không viết. Sang Mỹ rồi tính!

Sau đó một thời gian, không nhớ là bao tháng, tôi được gọi lên Phòng Xuất Nhập Cảnh làm thủ tục giấy tờ và đóng tiền linh tinh khoảng gần 2 cây vàng! Đóng tiền xong rồi chờ từng ngày. Qua vài tháng, thấy những người nộp đơn cùng đợt được nhận Passport, tôi sốt ruột quá, lên Phòng Xuất Nhập Cảnh hỏi vài lần đều không có câu trả lời. Hôm đó, tôi lại lên, nhưng lần này, khôn hơn, đút túi một bao thuốc lá 555! Đến cổng, thấy một tay công an đứng xét giấy, tôi tiến lại, không nói gì nhiều, chỉ rút túi áo ra bao thuốc lá 555 rồi nói nhỏ, “Tôi tên…vợ…con…tên! Nhờ anh lên kiếm giùm tôi tờ hộ chiếu.” Hắn gật đầu rồi đi vào trong, còn tôi đi thẳng vào bàn giấy nơi tay Thiếu Tá Phó Phòng ngồi xét đơn.

Chờ người ngồi trước đi khỏi, tôi mới tiến tới, ngồi vào chiếc ghế trước bàn và hỏi xem sao mà tôi chưa có Passport trong khi bạn tôi có đủ cả rồi. Tay Phó Phòng gật gù, “Hồ sơ anh thất lạc rồi! Bây giờ tôi cho anh hai chọn lựa. Một là tôi trả lại tiền cho anh. Hai là cho anh ưu tiên nộp đơn trước!” 

Đột nhiên tôi nổi cơn điên, vì đã căng thẳng từ lâu rồi. Tôi nói lớn, “Tôi không cần tiền và cũng không muốn nộp đơn lại! Tôi chỉ muốn đi Mỹ! Anh làm mất hồ sơ của tôi, anh phải lo đền!” Tay Phó phòng cũng không vừa, nói lớn tiếng luôn, “Anh này láo nhỉ? Tôi cho anh làm lại và cho nộp ưu tiên, nếu anh không chịu điều kiện này, thì dẹp!” Câu chuyện đang sắp tới lúc ngòi nổ bung ra, thì anh công an ở cổng nhận gói thuốc lá của tôi, từ trên lầu chạy xuống, chìa ngay ra 5 cái Passport của tôi và nói, “Nè, hộ chiếu của anh đây!” Nói xong thì đi thẳng ra cửa! Tên Phó phòng chưng hửng, vì mất một cơ hội làm tiền! Tôi biết chắc là tên Phó cứ chộp đại một hồ sơ nào để móc túi người mất! Tối thiểu cũng một cây vàng! Tôi cười hì hì, chào hắn rồi ra về.

Đến nhà, coi lại mớ Passport thì thấy hết hạn cả hai tháng rồi! Tay Phó Phòng giam hồ sơ của khách rồi định tống tiền, ai dè gặp tôi là kẻ cứng đầu. Đành phải trở lại gặp tên gian ác kia! Thế nào hắn cũng chơi tôi! Đúng như điều tôi tiên đoán, khi vừa thấy tôi ngồi xuống chiếc ghế trước cái bàn của hắn, chìa ra 5 cái hộ chiếu hết hạn, tay Bắc kỳ kia hất hàm, cười đểu,
“A! Ra ông Trung Úy hôm qua! Cãi hăng lắm! Này tôi nói cho anh biết! Đừng tưởng anh ngon nhá! Cỡ Trung Úy của anh thì ra cái quái gì! Ở bên Mỹ, Trung Úy các anh như ruồi, đi dọn rác đầy đường! Mẹ kiếp! Tướng Nguyễn Cao Kỳ còn đi bán xăng nữa là các anh!”

Tôi ngồi nghe hắn móc lò mà im lặng, không trả lời câu nào. Biết thân biết phận, không như hôm qua, vì khi nghĩ rằng mình không được đi Mỹ nữa, thì tôi nổi cơn. Nhưng bây giờ, giấy tờ đến tay, tội gì mà chọc cho hắn giận! Tay Phó Phòng kia dũa tôi một hồi đến khi đã nư, rồi hất hàm cho tay công an phụ tá,
- Đóng dấu gia hạn cho anh ta đi!

Thế là xong một giai đoạn! Cả nhà tôi ngồi chờ được gọi lên Nguyễn Du, nơi Mỹ phỏng vấn, như ngồi trên lửa. Cho đến khi được giấy báo lên phỏng vấn, cả nhà tôi đến nhà thờ cầu nguyện, rồi mới đến văn phòng phỏng vấn. Trước khi đi, chúng tôi đã được mấy người quen mách nước là ăn mặc lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ, chỉ trả lời vắn tắt. Vào phòng phỏng vấn, gặp ông Mỹ trung niên, và một thông ngôn. Tôi cúi chào rồi nói luôn bằng tiếng Anh.

Ông Mỹ gật gù, hỏi tôi tại sao tôi lại nói được tiếng Anh khá thế. Tôi trả lời là tôi từng đi Mỹ, học ở Lackland, rồi sau đó đi học tại trường Sĩ Quan Lục Quân Hoa Kỳ, tốt nghiệp Thiếu Úy. Tôi đã được lệnh thăng thưởng lên Đại Úy trước khi biệt phái, nhưng vì chưa khao lon, nên trong tờ khai lý lịch khi ở tù, tôi chỉ khai là Trung Úy thôi. Ông Mỹ nghe tôi nói chỉ mỉm cười, sau khi tôi nói hết, ông đứng dậy bắt tay tôi và chúc tôi mọi sự may mắn trên nước Mỹ. (2).

Rồi cũng đến ngày đi khám sức khỏe. Bao nhiêu lời đồn linh tinh về việc này làm chúng tôi ơn ớn. Nào là cấm được khóc vì họ nghi là đau mắt thì sẽ ở lại. Nào là phải uống nước dừa nhiều cho phổi trong. Nào là cân phải nặng bao nhiêu… Chúng tôi chỉ cầu nguyện liên tục. Đến khi vào khám sức khỏe, tôi thấy cũng chẳng có gì là ghê gớm. Mọi chuyện giải quyết nhanh nhẹn. Chúng tôi chờ ngày lên máy bay thôi.

Điều không ngờ là với danh sách H.O. 1, phòng Xuất Cảnh cho đăng báo toàn bộ những người sắp đi Mỹ, làm cả Saigon xôn xao như cháy nhà. Mấy ông bạn, hồi trước mắng mỏ tôi, khi tôi rủ đi nộp đơn, thì mắc cở đến chào tôi, rủ đi uống cà phê, và nói “Khi nào sang Mỹ, thấy cái gì hay, thì gửi về báo cho biết!” Danh sách này chút nữa thì hại tôi! Cả Phường nơi tôi ở đều biết. Công an khu vực đi qua nhà tôi liên tục, dòm dòm ngó ngó. Nhiều cặp mắt như những viên đạn chiếu vào chúng tôi hàng ngày. Chúng tôi phải dọn nhà qua nhà nhạc mẫu ở vài tuần lễ trước khi lên đường để tránh xì xào. Điều buồn cười là khi nghe lời bạn bè, thay vì mang vali thì đến Chợ Lớn đóng hai cái thùng nhôm to đùng để quần áo và đồ dùng cá nhân, mấy chỗ đóng thùng ở Chợ Lớn đều biết chúng tôi đi Mỹ theo diện H.O! Ông Tầu già nói lơ lớ,
-Chú li Mỹ hả! Li theo cái gì…“ếch o” phải không? Lể tôi lóng cho chú cái thùng lày chắc lắm! Khỏi lo lứt quai…

(Chiếc thùng nhôm, có sơn hàng chữ đỏ to chần vần là địa chỉ chị tôi ở Mỹ, sau này vẫn còn giữ được thêm cả chục năm nữa mới vất đi.)

Đến ngày ra đi, tuy trên giấy mời là chuyến bay 10 giờ sáng, tôi bảo cả nhà phải đi thật sớm, tránh mọi chuyện không hay có thể xảy ra. Thế là khoảng 4 giờ sáng, gia đình chúng tôi chất lên hai chiếc xích lô, ra đi trong im lặng, không một tiếng chó sủa! (Quả nhiên, sự dự đoán của tôi chính xác! Sau này, cậu em vợ còn ở lại, cho hay là đến 7 giờ 30 sáng, hai tên Phường Đội mang giấy đến nhà tôi, kêu con trai lớn của tôi đi... nghĩa vụ quân sự! Khi biết là chúng tôi đã đi từ khuya, tên nọ chửi tên kia, “Đ.M. mày! Chỉ lo nhậu nhậu! Tối hôm qua, mà mày không nhậu thì đã đưa xong rồi! Đ.M. báo cáo làm sao đây!” Nếu tôi đi trễ, thì cả nhà tôi đã bị giữ lại, và nếu muốn đi thì phải chìa ra ít nhất một cây vàng!)

Khi chúng tôi đến phi trường, đưa giấy ra, thì được chỉ vào một khu tập trung, những người cùng đi một chuyến với tôi, đã đến ngủ từ… hôm trước! Đang ngồi long ngóng, đột nhiên một anh Mỹ trắng, trẻ trung, đi cùng với hai, ba người nữa, lướt qua hàng chúng tôi đang ngồi, và hỏi bằng tiếng Anh, “Ai biết nói tiếng Anh?”

Như một phản xạ, tôi giơ tay liền. Anh Mỹ tươi cười đến bắt tay tôi và giới thiệu, “Tôi là David Jackson, phóng viên đài truyền hình số 9 ở California. Muốn hỏi anh vài điều, anh có dám nói không?”

Tôi trả lời ngay, không ngần ngại, “Có gì mà không dám! Nhưng đừng hỏi về chính trị, kẻo kẹt tôi!”

David gật đầu ngay, “Không! Sẽ không nói gì về chính trị đâu! Tôi biết mà!” Ngay sau đó, anh ta vẹt người ra lấy chỗ trống, rồi mang đèn chiếu sáng trưng chỗ phỏng vấn, amplifier, microphone… với dây điện nối vào mấy bình pin khổng lồ, bắt đầu hỏi tôi về suy nghĩ của tôi khi được đi Mỹ… Lý do tại sao lại muốn đi Mỹ... Sang Mỹ thì định làm gì?

Tôi trả lời là vì “muốn cho con cái tôi có tương lai, nếu ở lại Việt Nam thì sẽ không có tương lai..” Ngay sau khi cuộc phỏng vấn chấm dứt trước những cặp mắt căm thù của công an, ngại tôi bị nguy hiểm, David và đoàn phóng viên hộ tống chúng tôi vào ngay phòng cách ly, nghĩa là không có công an nữa mà chỉ có phái đoàn Mỹ. Đến lúc lên máy bay, David cũng đi theo hộ tống chúng tôi, vừa đi vừa quay phim cảnh tôi bế cháu bé út lúc đó mới 2 tuổi rưỡi lên thang máy! David còn hẹn tôi là sẽ gặp tôi ở Los Angeles, nói chuyện tiếp.

Lên máy bay rồi, mà lòng chúng tôi vẫn chưa yên, vì chưa đến Mỹ, còn có thể có chuyện! Đúng như tôi đoán, sau khi đến Thái Lan, đang ở lại phòng tạm trên phi trường, một gia đình đi cùng bất ngờ bị gọi trở về! Khóc lóc, kêu gào thảm thiết! Chúng tôi chẳng hiểu sao, chỉ biết yên lặng nhìn, mà thương cảm cho người xấu số! Ở lại phòng tạm một buổi, xe buýt đến đón chúng tôi đưa về nhà tạm trú, ở đó 10 ngày rồi mới đi Mỹ.

Chu Tất Tiến tổ chức Cây Mùa Xuân H.O. tháng 1 năm 1990. (Hình cung cấp)

Những ngày ở nơi tạm trú này, vui quá là vui, vì chật như nêm, nằm dài trên sàn trải chiếu, người nọ đụng đầu, chân, tay người kia, khi ngủ say, có ông lăn qua ôm nhầm bà bên cạnh bị ăn cái tát! Buổi sáng thì xếp hàng đi vệ sinh, các ông bà H.O. cười cười nói nói, đàn ông, đàn bà gì cũng cầm tay cuộn giấy vệ sinh, chờ xong việc thì cũng cả tiếng đồng hồ, “mắc” muốn chết mà vẫn cứ cười. Đi tắm cũng chờ! Ăn cũng chờ. Có điều là việc chờ đợi này giết thời gian nhanh hơn, 10 ngày trôi qua như gió thoảng.

Điều đáng nhớ là ở đây, được ăn miễn phí, nhưng nếu ai muốn ăn ngon, thì trả tiền thêm. Nho Thái Lan vừa to, vừa ngọt, mãi cho đến hôm nay, vẫn chưa thấy nho nào ngọt như nho Thái Lan, hay là tại vui? Điểm đặc biệt mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây, là trong khi ở tại trại, có những cuộc gặp gỡ giữa các cô gái Việt Nam ở California sang giúp đỡ và giải thích. Tôi nhớ mãi câu nói của một cô, “Ở Bôn Xa mà mặc áo dài thì dị lắm!”

Một lần, tôi đến gặp ông Mỹ trưởng nhóm để hỏi về những tiện nghi mà báo chí loan tải là “những người H.O. sang Mỹ sẽ có làng ở, có nhà riêng, có việc làm chờ sẵn!” Ông ta lắc đầu, cười, “Toàn là tuyên truyền nhảm! Không có việc đó! Sang Mỹ rồi, mạnh ai nấy sống!” Tôi mới vỡ lẽ ra là nước Mỹ không phải như mình tưởng. Vì tôi biết tiếng Anh, nên hiểu sớm, còn mấy bạn tôi, cứ tin tưởng là sang Mỹ thì sẽ có nhà riêng, có việc làm, có xe đi… nên sau khi thực tế phũ phàng ập xuống, là chẳng có gì, sang Mỹ mà không biết tiếng Anh, không có người bảo trợ, thì như què, như điếc, như đui. Vì thế chỉ trong năm 1990, đã có ba vụ tự tử, một vụ đi bộ lạc vào Freeway 405, bị tai nạn. (3) Sang năm sau, một vụ nổ bình ga, giết chết hai người trong một gia đình H.O. (4)

Chờ mãi thì cũng đến lúc lên đường đi Mỹ! Chiếc máy bay khổng lồ đưa chúng tôi đến Miền Đất Hứa, đúng ngày 16 tháng 1 năm 1990. Một điều vui riêng cho cá nhân tôi, là khi từ Los Angeles đến Quận Cam, hai tờ báo lớn ở đây, Los Angeles Times và Orange County Register cùng đến phỏng vấn tôi và chụp hình tôi đứng với Mẹ tôi, người đã qua Mỹ trước. Sau đó, điều ngạc nhiên nữa, là một tờ Magazine nổi tiếng không những ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới, tờ PlayBoy, cũng đến nhà tôi phỏng vấn! Hai người một nam, một nữ, đến hỏi tôi từng chi tiết ở trại tù cải tạo và sau khi đến Mỹ. Đâu có ai biết là tôi đã có hình trên tờ Playboy bên ...cạnh mấy kỹ nữ con nhà nghèo!

Chu Tất Tiến trùng phùng với Mẹ tại phi trường John Wayne. Bài viết đăng trên báo Orange County Register. (Hình cung cấp)

Còn David Jackson, y lời hứa, đến đón tôi ở Los Angeles, sau đó một tháng, đến nhà tôi làm một cuộc phỏng vấn dài và đầy đủ, sau đó, chiếu trên đài truyền hình số 9, Quận Cam, dưới tựa đề “Vietnam Exodus,” quay từ lúc tôi ở phi trường Tân sơn Nhất, đến Los Angeles, rồi đến nhà tôi ở Appartment gần đường Olive, nhà thờ Westminster, tiếp theo là quay cảnh bà xã tôi đang học Nail ở trường Hằng Nga.

Đến hôm nay, rời Saigon đúng 30 năm. Bao nhiêu đổi, dời, cay đắng, chua chát, cố gắng, nỗ lực, oán than, chán nản, lo lắng, nhục nhã, vui mừng… Nhưng niềm vui nhiều hơn nỗi buồn. Các con chúng tôi cùng những con của các bạn H.O. hầu như thành đạt vẻ vang trên xứ người.. Con cháu dân H.O. chúng tôi đã trưởng thành nhanh, gọn và xuất sắc, rạng danh người Việt Tự Do. Tạ Ơn Nước Mỹ.

Người vợ Chu Tất Tiến trùng phùng cùng người thân. Bài viết đăng trên báo Orange County Register (Hình cung cấp)

*
(1) Chương trình chính thức là Orderly Program. Chương trình H.O chỉ là một tiểu mục trong toàn thể các chương trình Ra đi Có Trật Tự.

(2) Ông Mỹ này nói tiếng Việt như gió nhưng giả bộ không nghe. Có một gia đình, chưa bước ra khỏi phòng đã nói, “Thằng cha Mỹ này khó quá!” Ông Mỹ gọi lại hỏi bằng tiếng Việt, “Sao ông bà lại gọi tôi bằng thằng? Ông bà bất lịch sự quá nên không đáng đi Mỹ nữa!” thế là cúp đơn. Hai vợ chồng khóc ròng, nhưng đành lủi thủi ra về, cấu xé nhau…

(3) Ngay khi biết tin, tôi đã chạy lại tìm ông Trần D. chủ chợ. Ông vội vàng nói, “Ông chở tôi đến nhà họ ngay” và leo lên xe tôi ngay. Đến nơi, ông Trần D. móc túi ra còn 500, trao hết cho bà vợ. Trần D. là người có tâm nhân hậu, đặc biệt với anh em H.O. Ngay trong lần tôi tổ chức H.O. đầu tiên năm 1991, ông móc túi ra $1,000, sau đó lại $1,000 nữa. Bất cứ khi nào mà tôi nhắc “anh giúp chương trình gì đó liên quan đến H.O., ông không ngần ngại yểm trợ ngay, tối thiểu cũng $500…Cám ơn anh D.

(4) Vụ này tôi viết báo để khắp nơi gửi tiền về yểm trợ, giúp cho những người còn lại, vượt qua được sóng gió.






No comments:

Post a Comment

View My Stats