Mai Vân - RFI
/ ĐIỂM TUẦN BÁO
Đăng ngày: 18/01/2020 - 14:05
Âm
vang chiến thắng của bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử tổng thống
Đài Loan hôm 11/01/2020 tiếp tục được thấy trên các tuần báo Pháp.
Trên tạp chí L’Express, nhà bình luận Eric Chol không ngần ngại mượn
lại khái niệm "Trung Quốc Mộng", hay là giấc mơ Trung Quốc,
mà ông Tập Cận Bình rất tâm đắc để châm biếm rằng đúng là người Đài
Loan đã chọn một giấc mơ Trung Quốc, nhưng đó không phải là cái mà
ông Tập đã tưởng tượng ra.
Trong bài “Đài Loan hay giấc mơ Trung
Quốc khác”, nhà bình luận của L’Express liên tưởng đến những
ngôi sao trên lá cờ Trung Quốc để so sánh số phận của Hồng Kông và
Đài Loan, khi ngôi sao này mờ đi thì ngôi sao kia sáng chói lên.
Cho đến gần đây, Hồng Kông còn được xem là thành
trì của các quyền tự do ở Trung Quốc và là hiện thân của một mô hình
tự do có hiệu quả. Thế nhưng, thành trì này đã liên tục phải chịu
những cú húc của người láng giềng Trung Quốc to lớn.
Theo nguyên tắc “nhất quốc lưỡng
trị” mà Luân Đôn và Bắc Kinh đã nghĩ ra năm 1997, thì Hồng Kông sẽ
tiếp tục được hưởng các quyền tự do (báo chí, ngôn luận) và một nhà nước pháp
quyền. Thế nhưng rủi thay, từ tháng 6 năm 2019, quyền tự trị của Hồng Kông
càng lúc càng bị giảm thiểu. Quyết định hôm 12/01/2020 cấm không cho
lãnh đạo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nhập cảnh đã đánh dấu một
bước mới trong việc hạn chế quyền tự do ở đặc khu.
Tuy nhiên, theo hướng ngược lại, tạp chí Pháp
ghi nhận: “Ở cách 'Hương Cảng' 717 cây số, 23 triệu dân Đài Loan đã
nhắc nhở phần còn lại thế giới – mà đầu tiên hết là Bắc Kinh – về sức
sinh động của nền dân chủ, của mô hình tự do của họ”.
Với việc bầu lại bà Thái Anh Văn một cách vẻ
vang, Đài Loan đã nói không với Trung Quốc, và cú tát tai càng đau hơn đối với
ông Tập Cận Bình khi mà chủ tịch Trung Quốc, cách đây không đầy một năm, đã nhấn
mạnh tính chất “tất yếu” của việc sát nhập Đài Loan, kể
cả bằng vũ lực.
Bắc Kinh đã gây sức ép, bóp nghẹt Đài Loan về ngoại
giao và kinh tế, tuyên truyền dữ dội trong thời gian vận động tranh cử ở Đài
Loan. Có điều là Trung Quốc đã quên mất ngọn lửa dân chủ mà người Đài Loan
nuôi dưỡng, nhất là khi họ thấy rõ sự thất bại của mô hình “một
đất nước, hai chế độ” ở Hồng Kông.
Tóm lại, đối với L’Express, năm 2020 quả là đã
không bắt đầu với giấc mơ mà ông Tập Cận Bình đã tưởng tượng ra.
Đài Loan : Đường đi thuận lợi ?
Cùng một nhận định như L’Express, Courrier
International đã trích dịch bài xã luận trên nhật báo Đài Loan Taipei
Times cho rằng : “Sự kiện tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử
là một cái tát cho Bắc Kinh”.
Theo bài báo, tổng thống mãn nhiệm Đài Loan đã
chiến thắng được nhờ hai yếu tố : Chủ trương không khuất phục Bắc
Kinh của chính bà, cũng như của đảng Dân Tiến, và tình trạng khả
quan của nền kinh tế Đài Loan. Giờ đây, theo tờ Taipei Times, bà cần duy
trì hướng đi đó.
Với thắng lợi toàn diện - bà Thái Anh Văn
được 57,1% phiếu bầu, còn đảng Dân Tiến được 61 ghế trong số 113 ghế Quốc
Hội - chính quyền Đài Bắc đương nhiệm sẽ có thể tiếp tục theo đuổi chiến
lược kinh tế và chính trị trong bốn năm tới. Vấn đề là sẽ phải quản lý các mối
quan hệ phức tạp với Bắc Kinh và các vấn đề chính trị nội bộ, tất cả trong bối
cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn.
Về bối cảnh kinh tế của hòn đảo, bài báo
nêu bật hai triển vọng tích cực. Trước hết, để tránh nguy cơ bị Mỹ
áp thuế, các nhà sản xuất Đài Loan bắt đầu hồi hương cơ sở sản xuất
trước đó đặt ở Trung Quốc. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của điện
thoại 5G trên thế giới đang kích thích ngành xuất khẩu các linh kiện điện
tử Đài Loan.
Nhìn chung, theo tính toán của Tổng Cục Ngân
Sách, Kế Toán và Thống Kê Đài Loan hồi tháng 11/2019, tăng trưởng kinh tế
Đài Loan, từ 2,64% năm ngoái, sẽ đạt 2,72% trong năm nay.
Le Point: CGT, kẻ phá hoại nước Pháp
Thời sự Pháp với phong trào đình công dai
dẳng chống cải tổ hưu bổng tiếp tục được các tuần báo Pháp quan
tâm. Vai trò hàng đầu của công đoàn CGT trong các cuộc đình công đã
khiến Le Point rất bực tức. Tờ báo không ngần ngại dành trang bìa và
một hồ sơ 12 trang để vạch trần sự kiện được nêu bật trong tựa lớn
: “CGT đã làm nước Pháp kiệt quệ như thế nào”.
Theo cái nhìn của Le Point, CGT là một công
đoàn “đã bị soán ngôi (công đoàn số một tại Pháp), bị mất hơi
sức, không chấp nhận đối thoại, nhưng có khả năng ngăn chận hoạt động của
một đất nước”. Đối với tạp chí thiên hữu này, “người
Pháp sẽ phải trả giá rất đắt”.
Le Point cũng không mấy ưa thích Philippe
Martinez, lãnh đạo công đoàn CGT. Ngay trang bìa, là một bức ảnh cho thấy
nhân vật này với một vẻ mặt cau có, mặc áo màu xanh công nhân trên một
phông nền màu đen.
Tờ báo tố cáo : “Ngay cả khi xã hội bình
lặng – một khái niệm rất tương đối với công đoàn CGT - ông Martinez luôn luôn
có tối thiểu là một cận vệ và một tài xế đi theo. Giống như những lãnh
đạo CGT tiền nhiệm, ông Martinez được cấp một chiếc xe công vụ với
đèn quay báo hiệu (giống như của cảnh sát)”.
Cho dù hết sức gay gắt với CGT, nhưng hồ sơ
của Le Point về công đoàn này không có phát hiện gì mới so với tất
cả những gì đã được biết.
Le Point đã chỉ trích thiệt hại bạc tỷ mà
cuộc đình công đã gây ra cho hai công ty chuyên chở công cộng là SNCF
trong ngành đường sắt, và RATP trong ngành xe buýt và metro.
Tạp chí còn bới lại một cuộc điều tra năm 2011
về nguồn tài trợ cho các công đoàn, theo đó các đại tập đoàn đã rất
hào phóng với tất cả các công đoàn (tức là không chỉ riêng cho CGT).
Một ví dụ nổi bật: Tập đoàn viễn thông Orange
hàng năm rót 3,7 triệu euro cho các công đoàn và dành cho họ một khoảng
thời gian làm việc công đoàn nhưng vẫn ăn lương, tương đương với công
việc của 300 lao động toàn phần.
L’Obs: “Những tội lỗi của nền Cộng Hòa (Pháp) ”
Cũng chú ý đến vấn đề tiền bạc, nhưng liên
quan đến giới chính khách hay quan chức cao cấp, trang bìa tạp chí
L’Obs tuần này được dành cho những “Tội lỗi của nền Cộng Hòa”, hay
nói đúng hơn là những thói hư tật xấu của các công chức cao cấp, trong ba
lãnh vực “vận động hành lang, hạ cánh béo bở, chồng chéo lợi
ích ”.
Hồ sơ chính của L’Obs giới thiệu tập biên khảo
"Les Voraces" - tạm dịch là “Những kẻ háu ăn” - của Vincent
Jauvert, phóng viên của L’Obs, vừa xuất bản ngày 16/01/2020. Tác phẩm vạch
trần mối quan hệ “không phải đạo” giữa các chính khách, công
chức cao cấp với giới doanh nhân.
Gương mặt tiêu biểu của giới chính khách bị gọi
là “háu ăn” đó mà L’Obs nêu bật thành điển hình là
ông François Baroin, từng là bộ trưởng thời cựu tổng thống Sarkozy và cố
tổng thống Chirac, giờ là thị trưởng của thành phố Troyes. Thế nhưng nhân
vật này đồng thời vẫn làm những công việc như luật sư, lãnh đạo ngân
hàng, nhà quản trị, và cũng có thể ra tranh chức tổng thống trong tương lai.
L’Obs đã tìm hiểu về các khoản thu nhập của vị
cựu bộ trưởng đến từ các chức vụ mà ông đang kiêm nhiệm: Ngoài lương đại
biểu dân cử 8.500 euro, ông còn lãnh lương luật sư. Khi hợp tác với luật
sư Francis Szpiner của cố tổng thống Chirac, ông được trả một mức cố định
7.500 euro, cộng vào đấy còn những khoản tiền lời được chia. Ông Baroin còn được
ngân hàng Anh Barclays thuê làm cố vấn, nhưng thù lao được giữ kín. Ngoài
ra ông còn có thu nhập đến từ tập đoàn Bỉ Sea-Invest Corporation, nơi ông
Baroin vừa là thành viên hội đồng quản trị, vừa chịu trách nhiệm 3 chi
nhánh của tập đoàn này.
Tuy nhiên l’Obs không chỉ chú ý đến ông Baroin mà
còn nhìn đến những khoản lương các công chức đang ở trong chính quyền hiện tại,
nơi mà chức bộ trưởng không đồng nghĩa với việc có mức lương cao nhất trong
bộ.
Bộ trưởng Giáo Dục Jean Michel Blanquer chẳng hạn,
hiện chỉ lãnh 8.054 euro là lương bộ trưởng. Thế nhưng trước đây, khi
chỉ giữ chức tổng giám đốc chương trình giảng dậy, ông nhận được đến 12.428
euro.
Cũng như vậy, bộ trưởng Giao Thông Elisabeth Borne
hiện có mức lương thấp hơn thời bà làm chánh văn phòng bộ Sinh Thái của
bà Ségolène Royal. Khi ấy bà lãnh được 12.154 euro, cao hơn cả lương của bà
Ségolène Royal.
Quốc vụ khanh đặc trách Môi Trường Emmanuelle Wargon
giờ đây cũng vậy: Vào năm 2014, lúc còn là tổng ủy viên phụ trách nhân
dụng và huấn nghiêp, lương của bà lên đến 16.900 euro mỗi tháng.
Netflix, một loại ma túy mới
Cũng trong lãnh vực xã hội, tuần báo
L’Express đã chú ý đến mạng Netflix tại Pháp với cái nhìn không mấy thiện cảm.
Trong hàng tựa trang bìa, tạp chí Pháp gọi đó là một loại “ma túy
mới”, với ảnh vẽ Netflix như một màng nhện lớn mà con người đang rơi vào.
Tạp chí giải thích với vẻ bất lực: “Trong
không đầy 5 năm, Netflix đã đi vào cuộc sống của chúng ta, làm đảo lộn thú
tiêu khiển, quan hệ xã hội của chúng ta, làm cho truyền hình truyền thống trở
nên lỗi thời dần dần, giống như một con yêu tinh háu ăn nuốt chửng những giờ
ngủ hay giờ đọc sách của chúng ta, luôn cám dỗ để lấy mất thời gian rãnh rỗi của
chúng ta”.
Đối với L’Express, Netflix đã thành công nhờ vào
sự kết hợp tinh tế giữa cách chào hàng hấp dẫn và kỹ thuật marketing độc
đáo mà ít ai trong số 6,7 triệu người thuê bao ở Pháp (14 triệu người sử dụng,
theo Médiamétrie) có thể tưởng tượng ra được.
Tuy nhiên, tạp chí Pháp cũng thấy rằng Netflix
cũng làm cho một số khách sử dụng bực mình vì đã xâm nhập quá nhiều vào cuộc
sống hàng ngày, khiến nhiều người phát ngán.
Đối với L’Express : Công bằng mà nói, thì
Netflix không sáng tạo ra hiện tượng “cuồng si phim bộ”, tiếng
Anh gọi là Binge watching, nhưng đã tạo điều kiện hoặc còn khuyến khích hiện
tượng này.
Courrier International: “Úc, Kỷ nguyên của lửa”
Hồ sơ chính của Courrier International tuần này được
dành cho thảm họa cháy rừng khủng khiếp tại Úc. Trên trang bìa, bên trên ảnh
ngôi nhà bỏ trống với ngọn lửa cháy rực, tạp chí Pháp chạy tựa “Úc,
Kỷ nguyên của lửa”
Đối với Courrier International, thảm họa ghê gớm mà
Úc vừa phải gánh chịu đang buộc giới lãnh đạo cũng như xã hội nước này phải
thay đổi nhận thức. Tạp chí Pháp đã trích dẫn lời cảnh báo được nêu lên trên nhật
báo The Guardian, ấn bản Úc :
“Mùa hè kinh khủng đang có ở Úc là Sandy Hook của
chúng ta, là lúc mà chúng ta chạm đáy. Chúng ta phải nắm bắt cơ hội để thay đổi
cách suy nghĩ, thay đổi những ưu tiên và đường lối của chúng ta. Nếu làm
được thì chúng ta có thể thay đổi được chính sách và tương lai của chúng ta.”
Hình ảnh Sandy Hook mà tác giả bài viết trên tờ The
Guardian nêu lên, theo Courrier International, không có gì là ngẫu nhiên. Vào
năm 2012, một vụ thảm sát tại trường học Sandy Hook ở Newton (Connecticut, Mỹ) đã gây chấn động ở Mỹ và làm dấy lên trở lại cuộc
tranh luận về quyền mang súng, nhưng không mang lại thay đổi gì về mặt luật
lệ về vũ khí ở Mỹ.
Sau kỷ nguyên băng hà, đến thời kỳ lửa khói
Theo nhà báo của The Guardian, “Lợi ích
riêng tư của các tập đoàn vũ khí và những chính khách chịu ơn họ đã ngăn chặn
các thay đổi và chuyển biến” trong vấn đề mang súng ở Mỹ. Câu hỏi
đặt ra, là tại Úc, đất nước của những người hoài nghi thuyết thay đổi khí hậu
và quốc gia xuất khẩu than hàng đầu trên thế giới, phải chăng người ta cũng
sẽ đi đến thất bại nói trên ? Ai phải chịu trách nhiệm về những đám cháy kinh
khủng đó ?
Courrier interbational cố tìm câu trả lời, và cho rằng
vấn đề ở đây không phải là quy tội Úc mà là nhìn về tương lại.
Trên tờ Wall Street Journal, mà Courrier
trích đăng, một nhà bình luận Úc cho là đổ trách nhiệm cho thay đổi khí hậu
thì quá đơn giản, những đám cháy khổng lồ của năm 2019, từ Amazonia,
California, Bolivia, qua Siberia, Châu Phi, rồi đến Úc, bắt buộc chúng ta phải
tìm ra nguyên do và cách thức để tránh điều tồi tệ nhất. Vấn đề quy hoạch lãnh
thổ, phương thức đốt cháy ngăn ngừa của thổ dân, đó là những hướng chúng ta nên
thăm dò trước khi quá trễ.
Courrier cũng trích dịch bài viết trên website
Acon của sử gia về môi trường Stephen J. Pyne, ngược lại cho là đã quá trễ.
Theo ông chúng ta đã bước vào kỷ nguyên của lửa : “lửa đã trở nên
nguyên nhân và hậu quả của những thay đổi lớn trên trái đất, cũng như băng đá vào
thời băng hà.”
Quy Nhơn: “Điểm du lịch đích thực”
Kết thúc phần điểm tuần báo hôm nay là bài
viết về du lịch của tạp chí L’Obs, với phóng viên Valérie Ferrer đưa độc giả
đến vùng Quy Nhơn, Bình Định, Việt Nam, một nơi “ít được biết đến,
nằm giữa bãi biển, rừng xanh và đền thờ, một điểm du lịch đích thực”.
Valérie Ferrer đã thật sự bị quyến rũ : “Ngược
lại với Vịnh Hạ Long, hay hai bờ sông Mêkông, hoặc đường phố đông đúc của Hà Nội,
tỉnh Bình Định là một trong những nơi của Việt nam còn giữ những bí mật của
mình. Đây còn là một vùng mà các nhà thầu địa ốc và du khách chưa mấy chú ý đến”.
Phóng viên của L’Obs đã bị mê hoặc trước cảnh êm đềm
của các bãi biển, làng chài, đồng ruộng, và dĩ nhiên không quên tả cảnh đánh
bắt mực ban đêm. Valérie Ferrer cũng đưa độc giả đến chùa Thiên Hưng và Tháp
Bánh Ít của người Chàm.
Điều đập mắt đối với Valérie Ferrer ở vùng đất này
là sự thanh thản, trầm lặng mà cô rất ưa thích, và cô không quên nhắc đến đây
cũng là một chiếc nôi của võ học Việt Nam.
No comments:
Post a Comment