Sunday, 10 November 2019

XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG & DI DÂN (Đặng Ngọc Quang - TBKTSG)




Đặng Ngọc Quang  -  TBKTSG
Thứ Bảy,  9/11/2019, 09:10

Câu chuyện 39 người chết trong xe lạnh ở Essex được cảnh sát Anh ghi nhận, trong đó có nhiều người Việt Nam, đã làm rung động dư luận. Thảm kịch này đặt ra những câu hỏi mà người quan tâm đến phát triển xã hội phải xem xét lại những kết quả của chính sách xuất khẩu lao động, những thành công và hệ lụy.

Chính sách xuất khẩu lao động

Đã hơn 20 năm, xuất khẩu lao động được thực hiện như một trong những giải pháp để giảm nghèo. Từ năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, trong đó chính sách thứ 8 là về xuất khẩu lao động. Theo đó, Chính phủ chủ trương “hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa, đào tạo định hướng (bao gồm cả ăn, ở, đi lại, trang cấp ban đầu, chi phí làm thủ tục và cho vay vốn ưu đãi)... để lao động các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động; phấn đấu mỗi năm đưa khoảng 7.500-8.000 lao động ở các huyện nghèo đi làm việc ở ngoài nước (bình quân 10 lao động/xã).

Chính sách xuất khẩu lao động, không nghi ngờ gì, đã giúp Việt Nam hoàn thành sớm hơn hạn định mục tiêu giảm nghèo và được các tổ chức phát triển quốc tế ghi nhận.
Xuất khẩu lao động cũng có vai trò trong việc thúc đẩy tiến trình đưa các nhóm hộ thoát nghèo lên tầng lớp có mức sống cao hơn. Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận “hiện nay 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới.

Các tầng lớp thu nhập này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010-2017. Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu”.

Nhận định của WB có thể được minh họa qua trường hợp ba tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ hộ nghèo của ba tỉnh này năm 2010 tương ứng là 26,5%, 27,5% và 31%, trong khi tỷ lệ trung bình của cả nước là 11,5%.

Xu hướng xuất khẩu lao động tăng không ngừng ở các tỉnh này và các tỉnh nghèo khác, cùng với đó là xu hướng giảm nghèo rõ rệt. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của Nghệ An chỉ còn 5,54% - cao hơn một chút so với bình quân chung của cả nước là 5,35%. Với Thanh Hóa, cùng năm, tỷ lệ hộ nghèo là 8,43%. Còn Hà Tĩnh vừa mới kiểm đếm kết quả giảm nghèo sáu tháng đầu năm 2019, chỉ còn 5,81%  (xem biểu đồ).



Những lực hút và đẩy dòng lao động di cư

Di cư lao động quốc tế - hiện tượng di chuyển con người khi có những khai thông về di chuyển dòng vốn và công nghệ trong quá trình hội nhập quốc tế - được giới nghiên cứu quốc tế quan tâm.

Những làn sóng di cư lao động phức tạp nhiều khi gắn liền với những biến động chính trị xã hội.

Ở một công trình nghiên cứu về di cư từ Đông sang Tây khi khối xã hội chủ nghĩa đổ vỡ(2), tác giả cho biết có hai thuyết chính giải thích hiện tượng này.

Trước hết là chênh lệch về lương (và tỷ lệ thất nghiệp), và thứ hai là về “đầu vào vốn con người”.

Bên cạnh hai yếu tố cơ bản này, còn có các yếu tố kinh tế và phi kinh tế khác, như khoảng cách văn hóa và ngôn ngữ, sức hút về giáo dục, chính sách bảo trợ xã hội, chính sách thuế và chính sách nhập cư của nơi tới. Tình yêu cũng được đề cập như một yếu tố, nhưng trong trường hợp Việt Nam, có lẽ thay vào đó là khả năng kết hôn.

Ngoài các yếu tố kể trên, tính chất đa dân tộc, trong trường hợp  của người dân vùng Mêkông, ở một nghiên cứu khác(3), được coi là một yếu tố đẩy hữu ích để giải thích xu hướng các cô gái ở vùng Mêkông đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan. Nghiên cứu này cũng đề cập tới yếu tố kéo khiến đàn ông ở các nước lấy vợ nước ngoài (cô dâu Việt) - họ là những người bất lợi thế so với địa phương họ, ví dụ khuyết tật, nghèo túng hơn, hoặc tuổi cao.

Thảo luận về yếu tố kéo với trường hợp di cư theo đường cô dâu, tác giả khác(4) còn chỉ ra nguyên nhân đàn ông ở các nước/vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan lấy vợ nước ngoài, ví dụ từ Việt Nam, là do phụ nữ ở các nước đó phản kháng chế độ phụ hệ và đàn ông ở các nước đó với tư tưởng phụ hệ khó lấy vợ địa phương. Theo thuyết này, phụ nữ ở Việt Nam di cư vì muốn trốn chạy đàn ông phụ hệ, và sau này sẽ thất vọng vì gặp lại những ông chồng này ở các nước họ “chạy” đến.

Riêng về vị trí trung chuyển của Nga trên con đường di cư sang Tây Âu, có một nghiên cứu(5) lý giải liên quan đến vị trí nổi bật của nó, vì các lý do mạng lưới xã hội. Đây là dạng vốn xã hội hình thành từ liên kết trong và giữa các nhóm sắc tộc (tội phạm), mạng lưới của những người di cư ở Nga với những quốc gia có người đi thông qua quan hệ gia đình, họ hàng bạn bè và đồng hương. Tình trạng ở Nga - chính quyền thụ động với loại tội phạm này, tham nhũng và pháp luật lỏng lẻo - cũng dung dưỡng vị trí trung chuyển đặc biệt của Nga trên các tuyến đường di cư “bất thường”.

Cuối cùng, chắc phải đề cập tới chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động như một yếu tố đẩy di cư- chính sách đã đem lại cho Việt Nam lượng kiều hối gửi về tăng không ngừng trong hơn 12 năm vừa qua.

Lựa chọn của lao động Việt Nam khi di cư bất thường


Nếu phân tích thu nhập từ lương trung bình và lương ngoài lề của người lao động Việt Nam ở nước ngoài, có thể hình dung cách thức lựa chọn nước đến của lao động Việt(6). Việc tổ chức các dòng xuất cư nhằm tạo thu nhập từ lao động ở nước ngoài theo các kênh chính thức một cách hấp dẫn, cạnh tranh, có thể làm giảm dòng xuất cư lao động ngoài pháp luật.

Khi xem số liệu thống kê về thu nhập của lao động di cư ở 15 nước chủ chốt chiếm tới 98% lao động Việt Nam ở nước ngoài (xem bảng), người ta có thể lờ mờ đoán các yếu tố quyết định lựa chọn là thu nhập chính, thu nhập phụ (làm ngoài), địa lý (khoảng cách, khí hậu, văn hóa), chi phí mức độ tiếp cận, và ảnh hưởng của các chương trình xuất khẩu lao động.

Có một số nước như Đức, Úc, hay Ý, thu nhập của người lao động khá cao, nhưng ít người tới, do hàng rào với lao động di cư của họ. Được biết, Đức chẳng hạn, là nơi nhiều lao động Việt Nam tới bằng con đường “lậu” hay không hợp pháp.

Nhóm nước nhiều lao động Việt sang làm theo hiệp định là các nước ở khu vực Ảrập. Mức thu nhập của người lao động ở các nước này cơ bản giống như nhau, cả phần chính và phụ.

Việc số liệu trong báo cáo (bảng) đã kê không có Anh, gợi ý rằng hầu hết lao động Việt Nam ở Anh là di cư không hợp pháp. Với mức thu nhập tháng, nêu ở các nghiên cứu về buôn bán người, trong khoảng 2.000-4.000 đô la Mỹ, có thể có một mạng lưới buôn bán người có tổ chức hoạt động để tuyển mộ lao động cho các hoạt động sản xuất hay kinh doanh trong thế giới ngầm ở Anh, ví dụ trồng cần sa, hay làm nô lệ kiểu gia nô, hay lao động tình dục.

Từ phân tích ở trên, ngoài các giải pháp được các tổ chức đang thực hiện, có thể hình dung một phương thức giúp giảm buôn bán người - bằng cách làm cho các dòng lao động di cư chính thức cạnh tranh hơn về thu nhập (chính và phụ), chi phí xuất cư, và về mức độ an toàn.

Con số xuất khẩu lao động sang Đài Loan dẫn đầu và Nhật Bản đứng thứ hai trong năm 2017 dường như xác nhận hướng đi này(7). Những lợi thế ở thị trường này không chỉ về mức độ thu nhập khá gần mà có thêm yếu tố về thời tiết khí hậu và văn hóa gần gũi với lao động Việt.

Các tổ chức chống buôn bán người đã từng có nhận xét nạn tham nhũng trong xuất khẩu lao động làm tăng chi phí xuất cư. Đấy cũng là một yếu tố thúc đẩy xuất cư lao động trái phép, cần phải xóa bỏ.

Chúng tôi sẽ bàn về những giải pháp giảm thiểu lao động di cư “bất thường”, kinh nghiệm thành công và chưa thành công từ các nước trong bài viết sau.

(1) Biểu đồ lập từ nguồn số liệu của biểu đồ: Tổ chức Di trú Thế giới: Báo cáo Việt Nam 2016. https://publications.iom.int/system/files/pdf/mp_vietnam.pdf?fbclid=IwAR0-UMba9sIhFOmvpJ7Di-YTXuMlZ_9SWg_7kTrVdFVPnXj9i8NBKZgeoWQ

(2) https://pure.au.dk/portal/files/482/6_phdchap4_MP.pdf

(3) https://krex.k-state.edu/…/h…/2097/15663/LianlingSu2013.pdf

(4) https://i.unu.edu/…/FINALREPORTTHEMATCH MAKINGINDUSTRYTHECAS…

(5) Irina Ivakhnyuk. The East-to-West Circuit Transit Migration through Russia.Book Title: Transit Migration in Europe. Amsterdam University Press. (2014)

(6) Báo cáo Lao động di cư Việt Nam 2016. https://publications.iom.int/system/files/pdf/mp_vietnam.pdf 


-------------------------

Quốc Phương
BBC News Tiếng Việt
8 tháng 11 2019

---------------------------------

Văn Hóa Nghệ An  (6-11-2019)






No comments:

Post a Comment

View My Stats