06/11/2019
Hội nghị ASEAN + tổ chức tại Thái Lan vừa bế mạc vào
đêm 4/11. Dịp này, nước chủ nhà đã chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN lại cho
Việt Nam vì năm 2020 là tới lượt Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của
ASEAN. Nhiều người Việt theo dõi hội nghị cấp cao khu vực với hy vọng khối
ASEAN sẽ đưa ra một lập trường mạnh mẽ để phản đối những hành động của Bắc Kinh,
vi phạm vùng dặc quyền kinh tế của một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt
Nam, nhất là sau những gì diễn ra ở bãi Tư Chính. Một số bày tỏ thất vọng vì
thông cáo chung chỉ nhắc qua loa tới Biển Đông với những lời lẽ mà nhiều người
cho là đã 'quá nhàm tai'. Hai nhà quan sát chia sẻ quan điểm với VOA-Việt ngữ về
hội nghị ASEAN vừa kết thúc, và nhận định về những khó khăn cũng như những cơ hội
thuận lợi mà Việt Nam có thể nắm bắt trong cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha trao búa Chủ tịch
ASEAN cho Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ Bế mạc Hội nghị cấp cao
ASEAN lần thứ 35 ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/11/2019.
Việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát và đoàn tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cản trở các hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của Việt Nam đã gây phẫn nộ trong công chúng, và khiến nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam lần đầu tiên chính thức lên tiếng phản đối. Thế mà bản thông cáo chung 18 điểm của ASEAN và Trung Quốc chỉ lặp lại những điều mà ai cũng đã nghe qua nhiều lần, như: “hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải bên trong và bên ngoài Biển Đông”, và thông cáo nhấn mạnh tới việc “tăng cường niềm tin, sự tin tưởng lẫn nhau”, các bên phải “tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình…”
VOA-Việt ngữ tìm hiểu ý kiến của các nhà quan sát
tình hình Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy từng giảng dạy tại Đại học
Paris 7, nói:
“Tôi không ngạc nhiên là cái thông cáo chung của ‘ASEAN không nhắc gì tới
Biển Đông. Hơn 10 năm qua, Trung Quốc luôn luôn tìm mọi cách để áp lực các quốc
gia Đông Nam Á, ASEAN, để họ không bao giờ có một tiếng nói chung tại vì nếu có
tuyên bố chung mạnh mẽ thì Trung Quốc không thể áp đặt cái đường 9 đoạn, còn gọi
là đường lưỡi bò đó.”
"...Tôi thấy Việt Nam cứ mở cửa hí hí, hé ra chút xíu để mà được
giúp đỡ mà thôi. Sự thành tâm không có thành ra các nước Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật
Bản và cả Ấn Độ nữa nó cũng chừng mực thôi.”
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Paris
Tiến sĩ Huy nói trong 10 nước ASEAN, phần lớn vẫn là các chế độ chuyên chế, và các nước này dễ bị Trung Quốc chi phối.
“Đối với các chế độ chuyên chế thì rất là giản dị, chỉ cần mua chuộc cấp
lãnh đạo cao cấp nhất. Trung Quốc lấy đồng tiền ra để làm áp lực với lãnh đạo
các quốc gia đó để chống lại Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền bãi Tư
Chính.”
Giáo
sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, nhận định:
“Tổ chức ASEAN là chỗ để nói chuyện thôi, cho nên nếu một hay hai bên
không đồng ý thì cả nhóm khó mà lên tiếng mạnh mẽ, nhưng tôi nghĩ lần này các
thành viên của ASEAN cũng thấy Trung Quốc đã quá lố, không những ăn hiếp Việt
Nam, mà còn ăn hiếp cà Malaysia và Philippines. Hai nước này bây giờ cũng tỏ ý
rất lo ngại, mặc dù họ không nói thẳng ra. ”
“Việt Nam nên vận động mạnh hơn. Đằng nào Trung Quốc cũng đã gây rối hết
sức rồi, Việt Nam mà không la làng, không vận động thì tôi nghĩ Việt Nam sẽ rất
là khó khăn.”
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nêu bật một điểm sáng của hội nghị ASEAN năm nay, đó là lập trường dứt khoát và những lời lên án thẳng thắn của Mỹ về hành động hiếp đáp của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng nhỏ hơn trên Biển Đông.
“Tôi chưa bao giờ thấy Mỹ nói thẳng như vậy. Mặc dù ông Trump không đến
nhưng tiếng nói của Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng còn mạnh hơn. Tôi
nghĩ rằng điều đó sẽ giúp một số nước trong khu vực thấy rằng bất chấp những
khó khăn về nội bộ, giữa quốc hội và Nhà Trắng vv... nhưng lợi ích về xa về dài
của Mỹ, đặc biệt về vấn đề an ninh, thì Mỹ vẫn lên tiếng mạnh mẽ. Tôi cho đây là
một cái đà để Việt Nam khi làm Chủ tịch ASEAN trong năm tới, Việt Nam sẽ có tiếng
nói mạnh hơn.”
Việt Nam đang đứng trước một cơ hội ngàn năm, đến rất
đúng lúc khi đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN năm 2020, và mặt khác trở thành thành
viên (không thường trực) của Hội đồng Bảo an LHQ. Vậy Việt Nam nên làm gì để tận
dụng cơ hội hiếm có để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích quốc gia đang bị
Trung Quốc đe dọa?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy: “Chính quyền cộng sản Việt Nam từ trước tới nay luôn luôn có sự gắn kết
chặt chẽ với Trung Quốc. Việt Nam mà muốn tận dụng cơ hội này để vận động thì
phải thật tâm mở cửa đối với Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Tôi thấy Việt Nam cứ mở cửa
hí hí, hé ra chút xíu để mà được giúp đỡ hay ủng hộ nào đó mà thôi. Sự thành
tâm không có thành ra các nước Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản họ thấy Việt Nam không
thành tâm, cho nên sự giúp đỡ của họ và cả Ấn Độ nữa nó cũng chừng mực mà
thôi.”
Giáo sư Ngô Vĩnh Long thì cho rằng Việt Nam không có
gì để mất trong tình hình hiện tại và vì vậy, Việt Nam nên mạnh dạn tận dụng dịp
này để vận động quốc tế ủng hộ.
“Tôi nghĩ Việt Nam nên vận động mạnh hơn. Đằng nào Trung Quốc cũng đã gây
rối hết sức rồi, Việt Nam mà không la làng, không vận động thì tôi nghĩ Việt
Nam sẽ rất là khó khăn.”
Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói như những gì xảy ra ở bãi
Tư Chính đã chứng minh rằng cả các nước ngoài ASEAN như Mỹ và EU, cũng sẽ ủng hộ,
nếu Việt Nam có phản ứng quyết liệt và rõ ràng để tố cáo các hành vi ‘cá lớn nuốt
cá bé’ của Bắc Kinh.
Giáo sư Long nói trong cương vị Chủ tịch ASEAN và
thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Việt Nam nên tăng cường các nỗ
lực vận động để được thế giới chống lưng.
“Sang năm Việt Nam ở trong một vị thế rất tốt. Tôi nghĩ Việt Nam nên vận
động không những các thành viên trong Hội đồng Bảo an, mà Việt Nam cũng nên đến
gặp các nước trong Liên Hiệp Quốc để vận động.”
Trong quá khứ Hà nội đôi khi tỏ ra quá thận trọng,
quá rụt rè do dự và do đó rơi vào tình trạng cô lập trên trường quốc tế và ngay
cả ở trong nước, khi những người biểu tình phản đối các hành động gây hấn của
Trung Quốc bị đàn áp, có người bị bỏ tù. Việt Nam cần làm gì để vận động sự ủng
hộ ở trong nước cũng như trên trường quốc tế để tránh bị cô lập trước Trung Quốc?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: “Phải để cho báo chí, phải để cho trí thức nói ra những vấn đề mà Việt
Nam phải đối phó thì thế giới mới biết. Đàn áp dân chúng, không cho dân chúng
và trí thức có tiếng nói thì sẽ có hại về lâu về dài cho đất nước.”
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy:
“Đây là cơ hội để Việt Nam tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ, nhưng mà tôi
thấy Việt Nam vẫn dùng chính sách đi nước đôi và không dám có một thái độ rõ
ràng thành ra tôi nghĩ rằng trong năm 2020 sắp tới thì tình hình cũng sẽ không
thay đổi bao nhiêu.”
Tiến sĩ Huy nói trong khi dân thực sự muốn thoát
Trung, thì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục đi hàng hai.
“Người trong nước thì rất muốn Việt Nam thoát khỏi Trung Quốc để xích lại
gần với Mỹ, nhưng mà Đảng Cộng sản Việt Nam không muốn như vậy. Sự giằng co này
nó sẽ còn kéo dài trong suốt năm 2020.”
Trong các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt
Nam có lẽ là nước chịu nhiều thiệt thòi nhất vì tham vọng bành trướng của nước
láng giềng phương Bắc. Trong khi Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy tỏ ra bi quan về tương
lai Biển Đông vỉ hoài nghi thực tâm của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam trước
các hành vi gây hấn của Trung Quốc, thì Giáo sư Ngô Vĩnh Long bày tỏ lạc quan,
nói rằng nến nhìn lại lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam, Ông nói với vị thế
trên trường quốc tế hiện nay, Việt Nam ngày nay không có lý do gì để nhượng bộ
Trung Quốc hơn so với các bậc tiền nhân trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, và
người Việt Nam phải tận dụng vị thế đặc biệt thuận lợi trong năm tới để tranh
thủ sự hậu thuẫn của thế giới. Ông nói trong năm tới, Việt Nam phải tận dụng vị
thế Chủ tịch ASEAN và tư cách thành viên của Hội đồng Bảo an để bảo vệ các lợi
ích quốc gia trong cuộc đọ sức bất cân xứng với nước láng giềng khổng lồ phương
Bắc.
VOA-Việt ngữ xin chân thành cảm tạ Giáo sư Ngô Vĩnh
Long từ Maine, và Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy từ Paris đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng
vấn này.
No comments:
Post a Comment