24/11/2019
Từ Châu Mỹ tới Châu Âu, những thể chế dân chủ
vốn được người ta ngưỡng mộ dường như sắp ngập trong rắc rối. Các nhà kinh tế lỗi
lạc nhất thốt lên rằng cách biệt giàu nghèo đang ở mức lớn chưa từng thấy trong
lịch sử. Đúng vậy. Nhưng cuộc khủng hoảng của các nền dân chủ hiện nay không chỉ
giới hạn ở vấn đề kinh tế. Tờ The Washington Post vừa giới thiệu
với đọc giả của họ slogan mới : Democracy Dies in Darkness - Nền dân chủ
chết trong bóng tối. Nó là một cuộc khủng hoảng của nền dân chủ, trong đó
khái niệm quốc gia đang bị xét lại.
Để dễ hình dung, chúng ta hãy cùng nhau xem
qua một vài nơi mà cuộc khủng hoảng này đang thể hiện hoặc dữ dội hoặc âm thầm,
hoặc âm thầm nhưng nhức nhối.
Trước nay, người ta chỉ định nghĩa quốc gia
như là một lãnh thổ với một chủng tộc sinh sống, nhưng không xem nó như là một
không gian liên đới và do đó ít ai nghĩ rằng một khi cách biệt giàu nghèo quá lớn
do không có chính sách tái phân phối lợi tức hợp lý thì dù chẳng có nghèo đói,
quốc gia vẫn khủng hoảng. Khủng hoảng đó là khủng hoảng liên đới nhưng cũng là
khủng hoảng khái niệm quốc gia : Người ta tự hỏi liệu nhóm người giàu gấp 100 lần
mình, sống cách biệt với mình có phải là đồng bào của mình không ? Nếu không, vậy
tại sao họ ở trong quốc gia này ? Hay quốc gia này không còn là của mình? Người
ta không thấy mối liên đới, không thấy tình đồng bào trong nhau nữa.
Trước hết là nước Pháp. Ông tổng thống
Macron, thần Jupiter của chúng ta (như ông đã tự ví mình) người vốn đang được
xem là thiên tài, đã bãi bỏ thuế người giàu, với mục đích chính đáng là ngăn họ
bỏ Pháp sang sống ở các thiên đường thuế làm GDP Pháp suy yếu. Thế là dân Pháp
chia làm hai loại, một loại vẫn sống cuộc sống bình thường, một loại thì dường
như chỉ còn mỗi công việc là dựng chướng ngại vật và hét lên "Macron
là tổng thống của người giàu!". Loại người thứ hai đập phá suốt nửa
năm qua và có rất nhiều người trong loại người thứ nhất ủng hộ những hành động
đó, dù ông Macron đã cố xoa dịu họ. Có lẽ các bạn nào rành rẽ về Pháp sẽ cười rằng
"Có gì mới ? Không biểu tình không phải người Pháp !". Nếu vậy, chúng
ta sẽ vượt Đại Tây Dương qua Châu Mỹ.
Hai nước vốn rất phồn thịnh là Mỹ và Chile
đang lâm vào khủng hoảng.
Về nước Mỹ, có thể một số bạn đọc cho rằng
tôi đang nói chuyện tào lao, nước Mỹ lúc nào chẳng vậy, họ vẫn giàu mạnh đó
thôi. Nhưng với một số bạn đọc biết rõ nước Mỹ của mấy chục năm trước thì hẳn
phải ngậm ngùi mà than rằng : Những người Mỹ tử tế, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai
một cách nhiệt tình nhất đâu rồi ? Thưa các bạn, nước Mỹ hào hiệp đó nay chỉ
còn hiện diện nơi một số ít các bạn Mỹ thôi, vì rằng ngày xưa người ta tới nhà
thờ để rửa tội, còn ngày nay người ta tự rửa tội cho mình bằng những lời lẽ ngụy
biện. Có thể các bạn không để ý nhưng những người hầu của Chúa ngày càng không
được tin tưởng ở trời Tây, các nhà thờ ngày càng vắng vẻ. Và nếu tôi đã không
tin vào Chúa hay bất cứ vĩ nhân nào tương tự, thì tại sao tôi phải giúp đỡ tha
nhân ? Đã không còn tin vào ông Jesus bác ái nữa, thì mâu thuẫn xã hội sẽ tự
nhiên tăng lên, nhất là khi người ta chỉ còn tin vào ông Adam Smith : Cứ để các
tác nhân kinh tế tự tìm lấy cách làm việc rồi đâu sẽ vào đó, sẽ có một bàn tay
vô hình an bài tất cả một cách tốt đẹp.
Bạn đã nhận ra rồi phải không ? Cái phép mầu
an bài tất cả mà Adam Smith gọi là bàn tay vô hình đó chính là lòng bác ái của
văn hóa Thiên Chúa giáo. Bàn tay đó đã mất rồi, không còn ai giúp đỡ những người
kém may mắn nữa và "cứ để họ làm" đồng nghĩa với "cứ để nó chết".
Người ta đã đặt niềm tin vào ông Barack
Obama, tin rằng ông sẽ sửa chữa xã hội này như ông tự giới thiệu lý tưởng của
mình là "The change we need" - Sự thay đổi mà ta cần.
Nhưng sau khi nhậm chức, ông hốt hoảng khi đứng trước khủng hoảng kinh tế và
quá bận rộn với hậu quả từ cuộc rút quân hấp tấp và tai hại của mình khỏi Iraq,
nên sự thay đổi đã không đủ và không xứng đáng là điều người ta cần. Obama sau
hai nhiệm kỳ không thực hiện được những lý tưởng mà mình rao giảng. Đối với đa
số đã bỏ phiếu cho ông, ông là một nỗi thất vọng, nhưng đối với nhiều người nằm
trong cái thiểu số đã chống lại ông thì ông không chỉ là một nỗi thất vọng mà
còn là một tên ngoại lai có bố là người Châu Phi tự nhiên được làm tổng thống của
một nước do người da trắng gầy dựng… Đã không nghe lời dạy bác ái của Chúa thì
tại sao họ phải chấp nhận người da đen ?
Trường hợp Chile cũng tương tự, nhưng chắc ở
mức độ trầm trọng hơn. Chile không phải bận tâm với vai trò cảnh sát thế giới
như Mỹ và Chile cũng có nhiều chính khách quan tâm tới liên đới xã hội. Thế
nhưng những cải cách của họ tỏ ra không đủ. Người ta cố cải cách giáo dục công
nhưng học sinh, sinh viên biểu tình và nói rằng chất lượng của giáo dục công
quá tồi.
Kinh tế vẫn tăng trưởng, nhưng kinh tế có
thêm 10 đồng thì hết 6 đồng vào tay người giàu. Người ta không chỉ nổi giận vì
không có bánh mì mà người ta còn nổi giận vì phải ăn trưa bằng bánh mì trong
khi một số "đồng bào" ăn sáng bằng beefsteak bê và trứng cá hồi.
Cơ thể Mỹ phản ứng trước căn bệnh "bất
công xã hội" bằng cách bầu cho Donald Trump, một người da trắng chống lại
hệ thống và trật tự cũ và chống bằng những ngôn từ rất thô thiển. Còn gì phù hợp
hơn ông để thể hiện cơn giận của họ ? Chile phản ứng còn dữ dội hơn bằng những
cuộc nổi loạn theo đúng nghĩa đen.
Nhưng cuộc khủng hoảng khái niệm quốc gia
không chỉ có thế. Nó còn có những thể hiện khác ở những nơi khác.
Estonia, Latvia là những nước tuy không giàu
nhưng đã thực hiện tái phân phối lợi tức rất thành công. Con người ở đây rất hạnh
phúc, họ không có nhiều tiền, nhưng họ có cả tự do và công bằng. Tuy vậy hai nước
này lại có một vấn đề : người Nga. Không phải người Nga ở nước Nga, mà là người
Nga sống ngay trên lãnh thổ của họ : người Estonia và Latvia gốc Nga. Người gốc
Nga chiếm tới 1/4 dân số của Estonia và Latvia. Trong quá khứ, các chính quyền
Nga kế tiếp nhau đã bách hại rất nhiều người Estonia và người Latvia. Cả chính
quyền lẫn dân chúng ở đây đều không ưa người gốc Nga, dù hầu hết người gốc Nga
trẻ sống theo văn hóa bản địa và đại đa số người gốc Nga không thích chuyện
quay về Nga sống.
Điều này nghĩa là có tới 1/4 dân số Estonia
và Latvia gặp khó khăn trong cuộc sống : thanh thiếu niên thì không có nhiều cơ
hội giáo dục còn người lớn thì khó tìm được việc làm. Rất nhiều người gốc Nga
trẻ bỏ đi sang các nước EU khác, làm cho nguồn lao động ở đây đã ít càng ít
hơn. Do bị kỳ thị, người gốc Nga tự thu mình lại và thường từ chối áp đặt việc
học tiếng bản địa ở trường của họ. Chính quyền Nga cũng dựa vào cớ này để gây sự
với Estonia và Latvia. Tuy vậy 2 chính quyền Estonia và Latvia vẫn nhất quyết
không thay đổi thái độ với người gốc Nga. Họ không xem người gốc Nga là những
công dân mà họ có nghĩa vụ phải phục vụ bình đẳng như những công dân khác, mà
là những kẻ ngoại lai đáng lý ra nên đi về Nga mà uống rượu Vodka rồi đập phá.
Quốc gia đối với họ là lãnh thổ với một chủng tộc thuần nhất.
Chúng ta hiểu cho sự uất ức của người Estonia
và người Latvia trong quá khứ, nhưng chính họ cũng nên hiểu rằng người gốc Nga
sống trên lãnh thổ của họ không có lý do gì để hỗ trợ Putin quấy phá họ, trừ lý
do bị kỳ thị. Ở đây, người gốc Nga được an toàn hơn và một số người còn có quyền
tự do bầu cử, ứng cử, điều mà nhà nước Putin không thể và càng không muốn cho họ.
Nhật, xã hội giàu nhất nhì thế giới, đang thiếu
hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Thủ tướng Abe Shinzo gọi đây là một tai họa quốc
gia nhưng họ lại không mặn mà lắm với ý tưởng cho phép người nước ngoài nhập cư
dễ dãi. Thời gian gần đây họ kêu gọi người gốc Nhật ở Châu Mỹ quay về giúp đỡ
quê hương. Nhưng lời kêu gọi của họ bị bỏ lơ, bởi vì chính quyền Nhật yêu cầu
công dân của mình chỉ có duy nhất quốc tịch Nhật. Có thể cuộc sống ở Châu Mỹ
không tuyệt vời như cuộc sống ở Nhật, nhưng người ta khó mà rời bỏ các mối quan
hệ ở đó để tới sống ở một môi trường mới. Vấn đề cũng là vì Nhật quan niệm quốc
gia là một lãnh thổ với một chủng tộc thuần nhất.
Tại sao không cởi mở đón nhận sự cống hiến từ
những người mới ? Dĩ nhiên người nhập cư có thể đem tới những vấn đề mới. Nhưng
nước Mỹ trước đây (không phải nước Mỹ bây giờ) đã luôn dang tay đón nhận bất cứ
người nào yêu tự do tới với nó. Và từ một nơi hoang vu chưa đầy 3 triệu dân hỗn
tạp, nơi mà các vua chúa Châu Âu dành để đày ải người ta, nó đã trở thành cường
quốc số 1 thế giới.
Nước Đức hùng cường, vốn đầy viễn kiến mà
cũng có chút rắc rối : người gốc Đức ở vùng Đông Phổ xưa hiện thuộc Nga, thay
vì ở lại giữ Đông Phổ cho Đức, cũng như làm tai mắt và vùng ảnh hưởng của Đức ở
Nga, thì lại vượt đường xa về Đức sống vì chính quyền Đức cũng không cho phép
công dân của mình có 2 quốc tịch.
Cuộc khủng hoảng này cũng là một nguyên nhân
dẫn tới thảm kịch của người Kurd. Trong 4 nước Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq, Iran,
người Kurd chiếm từ 10 tới 15% dân số và họ đòi hỏi mỗi nước một vùng tự trị
cho họ. Không nước nào chịu cả, và người Kurd nổi loạn. Họ lập một chính quyền
riêng ở Bắc Iraq, lập lực lượng quân sự chống chính quyền Syria, Iran và chính
quyền Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ. Erdogan xua quân tấn công người Kurd ngay sau khi
quân Mỹ - đồng minh của quân Kurd - rút đi. Erdogan không tin rằng một vùng Kurd
tự trị có thể tồn tại hòa bình bên trong Thổ Nhĩ Kỳ khi mà hai dân tộc Thổ và
Kurd trong quá khứ đã có nhiều xung đột.
Chúng ta đang sống trong một cuộc chuyển hóa
lớn, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới. Không có tuần nào mà
không có một cuộc thảo luận trong các think tank, giữa các trí thức về cuộc khủng
hoảng khái niệm quốc gia hiện nay. Khái niệm quốc gia đang bị xét lại dữ dội. Ở
một số nước nó thể hiện như là cuộc khủng hoảng liên đới xã hội, với những người
rất tức giận vì bị gạt ra bên lề xã hội và sẵn sàng bầu cho những chính trị gia
dân túy nhất, là những người hứa hẹn đưa đất nước về thời kỳ cách đây vài chục
năm, lúc mà, theo họ, quốc gia vẫn còn là của họ. Ở một số nước nó là cuộc khủng
hoảng căn cước, trong đó những cộng đồng thiểu số sau khi đã ổn định được vật
chất bắt đầu nói : "Các ông luôn nói rằng phải vì dân tộc mình thì tại sao
chúng tôi không được quyền đòi cho dân tộc của chúng tôi một mảnh đất riêng
?".
Ở một số nước nữa thì nó là một cuộc khủng hoảng
trong đó có một nhóm rất đông người đòi tách quốc gia khỏi một định chế khu vực,
dù chỉ cần suy nghĩ kỹ và nhìn vào thực tế thì ai cũng thấy là việc đó hại nhiều
hơn lợi trong thời đại mà cô lập là chết này. Vương quốc Anh là ví dụ điển hình
nhất. Người ta cho rằng quốc gia nên tránh những định chế khu vực để giữ toàn vẹn
bản thể, quyền tự quyết của mình.
Nhìn xa hơn nữa, chúng ta thấy cả thế giới
đang loay hoay giải quyết những vấn đề ngày một nhiều hơn do những tập đoàn đa
quốc gia sinh ra. Nhưng làm sao từng quốc gia có thể giải quyết vấn đề do những
thực thể có tầm vóc đa quốc gia tạo ra, nếu chúng ta không có một định chế quốc
tế chặt chẽ hơn, nhiều quyền lực hơn Liên Hiệp Quốc hiện nay – một định chế lỏng
lẻo được lập nên chỉ để ngăn chặn thế chiến 3 bùng nổ ?
Nền dân chủ đang khủng hoảng và lan ra toàn
thế giới, ảnh hưởng tới cả những nơi không có dân chủ. Nó thể hiện như là cuộc
khủng hoảng nhân quyền ở những nơi như Syria, Ai Cập, Venezuela, Chad,
Ethiopia, Trung Quốc, Việt Nam… Người dân ở những nước này có thể được nhồi vào
đầu óc hàng ngày rằng phải yêu nước và cống hiến cho "đất nước", từ
nhỏ tới lớn, tới mức hai chữ yêu nước trở thành phản xạ của họ và họ luôn nói rằng
mình yêu nước thậm chí khẳng định rằng mọi người đều yêu nước. Nhưng họ lại
ngày đêm tìm cách trốn khỏi quốc gia của họ, nơi mà thực tế chỉ là vùng lộng
hành của một hoặc một số người. Đôi chân của họ tố cáo họ với người khác và
trái tim họ tố cáo họ với lương tâm, rằng họ không yêu nước, vì nước không đáng
để họ yêu. Khi người ta có thể đi chui sang Anh trồng cần sa, bất chấp nguy cơ
tù tội, thậm chí mất mạng, để tìm cho mình và gia đình mình một tương lai tốt
hơn, thì quốc gia trở thành một thứ đáng ghét, vô trách nhiệm hơn là đáng yêu.
Quốc gia và nhà nước đồng hóa với nhau, cùng biến thành một kẻ ngang ngược,
tuyên bố rằng : "Đây là đất của tao nên nó phải do tao quản lý theo ý
riêng và chỉ vì tao".
Tình hình tệ thật nhưng chúng ta có quyền lạc
quan, vì trong lịch sử đã có hai lần nền dân chủ gặp khủng hoảng, và khi dân chủ
thể hiện khả năng đặc biệt của nó - khả năng tự điều chỉnh, thì nó sẽ trở nên mạnh
mẽ, tới mức gây ra cả một làn sóng dân chủ lan ra khắp nơi và làm sụp đổ nhiều
chế độ độc tài.
Thập niên 1930 xảy ra cuộc Đại Suy Thoái, do
sự lộng hành của giới tài phiệt và nạn đầu cơ, đã làm đảo lộn đời sống ở các nước
thuộc khối dân chủ. Cuộc khủng hoảng này không chỉ tàn phá kinh tế của khối dân
chủ phương Tây (hãy cứ tạm gọi như vậy dù lúc này rất nhiều nước phương Tây
chưa hẳn là dân chủ), hai phong trào dân túy đã lợi dụng tình trạng này để đả
kích nền dân chủ và khuếch trương thế lực trên khắp thế giới.
Phong trào sô-vanh đã đưa đảng Quốc Xã ở Đức,
đảng Phát-Xít ở Ý và Taisei Yokusankai ở Nhật lên cầm quyền trong mỗi nước.
Phong trào cộng sản cũng đã động viên được rất nhiều người trên khắp thế giới
trong giai đoạn này.
Trong hoàn cảnh đó, nhiều nhà tư tưởng đã đề
ra phương hướng cải tổ nền dân chủ : Nhà nước phải chủ động đầu tư cho những
chương trình phúc lợi xã hội, không thể chỉ trông đợi vào lòng tốt của người
giàu được. Người ta gọi những ý tưởng đó là kinh tế học Keynes, theo tên của
John Maynard Keynes, người nổi bật nhất trong số những nhà tư tưởng đó.
Nhờ cuộc canh tân này mà các nền dân chủ đã lấy
lại sức sống và cả một làn sóng dân chủ đã tràn tới làm sụp đổ ba chế độ cực
đoan nhất của phong trào sô-vanh. Nhật, Ý và một nửa nước Đức trở thành những
nước dân chủ. Làn sóng này còn giúp cho bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập ra
đời và buộc các chế độ ở phương Tây phải từ bỏ chính sách thực dân để trở thành
những chế độ thực sự tôn trọng con người, những nhà nước dân chủ thực sự.
Đến đầu thập niên 1970, các nền dân chủ lại gặp
bế tắc. Các cơ quan nhà nước trở nên cồng kềnh và còn can thiệp quá mức vào xã
hội do học thuyết Keynes đã bị đẩy tới mức cực đoan.
Lần này tới lượt những nhà tư tưởng theo trường
phái laissez-faire lên tiếng, nổi bật nhất là Hayek và Friedman. Họ chỉ ra rằng
các nền dân chủ cần đề cao vai trò của xã hội dân sự, nhà nước cần rút về sau để
chỉ đóng vai trò hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động của công dân.
Cuộc cải tổ này đã đem tới một sức mạnh to lớn
cho các nền dân chủ, một làn sóng dân chủ cũng theo đó trào dâng. Tàn dư của
phong trào sô-vanh như chế độ Salazar (Bồ Đào Nha), chế độ Franco (Tây Ban
Nha), những chế độ độc tài cánh hữu được dựng lên để chống cộng trong Chiến
tranh lạnh, và sau đó là hầu hết những chế độ cộng sản bị làn sóng này cuốn đi.
Nhiều chế độ độc tài sụp đổ và rất nhiều nước đã có được dân chủ. Nền dân chủ bị
bóp nghẹt ở Hàn Quốc và Philippines cũng được cứu vãn.
Và lần này chúng ta lại đang chứng kiến nền
dân chủ gặp khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng này đã kéo dài hơn hai lần trước. Lý
do thứ nhất là bởi vì trong hai cuộc khủng hoảng trước, luôn có những thế lực
dân túy, hoặc sô-vanh hoặc cộng sản, liên tục đả kích dân chủ làm dấy lên vô số
tranh luận. Chính trong các cuộc tranh luận này mà giải pháp được tìm thấy. Lần
này các thế lực dân túy cũ hoặc đã chết, hoặc đã mất hết niềm tin vào lý thuyết
của mình, các thế lực dân túy mới thì chỉ nổi lên gần đây. Lý do thứ hai, quan
trọng hơn, là vì cuộc khủng hoảng này thật sự lớn hơn, đòi hỏi xét lại những
giá trị căn bản hơn hai cuộc khủng hoảng trước.
Thế giới cần có một khái niệm quốc gia mới.
Quốc gia mới cần được định nghĩa không phải đơn giản chỉ như một chủng tộc thuần
nhất trên một lãnh thổ, mà như một tình cảm, một đồng thuận, một không gian
liên đới và một dự án tương lai chung. Để quốc gia có thể thay đổi như vậy thì
đại diện của quốc gia - nhà nước - cần phải thay đổi. Chúng ta cần biến những
nhà nước kiểu cũ, nhà nước toàn quyền, những nation-state, bằng những nhà nước
đa nguyên.
Đã có những dấu hiệu tích cực đầu tiên. Các
cuộc thảo luận gần đây đều đi tới kết luận rằng quốc gia cần được định nghĩa lại
như là một không gian mang tính liên đới hơn. Họ còn đi tới một kết luận nữa là
nhà nước nên hỗ trợ cho các hoạt động tình nguyện của xã hội dân sự, thay vì dựa
vào những cơ quan phúc lợi nhà nước để duy trì liên đới xã hội.
Cuộc chuyển hóa này đang gia tốc và nó không
phải thứ gì khác hơn là một làn sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ thứ tư.
Nó buộc những quốc gia chưa có dân chủ phải
có dân chủ. Nó yêu cầu những quốc gia đã có dân chủ phải cải tiến nền dân chủ của
mình theo hướng liên đới hơn.
Vì cuộc chuyển hóa này cũng là cuộc xét lại
khái niệm quốc gia, nên quốc gia nào không chịu thay đổi, quốc gia đó sẽ dần dần
mất hết vai trò của mình trên thế giới, thậm chí bị xóa bỏ.
Việt Nam có thể bị xóa sổ trên bản đồ thế giới
không ? Tôi tin là không. Và tôi có cơ sở để tin. Một người chưa tới 25 tuổi,
chưa từng được học ở bất cứ một trường học của một nước tiên tiến nào như tôi
có thể dành thì giờ để vác tù và hàng tổng (theo cách nói ngày xưa của người Việt).
Quan trọng hơn, tôi đã tìm thấy và kết hợp với nhiều người khác cũng như mình,
cùng nhau xây dựng một lực lượng mà chúng tôi gọi là "trí thức
chính trị" để cùng nhau gánh vác việc nước. Giới trẻ luôn là cơn
gió thổi chiếc lá khô rơi xuống đất, hoặc là giọt nước làm tràn ly nước đầy. Đó
là cơ sở để tôi tin rằng quốc gia Việt Nam sẽ không bị xóa bỏ và sẽ có một chỗ
đứng xứng đáng trên thế giới trong tương lai.
Quốc gia Việt Nam mới này phải là một dự án
tương lai chung. Vậy thì bạn ơi, tại sao không tham gia dự án của chúng ta ?
Yến Vương
(24/11/2019)
No comments:
Post a Comment