Cali Today
November 18, 2019
Như thường lệ, cứ vào những năm chẵn như 2016, 2018
hay 2020 tại Hoa Kỳ là có những cuộc bầu cử lớn trên toàn quốc để bầu lại quốc
hội liên bang và tổng thống Mỹ cùng với nhiều chính quyền tiểu bang khác. Tuy
nhiên, trong những năm lẻ, cũng diễn ra một số những cuộc bầu cử quan trọng, chẳng
hạn như năm nay cũng có bầu thống đốc và quốc hội tại các tiểu bang Louisiana,
Kentucky và Mississippi, cùng với bầu cử quốc hội tại hai tiểu bang Virginia và
New Jersey, và một số cuộc bầu cử đặc biệt nhằm điền khuyết cho một vài chức vụ
bị bỏ trống ở cấp tiểu bang và liên bang. Đó là chưa kể những cuộc bầu cử cho
chức vụ thị trưởng và hội đồng thành phố tại nhiều nơi, điển hình như tại thành
phố Houston, Texas.
Vì những cuộc bầu cử diễn ra tại ít địa điểm hơn
trong năm nay nên giới truyền thông mới có thêm nhiều thời gian để tường thuật
sâu rộng hơn về những diễn biến quan trọng tại mỗi nơi.
Mới thoạt nhìn qua kết quả sau đêm kiểm phiếu vào
ngày 5/11 vừa qua, người ta có thể tạm kết luận rằng phe Dân Chủ toàn thắng tại
tiểu bang Virginia, nhưng phe Cộng Hoà lại thắng lớn ở tiểu bang Mississippi và
tiểu bang Kentucky vẫn còn khít khao ngang ngửa. Như vậy, nhiều người có thể vội
cho rằng cả hai bên bất phân thắng bại, vẫn tiếp tục ngang ngửa, tương tự như
trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống vào cuối năm 2018, phe Dân Chủ thắng lớn
giành lại Hạ Viện nhưng phe Cộng Hoà thắng thêm vài ghế ở Thượng Viện để củng cố
thêm cho vị thế đa số, khiến cho một số người, nhất là giới ủng hộ ông Trump,
còn cho rằng phe Cộng Hoà mới thắng lớn vì chiếm được Thượng Viện mới quan trọng
hơn (vì có tầm ảnh hưởng đến ngành tư pháp qua sức mạnh của quyền chuẩn thuận
các vị thẩm phán liên bang từ cấp Toà Sơ Thẩm đến Tối Cao Pháp Viện).
Tuy nhiên đó chỉ là những nhận định quá vội vã, hời
hợt và đầy chủ quan của những người không muốn nhìn thấy sự thật của một thất bại
to lớn của phe Cộng Hoà lần đó khi để cho phe Dân Chủ thắng lớn để giành lại
quyền hành ở Hạ Viện dù rằng phe bảo thủ đã nắm cả lưỡng viện quốc hội và Toà Bạch
Ốc trong 2 năm trước đó nhưng đã không trưng ra được thành quả thiết thực và cụ
thể nào để có thể thuyết phục đa số cử tri tiếp tục ủng hộ.
Cái gọi là thành quả to lớn nhất vào
lúc đó là đạo luật cắt thuế to lớn được thông qua (vào cuối năm 2017), nhưng chỉ
tổ giúp cho những đại công ty giầu có và những nhà tỷ phú lại hưởng được nhiều
tiền hơn (vì đóng thuế ít hơn trên số lợi nhuận khổng lồ) trong khi giới trung
lưu chỉ được giảm tiền thuế rất khiêm tốn và giới bình dân nhà nghèo thì chẳng
được hưởng đồng nào (vì tiền đóng thuế vốn đã thấp). Tệ hại hơn nữa, đạo luật cắt
thuế này khiến cho mức nợ công của quốc gia càng tăng cao thêm, khiến cho nhiều
thế hệ con cháu sau này sẽ phải nai lưng ra để trả nợ qua hình thức phải đóng
thuế cao hơn hoặc phải tiếp tục đi cày lâu hơn trước khi có thể được nghỉ hưu.
“Thành quả” khác của phe Cộng Hoà khi nắm giữ quyền
hành ở cả hai ngành lập pháp và hành pháp trong hai năm 2017 – 2018 là việc mưu
toan dẹp bỏ đạo luật bảo hiểm y tế với giá vừa phải, thường được gọi là
Obamacare. Nhưng âm mưu này cuối cùng cũng bất thành, một phần vì một số các vị
dân biểu và nghị sĩ liên bang phe Cộng Hoà bây giờ mới bắt đầu cảm thấy lo ngại
ảnh hưởng tai hại nặng nề của việc một số lớn người dân có thể bị mất quyền bảo
hiểm y tế nếu như đạo luật này bị dẹp bỏ. Từ đó, một số đông dân chúng mới bắt
đầu cảm nhận rằng phe Cộng Hoà quả thật không đáng được tín nhiệm trong hồ sơ
chăm sóc y tế cho đại đa số người dân trong nước.
Hậu quả của thảm bại bầu cử năm 2018 cũng được thấy
rõ trong hơn một năm qua khi những cuộc điều tra của Hạ Viện về những hành động
và chính sách của TT Trump đã được diễn ra liên tục và được thực hiện một cách
độc lập chứ không hề bị bao che hoặc bóp méo bởi những cận thần trung thành tuyệt
đối với sếp lớn như Tổng Trưởng Tư Pháp William Barr như khi ông đã tự ý cắt
xén và kiểm duyệt bản báo cáo của Công Tố Viên Độc Lập Robert Mueller.
Để từ đó người dân mới bắt đầu biết được nhiều sự thật
động trời và đáng chê trách như vụ tai tiếng “quid pro quo” về Ukraine,
tức là việc TT Trump đã tạm cúp viện trợ quân sự cho Ukraine để bắt chẹt TT
Zelensky phải điều tra kiểu “bới lông tìm vết” cha con ông cựu PTT Joe Biden để
sửa soạn cho mục đích tấn công đối thủ trong kỳ bầu cử sắp tới. Và điều này nhiều
phần sẽ khiến cho TT Trump sẽ bị đưa ra luận tội để bãi nhiệm, cho dù là Thượng
Viện chưa chắc sẽ biểu quyết với đa số 2/3 để truất quyền. Dẫu sao đi nữa, những
hình ảnh, tài liệu và bằng chứng về những hành động sai trái hay phạm pháp, lạm
quyền của TT Trump sẽ được đưa ra cho công luận biết để phê phán, thay vì bị cắt
xén và kiểm duyệt bởi ông William Barr như ông đã tự ý ra tay trước với bản báo
cáo của ông Mueller.
Và cũng trong thực tế với kết quả bầu cử vào ngày thứ
Ba vừa qua, phe Cộng Hoà, hay nói đúng hơn là TT Trump, có thể coi như đã thất
bại nặng tại Kentucky khi đương kim thống đốc phe Cộng Hoà là ông Matt Bevin đã
thua khít khao (48.8%) trước đối thủ Andy Beshear của phe Dân Chủ (49.2%). Lý
do đơn giản để giải thích cho cái gọi là thất bại lớn này vì TT Trump đã thắng
lớn tại Kentucky trong kỳ bầu cử năm 2016 khi thắng đối thủ Hillary Clinton đến
30% số phiếu. Ấy vậy mà cuối cùng ông Bevin cũng đã thua đau, phải chăng vì thế
mà ông đã chưa chịu chấp nhận kết quả thất cử này suốt trong những ngày sau đó.
Ngay cả trong đêm trước ngày bầu cử, ông Trump cũng
đến tận Kentucky để vận động cho ông Bevin, với lời hô hào rất ăn tiền với khối
cử tri trung thành: “Nếu chúng ta thắng, báo giới sẽ coi đó như là chuyện
bình thường. Nhưng nếu để thua tại nơi đây, bọn truyền thông chúng nó sẽ chụp
mũ rằng TT Trump đã bị một cú thất bại nặng nhất trong lịch sử. Vậy thì các bạn
không thể để cho chuyện đó xảy đến với tôi chứ!” Tiếng vỗ tay vang dội của
khoảng 20,000 khán giả cuồng Trump cũng không đủ ngăn nổi làn sóng đông đảo cử
tri tại nhiều thành phố lớn ở Kentucky qua ngày hôm sau đi bỏ phiếu để loại trừ
ứng cử viên được ông Trump hô hào ủng hộ mạnh mẽ trước đó.
Và cũng để biết thêm về bản tính của TT Trump là người
có tự ái cá nhân rất lớn, không bao giờ chịu nhìn nhận lỗi lầm hay sai trái và
luôn đổ tội hay trách nhiệm lên người khác, sau kết quả thất bại tại Kentucky,
ông Trump cũng bắn ra một mẩu tweet để biện minh rằng “chính nhờ ông ta nâng
lên rất nhiều nên ông Bevin mới bị thua khít khao như vậy”; chứ còn tại những
nơi khác thì đa số những ứng viên do ông Trump ủng hộ đều thắng cử lớn!
Nhưng thất bại tại Kentucky cũng không thể so sánh với
một thảm bại khác tại Virginia, thoạt đầu trông không đáng kể nhưng thật ra sẽ
có hậu quả tai hại cho phe Cộng Hoà trong tương lai, ít ra là trong suốt một thập
niên dài sắp tới.
Khi mới nhìn qua một cách đơn giản, người ta chỉ thấy
việc phe Dân Chủ đã giành lại đa số ở cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện của Virginia
coi như sẽ củng cố thêm uy tín và sức mạnh của phe này bởi vì các chức vụ thống
đốc, phó thống đốc và bộ trưởng tư pháp của tiểu bang đều thuộc về phe Dân Chủ,
từ đó sẽ giúp đẩy mạnh việc thông qua các chính sách thuận lợi cho khuynh hướng
cấp tiến hơn là bảo thủ. Nhưng khi phân tích kỹ hơn, người ta sẽ thấy đó là một
dấu hiệu tệ hại hơn nữa trong lâu dài cho đảng Cộng Hoà tại đây.
TÌNH THẾ BẮT ĐẦU XOAY CHIỀU TẠI VIRGINIA
Virginia, cũng giống như đa số các tiểu bang miền
Nam Hoa Kỳ, thường có khuynh hướng theo phía bảo thủ. Nhưng trong những thập
niên sau này, nó đã trở thành một tiểu bang ngang ngửa chứ không nhất thiết
trung thành theo đảng nào. Trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2004, ông Bush Con
cũng thắng cử tại đây. Và trong năm 2009, người dân Virginia cũng bỏ phiếu chọn
ông Bob McDonnell thuộc phe Cộng Hoà làm thống đốc.
Nhưng kể từ đó đến nay, cử tri tại đây đã luôn lựa
chọn ứng viên phe Dân Chủ trong những kỳ bầu cử thống đốc hoặc tổng thống.
Nhưng phe Cộng Hoà vẫn giữ được quyền hành tại quốc hội là nhờ vào lợi thế của
chiến thuật “gerrymandering”, tức là nắm quyền vẽ lại bản đồ phân chia
diện tích các địa hạt bầu cử cho các vị dân cử ở cả hai cấp tiểu bang và liên
bang sao cho có lợi thế về phe mình.
[Cứ sau các lần kiểm kê dân số mỗi 10 năm một lần,
quốc hội tiểu bang có nhiệm vụ vẽ lại địa hình các đơn vị để phân phối đồng đều
số cử tri tuỳ theo dân số vào lúc đó. Trên lý thuyết, giới thẩm quyền phải phân
chia các đơn vị theo hình vẽ hợp lý trên bản đồ với các khu phố liền lạc nhau bất
kể sự khác biệt về sắc tộc hay tôn giáo, khuynh hướng v.v. Nhưng trong thực tế,
những người nắm quyền quốc hội tiểu bang lợi dụng cơ hội này để loại trừ bớt những
khu có đông dân cư khác chính kiến với mình ra khỏi một số những địa hạt để
giúp cho ứng viên phe mình dễ dàng thắng cử. Chiến thuật đó được gọi là “gerrymandering”
rất đặc thù trong những cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ từ cả mấy thế kỷ trước đến nay,
và có khi đi đến cực điểm thái quá khi sản sinh ra những địa hạt có hình thù
quái gỡ trông giống như con thằn lằn, thay vì đáng lý ra phải vuông vức hay đều
đặn liền lạc nhau.]
Thật ra, chiến thắng của phe Dân Chủ tại Virginia có
thể đã khởi sự từ năm 2017, đúng một năm sau ngày đắc cử của TT Trump và được
coi như là một sự phủ nhận của cử tri tại tiểu bang vùng thủ đô đối với vị tân
tổng thống. Trong lần đó, ông Ralph Northam của phe Dân Chủ đã thắng cử dễ dàng
chức vụ thống đốc và phe Dân Chủ cũng thắng lớn khi giành lại 15 ghế từ phe Cộng
Hoà và đánh bại được nhiều vị dân biểu bảo thủ đương quyền với những ứng viên
thuộc giới thiểu số như người đồng tính, chuyển giới, gốc Mễ, gốc Việt (Kathy
K.L. Trần) lần đầu tiên được đắc cử dân biểu tiểu bang tại Virginia.
Đáng lý ra phe Dân Chủ cũng có thể giành lại quyền
đa số tại Hạ Viện nếu như không có kết quả quá khít khao ngang ngửa tại một đơn
vị (địa hạt 94) khiến cho giới chức trách phải bốc thăm và người may mắn trúng
thăm là ông David Yancey thuộc phe Cộng Hoà. Do đó, phe Cộng Hoà tiếp tục nắm
quyền đa số với tỉ lệ sít sao 51/49 và vẫn chiếm đa số 21/19 tại Thượng Viện.
Chiến thắng lớn lao bất ngờ này cho phe Dân Chủ vào
năm 2017 là nhờ vào khối cử tri tại các vùng ngoại ô ở thủ đô, thường là những
thành phần có kiến thức cao và công việc tốt, trung lưu và giầu có, vốn từ lâu
thường xuyên bỏ phiếu ủng hộ phe bảo thủ, nhưng lần này đã ồ ạt đến thùng phiếu
để chống lại phe Cộng Hoà như là một biểu tượng chống lại các chính sách và
cách hành xử của ông Trump.
Từ đó đến nay, nếu như TT Trump tiếp tục giữ vững tỉ
lệ ủng hộ mạnh mẽ từ khối cử tri đảng Cộng Hoà xuyên qua những lời nói và hành
động nhằm làm vừa lòng khối cử tri bảo thủ cực hữu, thì đồng thời ông cũng khiến
cho nhiều giới cử tri trung lưu và độc lập càng xa lánh hơn. Do đó, hầu hết các
chuyên gia đều cho rằng kết quả bầu cử quốc hội tại Virginia cũng sẽ không mấy
thuận lợi cho phe Cộng Hoà do bởi hình ảnh của TT Trump đã là một gánh nặng tai
hại quá lớn cho các vị dân cử bảo thủ.
Để hiểu rõ điều này, chỉ cần biêt là tuy TT Trump đã
ráo riết đi vận động cử tri bảo thủ tại rất nhiều địa điểm trên toàn quốc trong
thời gian qua, nhưng phe Cộng Hoà tại Virginia không hề dám đưa ông đến cổ động
cho bất cứ ứng viên bảo thủ nào mà thay vào đó bằng ông PTT Mike Pence. (Trong
kỳ bầu cử năm 2016, ông Trump thua bà Clinton đến 5% tại Virginia, và uy tín của
ông từ đó đến nay lại càng tụt dốc hơn nữa tại tiểu bang này.)
THỰC TRẠNG MỚI SAU KỲ BẦU CỬ NĂM 2019
Trước ngày bầu cử, phe Cộng Hoà nắm quyền đa số với
tỉ lệ khít khao 51/49 tại Hạ Viện lẫn Thượng Viện (21/19). Nhưng trong kỳ bầu cử
vào thứ Ba vừa qua, phe Dân Chủ đã giành thêm được hai ghế ở Thượng Viện để lật
ngược thế cờ và chiếm đa số (21/19). Cùng lúc đó, phe Dân Chủ cũng thắng lớn tại
Hạ Viện khi giành thêm được 6 ghế từ phe Cộng Hoà để chiếm đa số mạnh mẽ
(55/45).
Cũng trong kỳ bầu cử lần này, phe Dân Chủ đã bảo vệ
được tất cả những chiến thắng đạt được vào năm 2017, đặc biệt là tại 15 đơn vị
mà họ đã đánh bại các dân biểu đương quyền của phe Cộng Hoà trong năm đó. Thí dụ
điển hình là trường hợp của bà Kathy K.L. Trần, một nạn nhân của chiến dịch chụp
mũ và đánh phá của phe bảo thủ về hồ sơ chống phá thai đã bóp méo và khai thác
rầm rộ. Nhưng cuối cùng, vị nữ dân biểu gốc Việt cũng được tái đắc cử vẻ vang lần
này với kết quả chiến thắng to lớn trước đối thủ Steve Adragna của phe Cộng Hoà
với tỉ lệ 60% trên 40%.
Tỉ lệ chiến thắng to lớn lần này của bà Kathy Tran
cho thấy kết quả thắng cử vào năm 2017 không phải chỉ là một sự may mắn bất chợt
và hiếm hoi (a fluke) và sẽ bị đảo ngược trở lại sau đó. Nó có thể được
xem là tương tự với chiến thắng to lớn của ông Hubert Vo, dân biểu tiểu bang
Texas, tái đắc cử vẻ vang vào năm 2006 trước đối thủ Heflin sau khi đã thắng
khít khao vào năm 2004 trước vị dân biểu kỳ cựu và đầy thế lực này của phe bảo
thủ và đảng Cộng Hoà tại quốc hội Texas (khiến ông Heflin phải cay cú nộp đơn
khiếu nại nhưng vẫn phải chịu thua).
Để rồi từ đó đến nay, Hubert Vo trở thành một ứng
viên “nặng ký” đáng kể của phe Dân Chủ mà đảng Cộng Hoà đã kiêng dè không dám đụng
tới trong những kỳ tái tranh cử trong suốt hơn một thập niên qua, xuyên qua việc
không một ứng viên nào thuộc loại “có thế giá” trong đảng Cộng Hoà dám bỏ tiền
ra để đối đầu (vì biết trước rằng sẽ thua). Có điều đáng tiếc là một số người
Việt háo danh như Hoàng Duy Hùng, Chu Văn Cương cứ tưởng bở nên nhảy ra ứng cử
trong những kỳ bầu cử gần đây nhưng rốt cuộc cũng chuốc lấy thảm bại, nhưng đồng
thời cũng gây tranh cãi ồn ào và phân hoá trong cộng đồng người Việt, vô tình
trúng kế của đảng Cộng Hoà và những người Mỹ ở địa phương có đầu óc kỳ thị nên
không bao giờ muốn thấy có một cộng đồng gốc di dân được đoàn kết và lớn mạnh.
Trở lại với cuộc bầu cử quốc hội Virginia lần này,
phe Cộng Hoà đã dồn hết công sức và tiền của để nhắm đến 15 đơn vị mà phe Dân
Chủ đã giành được tại Hạ Viện trong năm 2017 và tung ra một chiến dịch vận động
để cáo buộc rằng những vị tân dân biểu đó sẽ theo đuổi một chính sách cấp tiến
quá khích không thích hợp với người dân tại Virginia. Chiến thuật này cũng giống
như hình thức tấn công hiện nay của TT Trump khi cáo buộc phe Dân Chủ mới giành
quyền tại Hạ Viện sẽ theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa, không thích hợp với
đa số người dân Mỹ.
Tuy nhiên, có lẽ chỉ có một thiểu số những người Việt
cao niên thiếu hiểu biết sâu rộng nên còn cay cú với đảng Dân Chủ và đổ tội cho
phe này về sự thất trận ở miền Nam Việt Nam dẫn đến biến cố 30/4/1975 mới tiếp
tục lầm tin vào lối tuyên truyền này, một phần vì từ ngữ “xã hội chủ nghĩa” khiến
họ liên tưởng đến chế độ cộng sản tại Việt Nam. Còn đa số người dân Mỹ, nhất là
thành phần có kiến thức và chịu học hỏi, không dễ dàng lầm tin vào những luận
điệu tuyên truyền đơn giản và ấu trĩ như vậy; bởi lẽ Dân Chủ và Cộng Hoà, giống
như Cấp Tiến và Bảo Thủ, cũng chỉ là những lựa chọn khác biệt tự nhiên đã có từ
lâu và sẽ tiếp tục tồn tại mãi trên thế gian này. Cũng không có bên nào hoàn
toàn đúng hoặc hoàn toàn sai. Đó chỉ là sự lựa chọn, ưa thích của mỗi người tuỳ
theo từng hoàn cảnh riêng biệt, và cũng có thể thay đổi tuỳ theo thời gian và
nhiều yếu tố khác. Hơn thế nữa, bất cứ khuynh hướng hay đảng phái nào cũng sẽ
không có cơ hội để nắm quyền độc tài để tha hồ khuynh loát hoặc áp lực kẻ khác
phải tuân phục mãi mãi. Bởi vì tất cả người dân Mỹ đều có cơ hội biểu quyết hay
thay đổi sự lựa chọn của mình qua mỗi kỳ bầu cử toàn quốc mỗi 2 hay 4 năm một lần.
Do đó, bất cứ một khuynh hướng hay phe đảng nào đi vào con đường cực đoan trong
lúc nắm quyền chắc chắn sẽ bị đẩy lui bởi lá phiếu của cử tri trong những kỳ bầu
cử kế tiếp. Do đó, sự chuyển quyền từ Cộng Hoà sang Dân Chủ, hay ngược lại, vẫn
thường xảy ra một cách êm thắm, và quan trọng hơn nữa, là xã hội và nền kinh tế
nước Mỹ vẫn tiếp tục phát triển mạnh và đều đặn từ đó đến nay, chứ không phải
đi đến cảnh “xuống hố cả nước” như những bình-luận-gia gốc Việt thường cường-điệu-hoá
để chê bai đảng Dân Chủ hoặc khuynh hướng cấp tiến.
Cuộc bầu cử kỳ này tại Virginia được sự chú ý trên
toàn quốc vì nó đã thu hút những chiến lược gia nổi tiếng của cả hai phe nhập
cuộc, cùng với số tiền hàng chục triệu Mỹ-kim đổ về từ khắp nơi (Có ít nhất 16 ứng
viên đã quyên góp được trên 1 triệu Mỹ-kim cho quỹ tranh cử của mình). Nó cũng
được coi như là một thử nghiệm quan trọng đo lường mức độ hăng hái của cử tri
(có còn sôi nổi như năm 2018 hay không), đồng thời cũng báo hiệu tinh thần đang
lên hay xuống cho mỗi đảng trước kỳ bầu cử toàn quốc vào năm 2020.
Thắng lợi giành được quốc hội Virginia về tay mình sẽ
giúp cho phe Dân Chủ dễ dàng hoạch định nghị trình làm việc trên những hồ sơ ưu
tiên như vấn đề kiểm soát súng ống, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng sạch, cải
thiện hệ thống bảo hiểm y tế với giá vừa phải, và gia tăng cơ hội cho mọi trẻ
em trong tiểu bang được quyền hưởng hệ thống giáo dục một cách tốt đẹp, bảo vệ
quyền lợi cho những thành phần thiểu số như giới đồng tính và chuyển giới, vốn
là những chủ đề không được phe Cộng Hoà tôn trọng.
Chẳng hạn như trong hồ sơ bảo hiểm y tế, phe Dân Chủ
có thể tự tin rằng kết quả thắng cử kỳ này là dấu hiệu cho thấy quan điểm của họ
muốn nới rộng chính sách bảo hiểm y tế cho nhiều người được hưởng đã đáp ứng
đúng nguyện vọng của đa số cử tri. Các ứng viên phe Dân Chủ đều chỉ trích các đối
thủ phe Cộng Hoà là những người luôn chống đối việc nới rộng chính sách
Medicaid, là chương trình bảo hiểm y tế miễn phí giúp cho những người nghèo hoặc
bị tàn tật. Nó cho thấy là chiến lược của phe Cộng Hoà bấy lâu nay cứ luôn chỉ
trích đạo luật Obamacare giờ đây đã hết còn “ăn khách” với đa số cử tri tại Hoa
Kỳ.
Quan trọng hơn nữa, quyền hành mới này sẽ giúp cho
phe Dân Chủ giữ vai trò chủ động và quyết định trong việc vẽ lại bản đồ để phân
chia các địa hạt bầu cử sau kết quả kiểm kê dân số vào năm 2020. Do đó, trong
suốt một thập niên sắp tới, chắc chắn là ưu thế của đảng Dân Chủ sẽ càng ngày
càng vững mạnh hơn tại tiểu bang quan trọng này.
THẤT BẠI ĐẦU TIÊN CỦA TỔ CHỨC NRA TẠI HOA KỲ
Từ trước đến nay, Hiệp Hội Súng Trường Toàn Quốc
(National Rifle Association, NRA) được xem là một tổ chức vận động hành lang có
thế lực đáng nể nhất trên chính trường Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với các ứng viên
thuộc đảng Cộng Hoà. Bất cứ chính trị gia bảo thủ nào không ủng hộ chính sách của
tổ chức này (là thả lỏng việc kiểm soát súng ống) coi như sẽ bị đả phá hoặc trả
thù bằng đủ hình thức khiến họ sẽ phải chuốc thất bại ở phòng phiếu.
Ngay cả nhiều ứng viên phe Dân Chủ cũng còn ngán sợ ảnh
hưởng của tổ chức NRA, nhất là tại những đơn vị có một khối đông cử tri vẫn
thích quyền tự do sở hữu súng ống. Vì thế nên có nhiều chính trị gia độc lập hoặc
theo phe Dân Chủ cũng thường khoe khoang về thành tích của mình là cũng có súng
ống tại nhà, và ủng hộ quyền tự do có súng cho mỗi người như quy định cho phép
theo Tu Chính Án số 2 của Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Tuy nhiên lần này có lẽ tổ chức NRA đã gặp thất bại
đầu tiên sau khi đã đổ thật nhiều tiền và công sức vào tiều bang Virginia để
mong giúp cho phe Cộng Hoà tiếp tục nắm quyền tại đây nhưng đã không thành
công.
Quả tình là hồ sơ bạo lực vì súng ống đã đóng một
vai trò rất lớn trong kỳ bầu cử tại Virginia, một tiểu bang mà người dân đã phải
chứng kiến một thảm cảnh đau lòng với vụ nã súng hàng loạt tại Đại học Virginia
Tech vào năm 2007 (bởi một anh sinh viên gốc Đại Hàn) khiến cho hàng chục người
chết, và mới đây nhất là một vụ nã súng hàng loạt khác vào tháng 5 vừa qua tại
thị xã Virginia Beach cũng khiến cho hơn một chục người thiệt mạng.
Chủ tịch Hạ Viện Virginia là ông Kirk Cox lần này đã
gặp một đối thủ lợi hại của phe Dân Chủ là bà Sheila Bynum-Coleman, một phụ nữ
da đen có đứa con gái đã từng thoát chết trong một vụ nổ súng vào năm 2016. Còn
ông Bill DeSteph, vị nghị sĩ tiểu bang tại Virginia Beach thuộc phe Cộng Hoà,
cũng bị đối đầu bởi một ứng viên của phe Dân Chủ và người này cũng không ngần
ngại tấn công ông DeSteph là đã thụ động không làm gì để giải quyết hồ sơ bạo
loạn vì súng ống.
Tổ chức NRA đã vận động và chi tiền quảng cáo rộng
rãi hơn tất cả các đối thủ khác tại khắp nơi, nhưng lần này đã thua tại
Virginia trước đối phương là tổ chức Everytown for Gun Safety Action Fund với
chủ trương kiểm soát súng ống kỹ lưỡng hơn để bảo vệ an ninh cho mọi người dân.
Trong bối cảnh những vụ nã súng hàng loạt thay phiên
nhau nổ ra trong những năm gần đây tại nhiều nơi trên nước Mỹ khiến đa số người
dân đều phải bàng hoàng, sững sờ nhưng chính phủ gần như thụ động hoặc bất lực,
cuộc tranh cãi về hồ sơ kiểm soát súng ống đã trở thành một trong những chủ đề
quan trọng đối với nhiều cử tri trên toàn quốc, và từ đó cũng thay đổi những
quyết định chính trị đối với các chiến dịch vận động tranh cử tại nhiều nơi, từ
cấp địa phương lên đến tiểu bang và liên bang.
Và điều này càng nổi bật hơn nữa tại Virginia. Chủ tịch
Hạ Viện, ông Kirk Cox thuộc phe Cộng Hoà, từ nhiều năm qua đã tìm đủ cách để
ngăn chặn không cho những nỗ lực của phe Dân Chủ muốn thông qua những điều khoản
có khuynh hướng cấp tiến, cho dù đó là những điều được sự ủng hộ của cả hai
bên. Nhưng điều đáng nói nhất là ông Cox đã làm đủ cách để ngăn không cho bất cứ
dự luật nào về việc kiểm soát súng ống được bàn cãi, nói gì đến việc biểu quyết
để thông qua.
Điều này thật ra cũng dễ hiểu vì Virginia là nơi đặt
trụ sở của tổ chức NRA, một tổ chức đầy quyền thế trên chính trường như đã được
biểu lộ xuyên qua kỳ bầu cử của TT Trump vào năm 2016. Thật ra từ trước tới
nay, hội NRA đã không cần phải tung hết “chưởng lực” tại tiểu bang này, nhưng mọi
sự đã thay đổi sau vụ nã súng hàng loạt tại Virginia Beach hồi tháng 5 vừa qua
khiến cho 12 người chết và nhiều người bị thương.
Đúng một tháng sau đó, Thống đốc Ralph Northam đã
triệu tập một khoá họp đặc biệt của quốc hội Virginia để thông qua dự luật kiểm
soát súng ống. Nhưng ông Cox đã lợi dụng quyền hành của mình để chấm dứt khoá họp
đặc biệt này chỉ sau 90 phút bàn cãi, khi ông lạm dụng quyền đa số của mình (dù
chỉ mong manh 51/49) để bỏ phiếu kết thúc mà không bàn cãi và thông qua dự luật
nào. Trong suốt cả ngày hôm đó, các viên chức của NRA đều đóng trụ ngay bên
trong văn phòng của ông chủ tịch Hạ Viện Kirk Cox.
Ở bên ngoài quốc hội vào lúc đó, hàng trăm người dân
ủng hộ chính sách kiểm soát súng ống đang đứng biểu tình để biểu lộ quan điểm của
mình, mặc dù thời tiết rất nóng bức vào lúc ấy. Còn ở bên trong quốc hội, một
phòng họp của ông Cox được biến thành trung tâm hành quân của các viên chức đầu
não của NRA đang thảo những chiến lược chống lại đoàn biểu tình và tìm cách
phân phát những chiếc mũ và áo thun có nội dung ủng hộ cho những người có cảm
tình với NRA.
Các dân biểu phe Dân Chủ đều rất sững sờ trước quyết
định dứt khoát của ông Cox để chấm dứt khoá họp đặc biệt của quốc hội. Nhưng thật
ra ban tham mưu của NRA đã bỏ ra nhiều tuần lễ trước đó để huấn luyện và hướng
dẫn cho giới lãnh đạo phe Cộng Hoà tại quốc hội Virginia về những chiến thuật
phải áp dụng khi xảy ra khoá họp này, theo như một bài tường thuật trên tờ
Washington Post. Cho dù là cử tri tại Virginia giờ đây muốn siết chặt hơn việc
sở hữu và sử dụng súng ống, nhưng gọng kìm của tổ chức NRA áp đặt lên giới lãnh
đạo phe Cộng Hoà tại quốc hội Virginia còn chặt chẽ hơn nữa.
Thật ra cũng không phải là chuyện ngẫu nhiên mà tổ
chức NRA đặt bản doanh tại Virginia từ năm 1993. Từ nhiều thập niên trước đó,
Virginia cũng nằm trong số những tiểu bang có những đạo luật về kiểm soát súng ống
lỏng lẻo nhất. Trước năm 1993, quốc hội Virginia thông qua một đạo luật giới hạn
số súng mà mỗi cá nhân có thể mua được trong một tháng. Nói theo lời của ông
Randy Rollins, một cựu bộ trưởng dưới thời Thống đốc Doug Wilder, một người dân
có thể đến Virginia mua vài chục khẩu súng rồi đem đi cất ở cóp sau xe và lái đến
thủ đô Hoa Thịnh Đốn một cách dễ dàng và hợp pháp.
Phải đợi đến năm 2012 thì đạo luật này mới bị đẩy
lui dù rằng lúc đó quốc hội Virginia vẫn nằm dưới quyền của đảng Cộng Hoà cùng
với thống đốc Bob McDonnell cũng là người cùng đảng bảo thủ.
Hồ sơ về việc kiểm soát súng ống không những chỉ là
một mối quan tâm cho cuộc bầu cử tại Virginia mà sẽ còn tiếp tục vang dội đến kỳ
bầu cử toàn quốc vào năm 2020, và nhiều tổ chức vận động chính trị đều đang
theo rõi những diễn tiến tại Virginia để đánh giá và thẩm định lại các chiến lược
đối phó của mình trong thời gian tới. Chính vì thế mà trong thời gian qua, các
tổ chức ủng hộ chính sách kiểm soát súng ống trên toàn quốc đã đổ ra những số
tiền khổng lồ vào Virginia, điển hình là tổ chức Everytown for Gun Safety đã
tung ra hơn 2 triệu rưởi Mỹ kim cho những chiến dịch quảng cáo vừa qua tại đây.
Một tổ chức khác cũng có mục đích tương tự được đồng sáng lập bởi cựu nữ dân biểu
liên bang Gabby Giffords, cũng chi ra $300,000 để quảng cáo vận động cho các ứng
viên có lập trường ủng hộ việc kiểm soát súng ống. Bà Giffords từng là nữ dân
biểu tại Arizona và là nạn nhân của một vụ nã súng hàng loạt với vết thương trầm
trọng trên não bộ nhưng đã may mắn sống sót.
Việc đẩy mạnh các dự luật kiểm soát súng ống tại
Virginia có thể là chỉ dấu của một sự thay đổi về chiều hướng chính trị của tiểu
bang này. Theo một cuộc thăm dò dân ý do hai cơ quan truyền thông thực hiện là
Washington Post và Schar School, hồ sơ về kiểm soát súng ống là một chủ đề quan
trọng đối với cử tri tại Virginia. Những cuộc thăm dò dân ý khác cũng cho thấy
có sự ủng hộ của cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hoà trong việc thông qua một số những
biện pháp kiểm soát súng ống, trong đó có kế hoạch kiểm tra kỹ lưỡng lý lịch
trước khi được quyền mua súng, giới hạn quyền được mang súng giấu trong người,
và ngăn cấm việc sở hữu những loại súng tiểu liên tự động loại dùng để tấn công
trước quân địch. Một cuộc thăm dò dân ý vào năm ngoái cho thấy có đến 54% cử
tri cho rằng việc kiểm soát súng ống quan trọng hơn việc bảo vệ quyền tự do của
những người sở hữu súng ống.
Kết quả bầu cử tại Virginia kỳ này có thể được xem
như là một loại trưng cầu dân ý trước ngày bầu cử toàn quốc năm 2020, và vì thế
nên nó đã thu hút sự chú ý to lớn của nhiều người. Những tổ chức chính trị theo
khuynh hướng cấp tiến tiếp tục bỏ tiền để ủng hộ cho các ứng viên phe Dân Chủ
trong những cuộc bầu cử khít khao ngang ngửa. Và những ứng viên thầm lặng hoặc
“vô danh tiểu tốt” trước đó như bà Sheila Bynum-Coleman đã không ngần ngại nhảy
ra đối đầu với những vị dân cử gạo cội như ông Chủ tịch Hạ Viện Kirk Cox tại
Virginia. Vì thế cho nên bà cũng quyên góp được số tiền kỷ lục hơn 1 triệu Mỹ-kim,
cho dù nó còn thua kém số tiền 1.8 triệu mà ông Cox đã quyên góp được. Và dù rằng
với kết quả sau cùng cũng chưa đánh bại được ông Cox lần này (đạt được 52% so với
bà Bynum-Coleman chỉ có 48%).
Nhưng dẫu sao đi nữa, đó vẫn là một dấu hiệu khả
quan, vì trong một thập niên sắp tới, việc vẽ lại bản đồ các đơn vị bầu cử tại
Virginia sẽ khiến cho nhiều vị dân cử phe Cộng Hoà gặp bất lợi lớn, nhất là nếu
họ tiếp tục cúc cung tận tuỵ với tổ chức NRA mà không đoái hoài gì đến sự an
nguy của đa số người dân trong nước. Chính vì thế mà trong một mẩu quảng cáo của
tổ chức ủng hộ bà Bynum-Coleman được chiếu trên truyền hình tại Virginia, phe
Dân Chủ đã không ngần ngại chỉ trích thẳng thừng mối liên hệ giữa ông Kirk và tổ
chức NRA: “Ông Kirk Cox chỉ quan tâm đến khối quyền lực về súng ống chứ
không hề nghĩ đến gia đình người dân.”
Và họ hy vọng rằng cái thông điệp này sẽ được lập đi
lập lại nhiều lần tại nhiều cuộc bầu cử khắp nơi trong tương lai để thay đổi vận
mệnh.
MAI
LOAN
Nantes, Pháp quốc, ngày 14 tháng 11/2019
No comments:
Post a Comment