Wednesday, 6 November 2019

SỐ PHẬN của NHỮNG NGƯỜI TỊ NẠN do KHÍ HẬU BIẾN ĐỔI ĐẦU TIÊN ở MỸ … KHI NÀO THÌ ĐẾN LƯỢT CHÚNG TA? (Phạm Thanh Giao)





Ông Chris Brunet một cư dân ở hòn đảo Isle de Jean Charles, đang phải đối mặt với một quyết định khó khăn, và ông ta phải nhanh chóng chọn lựa vì “nước đã gần đến chân”, thực sự là như thế.

Ông Brunet, 54 tuổi, là một cư dân đã sống suốt cuộc đời của mình ở hòn đảo Isle de Jean Charles, thuộc tiểu bang Louisiana. Ông ta còn được coi như là một trong những người tị nạn do khí hậu biến đổi đầu tiên của nước Mỹ.

Do mực nước biển tiếp tục dâng cao từng ngày, cộng với việc xói mòn bờ biển và bão lũ liên miên, hòn đảo Isle de Jean Charles đang từ từ biến mất khỏi bản đồ nước Mỹ.

Kể từ năm 1955 đến nay, hòn đảo rộng 22 ngàn mẫu Anh này đã mất đi khoảng 98% đất đai và tương lai chắc chắn là sẽ rất tối tăm. Một số khoa học gia đã ước tính rằng hòn đảo này sẽ chìm sâu hoàn toàn dưới mặt nước biển và biến mất trên bản đồ trong vòng mau thì từ 5 năm và chậm lắm thì cũng chỉ 20 năm là tối đa.

Đó là lý do tại sao Bộ Phát Triển Nhà Đất và Đô Thị của Hoa Kỳ đã phê duyệt một khoản tài trợ từ liên bang trị giá 48 triệu đô la để tái định cư người dân ở đây. Đây cũng chính là lần đầu tiên loại tài trợ này ra đời ở Mỹ, chủ yếu là để di dời người dân địa phương đến một vùng đất khác cao hơn và dự án phải được hoàn tất trong năm 2024. Đây cũng là một phần của dự án tái định cư tự nguyện, do đó, chính quyền của tiểu bang Louisiana đang phát triển một khu vực mới, nằm cách đó khoảng 40 dặm về phía tây bắc của hòn đảo, trên một vùng đất lớn khoảng 515 mẫu cho những nạn nhân tị nạn này.

Hòn đảo Isle de Jean Charles này xưa giờ được kết nối với đất liền bằng một con đường có 2 làn xe duy nhất, nhưng nó thường xuyên bị lũ lụt tàn phá. Bởi thế trong những năm vừa qua, dân cư ở đây bắt đầu dọn đi nơi khác, dẫn đến dân số chỉ còn vài chục người ngày nay. Một số người đã phải di dời sau khi trận bão Isaac quét qua khu vực này vào năm 2012. Những người khác đã quyết định dọn đi sau thời gian đó khi mực nước ngày một dâng cao, và vào thời điểm này thì chỉ còn khoảng 15 ngôi nhà còn tồn tại trên đảo. Thế nhưng việc dọn đi khỏi đảo Isle de Jean Charles là điều vô cùng khó khăn với một người như ông Brunet.

“Đối với tôi, hòn đảo này là nơi duy nhất tôi đã lớn lên và sinh sống, tính đến nay đã hơn 5 đời, từ ông bà cố tổ mấy đời trước khi xuống tới ông bà, rồi cha mẹ. Tóm lại là dòng tộc của tôi đã có mặt ở đây kể từ khi nó bắt đầu có người ở đến nay."

Chẳng những thế, gia cảnh của ông Brunet cũng không đơn giản vì ông ta còn 2 đứa cháu, một trai tên Howard, một gái tên Juliette để nuôi dạy, kể từ khi cha mẹ chúng qua đời khi chúng còn nhỏ dại. Hai đứa cháu của ông ta cũng là những thiếu niên cuối cùng còn lại trên đảo Isle de Jean Charles.

Đây chỉ là một trường hợp trong số nhiều cư dân ở đây, những người bị ảnh hưởng trực tiếp do đại nạn Khí Hậu Biến Đổi gây ra, khiến cho toàn bộ hòn đảo này bị ảnh hưởng bởi những thay đổi do sự xói mòn bờ biển và giông bão thường xuyên.

Đạo diễn Sandra Winther của một hãng phim ở Đan Mạch đã lấy cuộc sống của gia đình ông Brunet làm bối cảnh cho cuốn phim tài liệu mang tên “Lowland Kids” để cảnh báo con người về viễn ảnh đen tối của đại nạn Biến Đổi Khí Hậu.

“Tôi hy vọng rằng dù bạn sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới, bất kể bạn theo một thể chế chính trị hay niềm tin nào, cho dù bạn đã không tin rằng việc Biến Đổi Khí Hậu đang thực sự xảy ra, thì khi bạn xem cuốn phim này, bạn sẽ thấy, không ai có thể có bất kỳ sự phủ nhận nào về việc Biến Đổi Khí Hậu đã và đang thay đổi cuộc sống của loài người một cách hết sức khốc liệt. Tôi cũng hy vọng cuốn phim tài liệu này cho thấy đây là sự kiện đang xảy ra trước mắt chúng ta và chỉ trong một vài thập niên kế tiếp, cái nguy cơ trái đất này có thể bị xóa sổ là điều chắc chằn xảy ra."

Câu hỏi chúng ta phải đặt ra là: Khi nào thì đến lượt chúng ta trở thành nạn nhân của sự kiện Khí Hậu Biến Đổi này?

Cũng như ông Brunet, chúng ta cũng phải nhanh chóng chọn lựa vì “nước đã gần đến chân” ...


-----------------------

XEM THÊM

September 23, 2019     Robynne Boyd 







No comments:

Post a Comment

View My Stats