VnExpress
Thứ ba, 12/11/2019, 01:00 (GMT+7)
Washington có nguy cơ mất ảnh hưởng trên bán đảo Triều
Tiên, làm xói mòn chiến lược Đông Á nếu cố đòi 4,7 tỷ USD "phí bảo vệ"
từ Seoul.
"Tổng thống Donald Trump muốn Seoul đóng góp
nhiều hơn cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc", cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ
phụ trách đàm phán an ninh James DeHart nói trong cuộc gặp các quan chức quốc hội
Hàn Quốc hôm 7/11. DeHart cho biết Washington muốn Seoul chi 4,7 tỷ USD để duy trì lực lượng Mỹ đồn
trú tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc tỏ ý không sẵn lòng đóng góp mức phí lớn
như vậy. Các chuyên gia cảnh báo rằng Mỹ có thể đánh mất một trong các
đồng minh chủ chốt tại Đông Á nếu tìm mọi cách hối thúc Hàn Quốc tăng
đóng góp quốc phòng.
Cố vấn DeHart được nhân viên an ninh Hàn Quốc hộ tống
khi tới Seoul hôm 5/11. Ảnh: Yonhap.
Trước khi chạy đua tranh cử năm 2016, Trump từng cho
rằng Mỹ nên ngừng bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản, hoặc hai quốc gia này cần chi
thêm tiền cho Washington. "Hàn Quốc
giống như máy rút tiền và chẳng trả lại cho Mỹ được bao nhiêu. Sẽ tốt hơn nếu
Nhật Bản tự bảo vệ mình trước Triều Tiên. Họ sẽ phải tự bảo vệ hoặc trả chi phí
cho chúng ta", Trump nói hồi tháng 1/2016.
Tiến
sĩ Gal Luft, giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu (IAGS) tại
Mỹ, cho rằng yêu cầu đòi "phí bảo vệ" của Trump cho thấy ông đang thực
hiện các cam kết khi tranh cử, bao gồm chấm dứt việc Washington gánh chi phí bảo
vệ đồng minh, nhằm phục vụ chiến dịch tái tranh cử năm 2020.
"Trump liên tục yêu cầu cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết,
cũng như yêu cầu các đồng minh tăng cường đóng góp trong bối cảnh thâm hụt tài
khóa của Mỹ sắp chạm ngưỡng 1.000 tỷ USD. Ông ấy muốn thể hiện mình đang đứng
lên bảo vệ lợi ích của người dân Mỹ, khác với những đời tổng thống trước", tiến sĩ Luft nêu quan điểm, cho rằng kết quả đàm phán chia sẻ
kinh phí quốc phòng với Hàn Quốc sẽ là chuẩn mực cho những cuộc đối thoại tương
tự với Nhật Bản, Đức và NATO.
Mỹ đang duy trì khoảng 28.500 binh sĩ đồn trú và nhiều
khí tài hiện đại tại Hàn Quốc nhằm đảm bảo an ninh cho nước này. Ngay cả khi Hàn Quốc đồng ý trả 5
tỷ USD, Mỹ cũng khó lòng tăng cường sự hiện diện trên bán đảo Triều Tiên.
"Lực lượng Mỹ triển khai tại đây dựa trên đánh giá năng lực quốc phòng phi
hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng gần đây không tăng cường đáng kể
lực lượng quân sự truyền thống, mà tập trung đẩy mạnh tiềm lực hạt nhân",
Luft nói thêm.
Giáo
sư Kevin Gray, chuyên gia Đông Á tại đại học Sussex của Anh, cho
rằng Trump luôn muốn tạo ấn tượng rằng Hàn Quốc cần sự hiện diện quân sự của Mỹ
hơn là Mỹ cần Hàn Quốc. Tuy nhiên, Gray cho rằng trên thực tế, Mỹ triển khai và
duy trì lượng lớn binh sĩ tại khu vực này không phải chỉ để bảo vệ Hàn Quốc, mà
còn nhằm phục vụ chiến lược rộng lớn hơn, trong đó có đối phó Trung Quốc tại
Đông Á.
"Hàn Quốc không thật sự cần Mỹ hỗ trợ để đối phó đòn tấn công thông
thường từ Triều Tiên. Ngân sách quốc phòng của Seoul cao gấp 10 lần Bình Nhưỡng,
họ thừa khả năng tự vệ. Suy nghĩ cho rằng Hàn Quốc cần gánh thêm phí bảo vệ dường
như không ăn nhập với những lợi ích lớn mà Mỹ thu được từ tình hình hiện
nay", Gray nói.
Đòi hỏi của Mỹ về chi phí an ninh bị nhiều người dân
Hàn Quốc coi là "vô lý" và lãnh đạo nước này nhiều khả năng sẽ
thẳng thừng từ chối chi thêm tiền cho Washington để giành được sự ủng hộ chính
trị trong nước. Tâm lý bài Mỹ ở Hàn Quốc đã giảm bớt từ đầu thập niên
2000, nhưng có nguy cơ bùng phát trở lại trước các tuyên bố của Trump.
"Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đang mất đi sự ủng hộ vì các bê bối nội bộ trong những tuần gần đây. Họ cần duy
trì quan hệ tốt với Mỹ để theo đuổi mục tiêu đối thoại với Triều Tiên, nhưng
Seoul chắc chắn không muốn bị dư luận trong nước coi là kẻ nhượng bộ các yêu cầu
vô lý từ Washington", Gray cho hay.
Chiến lược đối phó Trung Quốc phụ thuộc vào hợp tác
quân sự giữa Mỹ với cả Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước vốn có nhiều bất đồng
chưa được giải quyết suốt hàng chục năm qua. "Nếu quan hệ đồng minh Mỹ -
Hàn suy giảm, sức ảnh hưởng của Washington trong khu vực sẽ hứng chịu nhiều tác
hại khôn lường", giáo sư Gray cảnh báo.
Vũ
Anh (Theo Sputnik
No comments:
Post a Comment