Friday, 15 November 2019

NHÀ HOẠT ĐỘNG ĐINH THẢO : BIẾT LÀ SẼ GẶP KHÓ KHĂN, NHƯNG VẪN PHẢI VỀ' (BBC / VOA / RFA)



BBC Tiếng Việt
15/11/2019

Nhà hoạt động Đinh Thảo đáp chuyến bay 7 giờ sáng hôm 15/11 từ Bangkok về Hà Nội.


Tin từ tổ chức VOICE cho hay vào 8:50 sáng, tại phi trường Nội Bài, cô bị hơn 10 nhân viên an ninh chặn giữ và đưa vào phòng thẩm vấn.

Hiện Thảo đã hoàn toàn mất liên lạc với thế giới bên ngoài.

Vài ngày trước khi đáp chuyến bay về Việt Nam Đinh Thảo đi gặp một số người cô từng có dịp tiếp xúc ở Đông Nam Á để chào từ giã.

Thảo tâm sự với phóng viên BBC News Tiếng Việt rằng cô lo khi trở về lần này sẽ gặp khó khăn, vì lúc ra đi cách đây gần 4 năm, Thảo đã bị cảnh cáo.

''Kỳ này về em có thể sẽ gặp nhiều khó khăn''. Thảo nói với BBC.

"Nhẹ lắm thì bị an ninh chặn ở phi trường, rồi bị kéo vào phòng tra hỏi. Nặng thì có thể bị tạm giam để hỏi cung vài ngày."

''Nhưng cũng có thể lâu hơn.'' Thảo nói thêm sau chút trầm ngâm.

Nhà hoạt động chưa đầy 30 tuổi này có nhiều lý do để lo âu.

Có mẹ là bác sĩ, và ôm mộng là một bác sĩ từ ngày còn trẻ, thế nhưng trong lúc theo học trường y,Thảo chứng kiến nhiều sự kiện khiến cô tự hỏi con đường mình đã chọn không biết có đúng không.

Trước khi rời Việt Nam vào tháng 3 năm 2016 để tham dự một chương trình xây dựng năng lực xã hội dân sự do tổ chức VOICE cung cấp, Thảo đã tham gia nhiều cuộc biểu tình tại Việt Nam.

Thảo cho biết bước ngoặt khiến cô trở thành một nhà hoạt động là vào mùa Hè năm 2015, sau khi bị bắt vì tham gia một loạt các cuộc biểu tình chống lại chính quyền Hà Nội vì chặt 6700 cây xanh quanh thành phố vốn cần rất nhiều bóng mát vì không khí ô nhiễm nặng nề.

Sau đó, Thảo tham gia nhiều hoạt động với nhiều vai trò khác nhau, như điều phối Cây xanh (trước đây gọi là Vì Một Hà Nội xanh), đồng tổ chức chiến dịch bầu cử quốc hội tự đề cử (tháng 2 - 3/2016), tổ chức một sự kiện công khai biện hộ cho các vấn đề môi trường tại Hà Nội (14/1/2016), v.v. Thảo cũng lên tiếng ủng hộ nạn nhân của sự tàn bạo của cảnh sát hoặc hình phạt tử hình sai trái.

Sau khi thực tập tại VOICE, Thảo tiếp tục làm việc tại VOICE cho đến cuối tháng 9 năm 2019 để có thêm kiến thức và kỹ năng để cuối cùng có thể quay trở lại Việt Nam. Trong thời gian ở nước ngoài, Thảo đi nhiều nơi trên thế giới để vận động nhân quyền cho Việt Nam.

Thảo nói về ước nguyện cô ôm ấp bấy lâu:
''Mục tiêu cuối cùng của tôi là vận động để Việt Nam trở thành một quốc gia tôn trọng nhân quyền, có dân chủ.''

Quãng thời gian ở nước ngoài, với nhiều phương tiện học hỏi, giúp tôi xác định cho mình viễn kiến, tầm nhìn. Nay tôi nghĩ mình đã học được nhiều điều, đi được một số nơi. Tôi nghĩ giờ đây mình tự tin là có thể giúp Việt Nam phát triển hơn, có một guồng máy minh bạch hơn.''

Nói về con đường mình đã chọn, Thảo biết đây không phải là một lựa chọn dễ dàng cho mình và gia đình vì cô có thể phải trả một giá không nhỏ:

''Đương đầu với chính phủ như vậy thì giá đắt nhất nó chính là bắt bớ, giam cầm một cách vô cớ. Tôi nghĩ tôi đã chuẩn bị tinh thần cho các giá phải trả này. Tuy nhiên, khi cái giá này nó trở nên quá đắt, đến nỗi có thể khiến mình bỏ cuộc, có lẽ đó chính là sự an nguy của người thân.''

Để chuẩn bị về nước, Thảo cho biết đã nhờ cha mẹ mang người con trai mới 16 tháng về Việt Nam trước để ngày về của mình 'nhẹ nhàng' hơn.

Nhắc đến con,Thảo rớm nước mắt thổ lộ:

''Tôi nghĩ điều tốt nhất đương nhiên cho một người mẹ là có thể ở bên cạnh con mình.
''Tuy nhiên nếu tôi không thể ở bên cạnh con mình được, thì tôi có thể trở thành tấm gương cho con trai tôi.''
''Tôi hy vọng trong thời gian mình còn tự do ở bên ngoài, tôi sẽ giúp để tạo ra nền tảng giáo dục tốt cho cháu.''

----------------------
VOA Tiếng Việt
15/11/2019

Một nhà hoạt động trẻ vừa bị giới hữu trách câu lưu tại sân bay Nội Bài vào khoảng 8:50 sáng 15/11 ngay khi cô đặt chân về quê hương sau 4 năm đi học tập và vận động nhân quyền cho Việt Nam tại nhiều quốc gia, nhiều nguồn tin trong giới hoạt động cho hay hôm 15/11.

Nhà hoạt động Đinh Thảo.

Đinh Thảo, nữ bác sĩ tốt nghiệp tại Đại học Y Hà Nội vào năm 2015, đã quyết định bỏ nghề để trở thành nhà hoạt động nhân quyền. Cô rời Việt Nam vào năm 2016 và tham gia vào chương trình đào tạo và làm việc cho VOICE, một tổ chức phi chính phủ chuyên vận động phát triển xã hội dân sự và nhân quyền cho Việt Nam từ hải ngoại.

“Suốt những năm sau đó, chị đã cùng VOICE đem câu chuyện nhân quyền Việt Nam ra khắp thế giới. Trong các chuyến đi vận động của mình, chị đã để lại dấu ấn trước quốc tế khi được chọn làm người phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thuỵ Sỹ”, một đại diện của VOICE cho biết trên trang Facebook.

Tin cho hay trước khi tham gia VOICE, Đinh Thảo là người điều phối của nhóm Green Trees tại Hà Nội. Nhóm này có mục tiêu hoạt động là kêu gọi bảo vệ môi trường. Cô đã cùng các thành viên Green Trees tham gia nhiều cuộc biểu tình, trong đó có cuộc biểu tình phản đối chính quyền Hà Nội chặt hạ 6.700 cây xanh vào năm 2015.

Trong thông cáo đưa ra chỉ vài giờ sau khi nhà hoạt động Đinh Thảo bị câu lưu, tổ chức Ân xá Quốc tế nói hành động của chính quyền Hà Nội cho thấy thái độ “thù địch trơ trẽn” của họ đối với những người chỉ muốn có một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước, trong đó có sự tôn trọng nhân quyền.

“Cô Đinh Thảo đã không hề ở Việt Nam hơn ba năm qua. Việc cô ấy vẫn là mục tiêu của chính quyền cho thấy họ hung hăng ra sao khi săn đuổi bất cứ ai dám chỉ trích họ”, bà Joanne Mariner, Giám đốc nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế tại khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương, nói trong thông cáo.

Ân xá Quốc tế cũng kêu gọi Việt Nam “lập tức phóng thích” Đinh Thảo nếu không có lý do chính đáng cho việc câu lưu cô.

Vào tối cùng ngày, Đinh Thảo thông báo trên trang Facebook rằng cô đã trở về nhà.

Theo một nghiên cứu của tổ chức Ân xá Quốc tế hồi tháng 5, Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 128 tù nhân lương tâm “đơn giản vì những điều họ nói hoặc ai đó họ gặp”.

Nghiên cứu này cũng cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy các tù nhân đã bị tra tấn và đối xử tàn tệ, bị giam giữ trong điều kiện tồi tàn, thường xuyên bị biệt giam hoặc bị từ chối chăm sóc y tế.



-----------------------------

RFA
15/11/2019

Nhà hoạt động nhân quyền Đinh Thảo vừa bị cơ quan an ninh Việt Nam câu lưu vào sáng ngày 15/11/2019 sau khi đáp chuyến bay từ Bangkok trở về phi trường Nội Bài. Đến khoảng 5 giờ chiều cô được trả tự do.

Hình minh họa. Nhà hoạt động Đinh Thảo.  Courtesy of FB Đinh Thảo

Theo thông cáo từ tổ chức VOICE, "trong gần bốn năm vừa qua, bà Đinh Thảo luôn chủ trương thúc đẩy tình hình nhân quyền ở Việt Nam bằng cách tham gia vào các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc, vận động các cơ quan Liên minh Âu châu và các chính phủ nước ngoài khác thông qua những hiệp định đối tác song phương với Việt Nam.
Bà cũng làm việc chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ nhân quyền quốc tế và trong khu vực để nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam," thông cáo nêu rõ.

Đinh Thảo tốt nghiệp Đại học Y vào năm 2015, là một gương mặt tiêu biểu trong các hoạt động dân sự ở Hà Nội trước khi ra nước ngoài làm công việc vận động nhân quyền.

Nhà hoạt động Vi Yên trong thông báo về việc bà Đinh Thảo bị câu lưu cho hay, "Đinh Thảo chính là người từng điều phối nhóm Green Trees với mục tiêu kêu gọi bảo vệ môi trường, và chị cũng là một trong những người đứng ra tổ chức chiến dịch hỗ trợ các ứng cử viên đại biểu quốc hội độc lập năm 2016."

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế- Amnesty International, có thông cáo báo chí về việc cơ quan chức năng câu lưu nhà hoạt động Đinh Thảo.

Theo Giám đốc Nghiên cứu Đông Nam Á- Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc Tế, Joanne Mariner, chính phủ Hà Nội lại cho thấy sự thù hận trắng trợn đối với những người muốn có một tương lai tốt đẹp cho đất nước- trong đó có việc tôn trọng nhân quyền.

Ông Phil Robertson từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch cũng có kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động nhân quyền và môi trường Đinh Thảo, cho phép cô đoàn tụ với con trai 16 tháng tuổi cũng như với cha mẹ cô. Theo HRW, cô ĐinhThảo không làm gì sai trái và hẳn nhiên không đáng phải bị câu lưu, bị thẩm vấn tại phi trường.

Theo ông Phil Robertson, việc bày tỏ quan điểm một cách công khai, thực thi quyền tự do tham gia với những nhóm hoạt động mà chính phủ Việt Nam không thích, không thể biện minh cho dạng thức thù hận, vi phạm quyền mà cô này nhận lấy khi trở lại quê nhà sau 4 năm xa cách. Các nhà ngoại giao và giới chức Liên hiệp Quốc cần yêu cầu Việt Nam trả tự do cho cô này và hứa không để cô phải chịu hình thức sách nhiễu liên tục, lạm dụng mà nhiều nhà bất đồng chính kiến phải hứng chịu khi trở về từ nước ngoài.


------------------------------------

Người Việt Online
November 15, 2019

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sáng 15 Tháng Mười Một, cô Đinh Thảo, nhà hoạt động được biết đến qua các sinh hoạt của Tổ Chức VOICE, bị câu lưu tại phi trường Nội Bài, Hà Nội, khi bước ra khỏi máy bay từ Bangkok, Thái Lan.

Cô Đinh Thảo trong cuộc biểu tình bảo vệ cây xanh ở Hà Nội. (Hình: Facebook Vi Yên)

Cô Đinh Thảo tốt nghiệp Đại Học Y Hà Nội vào năm 2015, nhưng quyết định bỏ nghề y để trở thành một nhà hoạt động nhân quyền. Mùa Hè năm 2015, cô tham gia hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối chính quyền Hà Nội trong vụ chặt hạ 6,700 cây xanh.

Cô rời Việt Nam vào Tháng Ba, 2016, để tham gia khóa đào tạo về xã hội dân sự và nhân quyền của VOICE và sau đó có tin cô gia nhập tổ chức này.

Một bài trên trang web của VOICE hồi năm 2017 xác nhận cô Thảo là điều phối viên chương trình của tổ chức này ở Châu Âu. Thời điểm đó, cô Thảo cùng một số thành viên khác của VOICE có chuyến vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Bỉ, Cộng Hòa Séc…

Hôm 15 Tháng Mười Một, trả lời nhật báo Người Việt, ông Trịnh Hội, giám đốc điều hành của Tổ Chức VOICE, nói: “Cô Đinh Thảo là một bác sĩ tốt nghiệp ở Việt Nam trước khi đến với VOICE. Đầu tiên trong vai trò là một thực tập sinh sau đó là thành viên. Cô Thảo đã có dịp đi nhiều nơi, sống và làm việc ngay tại Bỉ nơi EU đặt bản doanh. Nhưng cuối cùng Thảo vẫn quyết định quay về Việt Nam để góp phần giúp đất nước thay đổi tốt hơn và dân chủ hơn. Là người sáng lập và giám đốc điều hành của VOICE hiện tại, không những tôi hãnh diện là VOICE đã từng có những nhân viên như thế mà trên hết, cô Thảo đã cho tôi điều mà tôi cần nhất trong lúc này: Một niềm tin ở tuổi trẻ Việt Nam và một đất nước Việt Nam phú cường và nhân bản.”

Cùng thời điểm, nhà hoạt động Vi Yên, viết trên trang cá nhân: “Ngay khi cô Đinh Thảo vừa đến khu vực kiểm tra hải quan [ở phi trường Nội Bài], hơn 10 nhân viên an ninh đã chặn giữ và đưa cô vào phòng thẩm vấn. Đến nay, chúng tôi đã hoàn toàn mất liên lạc với cô.”

“Là một người trẻ yêu nhân quyền, cô Đinh Thảo đã chọn trở về Việt Nam để đấu tranh trên chính quê hương của mình, bất chấp những hiểm nguy mà chị sẽ phải đối mặt. Cũng như ngay trong lúc này đây, một mình chị đang bị vây kín và hỏi cung bởi hàng chục viên an ninh, vì những hoạt động đấu tranh cho nhân quyền của mình,” theo Facebook Vi Yên.

Đến nay, truyền thông nhà nước vẫn tiếp tục cáo buộc VOICE “là tổ chức của đảng Việt Tân” – điều mà ông Trịnh Hội đã bác bỏ từ hồi Tháng Tư, 2016. Việc VOICE công khai giúp nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền đi tị nạn tại Canada trong lúc ông này bị truy nã tại Việt Nam cũng khiến tổ chức này trở thành “đối tượng” bị truyền thông nhà nước “lên án.”

Hồi Tháng Bảy, 2016, báo Công An Nhân Dân viết: “Gần đây, nhiều đối tượng chống đối trên mạng đang tích cực loan truyền và mời gọi thanh niên trong nước tham gia cái gọi là ‘Học bổng xã hội dân sự VOICE năm 2016’ với mục tiêu được họ tung hô là ‘đóng góp vào sự thay đổi tích cực của xã hội’ hay tương lai ‘trở thành một nhà hoạt động xã hội và lập dự án riêng của mình’ sau khi hoàn tất khóa học dài sáu tháng ở Philippines. Về các khóa học ‘xã hội dân sự VOICE,’ thực chất là dự án của Trịnh Hội và các đối tượng cầm đầu Việt Tân được một quỹ dân chủ quốc tế chuyên đạo diễn các cuộc các mạng đường phố trên thế giới cấp tiền duy trì từ nhiều năm nay. ‘Sản phẩm’ của các khóa huấn luyện này khi được tung về Việt Nam trở thành thành viên cốt cán cho các hội nhóm chống đối trong nước, bị cơ quan an ninh triệu tập, đấu tranh, xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, thậm chí cấm xuất cảnh có thời hạn nhằm ngăn chặn hoạt động núp dưới vỏ bọc ‘thúc đẩy xã hội dân sự.’” (T.K.)


---------------------------

Facebook của Đinh Thảo


*
Về nhà thôi
I’m coming home, I’m coming home
Tell the world I’m coming home.






No comments:

Post a Comment

View My Stats