Wednesday, 20 November 2019

NGUỒN GỐC “NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM” (Trần Trung Đạo)





Phản ứng tự nhiên của một người sinh ra và lớn lên trong một nền giáo dục không có nhiều chọn lựa là chấp nhận nó theo kiểu “nắng mưa là bệnh của trời”, trong lúc những người lớn lên trong một nền giáo dục tự do là phản kháng nó.

Những phản kháng của sinh viên có sự ủng hộ của nhiều nhà giáo Pháp mùa hè năm 1968 được xem như là một cuộc cách mạng dân sự (civil revolution) vì làm lung lay chính quyền của tổng thống De Gaulle. TT De Gaulle sợ đến nỗi ông định di tản ra khỏi Élysée Palace để sinh viên không có lý do tàn phá cung điện lịch sử này. Các phản kháng của sinh viên, nghiệp đoàn lao động, giáo chức Pháp mang tính tả khuynh vẫn là các tổ chức xã hội dân sự trong một xã hội dân chủ.

Dưới chế độ CS thì khác. Các hội chuyên nghiệp được lập ra không phải là để hoạt động, phát triển, tương thân tương trợ giữa những người cùng nghề nghiệp mà để cho đảng dễ kiểm soát.

Hội Nhà Giáo cũng trong cùng số phận và được chỉ đạo chặt chẽ từ trên cấp trung ương đến từng trường học, từng tổ giảng dạy. Tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, “kỹ sư tâm hồn” chỉ là những mỹ từ làm mát lòng các thầy cô.

Nội dung Ngày Nhà Giáo Việt Nam
Tại Việt Nam, ngày 20 tháng 11 được đảng chọn làm Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Ngày này, từ nguồn gốc đến nội dung và ý nghĩa đều mang tính CS.

Hai mệnh đề chính giải thích nội dung hoàn toàn có tính cách chính trị và đấu tranh giai cấp của ngày Nhà Giáo Việt Nam do đảng đưa ra:

(1) – “Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học.”

(2) – “Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.”

Nguồn gốc CS của FISE

Trong nội dung của Bộ Giáo Dục Việt Nam có nhắc đến tổ chức FISE theo tiếng Pháp của Fédération Internationale Syndicale des Enseignants (Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên) và xem đây là nguồn gốc dẫn đến Ngày Nhà Giáo Việt Nam.

Nhắc lại, những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi hàng loạt các tổ chức giáo dục quốc tế được ra đời như Ủy Ban Quốc Tế của các Liên Đoàn Giáo Chức Quốc Gia trong Hệ Thống Trung Học (FIPESO) được thành lập tại Bỉ năm 1912, Liên Đoàn Thế Giới các Hội Giáo Dục Thế Giới (WFEA) thành lập tại San Francisco năm 1923 v.v..

Sau Thế chiến Thứ Hai, với sự bành trướng của Liên Sô sang Đông Âu, sự phân cực về ý thức hệ CS và Tự Do rõ nét và điều này cũng ảnh hưởng đến các tổ chức lao động, giáo dục trước đây hoạt động độc lập.

Được thành lập tại Paris, năm 1946, FISE là chữ viết tắt của tổ chức nhà giáo quốc tế có tên là Fédération Internationale Syndicale des Enseignants hay tiếng Anh là World Federation of Teachers’ Unions (Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên).

Giống như một số tổ chức lao động khác, FISE bị CS khuynh loát.

Tài liệu “Facts about International Communist Front Organizations” công bố tại Mỹ năm 1957 tiết lộ FISE là tổ chức ngoại vi CS và hoàn toàn bị chi phối bởi Đệ Tam Quốc Tế CS.
Chủ tịch đoàn của FISE do các đảng viên CS quốc tế hay các nhà trí thức thân cộng sản điều khiển.

Ban lãnh đạo của FISE, sau khi tái tổ chức năm 1949, do các đảng viên CS khắp nơi trên thế giới điều hành như Antonio Banfi, Thượng Nghị Sĩ đảng viên CS Ý, Fan Ming, đảng viên đảng CS Trung Quốc, Cesar Godoy Urrutia, đảng viên đảng CS Chile v.v..

FISE không phải là thành viên của UNESCO và chỉ gián tiếp có quan hệ với UNESCO qua trung gian của Liên Hiệp Công Đoàn Thế Giới (World Federation of Trade Unions) gọi tắt là WFTU, trong đó FISE là thành viên.

Không phải chỉ thời kỳ phong trào CS còn mạnh mà ngay cả ngày nay, WFTU vẫn còn khống chế bởi tư tưởng và đảng viên CS. Các thành viên WFTU tham gia trong cuộc biểu tình mừng “Cách mạng Tháng Mười Vĩ Đại” tại Nga ngày 7 tháng 11, 2017 vừa qua.
Đương kim chủ tịch của WFTU là George Mavrikos, lãnh tụ đảng CS Hy Lạp.

Ngày Nhà Giáo Thế Giới Liên Hiệp Quốc

Ngày Nhà Giáo Thế Giới do UNESCO quy định là ngày 5 tháng 10 và tuyên bố lần đầu năm 1994.

UNESCO chọn 5 tháng 10 để vinh danh ngày công bố Đề Nghị liên quan đến Định Chế của các Nhà Giáo (Recommendation concerning the Status of Teachers) được công bố vào ngày 5 tháng 10, 1966 do sự phối hợp của hai tổ chức UNESCO và ILO.

ILO là tên viết tắt của International Labour Organization (Tổ Chức Lao Động Quốc Tế.) Tổ chức này được thành lập năm 1919 với ý nguyện đoàn kết các lực lượng lao động để theo đuổi nền hòa bình lâu dài cho thế giới. Đây là tổ chức chuyên nghiệp đầu tiên hoạt động trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc từ ngày thành lập năm 1946 và có 187 quốc gia hội viên.

Không giống WFTU Cộng Sản, ILO là một tổ chức độc lập với một lịch sử lâu đời. Ngay cả CSVN cũng đã gia nhập ILO năm 1992 và văn phòng của ILO tại Việt Nam bắt đầu hoạt động vào năm 2003.

Một số quốc gia ủng hộ quyết định của Liên Hiệp Quốc nên dù có ngày khác họ cũng đổi sang ngày 5 tháng 10 như trường hợp Canada, Đức, Armenia, Azerbaijan, Bangladesh, Bulgaria, Cameroon, Lithuania, Macedonia, Pakistan, Philippines, Nga, Serbia v.v..

Lưu ý, nhiều nước cựu CS như Nga, Bulgari, Serbia, các nước Baltics đều đổi sang ngày do UNESCO công bố.

Việt Nam là nước duy nhất chọn ngày do tổ chức Cộng Sản quốc tế ấn định. Bảng tổng kết Ngày Nhà Giáo thế giới viết về trường hợp Việt Nam: “Lễ Ngày Nhà Giáo có nguồn gốc trong một hội nghị giữa các nhà giáo trong khối CS được tổ chức tại Warsaw 1957.”

Người viết tin rằng phần lớn những người làm nghề giáo tại Việt Nam không biết ý nghĩa thật sự của Ngày Nhà Giáo và dù biết họ cũng không mấy quan tâm. Với họ đó chỉ là ngày truyền thống, ngày để được tặng hoa, được nghe lời cám ơn.

Thật khó trách, sống trong guồng máy phải cuốn theo guồng máy và dần dần yêu nó. Erich Maria Remarque viết trong tiểu thuyết của ông “hạnh phúc bắt đầu từ thói quen”, tuy nhiên, lịch sử không chuyển động theo thói quen mà theo lẽ phải.
_____

Tham khảo:

– Tài liệu “Facts about International Communist Front Organizations”, 1957

– Victor Yves Ghébali, Roberto Ago, Nicolás Valticos, The International Labour Organisation: A Case Study on the Evolution of U.N pp 33 – 45

– World Federation of Trade Unions: What it is and what it wants, Ideological and Political issues of the International Trade Union Movement, 16 Speeches – by the General Secretary, First Edition – 2013, Printed in Johannesburg, South Africa.

– The ILO/UNESCO Recommendation concerning the Status of Teachers (1966) and The UNESCO Recommendation concerning the Status of Higher-Education Teaching Personnel (1997), Copyright © United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization and International Labour Organization 2008

– Website of World Federation of Trade Unions http://www.wftucentral.org

– Website of UNESCO (https://en.unesco.org)

– Website of ILO (http://www.ilo.org)




---------------------------------

GIÁ TRỊ CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA
Từ 1954 tại miền Bắc và sau 1975 trên phạm vi cả nước, bộ máy tuyên truyền của đảng CS đã không ngừng vẽ trong nhận thức của bao nhiêu thế hệ Việt Nam một VNCH chẳng khác gì một con ma, ghê sợ, hung dữ và tội lỗi nhất trong thế gian này. VNCH là hiện thân của mọi thứ tội ác. Trong nhận thức không chỉ tuổi trẻ Việt Nam sinh sau 1975 mà ngay cả các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhà văn, nhà thơ thì VNCH có ba đặc điểm lớn là “tham nhũng”, “trấn áp” và “ôm chân đế quốc Mỹ”.
Trong tiểu luận “Khám nghiệm một hồn ma” trên Talawas hơn mười năm trước người viết đã có dịp phân tích thể chế cộng hòa tại miền Nam. Xin trích một phần bài viết đó ở đây để chia sẻ với các độc giả chưa đọc.
Miền Nam trước 1975 có tham nhũng không? Có.
Miền Nam có đàn áp biểu tình, đối lập không? Có.
Miền Nam trước 1975 có lệ thuộc vào viện trợ Mỹ không? Có.
Nhưng các đặc điểm đó có đại diện cho Việt Nam Cộng hoà (VNCH) không? Không.
Cho đến nay, một số người hoặc vì không có cơ hội nghiên cứu sinh hoạt chính trị tại miền Nam, không phân biệt được sự khác nhau giữa chính quyền và chế độ chính trị hoặc vì nghe riết những lời tuyên truyền của đảng đến độ nhập tâm, đã đồng hoá chính quyền của các ông Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Dương Văn Minh với VNCH.
Như một viên ngọc nằm trong lòng lớp rong rêu của vỏ con trai, trên tất cả, giá trị đích thực của VNCH không nằm trong tham nhũng, trấn áp và đồng đô la Mỹ mà nằm trong Hiến pháp VNCH đặt nền tảng trên một thể chế dân chủ do dân và vì dân.
Lời mở đầu của Hiến pháp 1967 do chủ tịch Quốc hội Lập hiến Phan Khắc Sửu ký ngày 18 tháng 3 năm 1967, xác định Việt Nam là một chế độ cộng hòa “Dân chủ độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân, chủ quyền thuộc về toàn dân” phát xuất từ:
“Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể cộng hòa của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc lập Tự do Dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.”
Ngoài phần mở đầu hùng hồn nêu trên, chuyên chở trong suốt 9 chương và 117 điều của Hiến pháp 1967 là nền tảng của chế độ cộng hòa, qua đó, quyền lãnh đạo đất nước như chỉ rõ trong điều 3, được phân quyền rõ rệt: ”Ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hòa để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự do, Dân chủ và Công bằng xã hội”.
Hiến pháp 1967 tốt đẹp đến nỗi ông Lý Quý Chung, trong Hồi ký không tên, xuất bản tại Sài Gòn trước ngày ông qua đời, dù chê bai các chính quyền miền Nam tàn tệ, cũng không thể nói xấu bộ luật tối thượng của chế độ cộng hoà như một diễn đàn để ông ta thực thi dân chủ: “Quốc hội lập hiến kéo dài một năm đã cung cấp cho tôi một môi trường học tập đấu tranh chính trị tại nghị trường và từ diễn đàn này, tôi cũng có cơ hội bày tỏ công khai qua mạng lưới báo chí Sài Gòn các quan điểm của mình đối với chính quyền, đối với các vấn đề dân chủ, chiến tranh, hoà bình v.v…”
Về căn bản, không có nhiều khác biệt giữa Hiến pháp VNCH 1967 và Hiến pháp Nam Hàn 1948 được tu chỉnh lần cuối vào năm 1987. Cả hai hiến pháp đều dựa trên chế độ cộng hoà, phân quyền rõ rệt, thích hợp với đà tiến hoá của văn minh nhân loại.
Dân chủ không phải là món quà của ông thần tài đem đặt ngay trước cửa nhà mà là chiếc máy lọc từ nước đục sang nước trong, từ phong kiến lạc hậu đến văn minh tiên tiến, và trong quá trình đó hai quốc gia VNCH và Nam Hàn, đều phải trải qua những kinh nghiệm máu xương trên con đường dân chủ hoá đất nước. Giống như người dân Nam Hàn, người dân miền Nam Việt Nam cũng vừa học dân chủ và vừa tập sống dân chủ với tất cả những khó khăn thử thách.
Điểm khác nhau chính giữa Nam Hàn và Nam Việt Nam là cơ hội.
Nam Hàn có cơ hội để biến những ước mơ của dân tộc Triều Tiên gói ghém trong hiến pháp của họ để ngày nay là nước giàu mạnh nhất nhì châu Á. Miền Nam Việt Nam thì không. Chế độ cộng hoà tại miền Nam Việt Nam ra đời và lớn lên trong một hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, trong đó các nguyên tắc dân chủ đã trở thành con dao hai lưỡi. Chính con dao dân chủ hai lưỡi đó đã đâm vào thân thể của chế độ cộng hoà hàng trăm vết thương đau đớn từ ngày mới ra đời cho đến gục xuống trong tức tưởi.
Ngay cả những quốc gia tiên tiến như Pháp, Mỹ cũng phải bước qua con đường đầy máu nhuộm để có được nền dân chủ như hôm nay.
VNCH cũng vậy. Miền Nam có đàn áp chính trị nhưng cũng có đấu tranh chính trị, có ông quan tham nhũng nhưng cũng có nhiều phong trào chống tham nhũng hoạt động công khai, có ông tướng lạm quyền nhưng cũng có ông tướng trong sạch, có nghị gà nghị gật nhưng cũng có những chính khách, dân biểu, nghị sĩ đối lập chân chính.
Nếu trước 1975, vì thiếu cái nhìn về cả hai bên của cuộc chiến và bất mãn trước xã hội nhiễu nhương, việc kết án chính quyền là “trấn áp” có thể còn thông cảm được, thế nhưng sau 42 năm sống dưới chế độ độc tài đảng trị vẫn có kẻ biện minh cho hành động đốt xe, bắt cóc, ném bom xăng vào thương xá, ném lựu đạn vào nhà hàng ăn uống trước đây thì quả thật là vô cảm.
Đặc điểm thứ ba đảng tuyên truyền là miền Nam chỉ biết “ôm chân Mỹ”.
Thật mệt mỏi nếu lại phải lần nữa đem so sự lệ thuộc vào Mỹ của chính quyền miền Nam và sự lệ thuộc vào Liên Xô, Trung Cộng của đảng CSVN và cũng chẳng sướng ích gì khi phải đọc lại bảng kê khai vũ khí, quân trang, quân dụng mà hai đế quốc cộng sản đổ xuống Việt Nam.
Cho dù sự lệ thuộc vào cường quốc là điều không tránh khỏi trong thế giới phân cực của thời kỳ Chiến tranh Lạnh vừa qua thì chọn lựa cường quốc nào sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước hơn?
Lịch sử đã chứng minh một cách hùng hồn, hầu hết các nước chọn lựa hay do điều kiện chính trị thế giới đẩy đưa, đã đứng về phía tự do dân chủ như Nhật Bản, Tây Đức, Nam Hàn, Đài Loan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ v.v. đều trở nên các quốc gia ổn định và phát triển nhờ chính sách đối ngoại thân Mỹ một cách khôn khéo, trong lúc các nước theo chân Liên Xô, Trung Cộng như Bắc Việt, Cu Ba, Bắc Hàn thì kết quả ra sao không cần phải phân tích.
Không ai từng chống Mỹ quyết liệt hơn cố tổng thống Anwar Sadat nhưng để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Ai Cập, năm 1976, ông đã bỏ đồng minh Liên Xô để bước sang phía thế giới tự do cho dù ông biết trước sự chọn lựa đó có thể trả giá bằng nhiều rủi ro như ông tiên đoán trong diễn văn đọc trước Quốc hội Israel ngày 20 tháng 11 năm 1967.
Một số người có thể cho rằng Hiến pháp VNCH cũng do người Mỹ nhúng tay vào. Dù điều đó đúng thì đã sao. Hiến pháp của quốc gia Nhật Bản hiện đại cũng do bàn tay của Mỹ nhưng ngày nay tướng McArthur chẳng những không bị oán ghét mà còn được nhân dân Nhật xem như là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng nước Nhật hiện đại.
Dân chủ là một kỳ quan được nhân loại bồi đắp qua nhiều thời đại chứ không phải là tài sản riêng của quốc gia nào.
Học hỏi cái hay cái đẹp của các nước tiên tiến để áp dụng vào cuộc cách mạng dân tộc và phát triển đất nước như cụ Phan Chu Trinh từng thống thiết kêu gào gần trăm năm trước, luôn luôn là điều đáng khuyến khích.
Phân tích để thấy, chế độ cộng hoà tuy không còn hiện diện tại miền Nam nhưng các giá trị dân tộc, nhân bản và khai phóng thể hiện trong Hiến pháp VNCH vẫn còn đó. Gia tài quý giá đó chẳng những không rã mục theo chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh mà ngày nay đã vượt ra khỏi biên giới Bắc Nam để trở thành ước vọng chung cho cả dân tộc.
Nếu ai cho người viết cường điệu hãy tạm gác qua bên các định kiến Bắc Nam, khuynh hướng chính trị, đảng phái, tôn giáo, tả khuynh, hữu khuynh, thù hận riêng tư và thậm chí che luôn bốn chữ Việt Nam Cộng hoà trên trang đầu của Hiến pháp mà chỉ đọc một cách nghiêm chỉnh nội dung của Hiến pháp VNCH 1967 thôi, người đọc sẽ công nhận đó chính là mục tiêu mà dân tộc Việt Nam cần phải đạt đến.
Việc lặp lại những lời tuyên truyền cũ mèm của đảng cho rằng chế độ cộng hoà tại miền Nam là “sản phẩm do chính quyền Mỹ tạo ra trong Chiến tranh Lạnh” chẳng khác gì chê lớp rong rêu ngoài vỏ một con trai.
Hiến pháp VNCH có thể chưa hoàn chỉnh nhưng là một văn kiện tham khảo cần thiết để kiến tạo một Việt Nam dân chủ cường thịnh. Hạt giống dân chủ khơi mầm tại miền Nam cũng không chỉ bắt đầu sau khi đất nước bị chia đôi mà đã có từ hàng trăm năm trước.
Lợi dụng chính sách Nam kỳ tự trị của thực dân, các nhà cách mạng tại miền Nam có cơ hội học hỏi và áp dụng phương pháp đấu tranh nghị trường, tiếp cận các tư tưởng dân chủ Tây phương, mở mang dân trí làm nền tảng cho chế độ cộng hoà sau này.
Đó không phải là sản phẩm của Tây hay Mỹ mà là vốn quý của dân tộc đã được đổi bằng mồ hôi nước mắt của nhiều người. Những ai biết gạt bỏ định kiến Bắc Nam, gạt bỏ lòng “căm thù Mỹ Ngụy”, sẽ thấy đó chính là hành trang cần thiết cho nỗ lực mưu cầu một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau.
Tiếc thay, viên ngọc và viên sỏi khác nhau khi nằm trong tay người thợ bạc nhưng lại giống nhau khi nằm trong tay mấy cậu bé bắn chim.
Do đó, phục hưng VNCH không có nghĩa là phục hưng chính quyền miền Nam. Chính thể không đồng nghĩa với một chính quyền và do đó không sống hay chết theo một chính quyền.
Giá trị của VNCH được xây bằng xương máu của bao nhiêu người và ngày nay đã vượt qua khỏi vĩ tuyến 17 để trở thành ước vọng chung cho cả dân tộc.
Lịch sử Việt Nam như một dòng sông, có khi cuồn cuộn lúc âm thầm, có chỗ sâu chỗ cạn nhưng chưa bao giờ ngưng chảy.
Đó là sự thật. Khoảng thời gian từ khi Mã Viện, danh tướng nhà Đông Hán, đánh bại Hai Bà Trưng (năm 43) đến khi Lý Nam Đế đánh bại quân Lương Vũ Đế và dựng nước Vạn Xuân (năm 543) là tròn 500 năm. Biết bao nhiêu lớp người đã sinh ra và chết đi trong suốt 5 thế kỷ sống trong bóng tối nô lệ nhưng sức sống Việt Nam vẫn tồn tại và lớn lên.
Đối mặt với một kẻ thù Trung Cộng đông hơn nhiều và mạnh hơn nhiều, chưa bao giờ sức mạnh tổng hợp của 90 triệu người Việt trong nước và 3 triệu người Việt ở hải ngoại cần thiết như hôm nay.
Chỉ có sức mạnh toàn dân tộc phát triển trên cơ chế dân chủ tự do mới mong thắng được Trung Cộng và mọi kẻ thù có âm mưu xâm lược Việt Nam. Tổ tiên Việt Nam đã làm được rồi các thế hệ Việt Nam ngày nay cũng sẽ làm được.
Người viết biết rằng, đối với một số người Việt đã bị bộ máy tuyên truyền đầu độc quá lâu và các bạn trẻ bị nhào nặn hoàn toàn trong hệ thống giáo dục một chiều CS, để có một nhận thức đúng về lịch sử là một quá trình đấu tranh tư tưởng khó khăn.
Nếu vậy, tạm gác qua chuyện thế kỷ trước mà hãy nhìn thẳng vào thực tế đất nước sau 42 năm vẫn là một nước lạc hậu về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, quốc phòng và đời sống. Việt Nam còn thua xa những nước ở châu Phi như Ghana, Sierra Leone, Namibia vì những quốc gia đó còn nghèo nhưng hãnh diện vì chính phủ họ do nhân dân họ bầu lên.
Nếu vậy, tạm gác qua chuyện thế kỷ trước mà hãy nhìn vào cách giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Cộng của lãnh đạo CSVN. Ngoài những lời phản đối đọc như kinh nhật tụng họ không có và cũng không thể có một chọn lựa dứt khoát nào chỉ vì quyền lợi trước mắt của một nhóm người cầm quyền được đặt lên trên quyền lợi lâu dài của đất nước.
Sau mỗi cơn giận hờn, lãnh đạo CSVN lại lên đường sang Bắc Kinh triều cống, lại 16 chữ vàng, lại ca ngợi tình đồng chí, nghĩa anh em thắm thiết. Cơn hờn giận giữa hai đảng CS theo thời gian có thể sẽ nguôi ngoai nhưng trên các vùng biên giới, trong lòng biển Việt Nam, máu của ngư dân Việt Nam, của người lính biển Việt Nam sẽ không ngừng chảy.
Thảm trạng xã hội Việt Nam hôm nay, những lạc hậu kinh tế hôm nay, những yếu kém về quốc phòng hôm nay, những cô đơn trong bang giao quốc tế hôm nay là những câu trả lời cho những ai còn do dự, còn một chút tin tưởng nào đó ở lãnh đạo đảng CSVN.
Giống như hầu hết các nước cựu CS ở Đông Âu và khối Liên Xô, thể chế Cộng Hòa là chọn lựa đương nhiên và dứt khoát.
Các quốc gia sẽ bình đẳng trước công pháp quốc tế. Những khẩu hiệu tuyên truyền rất sến như “16 chữ vàng”, “hữu nghị Việt Trung” sẽ bị chôn sâu theo xác của ý thức hệ CS.
Dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn để phát triển thành một quốc gia hiện đại về cả kinh tế lẫn quốc phòng.
Các nhà lãnh đạo VNCH trong cuộc đấu tranh mới trên mặt trận ngoại giao sẽ hành xử xứng đáng với tư cách của một cấp lãnh đạo chính danh, thay mặt cho một nước VNCH thống nhất, dân chủ, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của đại đa số con người yêu chuộng tự do, hòa bình trên thế giới. Giành lại Hoàng Sa và bảo vệ Trường Sa là một cuộc tranh đấu gian nan, gai góc, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng chính nghĩa và chân lý cuối cùng sẽ thắng.
Trần Trung Đạo







No comments:

Post a Comment

View My Stats