Tuesday 12 November 2019

MÁU 'NGANG NGƯỢC' TRONG HUYẾT QUẢN CÔNG AN! (Nguyễn Văn Đài)




Diễm Thi, RFA
12/11/2019

Gần đây liên tiếp xuất hiện những video clips cho thấy hành xử xem thường người khác của những cán bộ công an khi mặc thường phục như việc nữ đại úy Lê Thị Hiền “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất đến việc Thượng úy công an Nguyễn Xô Việt tát người khi bị nhắc nhở…Vì sao những cán bộ công an phải mẫu mực khi mặc sắc phục lại hành xử một cách ngang ngược, bạo lực như thế trong đời thường?

Hành xử côn đồ

Mấy hôm nay báo chí chính thống cũng như mạng xã hội lan truyền video clip một người đàn ông ném đồ ăn và tát vào mặt một nhân viên tại quầy tính tiền. Nhân vật này sau đó bị truyền thông phanh phui nêu đích danh là Thượng úy công an Nguyễn Xô Việt, mới được điều chuyển công tác từ Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Thái Nguyên về Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Vụ việc này khiến nhiều người nhớ lại trường hợp tương tự cách đây cũng không bao lâu.
Hồi tháng 8 vừa qua, Đại úy công an Lê Thị Hiền đồng thời là cán bộ xử lý hành chính của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - phản ứng nhanh thuộc Công an quận Đống Đa, Hà Nội, đã la hét, xô đẩy lực lượng chức năng ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Những hành xử như thế đối với blogger Nguyễn Thị Bích Ngà là cách hành xử côn đồ. Blogger này nhận định  ngày càng nhiều người Việt hành xử mang tính côn đồ như vậy chứ không riêng ngành công an. Bà nhấn mạnh:

“Ngành công an thì côn đồ hung hăng hơn bởi họ có quyền lực, ỷ vào quyền lực. Cái thói côn đồ hung hăng ăn hiếp dân - là những người yếu thế - được tấm áo ngành che chắn nên họ ngang nhiên, tự do lắm.”

Một số người dân mà RFA tiếp xúc đều cho rằng thói hành xử côn đồ “có sẵn trong máu” của công an Việt Nam tương tự như nhận xét của Luật sư Nguyễn Duy Bình rằng do bản tính, môi trường, tư duy nhận thức đã tạo nên những hành vi đó. Nếu họ sinh ra, lớn lên được học tập, rèn luyện trong một môi trường tốt hơn thì họ sẽ không có cách hành xử như vậy. Cách cư xử như vậy không thể làm gương cho xã hội, ảnh hưởng đến việc tuyên truyền và chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân, gây mất uy tín của nghành công an, nơi được xem là một trong những cơ quan thực thi pháp luật và bảo vệ pháp luật.

Với cái nhìn của một người trong ngành tư pháp, Luật sư Nguyễn Văn Hậu từ Sài Gòn cho rằng người công an hành xử như vậy, thứ nhất là do họ coi thường, không tôn trọng người dân. Thứ hai là họ không có sự rèn luyện quy cách ứng xử để giữ gìn phẩm chất của mình. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì những người này sẽ bị xử lý về hành chính hoặc hình sự.

Điều 11 Thông tư 27/2017/TT-BCA của Bộ Công an quy định chiến sĩ công an nhân dân phải gương mẫu chấp hành nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức công dân được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện; ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự, vệ sinh công cộng; Không có lời nói, hành vi vi phạm các chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc nơi công cộng.
Qua cách cư xử nơi công cộng của Đại úy Lê Thị Hiền và Thượng úy Nguyễn Xô Việt, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định:

“Đối với ngành công an thì họ có quy tắc ứng xử đối với người dân. Tôi cho rằng những hành vi như thế của cán bộ chiến sĩ công an khi xử lý sẽ nặng hơn đối với một công dân bình thường. Anh là người hiểu biết pháp luật mà có những hành vi không tôn trọng người khác, ý thức kém.”

Do thể chế?

Trong một lần trò chuyện với RFA về cách hành xử của công an với dân một cách côn đồ cũng như bắt tay với côn đồ để đàn áp dân, ông Đinh Quang Tuyến, một nhà đấu tranh trong nước nhận định tất cả là do thể chế:

“Cộng sản muốn cai trị đất nước và dân tộc Việt Nam với luật pháp và hiến pháp bất công do họ tạo ra. Cộng sản Việt Nam không biết điều hành dẫn đến một đất nước không phải pháp quyền cũng chẳng phải pháp trị mà là vô pháp.”

Với sự việc Thương úy công an Nguyễn Xô Việt được cho là người đã ném xúc xích, tát nhân viên quầy thu ngân tại Trạm dừng nghỉ Hải Đăng, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên qua clip đã gây xôn xao trên mạng xã hội từ ngày 10 tháng 11, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên thông tin trên báo chí trong nước rằng sự việc xảy ra ngoài giờ, vào ngày nghỉ chứ không phải lúc đang làm nhiệm vụ.

Ông Trần Trọng Nhân, một người dân Sài Gòn cho rằng với kinh nghiệm bản thân, ông thấy hầu hết công an có cách làm việc hết sức thiếu tôn trọng người dân và bạo lực ngay trong lời nói đầu tiên. Theo ông thì việc công an cư xử như vậy xuất phát từ thể chế. Ông phân tích:

“Công an Việt Nam thấm nhuần cách mà họ được đào tạo cai trị người dân bằng bạo lực chứ không bằng lẽ công chính, bằng luật pháp, cho nên trong bất cứ tường hợp nào, dù người dân phạm tội hay không thì họ cũng hành xử một cách côn đồ, bạo lực để thị uy và trấn áp người dân ngay từ ban đầu. Chính vì vậy mà khi ra đời sống, cách hành xử nó bộc phát ra.”

Nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam từng nói với RFA rằng những người làm công chức nói chung và ngành công an nói riêng vẫn còn nặng thói cửa quyền. Họ quen ở trong tư thế người ban phát dịch vụ và người khác phải nhận dịch vụ của mình. Họ luôn luôn ở tư thế của những người quen được người khác “cung phụng, nịnh hót”, không bao giờ dám làm phật ý. Chỉ cần một hành động có vẻ ngược lại là họ hành xử như một kẻ côn đồ.

Theo quy định về quy tắc ứng xử của công an nhân dân, công an phải nói và làm theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, 5 lời thề danh dự, 10 điều kỷ luật và điều lệnh Công an nhân dân.

Trong thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay, đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện nên công an, an ninh chính là công cụ trấn áp của đảng chứ không phải để bảo vệ dân. Ông Trần Trọng Nhân nhận xét:

“Người dân bây giờ họ không coi trọng và không tin vào lực lượng công an khi họ cần sự bảo vệ. Họ chỉ có sợ hãi hoặc khinh miệt mà thôi”.

Chiều 11 tháng 11, Đại tá Đặng Đức Đang - phó giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên - cho báo chí trong nước biết đơn vị đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác thời hạn 1 tháng đối với thượng úy Nguyễn Xô Việt.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là hành động côn đồ, không thể chấp nhận được, cần phải có hình thức xử lý thật nghiêm.

----------------------------------

XEM THÊM

Thứ Ba, 11/12/2019 - 07:13 — nguyenvandai

Sau nhiều năm, tôi không nghe tin tức gì về đại tá Vũ Văn Năm của cơ quan an ninh, Bộ công an. Thì trong chương trình thời sự của VTV1 tối ngày 11/11/2019, Vũ Văn Năm xuất hiện trên màn hình.


Vẫn với bộ mặt trơ trẽn và cái miệng điêu ngoa, Vũ Văn Năm lấy chứng cứ của một vụ án khác đã được xét xử ngày 26 tháng 12 năm 2017 để vu khống, chụp mũ cho ông Châu Văn Khảm và đảng Việt Tân.

Vậy Vũ Văn Năm là ai?

Những người hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Hà Nội vào các năm 2005, 2006, 2007 chẳng lạ gì Vũ Văn Năm. Lúc đó Năm đã là Đại tá, trưởng một phòng nào đó của Tổng cục an ninh.

Năm hoạt động xông xáo, bất cứ điểm nóng nào ở Hà Nội cũng có mặt y. Và Năm thường trực tiếp thẩm vấn, hoặc ngồi cùng để uy hiếp, đe dọa người bị thẩm vấn.

Tôi đối mặt với Vũ Văn Năm lần đầu tiên vào buổi tối ngày 24 tháng 5 năm 2006.
Hôm đó tôi đến nhà Giáo sư Hoàng Minh Chính, cùng với Giáo sư Trần Khuê để bàn về việc khôi phục đảng Dân Chủ Việt Nam.

Hôm đó trời mưa, khoảng gần 8 giờ tối, xong việc, tôi mặc áo mưa ra về. Khi người giúp việc vừa mở cổng, thì một đám người lao vào, chúng xô tôi suýt ngã, nhưng vẫn để tôi đi. Tôi đoán đó là đám an ninh, nên lên xe máy đi ngay để tạm tránh phiền phức.

Khi về tới nhà an toàn, tôi gọi điện cho Giáo sư Hoàng Minh Chính thì được biết một đám an ninh Bộ công an đã xông vào nhà cướp hết tài liệu, điều lệ,... đã được chuẩn bị để phục hoạt đảng Dân Chủ Việt Nam, và họ đã bắt Giáo sư Trần Khuê đem đi.

Khoảng một giờ sau thì an ninh cũng gọi điện và yêu cầu tôi đến công an phường Hàng Bài. Tôi định không đi, nhưng lại muốn biết tình hình của Giáo sư Trần Khuê nên tôi đến đó.

Khi tới nơi, có một đám an ninh mặc thường phục ngồi ở đó. Một người đàn ông trung niên, béo ị, mặt tròn núng nính, rất điêu, .... Y cất tiếng đe dọa tôi “phen này thì mất thẻ luật nhé”. Tôi nhìn mặt y và hỏi “ông là thằng nào?”.

Hắn trợn mắt nhìn tôi và gầm lên “rồi mày sẽ biết tay”.

Sau đó, họ hỏi có biết gì về việc làm của Giáo sư Hoàng Minh Chính và Giáo sư Trần Khuê không?

Tôi nghĩ mình là luật sư thì mình có quyền tư vấn theo Hiến pháp để giúp bất kỳ công dân Việt Nam nào khôi phục lại đảng chính trị hay thành lập một đảng mới. Tôi nói Giáo sư Hoàng Minh Chính nhờ tôi viết giúp điều lệ của đảng Dân Chủ Việt Nam nên tôi đã viết và mang gửi cho Giáo sư, ngoài ra tôi không biết các việc khác.

Họ đưa ra bản điều lệ đã cướp được nhà Giáo sư Hoàng Minh Chính và yêu cầu tôi ký xác nhận là do tôi viết. Sau khi ký, họ cho tôi về.

Ngày hôm sau, tôi mới biết người hăm dọa tôi là đại tá Vũ Văn Năm.

Sau này, tôi đối mặt với Vũ Văn Năm nhiều lần. Đặc biệt là vào đầu tháng 10 năm 2006, lúc đó tôi lên sân bay Nội Bài để vào Sài Gòn thăm vợ đang chữa bệnh ở trong đó. Nhưng Vũ Văn Năm đã ra lệnh cho Vietnam Airlines không cho tôi bay và chặn tôi ở sân bay Nội Bài.

Sau đó y đi từ Hà Nội lên áp giải tôi về nhà, và giam lỏng tôi ở nhà trong suốt hơn 10 ngày diễn ra Hội nghị APEC ở Hà Nội.

Ngày 8 tháng 2 năm 2007, Vũ Văn Năm đã tổ chức cuộc đấu tố tôi tại phường Bách Khoa. Sau đó ngày 6 tháng 3 năm 2007 thì tôi bị bắt.

Trong cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, Vũ Văn Năm là người có mặt trực tiếp để chỉ đạo Tòa án và Thẩm phán xét xử.

Và từ đó tới nay, tôi mới thấy lại mặt của Vũ Văn Năm trên VTV1.

Vũ Văn Năm

Vũ Văn Năm xuất hiện trên truyền hình vẫn với lon đại tá, phó cục trưởng Cục an ninh nội địa. Nhưng khi kiểm tra trên google thì Cục an ninh nội địa không có ai là cục phó Vũ Văn Năm.

Như vậy, Vũ Văn Năm đã nghỉ hưu. Và nay VTV1 phục hồi lại chức cục phó cho y để Năm lên truyền hình vu khống và chụp mũ cho ông Châu Văn Khảm và đảng Việt Tân có hoạt động khủng bố.

Qua câu chuyện này cho thấy bản chất tuyên truyền dối trá và vu khống của VTV1 nói riêng và bộ máy tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam nói chung.








No comments:

Post a Comment

View My Stats