18/11/2019
Hoài niệm, tiếc thương về quá khứ không phải
là một hiện tượng xa lạ đối với nhân loại.
Cảm xúc hoài niệm, tiếc thương được ghi nhận
dưới dạng một đối tượng của khoa học lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 17, bởi bác sĩ
người Thụy Sĩ Johannes
Hofer khi ông nghiên cứu hiện tượng mong muốn trở về quê hương cũng
như cảm giác “ao nhà vẫn hơn” của giới lính đánh thuê người Thụy Sĩ đang sinh sống
trên khắp châu Âu thời bấy giờ. Đây là thời điểm Thụy Sĩ chỉ được biết đến với
việc xuất khẩu lính đánh thuê thay vì những chiếc đồng hồ thời thượng hay các tổ
chức phi chính phủ như bây giờ. Hofer là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ
“nostalgia” (nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, luyến tiếc quá khứ), và nhận
định rằng đây một chứng bệnh không mong muốn liên quan đến não của con
người.
Tuy nhiên, tịnh tiến sau đó hàng trăm năm,
hoài niệm và cảm xúc dành cho những cái xưa cũ trở nên vô cùng thịnh hành và thậm
chí có thể hái ra tiền. Đặc trưng của những ngày Tết xưa, về những buổi sáng
Giáng sinh của thập niên 1990, những bộ phim kinh điển và những ca điệu nhiều
năm trước được mang trở lại để phục vụ một số đông khán thính giả hoài niệm.
Song có những thứ hoài niệm lớn hơn, khó lý
giải hơn thế.
Ngay tại Việt Nam, một số mô hình nhà hàng,
khách sạn, ví dụ như Cafe Cộng chẳng hạn, tận dụng cảm giác hoài niệm dành cho…
thời kỳ bao cấp để hình thành nên chủ đề nền tảng chính đi kèm với các sản phẩm
thương mại, dịch vụ của mình. Vốn là thời kỳ kinh tế Việt Nam kém phát triển nhất
với năng lực quản lý hạn chế, thiếu thốn lương thực, an sinh xã hội kém cùng với
nhiều vấn đề thể chế khác, bằng cách nào đó những đặc trưng về kiến trúc, nội
thất hay thậm chí là ẩm thực của giai đoạn này được trân quý và tạo nên những cảm
xúc tích cực về một thời đại nhiều người không bao giờ muốn quay trở lại.
Trong những nỗi thương tiếc, hoài niệm trong
lịch sử thế giới, nỗi niềm thương tiếc Liên Xô là một trong những hiện tượng có
trọng lượng và đáng phân tích nhất.
Những con số đáng suy nghĩ
Năm 2005, Vladimir Putin từng gọi sự
kiện Liên Xô tan rã là “một trong những thảm họa địa chính trị tồi tệ nhất thế
kỷ 20”, với “hơn mười triệu đồng hương của chúng ta lạc lõng giữa những lãnh thổ
đã không còn là nước Nga thống nhất nữa”. Hiển nhiên, có không ít người Nga phản
đối các mô tả này của Putin vào thời điểm 2005.
Song cho đến giai đoạn 2015 – 2016, sự hoài
niệm tích cực dành cho Liên Xô, và thậm chí là cho Stalin, đang trỗi dậy không
chỉ tại Nga, mà còn tại rất nhiều quốc gia từng là cộng hòa thành viên của Liên
bang Xô Viết. Theo một nghiên
cứu và thống kê hoàn chỉnh của Trung tâm Nghiên cứu Pew trong những
năm này.
Ví dụ, tại Nga, Armenia và Moldova, trung
bình có hơn 7 trên 10 người thành niên tham gia khảo sát cho rằng sự sụp đổ của
Liên Xô là một sự kiện tồi tệ. Ở Belarus, một trong những quốc gia có nền kinh
tế phát triển tương đối khá khẩm sau 1991, cũng có đến hơn 54% dân số cho rằng
sự tan rã của Liên Xô là một sự kiện lịch sử tiêu cực.
Các
biểu tượng cộng sản được bày bán kèm với hình Tổng thống Vladimir Putin tại một
cửa hàng quà lưu niệm ở Moscow, ngày 13/3/2018. Ảnh: Getty Images.
Trong hầu hết các nền cộng hòa thành viên được
khảo sát, duy chỉ có ba quốc gia Baltic tự nhận mình có nền văn hóa chính trị gần
gũi hơn với Bắc Âu, và bị sáp nhập vào Liên Xô bằng vũ lực là Estonia, Latvia
và Lithuania có người dân cảm thấy hứng khởi về sự tan rã của đế chế cộng sản với
chỉ 3 trên 10 cư dân thành niên luyến tiếc chế độ cũ.
Yếu tố độ tuổi cũng đóng vai trò nhất định
trong quá trình phân tích và thấu hiểu sự luyến tiếc của cộng đồng dành cho
Liên Xô. Theo nghiên cứu, hơn 78% người Nga thành niên có độ tuổi từ 35 trở lên
nhìn nhận sự tan rã là một điều tồi tệ, trong khi cũng có đến 50% công dân Nga
dưới 35 tuổi đồng cảm với cái nhìn trên. Tại Ukraine, một trong những cựu thành
viên chủ chốt của Liên bang Xô Viết, và cũng là quốc gia có nhiều khúc mắc,
tranh chấp với Nga nhất sau 1991, cũng có đến 20% người dưới 35 tuổi và bất ngờ
với 40% người trên 35 tuổi vẫn còn giữ thái độ luyến tiếc Liên Xô.
Không chỉ vậy, thiện cảm dành cho chính quyền
Liên Xô còn được chuyển
hóa thành thiện cảm cho vị lãnh tụ gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch
sử cầm quyền của chính quyền cộng sản tại Liên Xô: Stalin. Cụ thể, có đến 58%
công dân thành niên Nga đánh giá vai trò lịch sử của Stalin từ rất tích cực cho
đến khá tích cực. Nếu so với con số 22% dành cho Gorbachev, có thể thấy Stalin
áp đảo vị lãnh đạo cuối cùng của Liên bang Xô Viết như thế nào. Tuy nhiên, cũng
may mắn thay cho Gorbachev, ông này vẫn nhận được điểm tín nhiệm cao hơn Stalin
tại các quốc gia Baltic và Trung Âu như Phần Lan, Hungary, Croatia và Cộng hòa
Czech.
Đơn giản hóa lịch sử?
Một trong những lý do đơn giản và hiển hiện
rõ nhất cho việc người dân của một quốc gia tiếc nuối chế độ chính trị cũ là do
chính bản thân tình hình kinh tế chính trị đương đại yếu kém. Thật vậy, trong
giai đoạn 2017 – 2018, khi giá dầu thế giới ổn định và nền kinh tế Nga nhờ đó
thụ hưởng các thành quả tích cực, Pew nhận thấy tỷ lệ ủng hộ và luyến tiếc của
người dân Nga dành cho chế độ Xô Viết nhanh chóng giảm đến 10 điểm phần trăm.
Song điều này vẫn chưa đủ để phủ nhận cảm tình vẫn còn rất lớn của một phận người
dân Nga cũng như các quốc gia khác dành cho Liên Xô.
Trong nghiên cứu “Nostalgia
for the Demise of the ussr in Belarus, Russia and Ukraine” của Ian
McAllister và Stephen White, họ trước tiên cho rằng xu thế cảm tình với chế độ
cũ là lẽ thường trong quá trình chuyển đổi dân chủ. Đặc biệt, từ chế độ cộng sản
sang các mô hình dân chủ, sự mở rộng và cởi mở đột ngột của các không gian dân
sự tạo điều kiện rất lớn cho việc cân đo, đong đếm những giá trị xưa cũ và di sản
của chế độ cộng sản trong đối thoại chính trị đương đại. Như vậy, cả hai nhà
nghiên cứu nhìn nhận những người quan sát không nên bất ngờ khi mục sở thị sự ủng
hộ của một bộ phận người dân dành cho chính quyền cộng sản, điều mà trước khi
Liên Xô, nhiều người chỉ xem là những chương trình tuyên truyền của phe tuyên
giáo.
Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu cũng phân tích
kỹ càng hơn và tìm ra được những đặc trưng đáng chú ý trong xu hướng luyến tiếc
chính quyền Xô Viết cũ. Ví dụ, qua khảo sát về quan điểm và đặc trưng nhân thân
của các mẫu nghiên cứu, họ nhận thấy rằng mối liên hệ giữa các thành viên trong
gia đình với đảng Cộng sản có ảnh hưởng lớn đến xu hướng tiếc thương đối với sự
tan rã của Liên bang Xô Viết. Ví dụ, con cái có cha làm trong bộ máy quan liêu
thuộc nhà nước hoặc đảng Cộng sản Liên Xô có khả năng sẽ tiếc nuối chế độ này
nhiều hơn. Mặt khác, những công dân Liên Xô có người thân sinh sống, làm việc tại
nước ngoài như các quốc gia thuộc khu vực Tây Âu, từng đi ra nước ngoài nhiều lần
sẽ rất ít có xu hướng này hơn.
Trong một nỗ lực
khác để thấu hiểu về hoài niệm tích cực của nhiều thành phần dân cư
Nga dành cho Liên Xô, Tiến sĩ Ekaterina Kalinina, nghiên cứu sinh tại Đại học
Copenhagen và từng làm việc nhiều năm trong dự án chuyên sâu về chủ nghĩa ái quốc
tại Nga cũng như mối liên hệ của nó đối với Liên Xô tại trường Đại học Quốc
phòng Thụy Điển, cho rằng một trong những nguyên cớ khiến người Nga nhung nhớ
Liên Xô là bởi cho đến nay, họ vẫn chưa quen với sự bấp bênh mà kinh tế thị trường
mang lại. Cô phân tích, dù kinh tế Liên Xô suốt 10 năm cuối đời mình cực kỳ tệ
hại và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu chuẩn sống của người dân, đặc biệt
khi so sánh với tiêu chuẩn dồi dào và xa xỉ của người dân phương Tây, rất nhiều
lớn tuổi từng sống qua thời kỳ Xô Viết cầm quyền cảm thấy ưa thích cơ chế an
sinh xã hội chủ nghĩa, với công việc được bảo đảm, doanh số sản xuất được giao
trước, chi phí học tập được hỗ trợ và mọi việc khác đã có “nhà nước lo”. Khó
khăn kinh tế trở thành khó khăn chung của mọi thành viên trong xã hội, và vì vậy
họ không có cảm giác bị bỏ lại đằng sau như cách mà chủ nghĩa tư bản đang bỏ
rơi họ.
Song quan trọng hơn, Kalinina cảnh
báo rằng kiến thức lịch sử thực tế của một bộ phận người dân có cảm
tình với Xô Viết là gần như bằng không.
Một trong những dẫn chứng cụ thể nhất là
thông qua khảo sát những người tham quan Viện Bảo tàng GULAG, một trong những bảo
tàng do chính phủ Nga xây dựng và tài trợ để lưu trữ và phổ biến những minh chứng
lịch sử kinh hoàng trong các trại lao động cưỡng bức tập trung cực kỳ thịnh
hành trong giai đoạn 1930 – 1950, khi Stalin nắm quyền. Kalinina phát hiện đại
đa số những Muscovites (từ để chỉ người dân sinh sống tại Moscow) tham quan bảo
tàng gần như không có khái niệm hay kiến thức lịch sử gì về các gulag cũng như
những cuộc thanh trừng, sự lạm quyền và những hoạt động phi nhân tính xảy ra
bên trong các trại tập trung. Nhiều người thậm chí tham quan Viện bảo tàng chỉ
để tưởng nhớ chính quyền Xô Viết và Stalin.
Khách
tham quan Bảo tàng Gulag ở Moscow. Ảnh: Press Photo.
Quân cờ chính trị?
Dù không rõ rằng người đang thống trị nước
Nga – Vladimir Putin – có thật sự có cảm tình và mong muốn mang chủ nghĩa cộng
sản trở lại nước Nga hay không, có một điều chắc chắn rằng Putin đang tận dụng
hết mức có thể sự hoài niệm, tiếc thương của một bộ phận người dân Nga cũng như
các nền cộng hòa từng lệ thuộc cho mục tiêu quyền lực riêng của mình.
Từ việc cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô là một
thảm họa địa chính trị mà chúng ta đã nhắc đến ở trên, vào năm 2000, sau khi
giành được ghế tổng thống, Putin chính thức mang quốc ca Xô Viết trở
lại thành quốc ca của nước Nga (với một phần ngôn ngữ và ca từ được chỉnh
sửa). Song song với đó, nhiều biểu tượng, sản phẩm gợi nhớ quá khứ “huy hoàng”
của Xô Viết được người dân cân nhắc sử dụng tùy ngữ cảnh. Song đây chỉ là một
tiểu tiết nhỏ trong kế hoạch biến Putin trở thành người kế vị của đế chế Liên
Xô.
Kế hoạch dài hơi này của Putin tỏ ra có hiệu
quả, đặc biệt trong các cuộc xâm lược gần đây của nước Nga tại South Ossetia mà
đặc biệt là Crimea. Cuộc xâm lược và chiếm đóng lãnh thổ quốc gia khác hoàn toàn
trái với pháp luật quốc tế này lại gợi lên cảm
xúc và tham vọng về một Liên Xô xưa cũ, nơi mà người Nga, người
Ukraine, người Belarus có thể cùng chung sống một cách hòa bình dưới chung một
ngọn cờ giàu mạnh, quyền lực của siêu cường Xô Viết. Rõ ràng Putin biết rằng
ông có thể tin tưởng vào số lượng không nhỏ người dân Ukraine sống ở phía Đông
quốc gia này trong việc tạo ra một không khí chính trị ủng hộ sự can thiệp của
Nga vào Ukraine. Thậm chí, ngôn ngữ và biện giải cho hành vi xâm lược này cũng
có thể được tìm thấy tương tự như lúc Xô Viết đổ quân vào Tiệp Khắc năm
1968.
Hiển nhiên, Putin không phải là người duy nhất
hưởng lợi từ sự hoài niệm dành cho Liên Xô. Đảng Cộng sản Nga, vẫn còn đang
hoạt động, và ở một mức độ nào đó trở nên cuốn
hút đối với một lực lượng thanh niên trẻ, với càng nhiều người lý tưởng
hóa hệ thống kinh tế và an sinh xã hội thời kỳ này. Trong một khảo
sát của Trung tâm Levada ngay năm nay, một số lượng đáng kể người Nga
hết lời khen ngợi chính quyền Xô Viết, từ việc kiểm soát “tốt” những xung đột sắc
đột, kinh tế phát triển đều đặn và tỷ lệ việc làm được bảo đảm, cho đến khoa học
kỹ thuật tiên tiến và tiêu chuẩn sống “cao”… Điều này rõ ràng không tương thích
với thực tế lịch sử của những thập niên 1980, song đây là điều mà rất nhiều người
Nga, kể cả người trẻ đang tin tưởng.
***
Sự luyến tiếc dành cho Liên bang Xô Viết, ở
chừng mực nào đó, tồn tại dựa trên chính những sản phẩm tuyên truyền còn sót lại
của chính thể này, phù hợp với nhu cầu tìm kiếm cảm giác an toàn từ quá khứ.
Tuy đây chỉ là vấn đề cá nhân và là quyền tự do của mỗi con người, xu hướng này
gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự chính xác và phức tạp của lịch sử, đơn giản
hóa một cách chủ quan công và tội của chính quyền Xô Viết. Sự hoài niệm sai lầm
về hình ảnh của một chính quyền Xô Viết, tại Nga hay tại bất kỳ quốc gia nào
khác, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các thể chế
cấp tiến trong tương lai.
-----------------------------
XEM THÊM
No comments:
Post a Comment