Saturday, 9 November 2019

"KHÔNG AI BỎ RA 1 TỶ ĐỂ NGƯỜI TA BUÔN MÌNH CẢ" : KHÔNG SAI, NHƯNG CŨNG CHƯA ĐÚNG (Nguyễn Quốc Tấn Trung)




Nguyễn Quốc Tấn Trung  -  Luật Khoa
08/11/2019

Câu nói ‘Không ai bỏ ra 1 tỷ để người ta buôn mình cả’ của tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, tạo nên những tranh cãi nhất định trong dư luận nước ta. 

Bà Hoàng Thị Ái (Diễn Châu, Nghệ An) và bức hình con bà, Hoàng Văn Tiệp. Bà sợ rằng con bà nằm trong số 39 người chết trong xe container ở Anh. Ảnh: ATHIT PERAWONGMETHA/REUTERS.

Về mặt bối cảnh, ông này đang giải thích lý do vì sao Công an tỉnh Nghệ An đã lập chuyên án, xâu chuỗi các thông tin để có thể khởi tố vụ án, bắt giữ các đối tượng liên quan việc tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép. 

Đối với vụ việc, ông nhận định rằng người ở Việt Nam là môi giới, người bên Anh mới trực tiếp tổ chức cho người ở lại trái phép. Chắc chắn sẽ còn phát sinh các đối tượng khác. Quá trình điều tra sẽ được mở rộng, đối tượng liên quan ở Việt Nam và đối tượng Việt Nam ở Anh cũng phải bị xử lý nếu cấu thành tội tổ chức cho người ở lại nước ngoài trái phép. Theo ông, đây không phải là buôn người, vì họ đi ra nước ngoài làm ăn và có nộp tiền.

Chỉ cần nhìn xuống phần bình luận bên dưới của trang tin tức Zing, chúng ta có thể thấy sự ủng hộ dành cho lập luận của ông là không nhỏ. 

Một bạn đọc cho rằng những người bỏ đi đã tự chọn con đường phi pháp này và phải tự chịu trách nhiệm trước lựa chọn của mình. “Họ bỏ ra một số tiền lớn để chấp nhận đi chui nguy hiểm thì họ đã có sự tính toán của họ nên không thể gọi là buôn người, có nhiều người đi trót lọt rồi về xây nhà lầu mua xe hơi rồi truyền tai nhau cứ thế lại tiếp tục đi vì mục đích làm giàu nhanh, bây giờ xảy ra vụ 39 người chết ngoài ý muốn nên mới bị phanh phui ra thôi, con đường là do họ chọn nên không thể trách ai được”. 

Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng nhận định của tướng Cầu là thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết về pháp luật quốc tế và là nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của chính quyền địa phương và chính phủ Việt Nam trong tuyên truyền và bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam tại nước ngoài. 

Người viết cho rằng xác định và phân biệt hành vi buôn người, vận chuyển lậu người xuyên biên giới trái phép cũng như mối liên hệ giữa chúng với nhau là rất cần thiết. 

Vì sao không sai? 

Trước tiên, cần khẳng định rằng tướng Cầu không nói hoàn toàn sai về dấu hiệu và định nghĩa khác biệt giữa hành vi buôn người và hành vi vận chuyển lậu người, tổ chức vượt biên giới trái phép.

Pháp luật quốc tế phân biệt rất rõ giữa buôn người (human trafficking) và vận chuyển lậu người, hay tổ chức đưa người đi xuyên biên giới trái phép (human smuggling). Cả hai có cấu thành tội phạm khác nhau, dấu hiệu nhận biết khác nhau và mức độ nguy hiểm của hành vi khác nhau; và quan trọng nhất là hệ quả pháp lý dành cho nạn nhân của hành vi buôn người / và người tham gia vào đường dây buôn lậu người hoàn toàn trái ngược. 

Theo quy định của Nghị định thư Liên Hiệp Quốc về phòng chống vận chuyển lậu người nhập cư bằng đường bộ, đường hàng hải và đường hàng không: 

“[Vận chuyển lậu] là hành vi cung cấp dịch vụ nhằm, trực tiếp hay gián tiếp, thu lợi tài chính hoặc các lợi ích vật chất khác, để đưa một cá nhân vào vùng lãnh thổ quốc gia mà họ không có quốc tịch hoặc không phải là cư dân thường trú.” 

Ngược lại, buôn người là tổng hợp của các hành vi “tuyển nạp, vận chuyển, chuyển giao và tiếp nhận con người bằng các biện pháp vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực hoặc các hành vi cưỡng ép khác như bắt cóc, lừa dối, dụ dỗ, lạm dụng quyền lực, tình trạng dễ tổn thương của nạn nhân; hoặc nhận / đưa các lợi ích tài chính từ, cho một người để nhận quyền kiểm soát một cá nhân khác với mục tiêu bóc lột. Việc bóc lột, ở mức độ tối thiểu, bao gồm các hành vi mại dâm và các hình thức vụ lợi tình dục khác, lao động cưỡng bức, thực hành nô lệ hay các hình thức lệ thuộc khác tương tự như nô lệ, buôn bán nội tạng…”. Định nghĩa này được ghi nhận trong Nghị định thư Liên Hiệp Quốc về Phòng chống, ngăn chặn và trừng phạt nạn buôn người (còn được gọi là Nghị định thư Palermo), và cũng thường được dẫn chứng như là định nghĩa có thẩm quyền nhất trong các nghiên cứu pháp lý liên quan đến buôn người trong pháp luật quốc tế. 

Bảng phân tích pháp lý sau cũng hy vọng có thể giúp bạn đọc có cái nhìn chắc chắn hơn về hành vi vận chuyển lậu và buôn người: 

Tiêu chí
Buôn người 
Vận chuyển lậu người 
Bản chất tội phạm 
Có khách thể của tội phạm là quyền con người của nạn nhân cũng như trật tự công cộng của quốc gia.    Có thể xuyên biên giới hoặc không. 
Khách thể của tội phạm là trật tự công cộng của quốc gia tiếp nhận.    Luôn mang bản chất xuyên biên giới. 
Đặc trưng của những người tham gia vào đường dây
Nạn nhân 
Khách hàng – Đồng phạm
Các yếu tố thúc đẩy 
Nghèo đói, thất nghiệp, chiến tranh, bất ổn chính trị, phân biệt đối xử chủng tộc … 
Tương tự như Buôn người
Hành vi xâm nhập vào quốc gia tiếp nhận
Có thể hợp pháp hoặc phi pháp
Luôn luôn phi pháp 
Mối quan hệ giữa bên cung cấp – vận chuyển và người 
Mối quan hệ bóc lột; kẻ bóc lột và nạn nhân.
Mối quan hệ thương mại, đôi bên cùng có lợi. 
Yếu tố vũ lực 
Yếu tố vũ lực luôn hiện diện trong tiến trình buôn người 
Yếu tố vũ lực có thể xuất hiện ở một số trường hợp, tình huống nhất định; nhưng không thể hiện diện thường trực trong suốt quá trình vận chuyển trái phép. 

Triết lý pháp lý về hai tội phạm này được áp dụng gần như tương tự trong hệ thống pháp luật Việt Nam. 

Tại Điều 150 và 151 Bộ luật Hình sự Việt Nam, tội danh mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi bao gồm các hành vi như “chuyển giao, tiếp nhận, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp” con người để giao, nhận tiền và các lợi ích vật chất khác; để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc vì các lý do vô nhân đạo khác… đều thể hiện rõ cấu thành của hành vi buôn người trong pháp luật quốc tế. 

Hay tại điều Điều 349 liên quan đến tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, cấu thành liên quan đến việc tổ chức, môi giới và giúp đỡ người Việt Nam đi và ở lại nước ngoài không đúng với các quy định xuất, nhập cảnh là gần như tương đồng với cách hiểu liên quan đến hành vi vận chuyển lậu mà pháp luật quốc tế quy định.

Với những phân tích trên, người viết cho rằng nhận định của tướng Cầu không nên bị cho là thiếu hiểu biết về pháp luật quốc tế hay sai lầm về pháp luật Việt Nam. Cho đến nay, ít nhất trong những trường hợp chúng ta có thông tin, đường dây vận chuyển lậu này nhận tiền từ các gia đình mong muốn đưa con em đi làm ở nước ngoài và thực hiện dịch vụ vận chuyển trái phép xuyên qua nhiều biên giới. Những người tham gia không chỉ tự nguyện; mà yếu tố vũ lực và cưỡng ép cũng chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Trong đó, phía vận chuyển cũng không có những thông tin móc nối cụ thể với phía nhận người tại Anh để thực hiện hành vi bóc lột hay lợi dụng những người được vận chuyển. Có thể thấy việc dự đoán tình huống của những người liên đến vụ việc 39 người Việt Nam tại Vương quốc Anh nằm trong khung quy định của hành vi vận chuyển lậu người (hay tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài…) là phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam. 

Nhưng vì sao vẫn chưa đúng? 

Tuy nhiên, những phân tích ở trên chỉ nhằm xác định và làm rõ sự khác biệt và tính hợp lý trong việc xác định tội phạm. Riêng phát ngôn của ông Cầu cho rằng “không ai bỏ ra một tỷ để người ta buôn mình cả” vẫn còn xem nhẹ liên hệ mật thiết và khả năng chuyển hóa tức thời giữa hai tội phạm. 

Cụ thể hơn, cho dù người muốn mua dịch vụ vận chuyển trái phép bỏ ra rất nhiều tiền để được đi qua đường biên giới của một quốc gia, như trong trường hợp mà dư luận Việt Nam hiện nay đang bàn tới, họ luôn phải đối mặt với khả năng bị chuyển hoá trở thành nạn nhân của hành vi buôn người bất kỳ thời điểm nào, kể cả lúc họ đã được vận chuyển thành công đến quốc gia đích. 

Đặc trưng này tồn tại bởi vị thế pháp lý dễ bị tổn thương của người được vận chuyển. Không có giấy tờ chứng minh quốc tịch của mình để xin được bảo vệ tại đại sứ quán, không có danh nghĩa hợp pháp để làm việc và sinh sống tại quốc gia tạm trú, những người bị vận chuyển luôn đứng trước nguy cơ bị lợi dụng và bóc lột bất cứ lúc nào; mà vẫn không dám lên tiếng vì lo sợ bị trục xuất.

Trong một báo cáo ngay từ năm 2011, tổ chức phi chính phủ Global Alliance Against Traffic in Women đã cảnh báo về tình trạng nói trên. 

Họ ghi nhận trong các cuộc làm việc với những phụ nữ từng phải chi trả để được vận chuyển trái phép sang nước ngoài như Thái Lan hoặc có Thái Lan làm quốc gia trung chuyển, hơn phân nửa khẳng định họ đối mặt với sự lạm dụng hay thậm chí là bóc lột tình dục như là một điều kiện để không bị báo cáo với chính quyền hoặc được vận chuyển đi tiếp. Xem xét với các cấu thành mà chúng ta đã phân tích ở trên, những phụ nữ đáng thương này thật sự đã “trả tiền để bị buôn”. 

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao trong các nỗ lực phòng chống buôn người – bảo vệ nạn nhân buôn người, và tiếp tục bị xem là một trong những trung tâm trung chuyển và một trong những quốc gia đóng góp nhiều nạn nhân đối với vấn nạn buôn người toàn cầu. 

*** 
Những phân tích trên một mặt vừa làm rõ các dấu hiệu và đặc trưng pháp lý của hai loại tội phạm, song cũng nhằm chứng minh rủi ro chuyển hóa tội phạm nhanh chóng giữa hai trường hợp. Trong bối cảnh nạn nhân của tội buôn người sẽ được quốc gia tiếp nhận hỗ trợ, giúp đỡ trong quá trình sinh sống; những người tham gia vào đường dây vận chuyển trái phép gần như không được hưởng bất kỳ sự bảo vệ nào và ngay lập tức phải đối mặt với  bị trục xuất hoặc xét xử hình sự… dù có thể những gì họ phải trải qua và chịu đựng không khác gì với nạn nhân của tội buôn người. Rõ ràng chính phủ và chính quyền địa phương của Việt Nam cần cẩn trọng hơn để thấu hiểu và bảo vệ quyền lợi tốt nhất của người Việt Nam tại nước ngoài. 






No comments:

Post a Comment

View My Stats