08/11/2019
Khi
nhắc đến "Bà bếu", không ít người nhấn mạnh tính "ngang tàng"
của bà, nhưng cái đó luôn dành cho những bất công thuộc về cơ chế, đối với quốc
gia, bà thể hiện sự suy tư, và đối với những người mà bà coi là đồng đội thì đó
lại là sự "trăn trở" và thấu cảm.
"Bà bếu" Bùi Thị Minh Hằng
"Bà bếu" từng đi tù, thời điểm bà vào tù
là "bếu", và khi được thả ra là thân hình "gầy ruộc". Nếu
có hình ảnh nào để đặc tả chế độ giam giữ người tù nhân chính trị, bất đồng
chính kiến thì đó là hình ảnh trước và sau khi "bà bếu" ra tù.
"Bà bếu" là một nhân chứng sống trong cái
thời kỳ mà sự hỗn mang của pháp luật, tình người và quyền lực. Một nồi cám lợn
của xã hội được pha trộn bởi một hệ thống thừa thuộc tính "quyền lực cách
mạng" với sự tranh giành lợi ích, nhưng thiếu đi sự dung thứ đối với bất đồng
chính kiến.
"Nồi cám lợn" đó tiếp tục câu lưu, giam giữ,
và phạt tù những người lên tiếng vì hiện tình quốc gia, dưới cái trịch "vì
an ninh chế độ".
"Bọn phản động" hay "thế lực thù địch"
chưa từng phá 1 cắc bạc ngân khố của nhà nước lại trở thành đối tượng trong mắt
cơ quan an ninh quốc gia. Trong khi những kẻ ăn hàng hàng tỷ đồng nhà nước, tước
đoạt ruộng đất nông dân, đưa giai cấp công nhân vào thế "tồn tại"
thay vì sống,... lại phè phỡn rao giảng đạo đức cách mạng, chống phản động, bảo
vệ an ninh quốc gia.
"Vì an ninh quốc gia chúng tao bắt mày",
câu tuyên ngôn của giới an ninh với nghệ sĩ Thịnh Nguyễn thực chất đã được
áp dụng hàng thập niên qua, và tiếp tục tồn tại cùng với cơ chế.
Số người bị bắt giam nhiều hơn số người được thả ra.
Trong khi "khoan hồng nhà nước" ưu tiên cho tội phạm kinh tế - xã hội
hơn tù nhân chính trị.
"An ninh quốc gia" là cái nồi cơm cần được
giữ để đặc quyền, đặc lợi được đảm bảo. Những phúc lợi chế độ đặc biệt dành cho
"công cụ đảng" đảm bảo thiết lập chế độ "trung thành tuyệt đối"
và đảm bảo cho "an ninh quốc gia" được giữ vững.
An ninh Việt
Nam không khác gì mật vụ thời kỳ Liên Xô và các nước Đông Âu.
Và sự thèm khát tự do, cạnh tranh chính trị cũng tồn
tại trong người Việt Nam như đã từng tồn tại ở lớp người đánh đổi cả mạng sống
để vượt bức tường Berlin để sang Tây Đức.
"Bà bếu" là một người như thế, bà cùng nhiều
phụ nữ khác như chị Nguyễn Thuý Hạnh đã và đang tiếp tục dành sức còn lại
của mình để đòi hỏi quyền được tự do.
Mới đây, trong một chia sẻ vào đầu tháng 11. "Bà
bếu" cho biết, vài tháng trước có người "bắn tin", nếu tháng 11
ông Trọng (TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng) không đi Mỹ thì sẽ có đợt "khủng bố bắt
bớ những người bất đồng chính kiến diễn ra". Và theo "bà bếu",
có vẻ tin đó đang trở thành sự thật.
Ai cũng trở thành "mục tiêu" nếu dám mở miệng
ở cái thời đại hỗn mang này. Nhưng điều đáng nói, là cách mà "bà bếu"
nhìn về "sự thật" này.
"Anh chị
em! Chúng ta chấp nhận đối mặt và đón nhận. Mỗi người hãy bình tâm sắp đặt cuộc
sống - công việc của riêng mình! Và không quên chuẩn bị hành trang để 'đi lao
tù vì đồng bào, vì quê hương'."
Suy nghĩ và quan điểm an nhiên tự tại của "bà bếu",
một người từng bị "hành" bởi "vì an ninh tao bắt mày" là một
điều dễ nhận ra ở rất nhiều nhà bất đồng chính kiến, những người đã-đang và sẽ
trở thành những tù nhân lương tâm trong cơ chế hiện tại.
Quan điểm đó không khiến ý chí phản kháng giảm đi,
mà ngược lại, nó tôn ý chí đó lên một bậc vị mới, cái thời điểm mà con người điềm
nhiên chấp nhận rủi ro, bước hẳn qua sự sẽ hãi để tìm kiếm một giá trị lâu bền
hơn. Cái giá trị mà có thể, tương lai con cháu họ, sẽ được hưởng.
Giá trị của tự
do tư tưởng! Giá trị của sự hài lòng về việc, ta đã không đi ngược lại lương
tâm con người, giá trị khoan dung và tinh thần đối kháng với cơ chế bạo quyền.
Nhà thơ tuyên truyền chính trị cách mạng cộng sản –
Tố Hữu đã "khắc hoạ tinh thần quên mình vì lý tưởng" của người cộng sản
bằng câu thơ "Trăn trối". Trong đó ông bày tỏ: "Đời cách mạng, từ
khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề cận cổ, súng kề
tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa/ Bao khổ ấy, thôi cần chi nói nữa/ Bạn đời
ơi! Ta đã hiểu nhau rồi."
Một thế hệ hiến dâng cả máu và thanh xuân vì
"lý tưởng cách mạng" như thế đã bị giết chết trong cơ chế hiện nay.
Lý tưởng dân quyền của những người thèm khát sự tự do và đứng thẳng lên như một
con người nổi lên, thay thế vai trò và vị trí của lý tưởng cách mạng bạo lực của
người cộng sản. Đó là sự tất yếu của dòng chảy phát triển xã hội, "Bà bếu"
và lựa chọn tự do đã nảy sinh từ trong dòng chảy đó.
"Bà bếu" hay những người như bà ngoan cường,
bất khuất và điềm nhiên trước câu đe doạ: vì an ninh quốc gia, tao bắt mày. Trở
thành hình mẫu chung cho tự do trước quyền lực bạo tàn.
Và khi câu đe nẹt quyền lực không còn mang lại sự sợ
hãi cho người đối diện, tự khắc nó đã thủ tiêu chính tính quyền lực của nó.
Và câu đe nẹt trên càng đả phá tính chính danh chế độ,
sự làm màu của cơ chế liên quan đến thực thi các giá trị nhân quyền mà Việt Nam
đã ký kết và cam kết thực thi.
Câu nói đó, và những gì xảy ra đối với người bất đồng
chính kiến trong cuối năm 2019 minh hoạ sinh động nhất cho cái gọi là "cam
kết thực thi quyền dân sự và chính trị" mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã
và đang hô hào và những cam kết nhân quyền liên quan đến EVFTA mà Nhà nước Việt
Nam đang nỗ lực hoàn tất.
-------------------------------
Về nhà
hoạt động nữ Bùi Thị Minh Hằng
08/02/2017 VOA Tiếng Việt
No comments:
Post a Comment