Saturday, 2 November 2019

ASEAN 35 : CHƯA ĐẠT THỎA THUẬN VỀ RCEP (tổng hợp)



NỘI DUNG TRANG NÀY GỒM CÓ :
BBC Tiếng Việt
.
.


==================================
BBC Tiếng Việt
2 tháng 11 2019

Các bộ trưởng từ 16 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương đã không đạt được thỏa thuận về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tại cuộc họp vào hôm 1/11, theo hãng tin Kyodo.

Tuy nhiên, một số người vẫn lạc quan về khả năng đạt đồng thuận về thỏa thuận này vào cuối năm nay.
RCEP là hiệp định thương mại do Trung Quốc hậu thuẫn.
Nếu được ký, đây sẽ thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, gồm 16 quốc gia, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand).
Khu vực này chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu và chiếm gần một nửa dân số thế giới.

Một quan chức cao cấp của chính phủ Nhật Bản nói với các phóng viên ở Bangkok rằng, các nhà lãnh đạo các nước tham gia RCEP sẽ đưa ra "tuyên bố chung" sau hội nghị thượng đỉnh dự kiến vào thứ Hai (4/11) tới, dù ông không cho biết thông tin chi tiết.
Một quan chức cấp cao khác nói rằng, các bộ trưởng đã đạt "tiến bộ lớn."

Một nguồn tin thân cận với vấn đề này cũng nói với hãng tin Kyodo sau cuộc họp cấp bộ trưởng rằng, các quan chức cấp cao của 16 quốc gia dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán vào hôm nay (2/11) nhằm có thể đưa ra tuyên bố cuối cùng về hiệp định này.

16 nước thành viên RCEP đã kết thúc đàm phán 18 trong 20 lĩnh vực, nhưng dường như vẫn chưa đồng ý về các lĩnh vực chính gồm thuế quan, thương mại dịch vụ, tiếp cận thị trường và đầu tư.

Ấn Độ đã miễn cưỡng hạ thấp các rào cản thương mại, vì nước này đã bị thâm hụt thương mại lớn và mãn tính với Trung Quốc trong nhiều năm.
Ấn Độ lo ngại rằng, thỏa thuận thương mại tự do sẽ dẫn đến việc một dòng sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp giá rẻ như điện thoại thông minh từ Trung Quốc đổ vào, khiến thâm hụt thương mại tiếp tục tăng.
Trong khi đó, Trung Quốc muốn kết thúc đàm phán RCEP càng sớm càng tốt, vì nền kinh tế nước này đang chậm lại, giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ tiếp diễn.

Các cuộc thảo luận về Hiệp định này bắt đầu từ năm 2012 và đã được đẩy nhanh trong thời điểm cuộc chiến thương mại đang diễn ra.
Chủ nhà Thái Lan của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cho biết, họ hy vọng các cuộc đàm phán về Hiệp định này sẽ hoàn tất trong năm nay. Tuy nhiên, cuộc họp báo về tiến trình đàm phán RCEP đã bị hủy vào cuối ngày hôm qua mà không có lời giải thích.

Martin Marty Natalegawa, cựu Ngoại trưởng Indonesia nói với hang tin Reuters rằng, việc hoàn tất quá trình đàm phán RCEP sẽ thành một thử nghiệm quan trọng đối với năng lực của ASEAN về khả năng quy tụ mà khối này thường nhấn mạnh.

Căng thẳng Mỹ-Trung phủ bóng

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 35, các nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về những gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa khi nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng rằng, Hoa kỳ dường như đang lơi dần khu vực này.

Reuters cho biết, theo một dự thảo tuyên bố về hội nghị thượng đỉnh ASEAN mà hãng tin này thấy được, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về căng thẳng thương mại đang gia tăng; cũng như việc chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra.

Thương mại sẽ là chủ đề chính - các nhà ngoại giao cho biết - trong khi các vấn đề vốn vẫn căng thẳng lâu năm ở khu vực này như tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc hay tình cảnh của những người tị nạn Rohingya sẽ ít được thảo luận.

Các quốc gia Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng lớn của cuộc thương chiến Mỹ - Trung, với mức tăng trưởng của các quốc gia này dự kiến sẽ bị chậm lại ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm nay.
Họ cũng đang rất lo lắng về việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng.

Vậy nhưng, trong khi Trung Quốc cử Thủ tướng Lý Khắc Cường, thì thay vì Tổng thống Donald Trump hoặc Phó Tổng thống Mike Pence, Mỹ lại chỉ cử Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien đại diện cho nước này tại các cuộc họp.
Điều này đã khiến những người lâu nay vẫn xem Hoa Kỳ như một đối trọng an ninh với Trung Quốc thấy lo ngại.

"Hành động của Hoa Kỳ gửi đi một chỉ dấu rằng, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị liên quan không quan trọng với họ như những gì mà các quốc gia khác lâu nay vẫn tưởng," ông Kantathi Suphamongkhon, cựu Ngoại trưởng Thái Lan nói với Reuters.

"Các nhóm đấu tranh cho nhân quyền cho biết là, họ không hy vọng các nước Đông Nam Á sẽ làm gì nhiều để giải quyết các vấn đề như người tị nạn Rohingya, hoặc thảo luận về các vấn đề như tình trạng độc tài đang ngày càng gia tăng ở một số quốc gia thành viên. ASEAN không còn là nơi đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ và do đó, sẽ khiến Trung Quốc ngày càng trở nên độc đoán hơn... nhất là khi Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump không tỏ ra quan tâm đến chuyện này" ông Thitinan Pongsudhirak, học giả tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok, nói với Reuters.

---------------------------

Đăng ngày 02-11-2019 

Lãnh đạo 10 nước ASEAN đã chính thức khai mạc Hội Nghị Thượng Đỉnh lần thứ 35 vào hôm nay, 02/11/2019 tại Bangkok. Một trong những chủ đề nổi cộm của hội nghị là đẩy mạnh hợp tác thương mại nhằm đối phó với tác hại từ chiến tranh thương mại giữa hai đối tác lớn của khối là Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó căng thẳng Biển Đông, đặc biệt giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng được bàn luận.

Theo đặc phái viên Thu Hằng tại Bangkok, với trọng tâm là « Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững », trong khuôn khổ thượng đỉnh lần thứ 35, cùng với các cuộc họp liên quan, nhiều vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận như chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, kinh doanh, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và giáo dục:

NGHE : Đặc phái viên Thu Hằng - Bangkok: 02/11/2019

Tại phiên họp toàn thể, thủ tướng Thái Lan, nước chủ tịch luân phiên, tổng kết những ưu tiên, dự án được triển khai trong năm 2019, cũng như lộ trình đối ứng giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững 2030.

Có sáu thỏa thuận được thông qua tại thượng đỉnh ASEAN, liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ Trẻ em dưới mọi hình thức khai thác và lạm dụng trực tuyến, bảo vệ quyền trẻ em trong bối cảnh di dân, phát triển đối tác trong lĩnh vực giáo dục…

Ngay sau phiên khai mạc thượng đỉnh ASEAN, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã tham dự lễ ký kết Bản ghi nhớ Hợp tác giữa ASEAN và Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) nhằm thúc đẩy sự phát triển của bóng đá trong khu vực. Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino đã ký bản ghi nhớ. Các nhà lãnh đạo ASEAN được chủ tịch FIFA tặng áo lưu niệm được đánh số 9 và 10 (tiền đạo) cùng với tên riêng của từng người.

Trước đó, ngoại trưởng Vương quốc Bahrein, Khalid bin Ahmed bin Mohamed Al Khalifa, và ông Peter Schoof, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức ở Indonesia, đã ký những Văn kiện gia nhập Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC).

Vấn đề thương mại đã được thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nêu bật vào hôm nay tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Kinh Doanh và Đầu Tư ASEAN (ABIS), khi lãnh đạo Đông Nam Á kỳ cựu này cho rằng các nước Đông Nam Á phải gắn bó chặt chẽ với nhau để đối mặt với cuộc chiến thương mại do tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động.

Theo ông Mahathir, “Chúng ta (tức là ASEAN) không muốn tham gia vào một cuộc chiến thương mại, nhưng đôi lúc, khi họ không tốt với chúng ta, thì chúng ta phải tỏ thái độ không hài lòng”.

Một dự thảo bản tuyên bố kết thúc Thượng Đỉnh ASEAN mà hãng tin Anh Reuters đọc được dự trù là các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc đối với căng thẳng thương mại đang gia tăng và tâm lý bảo hộ mậu dịch và chống toàn cầu hóa đang tồn tại”.

Một trong những hồ sơ thương mại chủ yếu của Thượng Đỉnh ASEAN lần này được cho là việc đúc kết được Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), liên kết Trung Quốc với 10 nước Đông Nam Á và Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand.
Tuy nhiên, theo Reuters, tính đến tối hôm qua, chưa có dấu hiệu nào cho thấy là đàm phán giữa các bên đã đạt kết quả mong muốn.

----------------------------

Đăng ngày 02-11-2019

Hãng tin Mỹ AP ngày 02/11/2019 cho biết tranh cãi đã nổ ra gay gắt giữa phái đoàn Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Bản dự thảo Tuyên Bố Chung Thượng Đỉnh ASEAN mà hãng AP đọc được có đoạn ghi: “Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC (Bộ Quy Tắc Ứng Xử), và hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ gây sự cố, hiểu lầm và tính toán sai lầm”.

AP trích dẫn tiết lộ của hai nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết trong một cuộc họp, phía Việt Nam đã yêu cầu đưa vào bản tuyên bố chung một cụm từ nói đến hành vi xâm lấn mới đây của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Phía Trung Quốc, thông qua đồng minh Cam Bốt, đã phản đối đề nghị này.

Cũng theo nguồn tin trên, các nhà ngoại giao Việt Nam đã đặt lại vấn đề tiến bộ của Bộ Quy Tắc Ứng Xử trong khi mà Trung Quốc tiếp tục xâm nhập vào vùng biển của Việt Nam.

Trong vấn đề này, theo lời một trong hai nhà ngoại giao Đông Nam Á xin giấu tên, thì một nhà ngoại giao Trung Quốc đã cho rằng ASEAN không được để cho Việt Nam phá hoại tiến trình đàm phán COC giữa toàn khối Đông Nam Á với Trung Quốc.

----------------------

Lơ đểnh vì nhiều chuyện khác, Bạch Cung không làm gì cả trong lúc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông: 




No comments:

Post a Comment

View My Stats