Ngô Nhân Dụng
October 1, 2019
Tập Cận Bình đạo diễn thành công vở Tuồng Bắc Kinh
phô bày lực lượng quân sự Trung Quốc trong ngày Quốc Khánh. Nhìn cảnh 15 ngàn
binh sĩ cùng xe tăng, máy bay, hỏa tiễn, vân vân diễn hành trên đại lộ Trường
An ít nhất những lãnh tụ như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào cũng tự an ủi được rằng
“giải phóng quân” Trung Hoa ngày nay đã hùng mạnh hơn đám quân nhếch nhác kềnh
càng kéo sang đánh cướp nước Việt Nam năm 1979 rồi lếch thếch kéo về.
Cuộc diễn binh của Cộng Sản Trung Quốc hoành tráng
không thua gì những đại lễ mà ba đời Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật, Kim Jong
Un vẫn tổ chức hàng năm ở Bình Nhưỡng. Nó cũng nằm trong cùng một truyền thống
bắt đầu từ thời Hitler và Stalin: Biểu dương sức mạnh quân sự không những làm
các nước láng giềng sợ hãi mà còn nhắm đe dọa dân chúng trong nước đừng tính
chuyện “mưu phản.”
Cộng Sản Trung Quốc bây giờ có thể tự hào họ đang
“qua mặt Liên Xô” về tuổi thọ. Khi Liên Xô sụp đổ các sử gia bàn rằng một chế độ
độc tài nắm quyền được 70 năm là “hết xí quách” vì những mâu thuẫn nội bộ.
Trung Cộng cho thấy sau 70 năm họ vẫn vững mạnh.
Nhưng so sánh như vậy là không công bằng đối với các
ông Stalin cho tới Brezhnev, Andropov và Gorbachev. Bởi vì suốt 70 năm ở nước
Nga chỉ có một chế độ Cộng Sản cai trị. Còn ở Trung Quốc thì khác, có ít nhất
hai chế độ khác nhau. Chế độ Mao Trạch Đông bắt đầu năm 1949 gọi đúng tên là Cộng
Sản chỉ sống được 30 năm, đến 1978 thì đã cáo chung. Đặng Tiểu Bình làm cách mạng
“đổi mới,” Cộng Sản biến thái dần dần thành tư bản sơ khai dọ dẫm.
Đạo hùng binh diễn hành ngày 1 Tháng Mười gây ấn tượng
thán phục trên hàng tỉ dân chúng Trung Hoa thực ra đã thành hình nhờ sức mạnh
kinh tế đạt được sau khi nước Tàu quay ngược chiều, rẽ qua con đường tư bản hóa
của Đặng Tiểu Bình. Trong cuộc chiến tranh biên giới Trung Việt năm 1979 người
ta thấy một đám “giải phóng quân Trung Quốc” èo uột hơn nhiều.
Đáng lẽ Tập Cận Bình phải tuyên dương 40 năm dân
Trung Hoa đi theo Đặng Tiểu Bình chứ không nên nhắc đến những ngày họ sống với
Mao Trạch Đông.
Nhật báo South China Morning Post mới kể chuyện
thành phố Bạch Câu (白沟) ở tỉnh Hà Bắc, là “thủ đô túi xách tay” của Trung Quốc kể từ khi “đổi mới”
với những cái túi “giống hệt” đồ Louis Vuitton hay Gucci mà giá chỉ có
100 đồng nguyên, bằng $14. Trung tâm thương mại túi và va li ở đây có 10,000 cửa
hàng, với 216 cái thang cuốn tự động.
Năm 1960, mười một năm sau khi Mao Trạch Đông thiết
lập chế độ Cộng Sản, dân Bạch Câu sống với khẩu phần mỗi ngày được ăn 90 gram
ngũ cốc, không phải chỉ là gạo. Trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của Mao, ai muốn
đổi một củ khoai lấy cái muỗng muối của người hàng xóm cũng bị cấm. Họ phải
dùng tay làm dấu hiệu với nhau cho đến khi “thuận mua vừa bán,” sau đó vẫn phải
lén lút “giao hàng” ở một chỗ thật xa mà không cần gặp mặt: Anh để củ khoai ở đầu
cầu em sẽ bày cái lá cây đựng muối ở bờ ao! Những dự kiện trên, phóng viên tờ
báo Morning Post ở Hồng Kông ghi chép lại trong “viện bảo tàng” (bác vật viện)
kinh tế bao cấp của thị xã. Một chế độ cai trị khiến toàn dân nghèo đói như vậy,
có đáng đem tàu bay, hỏa tiễn ra tuyên dương hay không?
Quân đội Trung Quốc bây giờ mạnh được là nhờ kinh tế
đã phát triển theo đường hướng tư bản thế kỷ 19. Bắc Kinh khoe khoang rằng họ
đã “giúp 750 triệu người” thoát khỏi cảnh nghèo đói. Khoe như thế là một cách
chứng tỏ rằng nếu cứ theo ông Mao Trạch Đông thì nước Tàu vẫn còn 750 triệu người
dân nghèo đói! Bây giờ, dân chúng Bạch Câu có thể kiếm lợi tức bình quân
$10,000 mỗi năm. Nhờ sức lao động rẻ tiền của dân Trung Quốc và mãi lực cao của
người tiêu thụ các nước tư bản Mỹ và Âu Châu nên các lãnh tụ Trung Nam Hải mới
xây dựng được đạo quân mới đem ra biểu diễn.
Nhưng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang đến thời
ngưng trệ. Giáo sư kinh tế học Bùi Mẫn Hân (Pei Minxin, 裴敏欣) mới nhận xét rằng chế độ Cộng
Sản ở nước Tàu đang bắt đầu đi xuống vì kinh tế không tiến thêm được.
Bởi vì trong 40 năm qua kinh tế Trung Cộng dựa trên
một lực lượng lao động trẻ và rẻ tiền, nhờ mở cửa cho thị trường hoạt động, một
chương trình đô thị hóa cấp tốc, xây dựng hạ tầng cơ sở kháp nơi, và nhờ vào
kinh tế toàn cầu hóa sau khi khối Xô Viết tan rã. Mấy yếu tố này đang biến mất
hoặc hết hiệu lực.
Richard Koo, kinh tế gia đứng đầu của Viện Nghiên Cứu
Nomura, nhìn thấy ba trở ngại lớn của kinh tế Trung Quốc: Dân càng ngày càng
già; thiếu khả năng phát minh, sáng tạo để gia tăng năng suất lao động, và
không còn được các nước Mỹ và Tây phương lỏng tay hỗ trợ nữa.
Giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng biết như vậy. Tập Cận
Bình đã hô hào cải tổ cơ cấu từ bốn năm nay, giảm bớt khu vực quốc doanh và
tăng vai trò chủ động của thị trường. Nhưng cho tới nay họ chưa nhích được một
bước trên con đường cải tổ. Vì lý do chính trị.
Cho thị trường đóng vai chủ động nghĩa là giảm vai
trò của đảng và nhà nước Cộng Sản. Tập Cận Bình muốn làm ngược lại: Bảo vệ quyền
hành của đảng Cộng Sản.
Vì vậy, “năng suất toàn diện” (total factor
productivity) của nền kinh tế Trung Quốc gia tăng từ năm 1978 đến nay đã bắt đầu
xuống dốc. Hai chục năm đầu, năng suất lên rất nhanh, giản dị chỉ vì hàng trăm
triệu người bắt đầu “làm việc thật” và hàng trăm tỷ đô la vốn đầu tư đổ vào.
Nhưng năng suất đó không thể tăng lên mãi. Trước đây, “total factor
productivity” của kinh tế Trung Quốc tăng với tỷ lệ 3.5% mỗi năm; từ năm 2008
đã tụt xuống chỉ còn tăng với tốc độ 1.5%.Và từ năm 2011 đến 2014 năng suất đó
đã giảm tới dưới số không.
Ông Tập Cận Bình cứ nói hoài đến “70 năm” xây dựng
chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc. Nhưng thực ra sau 30 năm đầu tàn phá của Mao Trạch
Đông nhờ được nối tiếp với 40 năm tư bản hóa của Đặng Tiểu Bình nên kinh tế
Trung Quốc mới tiến được như bây giờ. Năm 2016, một quận ở tỉnh Hà Nam đã dựng
pho tượng Mao Trạch Đông, cao 40 mét. Cứ xây tượng là tha hồ rút ruột! Nhưng
dân chúng phản đối quá cuối cùng đã phải phá cả pho tượng thiếp vàng đi!
Khi được học trò hỏi về công việc phải làm nếu cầm
quyền, Đức Khổng Tử bảo rằng: “Túc thực, túc binh, dân tín chi hĩ.” Tức là “Lo
cho kinh tế đủ ăn, quân đội đủ mạnh, và được dân tin tưởng.” Trong ba yếu tố
đó, Khổng Tử coi lòng tin của dân là quan trọng nhất.
Nhờ đi theo Đặng Tiểu Bình, Cộng Sản Trung Quốc đã
lo được việc “túc thực.” Bây giờ đang lo túc binh. Lòng dân Trung Quốc còn tín
nhiệm đảng Cộng Sản nếu kinh tế còn phát triển. Như một người dân Trung Hoa nói
với nhà báo: “Ít nhất, bây giờ tôi không lo chết đói!”
Nhưng khi nào kinh tế Trung Quốc khựng lại rồi suy
thoái thì yếu tố “dân tín”cũng hao mòn. Khi đó người dân lục địa Trung Hoa sẽ
nhìn qua Hồng Kông và Đài Loan, sẽ thấy rằng chỉ có một chế độ tôn trọng quyền
tự do của con người mới bảo đảm được đời sống kinh tế bền vững.
Giáo Sư Bùi Mẫn Hân tiên đoán tới ngày 1 Tháng Mười,
2049, thì sẽ không còn đảng Cộng Sản làm lễ Quốc Khánh nữa! (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment