BTV Tiếng Dân
17/10/2019
VOA có bài: Trung Quốc kêu gọi Việt Nam đối thoại về Biển Đông.
Báo South China Morning Post trích lời Cảnh Sảng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại
giao TQ, nói tại cuộc họp báo vào hôm thứ Tư 16/10 rằng “Chúng tôi hy vọng
Việt Nam sẽ tiếp tục giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đối thoại và
đàm phán, để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua các hành động
thiết thực”.
Nhà của người ta đang ở, thằng hàng xóm tới chiếm
cái sân, người ta phản đối, đuổi nó ra, thay vì cút đi, nó lại đòi đối thoại,
đàm phán. Nếu chủ nhà chấp nhận đàm phán, dù đàm phán kiểu nào, thằng hàng xóm
cũng thắng. Cho dù kết quả thằng hàng xóm nhận được 1/10 góc sân, nó vẫn có lời
vì lúc tới chiếm sân, nó chỉ có hai bàn tay trắng.
Liệu Việt Nam có chấp nhận đối thoại và đàm phán với
TQ? Hai ngày trước, trong buổi tiếp xúc cử tri quận 5, Bí thư thành Hồ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, “hải
phận của mình là thiêng liêng và mỗi người dân, Đảng, Nhà nước phải có trách
nhiệm bảo vệ quyền của mình”. Nhưng ông Nhân nói thêm: “Dù bất cứ hoàn cảnh
nào giữa ta và Trung Quốc vẫn phải duy trì kênh đối thoại chứ không thể quay mặt
đi”.
Liên tục để Trung Quốc chiếm trận địa
Sau phim hoạt hình “Everest: Người tuyết bé nhỏ”, tới
game online đã được bọn Tàu lồng bản đồ vi phạm chủ quyền Việt Nam vào trong
game: Game Âm dương sư bị đóng cửa vì vi phạm chủ quyền Việt Nam,
theo báo Phụ Nữ TP HCM. Đây không phải là lần đầu tiên bản đồ lưỡi bò được
lồng vào game. Trước đó, game Chinh Đồ cũng đã buộc phải đóng cửa vì lý do
tương tự.
Thông báo của nhà phát hành có đoạn: “Nguyên nhân
do trong bản cập nhật mới nhất của trò chơi do đối tác cung cấp, chúng tôi phát
hiện một nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy rằng,
đây là một hành động vi phạm nghiêm trọng và ngay lập tức đưa ra quyết định
ngưng cung cấp trò chơi đến game thủ trong nước”.
Báo Sài Gòn Giải Phóng có đồ họa: Ai đã để ‘Điệp vụ biển đỏ’, ‘Everest – Người tuyết bé nhỏ’…
‘lọt cửa’?!
Báo Giáo Dục VN viết: Cả dân tộc đồng lòng, đến chịu thua bà Hồng Ngát. Vụ
bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia cho rằng bộ
phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ” chỉ cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò “có mấy
giây thôi mà mọi người cứ làm quá lên”, bài báo đặt câu hỏi:
“Ngồi duyệt phim các vị có biết chỉ cần mấy giây
phát lửa là cả khu nhà xưởng Công ty Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Thanh
Xuân, Hà Nội) biến thành tro bụi và thảm họa môi trường đã khiến Viện Hóa học
môi trường quân sự phải tiến hành công tác tẩy độc? Các vị có biết chỉ một que diêm
bé tí có thể đốt cháy cả cánh rừng?”
Báo Lao Động phân tích từ việc lọt “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc trong
phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ”: Phải cải tổ Hội đồng duyệt phim.
Nào chỉ vụ duyệt phim, chuyện duyệt game và các sự kiện văn hóa khác thì sao?
Như vụ tưởng niệm 44 năm ngày Trung Cộng cướp quần đảo Hoàng Sa, Bộ Văn hóa
Thông Tin và Du lịch đã cho phép Đoàn Nghệ thuật Nội Mông của Trung Cộng biểu diễn,
hát hò tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, giữa thủ đô VN, có thấy ai bị kiểm điểm?
Hải Dương 8 đang ở đâu?
Gần 6h sáng nay 17/10/2019, ông
Phạm Thắng Nam đưa tin: Tàu Hải Dương 8 vừa hoàn thành đường khảo sát
thứ 16 và thực hiện đường khảo sát thứ 17, thuộc khu vực khảo sát IV. Đường khảo
sát này nằm tại vĩ tuyến N13°43’ và ở vị trí ngang với Hòn Nước, xã Mỹ Thọ, huyện
Phù Mỹ, tỉnh Bình Định và nằm sát đường khảo sát cũ (đường 16).
Tàu Hải Dương 8 vừa
hoàn thành đường khảo sát thứ 16 và thực hiện đường khảo sát thứ 17. Ảnh: Phạm
Thắng Nam
Ông Nam có clip tổng hợp toàn bộ hành trình của Hải Dương 8 tại khu vực khảo sát IV,
từ 27/9 đến 16/10/2019. Clip này mô tả lại chi tiết hành trình, đường
đi thực tế của Hải Dương 8, bắt đầu khởi hành từ Đá Chữ Thập rồi sau đó tiến
hành khảo sát toàn vùng khảo sát IV nói trên: https://www.facebook.com/phamthangnam.3/videos/2437212009681233/
Từ lúc căng thẳng ở khu vực Nam Biển Đông bắt đầu
dâng cao hơn 3 tháng qua, Hải Dương 8 đã 4 lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế
(EEZ) của Việt Nam. Trong 3 lần trước đó, tàu Hải Dương 8 “khảo sát” ở khu vực
Bãi Tư Chính, thuộc vùng biển ngoài khơi các tỉnh Đông Nam Bộ, đến lần “khảo
sát” thứ 4, Hải Dương 8 đã vạch dọc kẽ ngang trong vùng biển các tỉnh Nam Trung
Bộ, đến nay đã gần 16 đường.
Ông Nam nhận định, vùng “khảo sát” ở khu vực biển
Nam Trung Bộ “là vùng khảo sát lớn nhất” và cũng có thể là “trọng tâm” của tàu
Hải Dương 8. Nếu Trung Quốc dám đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 vào đặt
trong EEZ của Việt Nam, thì sẽ là ở vùng “khảo sát” này, vì tàu Hải Dương 8 đã
có thời gian nghiên cứu thực địa rất kỹ khu vực này.
Lưu ý, các đường khảo sát của Hải Dương 8 trong khu
vực khảo sát IV lúc đầu hơi cong, nhưng càng về sau càng thẳng, từ lúc Hải Dương
8 bắt đầu vạch các đường song song với các vĩ tuyến, hầu như không có điểm gián
đoạn nào nữa. Qua đó có thể thấy các tàu hộ tống Hải Dương 8 đã vận dụng thành
thục chiến thuật bảo vệ, để các tàu chấp pháp Việt Nam không thể tiếp cận được
Hải Dương 8.
Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cũng cung cấp video,
ghi lại diễn biến ngày
15/10/2019 trên bản đồ AIS vệ tinh: Tàu Hải cảnh Trung Quốc vẫn chủ động gây hấn.
Với ưu thế về số lượng, Trung Quốc tiếp tục áp dụng chiến thuật chủ động ngăn cản
tàu chấp pháp Việt Nam: “Kịch bản vẫn tiếp tục lặp lại. Khi nhóm tàu Hải
Dương Địa Chất 8 vào gần bờ biển Việt Nam, tàu Khanh Hoa 01015 lại vượt lên
phía trước dừng để đón chặn chiếc tàu khảo sát. Lập tức hai tàu hải cảnh 33111
và 5304 lại tăng tốc độ trên 15 knots và lao tới áp sát tàu Khanh Hoa 01015”.
Hơn nữa, có hai điểm gần bờ biển Việt Nam nhất trong
vòng khảo sát thứ 15 của tàu Hải Dương Địa Chất 8 cách bờ biển Việt Nam trên dưới
70 hải lý. “Vào lúc 3h sáng ngày 16/10/2019, Tàu Hải Dương Địa Chất 8
cách Cù lao Mái Nhà khoảng 71 hải lý. Lúc 6h17′ sáng cùng ngày, tàu cách Cù lao
Xanh khoảng 68 hải lý, và cách Bãi biển Xuân Hải ở đất liền 72 hải lý, trước
khi đi về hướng đông để tiếp tục vòng khảo sát mới”.
Tàu ngầm của Trung Quốc ở Hoàng Sa?
Facebooker Bình Thế Nguyễn viết: Hình ảnh nghi vấn. Đó là “một hình ảnh được
lan truyền trên mạng về việc tàu ngầm lớp XIA 092 của Trung Quốc nổi
lên gần một nhóm tàu cá Quảng Ngãi tại quần đảo Hoàng Sa tháng 9 năm 2019…
Nếu tấm hình này là thật, cùng với video clip Tàu sân bay Liêu Ninh, thì đây sẽ
là hình ảnh đầu tiên về tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc trên Biển Đông (cụ thể là
Hoàng Sa) do ngư dân VN chụp ở cự ly rất gần”.
Tàu ngầm của Trung
Quốc ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa? Nguồn: Ngư dân cung cấp cho Facebooker Bình
Thế Nguyễn
Trong phần bình luận, ông Bình Thế Nguyễn cho biết: “Xác
định từ tác giả của tấm hình này, đây là hình thật hoàn toàn. Khi tàu cá đang
trong tình trạng không hoạt động, thì tàu ngầm này nổi lên và di chuyển rất chậm
đi ngang nhóm tàu cá. Sau khi chụp, các tàu cá đều bỏ chạy và tàu ngầm này
không có hoạt động gì gây hấn với các tàu cá Quảng Ngãi và nó di chuyển ngược
chiều với các tàu cá. Có thể nó đang huấn luyện hoặc tuần tra. Kính tiềm vọng
trên tàu có chĩa về hướng nhóm tàu cá”.
Mời đọc thêm: Ngoại
trưởng Philippines kêu gọi tẩy chay phim có ‘đường lưỡi bò’ (Zing).
– Bộ trưởng Ngoại giao Philippines: Nên cắt bỏ đoạn phim có đường
lưỡi bò trong phim Người Tuyết bé nhỏ (RFA). – Ai để lọt ‘đường lưỡi bò’ phi pháp? (ĐĐK).
– “Người tuyết bé nhỏ” và “Điệp vụ Biển Đỏ”: Khi người kiểm
duyệt, nhặt lỗi lại chính là khán giả! (TĐ). – Một giây hay mấy giây, chủ quyền đất nước đều không thể lơ
là (NNVN). – Vụ phim có “đường lưỡi bò”: Cần nghiêm khắc kỷ luật Hội đồng
duyệt phim (NĐT).
– Nguyễn Phú Trọng: “Không nhân nhượng”, nhưng “khôn khéo” về
Biển Đông (RFI). – Việt Nam sẽ để Trung Quốc cùng khai thác dầu khí ở bãi Tư
Chính? (RFA). Có lẽ vậy, bởi vì: Bí thư TP HCM: Việt Nam ‘không thể’ quay lưng với Trung Quốc (VOA).
– Khẳng định quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển
Đông (LĐ).
– Vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa an ninh khu vực (TN).
– Tham vọng Biển Đông của Trung Quốc đe dọa làm gián đoạn tuyến
đường hàng hải huyết mạch của thế giới (ANTĐ). – Biển Đông: Việt Nam lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền tại
hội nghị ASEAN (RFI). – Các nước ASEAN quan ngại về tình hình Biển Đông (TT).
– ASEAN – Trung Quốc họp về biển Đông: Ảnh hưởng tiêu cực từ vi phạm của
Trung Quốc (NLĐ).
No comments:
Post a Comment