Tuesday, 15 October 2019

RÒM vs. XÍCH LÔ & NHỮNG CÁI "ÁN TREO" (Lê Hồng Lâm)





Một tin vui sáng thứ 7 đến từ LHP Quốc tế Busan: Ròm, bộ phim độc lập của Trần Dũng Thanh Huy, dù đang bị một cái "án treo", đã chiến thắng giải cao nhất của Hạng mục New Currents tại LHP Busan 2019, chia giải cùng với một bộ phim khác là Haifa Street của Iraq-Qatar.

Trưởng BGK của hạng mục này, đạo diễn người Anh Mike Figgis (tác giả của bộ phim từng nhận 4 đề cử Oscar là Leaving Las Vegas) đã nhận xét về Ròm khá ngắn gọn như sau: "Việc sử dụng các bối cảnh thực tế và sống động trong Ròm đã gây ấn tượng mạnh với BGK và để lại một cái một cái kết làm thỏa mãn".

Như vậy là bộ phim mất 7 năm tuổi trẻ vật vã của Trần Thanh Huy đã vượt qua "cửa tử" của điện ảnh nước nhà và chiến thắng tại một hạng mục quan trọng và chính danh (chứ không phải bên lề) tại một LHP Quốc tế quan trọng. Trong khi số phận của nó tại quê nhà vẫn chưa được định đoạt.

Hôm xem bản chiếu thử cách đây hơn 2 tháng mà Huy tổ chức cho một nhóm nhỏ xem tại SG, cậu có nói là "bản anh xem này có thể không giống với bản cuối chiếu ở VN." Lúc đó cậu vẫn nghĩ bộ phim này vẫn lọt qua cửa kiểm duyệt nhưng có thể bị cắt xén nhiều, nên mới tổ chức một buổi chiếu nhỏ cho bản final sau 17 lần dựng mà Huy có vẻ hài lòng nhất.

Bản phim tôi xem chỉ dài 79 phút, ngắn hơn nhiều so với các bộ phim chiếu rạp ở VN hiện tại, nhưng vẫn gây một cảm giác căng thẳng, ngột ngạt và đôi lúc rối rắm - đặc biệt ở phần giữa của bộ phim. Nhưng nó gây ấn tượng mạnh và khiến tôi liên tưởng ngay lập tức đến Xích lô của Trần Anh Hùng, đạo diễn ảnh hưởng nhiều đến Huy và giữ một vai trò quan trọng trong bộ phim dài đầu tay của cậu.

Ròm, dù không phải là một bộ phim khốc liệt pha trộn với chất thơ và những ẩn dụ gây bối rối cho người xem như Xích lô nhưng lại có nhiều điểm tương đồng. Đó đều là hai bộ phim của những kẻ nghèo hèn, vật vã sống và mưu sinh trong một thành phố đông đúc và hỗn tạp, nơi mà những thân phận của những kẻ bên lề càng lúc càng bị đẩy xuống tận cùng dưới đáy xã hội. Ròm và thằng lái xích lô đều có hai gương mặt như bước lên từ địa ngục, từ bối cảnh xuất thân, sự quẫn bách quẫy đạp của mưu sinh và dần dần bị đẩy vào bạo lực - không thể khác. Tôi cũng thấy ở Ròm những hiệu quả về thị giác mà Xích lô đã quá thành công. Máu và mồ hôi, bùn nhơ và nước đọng, khu ổ chuột và cống rãnh hôi hám trở thành những thứ đặc quánh lại, nơi mà hai nhân vật này càng cố ngoi lên thì càng bị lún xuống.

Nhưng có nhiều điểm Ròm khác Xích lô. Nếu Xích lô của Trần Anh Hùng là một bộ phim do Pháp sản xuất, có kinh phí tới 8 triệu đô, set-up bối cảnh cực kỳ công phu và mời được cả ngôi sao của Hongkong Lương Triều Vỹ cho một vai quan trọng, thì Ròm của Trần Dũng Thanh Huy là một bộ phim độc lập đúng nghĩa. Bộ phim như Huy nói, được quay hơn 80 ngày (điều mà chắc chưa có bộ phim Việt Nam nào dám làm) và như Huy nói, "cả đoàn phim đều ở trong tình trạng ngẫu hứng, có thể quay bất cứ lúc nào và hầu hết đều sử dụng bối cảnh thật".

Nếu nội dung bộ phim đôi lúc gây cảm giác rối rắm và khó hiểu, hiệu quả thị giác mà bộ phim mang lại thực sự ép phê mà lâu lắm rồi tôi mới được xem. Những góc máy hiệu quả và gây chuột chằng chịt (đến mức sống ở SG hơn 12 năm mà tôi không hình dung nổi nó nằm ở đâu). Cho dù ấn tượng mạnh, đặc biệt là những cảnh rượt đuổi giữa hai nhân vật Ròm và Phúc trong khu phố ổ một cây bút phê bình quốc tế so sánh Ròm với City of God của Brazil hay Slumdog Millionaire của Anh, nhưng lắm lúc, những cảnh phim trong khu ổ chuột vừa hiện thực vừa "siêu thực" này khiến tôi liên tưởng đến bộ phim Blade Runner của Ridley Scott, cho dù bộ phim của Scott thiên về sci-fi và mô tả một thế giới vị lai, còn Ròm của Huy là một bộ phim về hiện thực của một đất nước thuộc thế giới thứ ba nhiều tăm tối. Cảnh cuối của bộ phim này - cuộc rượt đuổi điên dại và bạo lực giữa Ròm và Phúc (gần như hai nhân vật này rượt đuổi xuyên suốt cả phim) trên đường phố đông đúc hỗn tạp còn ấn tượng hơn nữa, đặc biệt là tính "bất khả thi" của nó.

Ròm, dù phát triển từ bộ phim ngắn 16:30 của Huy nhưng hoàn toàn khác nhau. Nếu bộ phim ngắn, dù là câu chuyện của một đứa trẻ bán kết quả dò xổ số đường phố, nhưng để lại một cái kết theo hướng "nhân văn". Rõ ràng là bộ phim ngắn của Huy đoạt rất nhiều giải thưởng trong nước và là cơ hội để đưa cậu đến với Cannes, đến với Hollywood. Còn với Ròm, sau khoảng thời gian 7 năm vật vã trưởng thành, bộ phim không còn hướng đến một cái kết làm hài lòng giới kiểm duyệt nữa. Hiện thực trong Ròm khốc liệt tăm tối và gần như không lối thoát - cho những thân phận nghèo dưới đáy. Bối cảnh khu phố ổ chuột chờ giải tỏa trong Ròm như chực chờ một mồi lửa để bùng cháy và thiêu rụi tất cả. Bạo lực và cái ác trong Ròm đang chực chờ để bùng phát.

Thế nên, tôi không lạ gì khi đọc đoạn nội dung công văn số 637/ĐA-PBP của Cục Điện ảnh về việc phim Ròm "thi chui" Liên hoan Phim Quốc tế Busan 2019.

"Phim phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào những con số may mắn để trúng lô, đề. Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bao lực xuyên suốt bộ phim, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn. Câu chuyện phim diễn ra tại TPHCM nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chức năng. Đồng thời, phim cũng thể hiện nhiều thông tin tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị - xã hội, thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hoá, con người Việt Nam."

Chỉ tiếc, họ không đủ dũng khí để nhìn vào hiện thực để thấy những tăm tối, tiêu cực về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam - ở một góc nào đó của thời hiện tại mà bộ phim tái hiện qua góc nhìn nghệ thuật của một đạo diễn trẻ đầy dũng khí hoàn toàn có thật. Hoặc nữa, đó chỉ là một góc nhìn nghệ thuật của một đạo diễn ngược dòng số đông. Không ai xem City of God mà nghĩ rằng cả đất nước, văn hóa, con người Brazil tăm tối, tiêu cực cả. Không ai xem The Godfather, Goodfellas mà phán xét đất nước Mỹ bị thao túng bởi băng đảng, mafia, bạo lực cả. Cũng như không ai xem xong Parasite mà phán xét một đất nước Hàn Quốc ngày càng bị chia rẽ bởi giàu nghèo cả.

Thế thì đừng trách một nền điện ảnh bị trói trong vòng kim cô an toàn và "không ra được thế giới". Bởi, ra được với thế giới, thậm chí đoạt những giải thưởng cao nhất như Xích lô, như Ròm rồi phải chịu một cái án treo không biết đến bao giờ mới được cởi mà thôi.


------------------------------------------


Điện ảnh Việt Nam kém phát triển chủ yếu là do chính sách. Luật Điện ảnh Việt Nam có mấy cái dở sau:

Thứ nhất, hạn chế sự giao lưu của những người làm điện ảnh trong và ngoài nước.
Người ta đặt ra những thứ giấy phép khá kỳ khôi như hãng phim nước ngoài đến Việt Nam hợp tác với nhà sản xuất trong nước để quay phim thì phải nộp kịch bản cho Bộ Văn hoá thẩm định. Cơ quan này có đồng ý thì hãng phim nước ngoài mới được làm phim.

Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của hãng phim nước ngoài, nếu họ muốn làm một bộ phim lấy cảnh quay ở Châu Á, họ sẽ đến Việt Nam hay đến Thái Lan? Đến Việt Nam, họ phải xin phép lên xin phép xuống, thậm chí bị yêu cầu chỉnh sửa kịch bản, hoặc không cho vào. Còn đến Thái Lan thì được ưu tiên cấp visa, tạo điều kiện thủ tục hải quan mang máy móc thiết bị vào, được ưu đãi thuế.

Người đặt ra những giấy phép đó chắc lo ngại nước ngoài vào quay cảnh gì đó không đẹp của Việt Nam rồi chiếu cho cả thế giới thấy, làm xấu đi hình ảnh đất nước. Nhưng chính cái nỗi sợ mơ hồ đó khiến người ta đặt ra rào cản và rồi thì kể cả những cái đẹp của Việt Nam cũng khó mà được thế giới thấy.

Cảnh quay mới chỉ là một vấn đề nhỏ. Quan trọng hơn là sự hợp tác giữa những nhà làm phim trong nước và nước ngoài trong cùng một dự án để chúng ta có thể học hỏi kỹ thuật, kỹ năng, phương pháp quản lý, công nghệ thì cũng sẽ bị cắt đứt.

Chúng ta có quy định về hạn mức chiếu phim Việt tại các rạp và trên truyền hình. Quy định này học của nhiều nước khác. Nhưng trong điện ảnh, số lượng luôn chỉ là thứ yếu so với chất lượng. Số lượng phim Việt có thể vẫn nhiều, nhưng chất lượng phim của chúng ta sẽ không thể cao nếu không học hỏi được từ nước ngoài.

Thứ hai, kiểm duyệt phim thái quá.
Phim là công việc đòi hỏi sáng tạo, và không có gì giết chết sáng tạo nhanh bằng kiểm duyệt. Tôi hiểu rằng, kiểm duyệt nội dung là điều mà bất kỳ nước nào cũng có, kể cả tự do như Mỹ thì cũng cần có kiểm duyệt để dán nhãn phim bảo vệ trẻ em khỏi những cảnh khiêu dâm, bạo lực. Phim ở Thái Lan cũng bị kiểm duyệt để ngăn cản những nội dung xúc phạm nhà vua.

Nhưng kiểm duyệt ở Việt Nam bị thái quá ở 2 điểm, độc quyền và tuỳ tiện.

Một là, Hội đồng quốc gia độc quyền thẩm định phim trước khi cho phép chiếu. Sự độc quyền mà quyền lực lại định tính này khiến những nhà làm phim sống dở chết dở.

Nó khác với lĩnh vực xuất bản, nếu bạn viết sách, mang đến nhà xuất bản A mà bạn thấy họ làm việc không tốt thì bạn có thể mang đến nhà xuất bản B. Dù chưa thực sự cạnh tranh hoàn hảo, những có cạnh tranh vẫn khiến các nhà xuất bản phải phục vụ tốt hơn.

Hai là, đáng ra, mục đích của việc kiểm duyệt là loại bỏ những nội dung cực đoan như khiêu dâm, bạo lực, thù địch… Việc kiểm duyệt không nhằm đánh giá hay dở (dở mà không khiêu dâm, bạo lực vẫn phải được qua), cũng không đánh giá tính chính xác khi phản ánh lịch sử hay xã hội (miễn là không có mục đích thù địch).

Cách kiểm duyệt Bụi đời Chợ lớn và Ròm cho thấy sự can thiệp vô lối của những người thẩm định phim vào những yếu tố không hề đáng làm. Còn với những bộ phim khác thì chuyện cắt cảnh, bắt sửa lời thoại với những lý do giời ơi đất hỡi diễn ra thường xuyên.

Hoạt động kiểm duyệt trên khiến cho việc đầu tư cho phim trở nên rất rủi ro, thời gian kéo dài, và rất mệt mỏi đối với cả nhà đầu tư lẫn nghệ sĩ. Đầu tư làm phim đã vốn là đầu tư mạo hiểm, kiểm duyệt vô lối khiến mức độ mạo hiểm của nhà đầu tư tăng lên gấp bội. Rủi ro thế thì ai dám bỏ tiền?








No comments:

Post a Comment

View My Stats