Friday, 25 October 2019

MỸ, ÚC LO NGẠI VIỆC TRUNG QUỐC TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ VÀO THÁI BÌNH DƯƠNG (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
25 tháng 10 2019

Solomon, một đảo quốc Thái Bình Dương, hôm 24/10, bất ngờ tuyên bố, sẽ hủy việc cho Trung Quốc thuê một hòn đảo ở nước này vì "trái luật."

Động thái này diễn ra sau khi có nhiều lo ngại về việc Bắc Kinh phát triển quân sự tại hòn đảo trên, theo hãng tin Reuters.

Thủ tướng Solomon, Manasseh Sogavare (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh tháng 10/2019. THOMAS PETER/GETTY IMAGES

Thông tin về hợp đồng cho với công ty Trung Quốc China Sam Enterprise Group thuê đảo Tulagi ở miền Trung Solomon rộ lên một thời gian ngắn sau khi đảo quốc này tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Hãng tin này dẫn lời khẳng định hợp đồng cho thuê nói trên không đúng luật.

"Thỏa thuận không được văn phòng tổng công tố xem xét trước khi ký- tổng công tố John Muria của Solomon khẳng định hôm 24/10.
"Thỏa thuận này là trái luật, không khả thi và phải bị hủy ngay lập tức," ông Muria nói.

Tulagi từng là nơi đặt các căn cứ của Hoa Kỳ trong Đệ nhị Thế chiến, cũng là cố đô của Solomons, trước khi chuyển đến đảo Guadalcanal.

Thỏa thuận với Tập đoàn Sam Group, ký ngày 22/9, cho phép công ty Trung Quốc phát triển cơ sở hạ tầng trên Tulagi và các đảo xung quanh.
Có trụ sở tại Bắc Kinh, Sam Group là một tập đoàn của nhà nước được thành lập năm 1985; chuyên đầu tư vào công nghệ và năng lượng.
Trong một tuyên bố đưa trên trang mạng, Sam Group cho biết, đại diện của họ đã gặp Thủ tướng Solomons, Manasseh Sogavare đầu tháng 10, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc.
Hợp đồng nói trên đã khiến Đài Loan và Hoa Kỳ chỉ trích, khi cho rằng Bắc Kinh sẽ khiến đảo quốc này lâm vào các khoản nợ.

Yao Ming, phó trưởng phái đoàn ngoại giao Đại sứ quán Trung Quốc tại Papua New Guinea, cho biết trong một cuộc họp tại thủ đô Honomara rằng, họ sẽ đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng, gồm sân vận động thể thao, như một món quà của nước này.
Ông Yao Ming cho rằng, chính Hoa Kỳ và Anh mới có trách nhiệm lịch sử trong việc đưa đảo quốc này lâm vào cảnh khó khăn tài chính.

Yaren, Nauru, nơi tổ chức Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương năm 2018. Diễn đàn này tổ chức giữa mối lo về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng ngày càng tăng của TQ lên khu vực này. MIKE LEYRAL/GETTY IMAGES

Lâu nay, việc Trung Quốc tăng cường đầu tư cũng như viện trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương đã khiến nhiều quốc gia thấy lo ngại.
Các đảo quốc Thái Bình Dương luôn nằm trong ưu tiên chiến lược của các cường quốc, muốn liên minh với các nước này nhằm kiểm soát các vùng biển rộng lớn và giàu về tài nguyên.

Nhiều thập kỷ qua, Úc vẫn là nước viện trợ cho khu vực này nhiều nhất.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung Quốc cũng nổi lên như một nhà đầu tư lớn trong khu vực này.
Nếu Úc viện trợ cho các đảo quốc này thông qua các khoản tài trợ không kèm nghĩa vụ hoàn trả, phần lớn khoản chi của Trung Quốc dưới dạng các khoản cho vay.

Viện Lowy, một tổ chức phân tích chính sách quốc tế độc lập đặt tại Sydney, Úc, từng cảnh báo rằng, 6 đảo quốc Nam Thái Bình Dương bao gồm Quần đảo Cook, Fiji, Papua New Guinea, Samoa, Tonga và Vanuatu đang là con nợ của Trung Quốc.
Theo đó, từ năm 2011 đến năm 2018, Trung Quốc cho các nước này vay 6 tỷ USD, tương đương 21% GDP khu vực.

Báo cáo của viện này đưa ra hôm 21/10 mang tên 'Ocean of Debt?' (Đại dương của nợ nần?), nêu rõ rằng, "Quy mô cho vay của Trung Quốc và tình trạng thiếu cơ chế đảm bảo khả năng trả nợ dẫn tới nhiều nguy cơ lớn."
Viện này kêu gọi Bắc Kinh điều chỉnh lại việc cho vay tại Thái Bình Dương.

Mục tiêu quân sự và ngoại giao của Trung Quốc

Trung Quốc cũng sử dụng đàm phán các khoản vay để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối nội và đối ngoại.
Năm ngoái, có tin Trung Quốc cân nhắc đưa thiết bị quân sự đến một cảng lớn mà nước này đang xây, ở đảo quốc Vanuatu cũng tại Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, khi đó, cả Trung Quốc và Vanuatu đều bác bỏ tin tức trên.

Thủ tướng Scott Morison tuyên bố Úc sẽ đầu tư hơn 2 tỷ đô la để phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường các mối quan hệ quốc phòng trong khu vực Thái Bình Dương. PETER PARKS/GETTY IMAGES

Một báo cáo của Ủy ban đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung năm 2018 cho thấy, một căn cứ hoặc cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương sẽ kiềm chế quân đội Mỹ tiếp cận khu vực, và tăng cường ảnh hưởng đến các đối tác quan trọng của Mỹ, New Zealand và Úc.

Hơn thế, tuy dân số nhỏ nhoi, nhưng mỗi đảo quốc ở Thái Bình Dương cũng là một lá phiếu tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hiệp quốc.

Úc, Mỹ cũng 'tiến vào Thái Bình Dương'

Ông James Borton, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Khoa học ngoại giao thuộc Đại học Tufts (Hoa Kỳ), trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 20/10, cho rằng, các hành động chiến lược của Bắc Kinh tại các đảo quốc Thái Bình Dương là rất đáng lo ngại.

"Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã củng cố đáng kể các mối quan hệ kinh tế với các đảo Thái Bình Dương thông qua thương mại, đầu tư trực tiếp, hỗ trợ phát triển và du lịch. Sự tham gia của Trung Quốc tại các đảo quốc ở Thái Bình Dương có thể đe dọa các lợi ích của Mỹ trong Thỏa ước Hiệp hội tự do được Hoa Kỳ ký với Palau, Quần đảo Marshall và Liên bang Micronesia," ông nói.

Có thể, bởi những lo ngại như vậy, mà hồi tháng 8 năm nay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tới ba đảo quốc Thái Bình Dương - còn gọi là Các quốc gia liên kết tự do (FAS), khu vực có tầm quan trọng chiến lược hơn với Mỹ trong những năm gần đây, nhằm gia hạn thỏa ước chung nói trên nhằm ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo thỏa ước này, quân đội Mỹ có quyền truy cập độc quyền vào không phận và lãnh hải của FAS; đổi lại, ba đảo quốc sẽ nhận được sự hỗ trợ kinh tế từ Washington.

Cũng trong tháng 8, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố, nước này sẽ nâng chính sách tiếp cận khu vực "lên một cấp độ mới," với việc công bố hàng loạt gói đầu tư và cho vay hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương nhằm đẩy mạnh hợp tác an ninh và kinh tế.

Canberra tuyên bố sẽ lập một quỹ hỗ trợ phát triển trị giá hơn 1,45 tỷ USD để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại Đông Timor cùng các quốc gia Thái Bình Dương khác.
Úc cũng lập tạo ra một gói cho vay xuất khẩu trị giá hơn 729 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động đầu tư trong khu vực.
Ngoài ra, Canberra sẽ hỗ trợ tàu tuần tra và hợp tác xây căn cứ quân sự với Papua New Guinea.

Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp Trung tâm Chính sách Châu Á - Thái Bình Dương, RAND Corporation, nhận định với BBC News Tiếng Việt hôm 20/10:
"Úc đã gia tăng ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương thông qua chương trình 'Pacific Step Up' (tạm dịch Bước vào Thái Bình Dương) và chúng ta có thể thấy, những nỗ lực này sẽ còn được gia tăng liên tục; cũng như sẽ có cả những nỗ lực từ Hoa Kỳ để cạnh tranh, và khi có thể, chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc."

-------------------------------

Viễn Đông Daily
24/10/2019

PORT MORESBY - Papua New Guinea vừa ra lệnh đóng cửa vô thời hạn nhà máy Niken trị giá hàng tỷ Mỹ kim của Trung Quốc, vì làm ô nhiễm môi trường biển. Cơ quan tài nguyên khoáng sản (MRA) của Papua New Guinea vào đầu tuần đã ra lệnh cho chủ sở hữu nhà máy Ramu Niken "ngừng hoạt động vì thất bại trong việc sửa chữa các vi phạm về xử lý chất thải.”

Các lỗi từ phía Ramu Niken được MRA chỉ ra gồm hệ thống ngăn bùn tràn kém hiệu quả, bảo trì không đầy đủ và "sự yếu kém của đơn vị khai thác.”

Tuyên bố được đưa ra sau khi bộ phận xử lý bùn của nhà máy Ramu Niken gặp trục trặc hồi tháng 8, khiến bùn đỏ độc hại tràn ra biển Bismarck ở tây nam Thái Bình Dương. Các bãi biển xung quanh khu vực nhà máy cũng chuyển thành màu đỏ.

Hãng Ruma Niken được điều hành bởi Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc, chuyên khai thác và xử lý niken, kim loại được sử dụng nhiều trong ngành sản xuất pin và xe điện. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và quốc gia Thái Bình Dương giàu tài nguyên đang ngày một tốt lên, nhưng vẫn có một số mâu thuẫn về vấn đề an toàn tại một số dự án khoáng sản và cơ sở hạ tầng.




No comments:

Post a Comment

View My Stats