Tuesday, 8 October 2019

MỸ RÚT QUÂN KHỎI SYRIA : TRUMP CẢNH BÁO THỔ NHĨ KỲ (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
08/10/2019

Trump dọa 'xóa sổ' kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu đánh người Kurd

Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ xóa sổ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này "vượt quá giới hạn" sau quyết định bất ngờ rút quân đội Mỹ ra khỏi vùng đông bắc Syria.

Trong một loạt tweet đầy giận dữ, ông Trump đã bảo vệ hành động của mình, mà có thể mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc tấn công binh sĩ người Kurd ở bên kia biên giới.
Việc rút quân đội Mỹ bị các đồng minh Cộng hòa của ông Trump chỉ trích gay gắt.

Lực lượng người Kurd là đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng dân quân người Kurd, nòng cốt của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) vốn là đồng minh của Mỹ, là khủng bố.

Hoa Kỳ có khoảng 1000 quân ở Syria, nhưng hiện mới chỉ có khoảng hai mươi người được rút khỏi khu vực biên giới, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao.

Tổng thống Trump nói gì?

Ban đầu, ông Trump đăng tweet hôm 7/10 rằng ông được bầu để "thoát khỏi những cuộc chiến không hồi kết vô lý này" và rằng "Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu, Syria, Iran, Iraq, Nga và người Kurd sẽ phải tự tìm cách giải quyết vấn đề".

Động thái này diễn ra sau cuộc điện đàm hôm Chủ Nhật với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, sau khi Nhà Trắng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "sớm thực hiện chiến dịch đã được lên kế hoạch từ lâu vào đông bắc Syria" và lực lượng Mỹ sẽ "không còn hiện diện ở khu vực lân cận này nữa".

Sau các cáo buộc từ đồng minh người Kurd của Hoa Kỳ rằng họ đã bị "đâm sau lưng" và những chỉ trích ngay trong chính giới Mỹ, ông Trump đã đăng tải nhiều tweet hôm 7/10, cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được lợi dụng quyết định của ông, và nói rằng ông có thể "phá hủy và xóa sổ" nền kinh tế nước này.

Năm ngoái, Mỹ đã tăng thuế quan lên một số hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ và áp dụng lệnh trừng phạt đối với các quan chức cao cấp của nước này khi mối quan hệ giữa hai quốc gia thành viên NATO trở nên tồi tệ hơn vì một loạt vấn đề.

Sau đó, ông Trump nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ "không nên làm bất cứ điều gì ngoài những gì chúng ta cho là nhân đạo".
Ông cũng nói sẽ có "rắc rối lớn" nếu "bất kỳ người nào của chúng tôi bị thương".
Trong tuyên bố, người phát ngôn Ngũ Giác Đài Jonathan Hoffman nói rằng "Bộ Quốc phòng đã nói rõ với Thổ Nhĩ Kỳ - như tổng thống cũng đã nói - rằng chúng tôi không tán thành chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Bắc Syria".

Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm gì ở Syria?

Tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc gần đây, ông Erdogan đưa ra một bản đồ cho thấy "khu vực an toàn" dài 480km và sâu 30km mà ông muốn Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát dọc biên giới với Syria.
Điều này sẽ tái định cư hai triệu trong số hơn 3,6 triệu người tị nạn Syria hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm thứ Hai 7/10, bộ quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết "tất cả công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã được hoàn tất," và cho biết thêm việc thiết lập khu vực như vậy là "cần thiết" đối với người Syria và cho hòa bình trong khu vực.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều lần đe dọa tấn công binh sĩ người Kurd ở bên kia biên giới phía đông bắc Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng dân quân YPG người Kurd - lực lượng chủ chốt của Lực lượng Dân chủ Syria - là sự mở rộng của Đảng Công nhân Người Kurd bị cấm hoạt động, đấu tranh cho quyền tự trị của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ trong ba thập kỷ.

Căng thẳng tại khu vực biên giới

Phân tích của Orla Guerin của BBC đang ở Akcakale
Ở Akcakale, thị trấn biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, không có dấu hiệu của bất kỳ việc xây dựng quân sự nào của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ở cả hai bên của bức tường biên giới đều có cảm giác rằng một cuộc tấn công đang, và có lẽ sẽ sớm diễn ra.
Không có dấu hiệu nào cho thấy sự gia tăng những lo ngại quốc tế sẽ làm thay đổi kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ về việc thiết lập "khu vực an toàn".

Hàng chục máy quay TV - địa phương và quốc tế - hiện được đặt trên bức tường biên giới. Đối với dân thường và người tị nạn ở phía bên kia, đông bắc Syria, có những lo ngại thực sự về một cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay cả khi nó bị giới hạn về phạm vi - và không rõ sẽ giới hạn hay không - thì nó có thể gây ra sự di chuyển lớn.

Và điều gì sẽ xảy ra với hàng ngàn tù binh IS đang bị giam giữ trong các trại giam giữ do người Kurd cai quản? Người phát ngôn của Lực lượng Dân chủ Syria nói với BBC rằng nếu cuộc tấn công nổ ra họ sẽ phải tập trung tự vệ và sẽ phải rút một số lực lượng ra khỏi các nhà tù, và các khu vực mới được giải phóng gần đây khỏi IS.

Trại tị nạn Al-Hol nằm ở đông bắc Syria.  GETTY IMAGES

Tình hình trại tị nạn ở biên giới

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) điều hành nhiều trại tị nạn cho người di cư và tổ chức các trại tập trung cho gia đình của những người bị nghi là chiến binh IS cả ở bên trong và ngoài "khu vực an toàn" do Thổ Nhĩ Kỳ đề xướng.

Người thân của những người bị nghi là chiến binh IS được giữ tại Ain Issa và Roj nằm trong khu vực, mặc dù tại tập trung lớn nhất nằm ở al-Hol, gần biên giới Iraq và cách Thổ Nhĩ Kỳ 60km về phía nam. Al-Hol giữ 70.000 người, hơn 90% là phụ nữ và trẻ em, bao gồm 11.000 người nước ngoài.

Khoảng 12.000 người bị nghi là chiến binh IS, một phần ba là người nước ngoài, bị giam giữ trong bảy nhà tù nằm ở phía nam, gần thành phố Raqqa của Syria.

Chính quyền do người Kurd lãnh đạo nói rằng họ sẽ không truy tố phụ nữ và trẻ em đang bị giam gữ và cho đến nay có rất ít hành động của cộng đồng quốc tế để hồi hương bất kỳ người nước ngoài nào.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản các khu vực do SDF kiểm soát, Nhà Trắng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu trách nhiệm với tất cả binh sĩ IS bị giam giữ ở đây.

Nhưng nếu các chiến binh SDF đang bảo vệ các trại và nhà tù bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công, khả năng và mong muốn ở lại của họ rõ ràng sẽ bị đặt câu hỏi và các chính quyền châu Âu nói riêng lo sợ các chiến binh thánh chiến và gia đình của họ có thể trốn thoát và tìm cách trở về quê hương.

Trại tị nạn ở biên giới Thổ - Syria. BBC

Phản ứng trong nước Mỹ về việc rút quân là gì?

Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell, thành viên lãnh đạo của Đảng Cộng hòa trong Quốc hội,là một trong số những người chỉ trích quyết định này. Ông nói rằng "việc rút quân đội Mỹ bất ngờ khỏi Syria sẽ chỉ có lợi cho Nga, Iran và chế độ Assad".

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham, đồng minh thân cận của tổng thống, gọi hành động này là "thảm họa đang diễn ra" và lo sợ sự trở lại của Nhà nước Hồi giáo IS.

Các phản ứng khác:

§  Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nói rằng người Kurd "góp phần vào cuộc chiến thành công của chúng ta chống lại" IS và rằng "để họ chết [là] một sai lầm lớn"

§  Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng tổng thống "phải đảo ngược quyết định nguy hiểm này", được bà mô tả là "liều lĩnh" và "sai lầm"

§  Brett McGurk, cựu đặc phái viên tổng thống Mỹ trong liên minh chống IS, nói rằng tuyên bố thể hiện "sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về bất cứ điều gì đang xảy ra".

------------------------------
BBC Tiếng Việt
7 tháng 10 2019






No comments:

Post a Comment

View My Stats