04/10/2019
Tù nhân lương tâm, mang hệ lương (lương tâm,
lương thiện, lương tri) đi tù, vào tù vì lương tâm của mình, như vậy bạo
quyền của độc đảng toàn trị, tà quyền của cơ chế độc trị, ma quyền của công an
trị như đang bỏ tù cả dân tộc, cả đồng bào khi chúng đẩy các tù nhân lương tâm
vào vòng lao lý. Tù nhân lương tâm là tuyến đầu trong cuộc đấu tranh cho nhân
quyền vì nhân phẩm. Tù nhân lương tâm là những đứa con tin
yêu của Việt tộc bằng lương tri của mình: “Sống
lâu mới biết lòng người có nhân!”.
Tù nhân lương tâm nhắc cho dân tộc, cho đồng bào
là nhân quyền luôn có chỗ dựa trên hệ nhân nơi
mà nhân phẩm là gốc của nhân tâm, nhân từ, có
rễ là nhân bản, nhân văn, có cội là nhân tính, nhân lý,
làm nguồn cho nhân tri, nhân trí, tất cả cùng bồi đắp
cho nhân vị. Tù nhân lương tâm chấp nhận: tù đày, tra tấn, nhục
hình, truy sát… để đưa cả hệ nhân này vào nhân đạo,
để đi trọn con đường từ nhân ái tới tận nhân nghĩa,
tù nhân lương tâm là những đứa con kiên cường của Việt tộc bằng quyết tâm
của mình: “Đường mòn nhân nghĩa chẳng mòn!”.
Tù nhân lương tâm: tù vì chính kiến?
Tù nhân lương tâm, theo định nghĩa quốc tế, là những
công dân một sớm một chiều thành tù nhân, vì họ có chính kiến hoặc chống lại,
hoặc khác biệt với ý thức hệ, với chế độ đang cầm quyền không tôn trọng tự do
ngôn luận. Như vậy, ý thức hệ độc tôn để độc tài, chế độ độc trị để độc quyền,
mà trong trường hợp của Việt Nam hiện nay là độc đảng để độc quyết chính là
nguyên nhân cùng lúc là thủ phạm sinh ra, tạo ra, chế ra hiện tượng: tù
nhân lương tâm!
Hiện tượng: tù nhân lương tâm không
có trong các quốc gia tôn trọng văn minh của dân chủ, quý trọng văn hiến của
nhân quyền, như vậy hiện tượng này chỉ có trong hiện tình của một quốc gia như
Việt Nam hiện nay là độc đảng-toàn trị, trong đó hoàn toàn không
có tam quyền phân lập, để có một nền tư pháp biết
lấy công pháp dựa trên công lý để giải luận
rõ ràng về sự công bằng giữa các chính kiến.
Từ đây, mọi lý luận đều dẫn đến một lập luận là: bạo
quyền độc đảng-toàn trị phải bỏ tù, mà không qua đối thoại để đối luận, thì bạo
quyền này được nuôi dưỡng bởi: tà kiến! Chính tà kiến tới
từ tà quyền được giáo dưỡng bởi bạo quyền độc đảng-toàn trị đã
vạch ra tà lộ cho thượng tầng lãnh đạo bằng ngục lộ để
dựng lên nhà tù, rồi đẩy các công dân yêu nước thương nòi, quý dân chủ, trọng
nhân quyền vào vòng lao lý. Khi lý luận, lập luận, giải luận xong thì cùng nhau
tới một diễn luận là hiện tượng tù nhân lương tâm, có nguyên
nhân của đấu tranh giữa hai thế lực:
·
Chính kiến đúng chống tà kiến sai đang cầm quyền bằng cái ác!
·
Chính kiến hay chống tà kiến tồi đang cầm quyền bằng cái độc!
·
Chính kiến đẹp chống tà kiến xấu đang cầm quyền bằng cái dở!
·
Chính kiến tốt chống tà kiến tục đang cầm quyền bằng cái bẩn!
·
Chính kiến hay chống tà kiến tồi đang cầm quyền bằng cái hiểm!
Hiện tượng: tù nhân lương tâm luôn
là cuộc đấu trí giữa:
·
Lương tâm chống lại bạo quyền lãnh đạo.
·
Lương thiện chống lại tà quyền tham quan.
·
Lương tri chống lại ma quyền tham quyền.
Chính hệ lương (lương tâm, lương thiện,
lương tri) làm nên định nghĩa, có định đề làm nền cho định luận của hiện
tượng tù nhân lương tâm, tại đây tù nhân vì
chính kiến của chính nghĩa đã làm đẹp cụm từ lương tâm, làm
thăng hoa nhân cách của tù nhân, vì tù nhân chính
là chủ thể của lương tri.
Tù nhân lương tâm: tù vì ý thức?
Tù nhân lương tâm, qua tên gọi quốc tế là prisonnier
de conscience, mà conscience là ý thức, nếu
bị một bạo quyền lãnh đạo mang tà lực của âm binh bỏ tù mình bởi mình có ý thức,
thì đây là định nghĩa, định đề, định luận khác, cũng thật đẹp. Vì trong ngữ văn
cũng như ngữ pháp cả hai ngữ vựng: lương tâm và ý thức đều
đẹp vì cả hai đại diện cho đạo lý đúng, hay, tốt, lành để đối
diện rồi trực diện trước cái phản đạo lý xấu, tồi, tục, dở đến
từ cái phản luân lý thâm, độc, ác, hiểm trong cuộc sống.
Định nghĩa thế nào là tù nhân lương tâm cần
cả hai gốc, rễ, cội, nguồn của hai hệ:
·
Hệ lương (lương tâm, lương thiện, lương tri).
·
Hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức,
nhận thức, tỉnh thức).
Tại đây, kiến thức xuất hiện để xóa
vô tri, tri thức có mặt để loại vô minh, trí thức hiện
diện để bứng vô nghĩa, ý thức ra đời để gạt đi vô cảm, nhận
thức đứng lên để vùi vô tâm, làm nên tỉnh thức từ
lương tâm tới lương tri. Tại đây, chọn lựa của các đứa con tin yêu của Việt tộc,
vừa cõng hệ lương (lương tâm, lương thiện, lương tri), vừa bồng
hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức, tỉnh thức) tạo
nên một sung lực cho quần chúng, cho xã hội, sung lực đó chính là hùng lực của
sự phản tỉnh.
Sự phản tỉnh ngay khi tỉnh
giấc là đồng bào, dân tộc đã qua ác mộng của tà lộ được tà quyền vẽ ra
qua ngu dân bằng tuyền truyền, qua áp chế, khủng bố, trù dập của một chế độ lấy
công an trị để gieo cái sợ, dùng cái sợ để truy hủy sung lực của tỉnh thức, để
truy diệt hùng lực của sự phản tỉnh.
Hãy lý luận tiếp để lập luận thêm là:
·
Bạo quyền lãnh đạo không sợ sự thật, nó chỉ sợ sự thức
tỉnh.
·
Tà quyền tham quan không sợ chân lý, nó chỉ sợ sự phản
tỉnh.
·
Ma quyền tham quyền, không sợ lẽ phải, nó chỉ sợ sự tỉnh
giấc.
Chính các tù nhân lương tâm đại diện cho cả ba:
·
sự thức tỉnh trước bất công.
·
sự phản tỉnh trước bất luân.
·
sự tỉnh giấc trước bất nhân.
Tù nhân lương tâm: tù vì công lý?
Trần Thị Nga là tù nhân lương tâm, mà chúng ta nhận ra quá trình của lương thiện vừa
là vốn của nhân phẩm, vừa là động cơ cho đấu tranh vì công bằng và dân chủ, để
mở rộng chân trời của lương tâm biết dấn thân vì đời, vì người, với lương tri của
nhân bản để có nhân vị xứng đáng cho nhân vị trong một chế độ độc đảng toàn trị.
Chính chị là nạn nhân của chính sách xuất khẩu lao động, một sách lược khốn kiếp
của lãnh đạo độc tài đã và đang vùi lấp nhân phẩm Việt, khi con dân Việt một sớm
một chiều trở thành: lao nô, nô tỳ cho các nước láng giềng.
Tồi tệ như bọn lãnh đạo là tay chân của chúng là bọn
làm môi giới, tha hồ vơ vét tiền hối lộ của các con dân Việt thất nghiệp đã
túng quẫn tới đường cùng, lại phải chi tiền cho chúng mới được đi ra nước ngoài
làm loại lao động rẻ tới tận cùng của mạt vận. Bọn lãnh đạo thì đầu cơ chính
sách, bọn môi giới thì đầu nậu buôn người, chúng chính là loại ký sinh trùng
bòn rút sinh lực đồng bào, một loại ký sinh đang nắm quyền, cầm quyền, và bám
quyền để vơ vét cho tới ngày chúng bị mạt vận trong ma trận của chính chúng dựng
lên. Và cũng chính chúng đã ép bản án 9 năm tù giam, 5 năm tù treo, trên cuộc đời
của chị.
Hãy nhận diện các hằng số trong phương trình lương
thiện-lương tâm-lương tri của Trần Thị Nga từ nhà đấu tranh cho công bằng
xã hội tới chủ thể đấu tranh toàn diện trên mọi bất công xã hội: đấu tranh để bảo
vệ các nạn nhân trong chính sách xuất khẩu lao động mà thực chất là thực hiện một
chế độ nô lệ mới mà chính chị cũng là nạn nhân, mà thân thể hiện đang mang
thương tật trên đoạn đường làm nô lệ này. Khi trở về đất Việt, Trần Thị Nga tiếp
tục đấu tranh chống chính sách xuất khẩu lao nô, cùng lúc ủng hộ các phòng trào
bảo vệ môi trường, trực diện với bạo quyền để đấu tranh chống ô nhiễm do
Formosa gây ra. Chị còn đứng cạnh, đứng kề cùng dân oan chống bọn tà quyền tham
quan, ma quyền tham đất, cả hai chúng chỉ biết tham tiền đang chủ trì ma sách
nheo nhóc hóa Việt tộc.
Phương
trình lương thiện-lương tâm-lương tri đấu tranh cho công bằng
xã hội, ở bất cứ nơi nào có bất công, sau cùng Trần Thị Nga đã tới đấu tranh vì
tự do, vì nhân quyền và dĩ nhiên vì dân chủ. Hãy nhận diện các
chỉ báo mà Trần Thị Nga phải trả giá trước bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tư
pháp, ma quyền công an: chị đã bị hành hung và bọn công an đã đánh chị gẫy
chân, với hình ảnh của hơn 20 công an truy sát, đánh đập một phụ nữ thân cô, thế
cô. Chúng cô lập, khủng bố, ngăn chặn chị đi lại, không cho chị đưa các con về
quê thăm ông bà, cản ngăn chị không cho chị đưa các con đi ăn ngoài phố. Còn
bao nhiêu điều nữa từ thối nát của tư pháp tới thối tha của công an, khi chúng
không cho chồng con của chị tới thăm chị trong nhà tù. Và, chị đã trả lời với
chúng là: “Tôi chỉ làm những điều đúng luật pháp, đúng đạo đức…”. Đây
là định nghĩa của lương tâm, định đề của lương thiện, định luận của lương tri.
Tù nhân lương tâm: tù vì đa lý?
Tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình, có mặt trên hai trận tuyến đấu
tranh cho xã hội, một tại công đoàn, hai trong phong trào bảo vệ môi trường sau
đại nạn ô nhiễm miền trung do Formosa gây ra, anh bị bắt và phải nhận một bản
án vô nhân là 14 năm tù, với hai hành động bảo vệ tự do cho công đoàn, bảo vệ
môi trường cho đồng bào. Đấu tranh trên hai mặt trận của xã hội dân sự, thì đối
với bạo quyền lãnh đạo đã là đa lý, vì tà quyền độc đảng rất sợ các
chủ thể đa lý, vì họ đa tài, đa năng, đa hiệu và
nhất là đa trí trong công cuộc đấu tranh vì công bằng và tự
do.
Hàng chục người đến phiên tòa của anh, đều bị chặn lại
và hành hung, và trước bản án quá nặng của bạo quyền độc đảng dùng tà quyền tư
pháp để buộc tội anh 14 năm tù, những ai được vào phiên tòa hôm đó đều nhận ra
nhân cách liêm chính, phong cách bình tĩnh, tư cách nghiêm túc của anh. Luật sư
của anh Hoàng Đức Bình cũng ngỡ ngàng trước sự thiếu vắng chứng cớ, chứng từ,
chứng nhân… để tòa án bất nhân này có thể buộc tội anh tới 14 năm tù. Những ai
được vào tham dự phiên tòa đều nực cười với bản án mà nguyên nhân
là: “lợi dụng tự do dân chủ để chống lại người thi hành công vụ”. Trước
nhân cách rất liêm sỉ đường đường chính chính của Hoàng Đức Bình, thì cáo trạng
này của tòa án đã lột mặt nạ bọn bạo quyền lãnh đạo chỉ đáng là bọn xảo ngôn
trong điếm lộ, đã lột trần bọn tà quyền tư pháp chỉ là đám gian nghiệp trong điếm
phận.
Trước và sau bản án tù 14 năm, phải nhắc tới bà mẹ của
anh cương nghị trong quyết đoán: con của bà là Hoàng Đức Bình là người tốt, làm
việc đúng với lương tâm, và biết rõ là còn nhiều hoạn nạn sẽ tới với thể lực,
tâm lực, trí lực của đứa con, bà dặn con là bà hiểu rõ sự can đảm cùng công cuộc
dấn thân của con, bà biết con bà hy sinh vì đồng bào, đồng loại. Tiếng bà nói
rõ, giọng bà vang vang để sự thật, chân lý, lẽ phải, cùng nhau song hành luôn
có mặt trong nguồn sống của con của bà. Bà còn dặn theo con là bà sẽ rất hiểu nếu
trong cuộc dấn thân vì người, vì đời mà con bà phải hy sinh, thì bà là người
hơn ai hết hiểu rõ tình thương của con bà đối với dân tộc, quê hương.
Trong lao tù tại nhà tù An Điền tỉnh Quảng Ngãi, với
điều kiện lao lý khác nghiệt, thể lực của anh đã suy kiệt với các chứng bịnh mới
xuất hiện, mà cai tù không hề tạo điều kiện cho anh chữa trị, trong đó có chứng
bị mờ mắt vì đã bị nhốt trong phòng tối quá lâu ngày. Hành hạ tù nhân lương tâm
bằng những bản án dài, hành sát tù nhân lương tâm bằng điều kiện lao lý của loại
địa ngục trần gian, nơi mà nhân quyền là chướng ngại vật luân lý mà bọn bạo quyền
lãnh đạo xảo ngôn trong điếm lộ, cùng bọn tà quyền tư pháp gian nghiệp trong điếm
phận không sao vượt qua được, chúng ta hãy chọn một mô thức giải luận của
KHXHNV để phân tích hành động của bọn này: đốn mạt vận trong mạt vận kiếp!
Tù nhân lương tâm: tù vì đa lương?
Trong cái ác của bạo quyền, trong cái thâm của tà
quyền, trong cái độc của ma quyền là sự vô tâm của chúng đã “sản xuất” ra
lương tri, khi chúng đưa những người lương thiện vào vòng lao lý, đó là trường
hợp của tài xế Nguyễn Nam
Phong. Khi anh dũng cảm đưa một linh mục đi khiếu kiện bọn gây ô nhiễm tồi
tệ Formosa luôn được bạo quyền lãnh đạo buôn dân bán nước bao che, và anh đã bị
bắt, bị lãnh án tù bằng một phiên tòa bất lương, vô nhân. Trong bán án kết tội
anh, thì bọn quan tòa bất nhân của tòa án vô luân đã kết tội anh là đã: “chống
đối những người đang thi hành công vụ!”. Vu khống để vu cáo rồi vu họa
lên kẻ lương thiện, đó là hành vi giờ đã thành phản xạ của tà quyền, mà sự thật
là anh chỉ làm công việc của nghề nghiệp và lương tâm là lái xe đưa linh mục
Nguyễn Đình Thục đi kiện bọn sát diệt môi trường Formosa đã giết môi sinh của
các tỉnh miền Trung, làm bao triệu đồng bào vào vòng họa lộ trước biển chết.
Những ngày tháng trong tù là những ngày mà anh là nạn
nhân của những cuộc tra tấn tàn bạo, dã man của những tên công an cai ngục,
ngày ngày chúng đóng vai đồ tể để tra tấn bằng đòn thù trong ý đồ hành xác tại
nhà tù Nghi Kim, tỉnh Nghệ An. Bọn cai ngục đồ tể này đã đánh đập anh bị chấn
thương rồi nội thương nặng máu luôn chảy từ lỗ tai của anh cho tới nay. Những
đòn thù của tra tấn, luôn song hành bằng hành vi tồi tệ của âm binh âm giới nơi
chỉ có cái ác xuất hiện ở dạng điếm nhục nhất. Cụ thể là khi bọn công an tra tấn
anh thì chúng đưa ảnh của Hồ Chi Minh rồi bắt anh chào, và sau đó là những trận
đòn chỉ để gây nội thương lâu dài, với các lời nhục mạ vô liêm sỉ, với những lời
phỉ báng bất nhân nhất.
Những ngày tháng trong tù đày là những ngày tháng bị
tra tấn bằng đòn thù mà cũng là những ngày tháng bị lao động vất vả như một cực
hình khác song lứa cùng tra tấn. Bạo quyền không hề có tư duy để lý luận là khi
tù đày song lứa cùng tra tấn rồi song đôi cùng lao động như nhục hình thì chính
tại đây khi cái ác cặp kè cùng cái độc và cái hiểm, thì nó càng làm anh dấn bước
thêm mạnh để cùng song hành cùng đồng bào Nghệ Tĩnh của anh.
Trong lao tù, anh phải sống với những thử thách mới
dồn dập tới: vợ của anh là chị Nguyễn Thúy Hạnh thông báo là con gái của anh là
cháu Nguyễn Hải Giang bị ung thư ở giai đoạn trầm trọng… Cháu Nguyễn Hải Giang
đã không được cứu chữa đúng lúc… Cái kết xấu đã tới với gia đình anh… Cái kết
này đánh thức rất nhiều lương tâm trong quần chúng, trong xã hội, trong và
ngoài nước mà bạo quyền lãnh đạo, tà quyền công an, ma quyền cai ngục không sao
đoán hết được hậu quả một ngày kia sẽ tới với chúng!
Tù nhân lương tâm: đối thủ của bạo
quyền?
Phạm Đoan
Trang chính là biểu tượng của lương tâm trong một chế độ
bất lương, đã khủng bố, truy lùng các chủ thể yêu tự do, trọng dân chủ, quý
nhân quyền; một chế độ đã biến xã hội là một nhà tù khổng lồ với bạo quyền lãnh
đạo độc đảng có quyền sinh sát công dân Việt, ma quyền công an có quyền truy
sát các chủ thể đấu tranh vì công bằng, tự do, dân chủ, nhân quyền. Đó chính là
cuộc đời của Phạm Đoan Trang phải luôn dời chỗ ở, luôn tránh thoát các khủng bố,
bắt bớ của bạo quyền và ma quyền này. Và trong điều kiện phải sống như vô hình
ngay trên đất nước của mình đang bị quản thúc bởi âm binh, thì Phạm Đoan Trang
luôn có một hệ lương (lương thiện, lương tâm, lương tri) sáng ngời.
Chủ thể này hoạt động không ngưng nghỉ từ báo chí tới mạng xã hội, đúng nghĩa
chủ thể của trách nhiệm với đất nước, của bổn phận với đồng bào. Phạm Đoan
Trang còn là chủ thể của sáng tạo các đường lối đấu tranh, của tri thức nhìn xa
trông rộng trước hiện tình của đất nước, với các tư duy sáng suốt mang lại những
phương pháp cụ thể trong đấu tranh chính trị, xã hội, truyền thông… Phạm Đoan
Trang đã là tác giả của ba tác phẩm:
– Chính trị bình dân, giải thích cách sử
dụng từ hiến pháp tới luật pháp trong công cuộc đấu tranh vì dân chủ, với văn
phong rành mạch giúp mọi công dân có ý thức rõ về quyền lợi và bổn phận của
mình.
– Phản kháng phi bạo lực, phân tích
phương pháp đấu tranh bất bạo động làm nên chính nghĩa cốt lõi của mọi công dân
yêu tự do, quý dân chủ, trọng nhân quyền.
– Cẩm nang nuôi tù, hướng dẫn các
công dân, từ gia đình tới bạn bè các cách tiếp cận với một hệ thống tà quyền bằng
man trá, lấy bịp bợm làm phản xạ định chế tới cơ chế của loại nhà tù mà ai đã
qua đều xem là địa ngục trần gian.
Hành động vì lương tâm và hành tác vì lương tri của
Phạm Đoan Trang được các hội đoàn và quốc gia yêu dân chủ, trọng nhân quyền biết
rõ. Từ Hội Ân xá Quốc tế tới Ủy Ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, các chính phủ
dân chủ và hội đoàn vì nhân quyền từ Âu châu tới Bắc Mỹ đều xem Phạm Đoan Trang
là biểu tượng của lòng khao khát công bằng, tự do, dân chủ cho Việt Nam. Và năm
2019 này, họ đã trao giải thưởng cho chị, mà Đức quốc đứng ra tổ chức, một đất
nước thấy, hiểu, thấu rất rõ cái thiếu công bằng, cái vắng tự do, cái mất dân
chủ của Việt tộc hiện nay đang bất hạnh dưới bạo quyền bất lương. Khi vận dụng
các phương pháp luận của khoa học xã hội và nhân văn, nhất là triết học, chính
trị học, xã hội học, tri thức học… thì hành động xã hội của Phạm Đoan Trang là
sung lực đã đưa hệ lương (lương thiện, lương tâm, lương tri) mạch
lạc để chế tác ra hệ sáng: sáng kiến bằng đấu tranh, sáng tạo bằng
hành động, sáng tác bằng kinh nghiệm. Đây là định nghĩa mà xã hội học
tặng cho các cá nhân có cá tính như Phạm Đoan Trang: chủ thể của thay
đời đổi kiếp theo hướng thăng hoa!
Tù nhân lương tâm: tử thù của tà quyền?
Khi điều tra thực địa xã hội học về các tù nhân
lương tâm kết thúc với các sự thật từ định lượng tới định chất, thì phân
loại hóa các nhóm tù nhân lương tâm để phân tích:
– Động cơ tranh đấu của các tù nhân lương tâm:
nguyên nhân, lý do làm lên động lực của dấn thân vì đời, vì người.
– Phương pháp đấu tranh cụ thể trong môi trường xã hội
cụ thể, địa phương hay toàn quốc, chính trị hay môi trường, luật pháp hay xã hội…
Khi có phân tích về hai chỉ báo này, thì phân
loại hóa phải giải thích tiếp sự tương đồng và khác biệt giữa các tù
nhân lương tâm, trong đó đồng thuận trên các tiêu chí và phạm trù đấu tranh sẽ
giúp chúng ta tìm tới mẫu số chung giữa các tù nhân lương tâm, đây chính là sự
đồng thuận như một định đề giải luận để định vị về động cơ tranh đấu cũng
như phương pháp đấu tranh của các tù nhân lương tâm:
·
Đồng thuận xã hội: đấu tranh cho tự do, công bằng,
bác ái.
·
Đồng thuận chính trị: đấu tranh cho dân chủ, đa
nguyên, nhân quyền.
·
Đồng thuận đạo lý: đấu tranh chống tham ô, tham
nhũng, tham quyền.
·
Đồng thuận giáo lý: đấu tranh cho giáo dục, giáo
khoa, giáo án.
·
Đồng thuận tín ngưỡng: đấu tranh vì tự do tôn giáo,
tín ngưỡng, niềm tin.
·
Đồng thuận cộng đồng: đấu tranh vì môi trường, môi
sinh, thiên nhiên…
Chính các đồng thuận này làm nên nội công đạo
lý và luân lý các tù nhân lương tâm:
·
Nội lực của lương thiện
·
Sung lực của lương tâm
·
Hùng lực của lương trí
Các tù nhân lương tâm không xem ai là tử thù,
vì họ không xem ai là đối thủ của họ, họ không dùng con người
làm đối phương, và trong nhận định cũng như trong định luận của họ thì:
·
tử thù của các tù nhân lương tâm là hành vi phản dân hại nước, buôn dân
bán nước, mại quốc cầu vinh.
·
đối thủ của các tù nhân lương tâm là hành động của tà quyền tham quan vì
tham quyền để tham nhũng.
·
đối phương của các tù nhân lương tâm là thái độ mang voi dày mả tổ,
rồi cõng rắn cắn gà nhà, trong bối cảnh thừa nước đục thả
câu, với bất công của ma quyền là cốc mò cò ăn.
Các tù nhân lương tâm thẳng lưng vì đạo lý hay, đẹp,
tốt, lành, thẳng bước vì luân lý có trách nhiệm với đất nước, có bổn phận với đồng
bào, nên họ không có tử thù!
Tù nhân lương tâm: tử lộ của ma quyền?
Chính trị học nhận thức khi nghiên cứu về các chủ thể đấu tranh, đơn phương độc mã chống
lại bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền tham tiền, thì thường
xuyên xem xét kỹ lưỡng vốn tri thức có trong vốn chính
trị của mỗi chủ thể, vốn xã hội trong vốn
kinh nghiệm của mỗi cá thể. Các vốn sau đây được nhận ra trong lý lịch,
trong hồ sơ, có ngay trong chân dung của các tù nhân lương tâm của Việt Nam: vốn lương
thiện chống bất bình đẳng; vốn lương tâm chống bất
công; vốn lương tri chống bất tài.
Ba vốn này của hệ lương (lương
thiện, lương tâm, lương tri) là vốn nguồn để vạch mặt
chỉ tên bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền tham tiền, nhưng nó
chưa đủ để làm hành trang vững bền trong công cuộc đấu tranh trường kỳ. Vì bạo
quyền sẽ dùng bạo lực, tà quyền sẽ dùng tà lực, ma quyền sẽ dùng ma lực không
những qua tuyên truyền, tuyên giáo, mà bọn này còn biết dùng vu khống, vu cáo,
vu họa để làm tổn thương thanh danh rồi tìm mọi cách để truy diệt các chủ thể của
hệ lương này. Ở đây, xuất hiện một vốn gốc của
hệ thức:
·
Lấy kiến thức chống tuyên truyền
·
Lấy tri thức chống ngu dân
·
Lấy trí thức chống độc tài
·
Lấy ý thức chống độc tôn
·
Lấy nhận thức chống độc quyền
·
Lấy tỉnh thức chống độc trị.
Chính hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức,
ý thức, nhận thức, tỉnh thức) giúp các chủ thể đấu tranh tiếp cận sự
thật để chống bưng bít, chân lý để chống bịp bợm, lẽ
phải để chống man trá của bọn bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan,
ma quyền tham tiền, từ đây xuất hiện một vốn cội của hệ thông:
·
Sử dụng thông minh để xóa độc đoán
của bạo quyền lãnh đạo
·
Vận dụng thông thái để xua độc hại
của tà quyền tham quan
·
Tận dụng thông thạo để loạt độc
tham của ma quyền tham tiền.
Từ vốn cội của hệ thông các
chủ thể đấu tranh cho tự do, công bằng, bác ái bằng con đường của dân chủ, nhân
quyền, đa nguyên, sẽ cho xuất hiện một vốn rễ của hệ sáng:
·
Dùng sáng kiến để lập hành trình
đưa dân tộc, đất nước ra khỏi bạo quyền.
·
Dùng sáng tạo để lập hành trang đưa
đồng bào, đồng loại ra khỏi tà quyền.
·
Dùng sáng lập ra các phong trào xã
hội đưa nhân quần ra khỏi ma quyền.
Tất cả những vốn vừa được liệt kê trong chính trị học
nhận thức cũng chính là các tín hiệu, các chỉ báo để đưa ma quyền vào tử lộ!
Tù nhân lương tâm: đối phương của độc
quyền?
Khi tổng hợp hai vốn làm nên nội công và bản lĩnh của
các tù nhân lương tâm:
·
vốn tri thức có trong vốn chính trị
·
vốn xã hội trong vốn kinh nghiệm
Chính trị học nhận thức và xã hội học chính trị nhận
ra hai vốn này có nguồn, gốc, cội, rễ, đã hiện diện trong nội lực
làm nên sung lực để dấn thân, rồi hùng lực trong đấu tranh của các tù nhân
lương tâm:
·
vốn nguồn của hệ lương (lương thiện, lương tâm, lương
tri).
·
vốn gốc của hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức).
·
vốn cội của hệ thông (thông minh, thông thái, thông thạo).
·
vốn rễ của hệ sáng (sáng kiến, sáng tạo, sáng
lập).
Các phân tích này không hề trừu tượng, các giải thích
trên không hề mơ hồ, chúng có trong lý lịch, hồ sơ làm nên chân dung của các tù
nhân lương tâm:
·
Trần Huỳnh Duy Thức đã đề nghị một chương trình xây
dựng kinh tế, xã hội cho tương lai của Việt Nam.
·
Lê Công Định đã đề nghị và soạn ra một hiến pháp mới
công bằng hơn, tự do hơn cho dân tộc Việt.
Ngay như những chủ thể không có học thức cao, nhưng
họ có sự tỉnh thức rất rộng, nhờ có nhận thức rất sâu về bạo quyền độc đảng, tà
quyền tham quan, ma quyền tham tiền:
·
Cấn Thị Thêu, lấy vốn xã hội trong vốn
kinh nghiệm của đấu tranh vì dân oan tại Dương Nội để xây dựng vốn
tri thức làm vốn chính trị mà đấu tranh rộng ra toàn
xã hội dân sự.
·
Trần Thị Nga, lấy vốn xã hội và nghề nghiệp trong vốn
kinh nghiệm của kiếp lao nô, nạn nhân của bọn môi giới xuất khẩu lao động
để gầy dựng vốn tri thức mà chế tác ra vốn chính trị để
đấu tranh vì môi trường, vì dân oan.
·
Hà Thục Vi, vận dụng vốn tri thức làm vốn chính trị để
bồi đắp vốn cội của hệ thông (thông minh, thông thái,
thông thạo) để đấu tranh trực diện với bạo quyền trung ương, tà quyền
quan lại địa phương, ma quyền tham tiền.
Các điều tra của xã hội học chính, các khảo sát
chính trị học nhận thức cũng không quên những chủ thể của thông tin, truyền
thông, báo chí, đó là các nhà báo, ký giả, mà trường hợp của Pham Đoan Trang là
tiêu biểu. Chủ thể này không những đã được tổng kết cả hai vốn vốn tri
thức có trong vốn chính trị và vốn xã hội trong vốn
kinh nghiệm để đưa vào tổng hợp của bốn vốn nguồn, gốc, cội, rễ: lương,
thức, thông, sáng, rồi hướng dẫn quần chúng đấu tranh bằng những tác
phẩm của mình như những cẩm nang để đánh thức lương tâm!
Tù nhân lương tâm: đối trọng của độc
trị?
Khi chính trị học nhận thức và xã hội học chính trị
đi tìm sự thật về dấn thân, chân lý về đấu tranh làm nên lẽ phải trong lương
tri của các tù nhân lương tâm, thì từ nghiên cứu tới khảo sát, từ điều tra tới
điền dã, kết quả thực địa cho xuất hiện hệ đối:
·
Đối kháng, chống bạo quyền độc đảng, tà quyền độc tôn, ma quyền độc trị đang
trùm phủ lên toàn xã hội, lên trọn số phận của Việt tộc.
·
Đối trọng, chống bất công trong xã hội, bất tài trong quản lý, bất nhân trong
đạo lý, đã tạo ra đói nghèo trong dân chúng, lầm than trong xã hội.
·
Đối lực, chống tham quan đang tham quyền để tham ô qua tham nhũng, làm nên
tà lộ từ sâu dân mọt nước tới buôn dân bán nước.
·
Đối diện, để trực diện mà chống mọi nguồn gốc của ngu dân, mà tội phạm là tuyên
giáo nắm tuyên truyền, gây bao độc hại từ độc đoán của độc đảng.
·
Đối đầu, để đấu trí chống bạo quyền là chống chế độ công an trị, chống tà
quyền là chống bọn vi hiến và phạm pháp, tội phạm và tội đồ của Việt tộc.
Khi lương tâm có gốc là lương thiện biết gầy dựng
lên lương tri để chế tác ra đối (đối kháng, đối trọng, đối lực, đối diện,
đối đầu), thì chính trị học nhận thức và xã hội học chính trị đã nhận
diện được hệ hành của các tù nhân lương tâm:
·
Hành trang, luôn mang theo bốn vốn: lương, thức, thông, sáng, để
vừa đấu tranh trực diện, vừa đấu tranh lâu dài với bạo quyền độc đảng, tà quyền
độc tôn, ma quyền độc trị.
·
Hành trình, vừa có khó khăn qua lửa thử vàng, gian nan thử sức, vừa của
thử thách bằng đầu sóng ngọn gió, trong thăng trầm với sóng
cao nhưng vững tay chèo. Thậm chí có ngục tù, tra tấn, có cả truy diệt, thủ
tiêu.
·
Hành vi, vừa có kiên cường của sống lâu mới biết lòng người có nhân,
vừa có đạo lý của tổ tiên, của dân tộc trong sống có nhân mười phần
không khó, nơi mà cái khó không bó được cái
khôn của các tù nhân lương tâm.
·
Hành động, từ đề nghị vì tự do để có công bằng và bác ái tới quyết định dấn
thân vì dân chủ và nhân quyền trong đa nguyên: hành động của đạo lý.
·
Hành tác, mang hành động của đạo lý hay, đẹp, tốt, lành tới
quần chúng và xã hội để đánh thức mọi người, đây là hành tác của bổn phận trước
đồng bào, trách nhiệm trước đất nước để làm nên luân lý yêu nước thương nòi như
quý nhân sinh, trọng nhân tâm.
Tại đây, khi chính trị học nhận thức và xã hội học
chính trị nhận ra sự thật về dấn thân, chân lý về đấu tranh đã làm nên lẽ phải
trong lương tri của các tù nhân lương tâm, thì sự thật-chân lý-lẽ phải đã
được cõng, bồng, bế, ẵm bởi hệ kháng và hệ hành của
các tù nhân lương tâm.
_________
Lê
Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie *Chủ
tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á *Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của
UNESCO–Liên Hiệp Quốc *Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội
đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt,
Học viện nghiên cứu thế giới.
Các công trình nghiên cứu việt nam học của giáo
sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG
KHẢ LUẬN - Trang Thầy Khóa .
No comments:
Post a Comment