Mai Anh Tuấn
16/10/2019
Điện
ảnh Trung Quốc giờ đây thậm chí còn không để khán giả băn khoăn thực hư mà luôn
chủ ý kéo họ về đại lộ chân lý tưởng tượng - thứ chân lý mà Trung Quốc tự vẽ
ra, muốn thế giới phải thừa nhận.
Nếu chỉ dồn sức để phản ứng dữ dội trước hình ảnh
“đường lưỡi bò” trong phim hoạt hình Everest: Người tuyết bé nhỏ mà
không đủ tỉnh táo nhận thấy sự thay đổi âm thầm nhưng đã thành chiến lược của
điện ảnh Trung Quốc trong việc truyền đi tinh thần “đại Hán hóa thế giới” thì
phải chăng, chúng ta vẫn chỉ là những “khán giả nhí” dễ dàng bị dắt mũi?
Không mấy ai tin chuyện phi thân độn thổ hay những
màn kungfu thần diệu trong điện ảnh Trung Quốc từng làm mưa làm gió thị trường
phim ảnh Việt là có thật. Nhưng cũng không mấy ai trong hàng dài khán giả Việt
say mê những Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp, Diệp Vấn… nhận ra rằng, chính đó
là kiểu hình tượng người hùng đại Hán yêu nước.
Hình mẫu này thù Tây ghét Nhật, một mình chống lại bạo
lực và bất công, gầy dựng ngọn cờ đẫm màu sắc dân tộc chủ nghĩa.
Năm 2002, Trương Nghệ Mưu - người vào thập niên 1980
và 1990 còn làm phim hàm ý phê phán xã hội Trung Quốc nhiều tệ lậu - đột nhiên
làm Hero, tuyệt phẩm đúng nghĩa thể loại phim võ thuật, hành động.
Nhưng chữ “thiên hạ” mà họ Trương gán cho Tần Thủy
Hoàng như một lời minh oan chiêu tuyết khiến không ít người chờn chợn, rùng mình
và nếu hôm nay xem lại, liệu có nên ngây thơ tán thưởng phẩm chất minh quân của
hoàng đế họ Tần?
Phim The
Wandering Earth do Ngô Kinh thủ
vai chính mô tả người hùng Trung Quốc giải cứu vũ trụ đã thắng lớn về doanh thu
tại thị trường nội địa
Do chỉ nghĩ phim hành động, võ thuật đơn thuần giải
trí nên chúng ta vô tình dán mắt vào một hình ảnh Trung Hoa truyền thống đang
được chế tạo lại cho vừa khuôn một siêu cường quốc hiện đại.
Những trận chiến lớn, những thủ đoạn và mưu đồ, những
tranh đoạt và thành quả, những kẻ xuất chúng và hảo hán, những áp phe chính trị
đẫm máu và tàn bạo, những màn phụ họa sướt mướt thân xác và ngôn tình
trong Hoàng Kim Giáp (năm 2006), Dạ yến (2006), Đầu
danh trạng (2007), Đại chiến Xích Bích (2008), Hồng
Môn yến (2011) đều được chăm chút đầu tư, đều được hóa thân xuất sắc đến
kinh ngạc, và dĩ nhiên, đều được phô trương tối đa sức mạnh công nghệ, kỹ thuật
làm phim.
Đấy không chỉ là ngón đòn cạnh tranh thương mại đủ sức
chiếm thị trường. Đấy còn là cách cài cắm hình ảnh lẫn căn tính văn hóa Trung
Hoa cho khán giả toàn cầu, dẫn dắt họ thừa nhận dân tộc ấy tuy kinh qua nhiều
biến loạn nghiệt ngã nhưng vẫn vĩ đại và vĩ đại theo đúng cách mà lịch sử từng
ghi lại: thôn tính thiên hạ
và thôn tính lẫn nhau để sống còn, phát triển.
Vé xem phim không rẻ nhưng nếu được khuyến mãi thêm
tinh thần tự cường dân tộc thì giải trí vẫn hữu ích trong việc giáo hóa quốc
dân.
Nhưng điện ảnh Trung Quốc giờ đây, thậm chí còn
không để khán giả băn khoăn thực hư mà luôn chủ ý kéo họ về đại lộ chân lý tưởng
tượng. Ở đó, người hùng Trung Hoa đang nỗ lực giải cứu thế giới, giải cứu nhân
loại.
Loạt phim Chiến lang (2015, 2017)
hay Điệp vụ Biển Đỏ (2018) kiến tạo hình ảnh châu Phi chìm
trong rối loạn và bần hàn, cướp biển và khủng bố, chỉ thực sự thở phào khi có
những đơn vị tác chiến Trung Hoa can thiệp.
Vẫn theo mô-típ người hùng Hollywood tài năng phi
phàm nhưng Chiến lang, Điệp vụ Biển Đỏ nghiêm trang và tận tụy
trong một thứ trách nhiệm mà tổ tiên đại Hán đã từng rao giảng là chăn dắt,
trông nom những xứ man di. Phải thừa nhận khán giả châu Phi (nếu có xem) giỏi
nhẫn nhục, nhưng kịch bản giải cứu nhân loại xem chừng vẫn cháy vé nên chắc chắn
điện ảnh Trung Quốc không chỉ có mỗi người hùng Ngô Kinh lộng lẫy trên đất Phi.
Mới đây, The Wandering Earth (2019)
- cũng do Ngô Kinh thủ vai chính - còn tiến thêm bước nữa: cứu vũ trụ, trái đất
và dìu dắt loài người đến hành tinh khác. Vẫn chính hiệu giải trí nhưng so với
doanh thu phòng vé khổng lồ thì trạng thái mãn nhãn về người hùng Trung Hoa còn
lớn hơn bội phần.
Sáng dạ, quả cảm, thiện chiến và ưu thời mẫn thế,
gói tính cách cơ bản ấy cộng thêm các pha kungfu và đọ súng, dù sao cũng dễ nắm
bắt hơn Tứ thư Ngũ kinh đang có mặt trong hàng chục viện Khổng Tử trên thế giới.
Phô trương sức mạnh có nhiều cách, kể cả tạo một tương lai “fake” theo đúng ý
muốn của các nhà làm phim bom tấn.
Chiến lược tạo dựng thông điệp hiệp nghĩa vì thiên hạ
như thế, thực chất, nằm trong sự mở rộng ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc. Đáng
chú ý hơn, các diễn ngôn về chính trị, kinh tế có thể sẽ được chính điện ảnh
Trung Quốc sử dụng như một sự ngụy tạo lấp lửng lộng giả thành chân. Shadow (2018)
của Trương Nghệ Mưu chẳng phải đã ngầm ý điều đó trong văn hóa, tính cách Trung
Hoa?
Bởi thế, tôi không cho rằng, cứ triệt để tẩy chay,
đóng cửa hay cảnh giác với phim ảnh Trung Quốc là có thể thoát được “ám ảnh
Hán”. Để Everest: Người tuyết bé nhỏ cõng theo “đường lưỡi bò”
vào rạp phim Việt dĩ nhiên là chuyện tày trời, nhưng về lâu dài, tôi thích sự
kháng cự bằng sức mạnh của hiểu biết, của cái nhìn sắc sảo, và nhất là, bằng những
tạo phẩm văn hóa nội địa tầm cỡ, đủ sức cạnh tranh.
Mai
Anh Tuấn
No comments:
Post a Comment