Wednesday, 9 October 2019

BẠCH CUNG PHẢN ĐỐI (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
09/10/2019

Trong một lá thư chính thức gửi cho Hạ Viện Dân Chủ hôm thứ Ba, 8 tháng Mười, Bạch Cung khẳng định hành pháp sẽ không tiếp tục tham dự cuộc 'điều tra truất phế' mà họ mệnh danh là “an illegitimate effort to overturn the results of the 2016 election” (một nỗ lực bất hợp pháp để lật ngược kết quả cuộc tuyển cử 2016).

Việc làm đó đang trở thành thái độ tuyên chiến của Tổng Thống Donald Trump với Quốc Hội, có thể bị diễn dịch là chống Hiến Pháp.

Lá thư, do Cố Vấn Tư Pháp của tổng thống -luật sư Pat A. Cipollone- ký tên, bảo thẳng Hạ Viện là "việc làm của quý vị, khiến tổng thống không còn có sự lựa chọn nào khác nữa, ..." và "Để làm tròn trách nhiệm đối với quốc dân, đối với Hiến Pháp, đối với nền Hành Pháp, và đối với quý vị tổng thống sắp tới, Tổng Thống Trump và những viên chức Hành Pháp không thể tham dự vào cuộc điều tra nặng tính bè phái và bất hợp hiến hiện nay."

Trump gọi cuộc 'điều tra truất phế' của Hạ Viện là một loại “kangaroo court,” -loại tòa án của loài xúc vật, không có lương tri; thái độ của ông -công khai bất chấp quyền xét xử của Hạ Viện, và từ chối không tham dự- đã tự riêng nó buộc ông vào thế có thể bị truất phế vì bất chấp Hiến Pháp.

Bản văn Hiến Pháp khẳng định Hạ Viện là cơ quan duy nhất có quyền truất phế tổng thống.
Chủ Tịch Hạ Viện -bà Nancy Pelosi, viết tuyên cáo,

"Thưa tổng thống,
"Ông không ngồi trên pháp luật được; ông sẽ gánh trách nhiệm những việc ông làm."

Bà Pelosi còn viết, "Bạch Cung cần được cảnh cáo là mọi nỗ lực để che dấu việc tổng thống lạm dụng quyền hạn đều là bằng chứng khẳng định thái độ cản trở công lý."

Lá thư phủ nhận quyền 'điều tra truất phế' của Hạ Viện được gửi đi ngay sau khi tổng thống không cho ông Gordon D. Sondland, Đại Sứ Mỹ bên cạnh tổ chức European Union (Liên Âu) điều trần trước Hạ Viện.

Đại diện Đại Sứ Sondland, luật sư Robert Luskin nói, vì là một viên chức trực thuộc Bộ Ngoại Giao, nên thân chủ của ông ta -Đại Sứ Sondland- phải tuân hành lệnh của chính phủ, mặc dù ông Sondland rất muốn điều trần về chính sách của tổng thống Mỹ -Donald Trump- đối với Ukraine. Ông Luskin còn nói thêm, "Đại Sứ Sondland đã chuẩn bị mọi tài liệu, và sẵn sàng điều trần, thì nhận được lệnh cấm. Tuy nhiên ông vẫn tự nguyện điều trần, nếu Bộ Ngoại Giao rút bỏ lệnh cấm."

Đại Sứ Gordon Sondland

Ông Sondland, đã có mặt tại dinh tổng thống Ukraine, nói chuyện với cả hai vị tổng thống Mỹ, Ukraine, và chứng kiến cuộc điện đàm Trump-Zelensky; có thể đó là lý do khiến Trump không muốn Sondland điều trần.

Lá thư 'không cộng tác' của Hành Pháp đang đưa cuộc 'điều tra truất phế' của Hạ Viện đến chỗ bế tắc, mà giáo sư luật Noah Feldman gọi là 'một cuộc Khủng Hoảng Hiến Pháp (a Constitutional crisis).

Feldman viết, "Việc ông Trump lạm dụng quyền hạn ép một chính phủ ngoại quốc điều tra ứng cử viên Joe Biden có tạo ra một cuộc khủng hoảng trong chính quyền của ông ta, nhưng không tạo ra một cuộc khủng hoảng Hiến Pháp, vì hiến pháp đã ấn định hình thức trừng phạt cho tội đó: truất phế.

Giờ này Trump công bố, qua lá thư do luật sư Pat Cipollone ký tên, là ông ta không cộng tác với cuộc điều tra truất phế của Hạ Viện nữa, thì Hoa Kỳ quả thật đã lâm vào tình trạng khủng hoảng Hiến Pháp.

Khủng hoảng Hiến Pháp chỉ xảy ra khi có đủ hai điều kiện: MỘT LÀ - Hoa Kỳ đứng trước một hoàn cảnh nan giải mà Hiến Pháp không tiên liệu một giải pháp minh bạch, dứt khoát; và HAI LÀ - những nhân vật liên hệ quyết liệt giữ vững lập trường của mình cho tới cùng, không nhượng bộ.

Trường hợp đó đã xảy ra trong vụ Watergate, khi Tổng Thống Richard Nixon từ chối không tuân hành trát của một tòa liên bang xử ông phải nộp những băng ghi âm cho tòa. Nixon không nộp và tòa liên bang nhất định đòi tới.

Nội vụ đưa lên Tối Cao Pháp Viện, và Nixon đã từ chức khi cơ quan Tư Pháp đó xử ông phải nộp băng ghi âm cho tòa án.

Trường hợp đang xảy ra cũng có hai yếu tố tương tự: Ủy Ban Điều Tra Truất Phế nhất định đòi nhiều viên chức Hành Pháp ra điều trần, trong lúc tổng thống cũng quyết liệt không cho nhân viên Hành Pháp điều trần, và Hiến Pháp không minh bạch ấn định là tổng thống có hay không có quyền ngăn cấm như vậy.

Chỉ riêng thái độ của tổng thống từ chối không cộng tác với cuộc điều tra của Hạ Viện cũng đủ để ông bị truất phế rồi, và chính tổng thống Nixon cũng đã bị kết vào tội đó.

Trong giả thuyết cuộc giằng co giữa Hạ Viện và Hành Pháp phải đưa ra tòa xét xử, thì lập trường của Hạ Viện vẫn mạnh hơn những yếu tố nêu ra trong lá thư của Hành Pháp, do cố vấn tư pháp của tổng thống -luật sư Cipollone- ký.

Hiến Pháp cho Hạ Viện quyền truất phế tổng thống, thì mọi việc liên quan đến việc truất phế -như trát đòi viên chức Hành Pháp ra điều trần- đều có sức mạnh của luật pháp.

Luật sư Cipollone đưa ra việc tổng thống phán đoán việc làm của Hạ Viện không đúng, thì chính lập luận đó mới sai.

Tuy nhiên, mọi người đều hiểu thâm ý của ông Trump là đưa cuộc tranh chấp đến mức cuối cùng của hệ thống Tư Pháp -Tối Cao Pháp Viện- nơi ông đã có sẵn hai vị chánh thẩm -trong tổng số 9 vị- do chính ông đưa vào ngồi đó.

Nếu yếu tố 'chánh thẩm người nhà' giúp ông thắng cuộc, thì còn gì nữa để mà bàn.





No comments:

Post a Comment

View My Stats