Trọng Thành
– RFI
Đăng ngày 22-09-2019
Hai
thủ lĩnh dân chủ Hồng Kông Hoàng
Chi Phong (Joshua Wong) và Hà Vận Thi (Denise Ho) vừa có đợt vận động quốc
tế ủng hộ phong trào tranh đấu. Hôm qua, 21/09/2019, tại Washington, trước khi
lên máy bay về nước, hai lãnh đạo trẻ đã lên án mạnh mẽ chính quyền Hồng Kông sử
dụng bộ máy cảnh sát để tìm cách bóp nghẹt cuộc phản kháng của dân chúng.
Ảnh minh họa :Hai nhà tranh đấu Hồng Kông Hoàng Chi
Phong (Joshua Wong) và Hà Vận Thi (Denise Ho) trong buổi điều trần tại Quốc Hội
Mỹ. Ảnh ngày 17/09/2019. REUTERS/Joshua Roberts
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Pháp
AFP, thủ lĩnh tranh đấu Hoàng Chi Phong, 22 tuổi, nhấn mạnh « từ một thành phố
hiện đại mang tính toàn cầu, Hồng Kông đang biến thành một Nhà nước cảnh sát, với
bạo lực tràn lan », « các lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã bị thao túng để trở
thành « một công cụ riêng », cho phép lãnh đạo đặc khu Carrie Lam (Lâm Trịnh
Nguyệt Nga) tiếp tục tại vị ».
Về phần mình, ca sĩ Hà Vận Thi lên án « chính quyền
núp đằng sau các lực lượng cảnh sát, để từ chối đưa ra các giải pháp cho khủng
hoảng ». Ca sĩ nhạc pop Hà Vận Thi là một nhân vật nổi tiếng trong giới tranh đấu
dân chủ Hồng Kông và phong trào của những người đồng tính, chuyển giới (LGBT).
Các bài hát của cô bị cấm tại Hoa lục, kể từ khi phong trào Dù Vàng bùng phát
năm 2014.
Trong một báo cáo công bố hôm thứ Sáu, 20/09, tổ chức
Ân Xá Quốc Tế đã cáo buộc cảnh sát Hồng Kông sử dụng bạo lực thái quá chống lại
những người đòi dân chủ, lên án cảnh sát có nhiều hành động « bất hợp pháp »,
thậm chí như « tra tấn ».
Hoan nghênh Mỹ thay đổi chính sách
Trong những ngày vừa qua, hai nhà tranh đấu đã tiếp
xúc với chính giới Đức, Úc, Đài Loan và Hoa Kỳ để tìm kiếm các ủng hộ mới,
nhưng chính tại thủ đô nước Mỹ, tiếng nói của hai lãnh đạo dân chủ Hồng Kông có
cơ hội được lắng nghe nhiều nhất.
Trả lời AFP, lãnh đạo phong trào dân chủ Hồng Kông
Hoàng Chi Phong - người vừa được mời phát biểu trước Quốc Hội Mỹ - « hoan
nghênh những thay đổi lớn » trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Hồng Kông kể từ
ba tháng nay, tức từ khi phong trào chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc bùng nổ,
« hơn hẳn so với 5 năm về trước ».
Hoàng Chi Phong bày tỏ tin tưởng, từ đây đến cuối
năm, Washington sẽ thông qua luật mới, gắn liền quan hệ thương mại với Trung Quốc
với tình trạng nhân quyền ở Hồng Kông. Theo dự luật – hiện đã được bộ Ngoại
Giao Mỹ bật đèn xanh - các xâm phạm nhân quyền ở Hồng Kông sẽ tự động dẫn đến
các trừng phạt nhắm vào Trung Quốc.
« Chiếc bẫy » đối thoại
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn nói trên, nhà
tranh đấu Hồng Kông cũng cảnh báo dân chúng trước « chiếc bẫy » mà lãnh đạo đặc
khu đang giương ra, với đề xuất chấm dứt biểu tình phản kháng, để đổi lấy các «
đối thoại » với chính quyền. Hoàng Chi Phong nhấn mạnh đến kinh nghiệm « 5 năm
về trước, 5 lãnh đạo sinh viên đã từng đối thoại với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, kết
quả là 4 người bị truy tố, trong đó 2 bị bỏ tù. Và vào thời điểm phong trào
Thiên An Môn, các lãnh đạo sinh viên cũng từng đối thoại với Bắc Kinh, nhưng đã
không tránh khỏi thảm sát ».
Hai lãnh đạo
phong trào dân chủ Hồng Kông trở về đặc khu đúng vào lúc, nhiều kêu gọi biểu
tình, bãi khóa, trước hai dịp kỉ niệm đặc biệt : 5 năm ngày « Phong trào Dù
Vàng » đòi bầu trực tiếp lãnh đạo đặc khu, và 70 năm ra đời chế độ Cộng Hòa
Nhân Dân Trung Hoa. Dự kiến dân chúng Hồng Kông sẽ tiếp tục xuống đường
đông đảo vào hai dịp này, như họ đã nhiều lần làm như vậy, trong hơn 100 ngày
qua. Ca sĩ Hà Vận Thi ghi nhận : « cuộc tranh đấu sẽ kéo dài », nhưng « người
dân rất cương quyết ».
No comments:
Post a Comment