Sunday, 29 September 2019

ĐÁNH DẤU CHỦ QUYỀN : TRUNG QUỐC TUẦN TRA TẠI CÁC THỰC THỂ ĐANG BỊ TRANH CHẤP (Asia Maritime Transparency Initiative)




Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI)

Nguồn: Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) | Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), Hoa Kỳ | Ngày 26/9/2019
Biên dịch: Nguyễn Trịnh Đôn | 27/09/2019

Từ tháng 6 đến nay, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã và đang quấy rối một giàn khoan đang hoạt động tại lô dầu khí của Việt Nam gần bãi Tư Chính (Vanguard bank) – một thực thể dưới mặt nước ở Biển Đông. Trong khi đó, một nhóm nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc đang hộ tống tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 của nhà nước Trung Quốc hoạt động xa hơn về phía bắc ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Những hoạt động này khiến người ta chú ý đến vai trò ngày càng lớn của Hải cảnh Trung Quốc trong việc khẳng định những yêu sách của Trung Quốc đối với các tài nguyên đáy biển khắp biển Đông. Chúng cũng làm nổi bật khả năng Hải cảnh Trung Quốc duy trì triển khai lực lượng như trên nhờ tiếp cận được những cơ sở hạ tầng cảng biển mới xây trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, người ta lại ít lưu ý đến sự hiện diện dai dẳng của Hải cảnh Trung Quốc ở những thực thể quan trọng về mặt biểu tượng ở Biển Đông: cụm bãi Luconia (Luconia shoals), bãi Cỏ Mây (Second Thomas shoal), và bãi Scarborough (Scarborough shoal).

Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) đã xác định được 14 tàu hải cảnh Trung Quốc phát tín hiệu qua hệ thống nhận dạng tự động (AIS) khi đang tuần tra qua những khu vực này trong năm qua. Đây chỉ là một phần trong toàn bộ đội tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông. Nhiều tàu khác lảng vảng trong các căn cứ của Trung Quốc ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hay đi xung quanh những tiền đồn ở những thực thể khác mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền (như đảo Thị Tứ – Thitu island).

Ảnh: Các tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra cụm bãi Luconia, bãi Scarborough, và bãi Cỏ Mây từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 9 năm 2019 với chiều dài (m), độ giãn nước (tấn), và số hiệu (Nguồn: AMTI/CSIS).

Các tàu hoạt động ở các bãi cạn Luconia, Cỏ Mây, và Scarborough hầu hết thuộc về các lớp Shucha IIZhaolai. Các tàu này tuy chủ yếu không được vũ trang trừ vòi rồng phun nước và một số khí tài nhỏ, nhưng chúng lớn hơn rất nhiều so với các tàu chấp pháp hay hầu hết các tàu hải quân của các nước láng giềng. Đặc điểm này khiến chúng là loại tàu lý tưởng cho những hoạt động liên quan đến dọa đâm húc, và cần thiết thì chèn ép để đuổi các tàu khác mà không cần dùng súng đạn. Những tàu được vũ trang nhiều hơn như các lớp tàu có pháp 76 ly là ZhaoduanZhaojun cũng giám sát những khu vực này, nhưng chúng thường được nhìn thấy đi cùng với các đợt triển khai lớn như những gì đang diễn ra ở ngoài khơi Việt Nam hay như hồi tháng 12 năm 2018 xung quanh đảo Thị Tứ do Philippines chiếm giữ.

Điều khiến các tàu ở Luconia, Cỏ Mây, và Scarborough nổi bật là vì dường như chúng muốn thu hút sự chú ý. Hầu hết các tàu thuyền thương mại trên 300 tấn được yêu cầu phải phát tín hiệu nhận dạng tự động để tránh va chạm, còn các tàu quân sự và thực thi pháp luật thì thường thận trọng trong quyết định thời điểm và địa điểm phát tín hiệu. Các tàu hải cảnh Trung Quốc ở những nơi khác trong Biển Đông thường không phát tín hiệu nhận dạng tự động, hoặc chỉ phát khi ra vào cảng. Nhưng những tàu tuần tra cụm bãi Luconia, bãi Cỏ Mây, và ở mức độ thấp hơn một chút ở bãi Scarborough phát tín hiệu nhận dạng tự động thường xuyên hơn rất nhiều. Ít nhất một tàu ở cụm bãi Luconia phát tín hiệu 258 trong tổng số 365 ngày vừa qua. Ít nhất một tàu ở bãi Cỏ Mây phát tín hiệu 215 ngày, còn ở bãi Scarborough là 162 ngày.

Giản đồ: Tín hiệu nhận dạng tự động (AIS) của các tàu hải cảnh Trung Quốc ở biển Đông từ tháng 10 năm 2018.

Thứ tự số hiệu các tàu phát tín hiệu từ trái qua phải:

– Ở bãi Cỏ Mây (Second Thomas shoal): Hàng trên gồm 5403, 5402, 3306, 5401, 5402, 3308, 5401, 3305, 3307. Hàng dưới gồm 3306. 

– Ở cụm bãi Luconia (Luconia shoals): Hàng trên gồm 3306, 3307, 5402, 5403, 5401, 35111, 46302, 5402. Hàng dưới gồm 3308, 3306
– Ở bãi Scarborough (Scarborough shoal): Hàng trên gồm 5402, 5403, 3307, 5403, 3171, 4203, 46111, 3171, 3171, 3171. Hàng dưới gồm 4203, 3307, 46303, 3102.

Tàu Hải cảnh 3308, một tàu tuần tra Hải cảnh Trung Quốc thuộc lớp Shucha II, là tiêu biểu cho kiểu hành vi này. Từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 9 năm 2019, tín hiệu nhận dạng tự động cho thấy tàu 3308 đi tuần tra xung quanh bãi Cỏ Mây, bãi Scarborough, và cụm bãi Luconia, ngoài ra nó còn tham gia quấy rầy các hoạt động dầu khí của Việt Nam ở lô 06-01 và hộ tống tàu thăm dò của Trung Quốc ở phía bắc. Tàu này cũng sử dụng các cơ sở cảng biển của Trung Quốc ở đá Xu Bi (Subi reef) giữa những đợt tuần tra.

Ảnh: Đường đi của tàu Hải cảnh 3308 từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 9 năm 2019 (Nguồn: AMTI/CSIS).

Sơ đồ đường tuần tra này cho thấy rõ một mục tiêu quan trọng của Hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông – đó là tạo ra một sự hiện diện thường xuyên, rất rõ ràng của Trung Quốc ở những vị trí chủ chốt mà Bắc Kinh có yêu sách chủ quyền nhưng lại không có những cơ sở thường trú. Vì sao lại là Luconia, Cỏ Mây, và Scarborough?

Cụm bãi Luconia là một loạt các bãi san hô quan trọng về mặt biểu tượng ở ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia mà Trung Quốc xem ra quyết tâm muốn kiểm soát mà không cần phải thực sự chiếm đóng. Bắc Kinh cùng với Đài Bắc đều xem đây là một phần của quần đảo Trường Sa đang tranh chấp mặc cho khoảng cách xa xôi từ những thực thể này tới quần đảo. Một thực thể trong cụm này là rạn Luconia (Luconia breakers) có thể có một dải cát nhỏ nổi lúc triều lên, nhưng toàn bộ phần còn lại là hoàn toàn dưới mặt nước. Các tàu hải cảnh Trung Quốc đã thường xuyên tuần tra Luconia từ tháng 9 năm 2013. Trên thực tế, một trong những tàu hải cảnh Trung Quốc đang quấy phá các hoạt động của Việt Nam gần bãi Tư Chính đã có những hành vi đe doạ tương tự đối với một giàn khoan trong một lô của Malaysia gần rạn Luconia hồi tháng 5. Chính quyền Malaysia chưa từng thừa nhận có hành vi quấy phá này và nhìn chung là tránh nhắc đến sự hiện diện đã kéo dài nhiều năm của tàu hải cảnh Trung Quốc. Tuy vậy, giới chức rõ ràng có biết điều này, bằng chứng là các tàu Hải quân hoàng gia Malaysia thỉnh thoảng theo dõi các đợt tuần tra của Trung Quốc. Ví dụ như các tàu chiến RMN 3502 và 176 đều tuần tra gần Hải cảnh 3306 ở cụm bãi Luconia trong ít nhất là 2 ngày vào tháng 9 và tháng 10 năm 2018. Gần đây nhất, Ka Bunga Mas 5, một tàu phụ trợ hải quân của Malaysia, hoạt động có lúc chỉ ở khoảng cách 2 hải lý đối với Hải cảnh 5401 vốn đang tuần tra khu vực này từ ngày 22 tháng 9.

Bãi Cỏ Mây nằm hoàn toàn dưới mặt nước, ở khoảng cách chưa đến 20 hải lý tính từ đá Vành Khăn (Mischief reef), tiền đồn lớn nhất của Trung Quốc ở Trường Sa. Đáp lại việc Trung Quốc chiếm đóng đá Vành Khăn năm 1994, Philippines vào năm 1999 đã chủ đích cho mắc cạn một tàu đổ bộ xe tăng thời Thế chiến II, BRP Sierra Madre, lên đá này. Kể từ đó, con tàu này có tác dụng làm một tiền đồn thường trú cho một đội lính nhỏ của Philippines mặc cho việc Trung Quốc đòi phải di dời con tàu này đi. Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của mình gần Bãi Cỏ Mây vào tháng 5 năm 2013 và bao vây nhóm lính trên tàu Sierra Madre trong nhiều tuần hồi tháng 3 năm 2014. Những báo cáo về các hành động gây rối gần đây có việc máy bay trực thăng của Hải cảnh Trung Quốc bay thấp để đe doạ một lực lượng tiếp tế của Philippines vào tháng 5 năm 2018. Một báo cáo của Bộ quốc phòng Philippines cũng nói rằng Hải cảnh 3305, một tàu lớp Shucha II, đã chặn đường 3 tàu tiếp tế vào tháng 5 năm 2019.

Việc triển khai tàu 3305 xung quanh bãi Cỏ Mây hoàn toàn không phải là hoạt động bất thường mà là một phần của mô hình hiện diện gần như thường trực của các tàu tuần tra Hải cảnh Trung Quốc gần tàu Sierra Madre. Điều này thể hiện rõ qua những đợt tuần tra gần đây hơn của các tàu cùng lớp là Hải cảnh 3307 vào tháng 7 và Hải cảnh 3306 vào tháng 8.

Ảnh: Các đợt tuần tra của Hải cảnh Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây, tháng 7–8 năm 2019. Đường màu đỏ là của tàu Hải cảnh 3306 từ 31 tháng 7 đến 31 tháng 8 năm 2019. Đường màu xanh là của tàu Hải cảnh 3307 từ 7 tháng 7 đến 2 tháng 8 năm 2019 (Nguồn: AMTI/CSIS).

Vị trí thứ ba thường xuyên có tàu Hải cảnh Trung Quốc phát tín hiệu nhận diện tự động là bãi Scarborough, vốn là tâm điểm của những căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines kể từ năm 2012 khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát thực sự đối với thực thể này. Các tàu Hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện liên tục tại Scarborough kể từ lúc đó, trong đó có ít nhất một tàu Trung Quốc luôn thả neo ngay bên trong đường thuỷ độc nhất dẫn vào vụng biển. Kể từ cuối năm 2016, và trước đó thi thoảng giữa năm 2012 và 2016, Hải cảnh Trung Quốc cho phép người Philippines đánh cá xung quanh vòng ngoài của vụng biển này. Nhưng những hoạt động này phải diễn ra dưới con mắt theo dõi của các tàu Trung Quốc vốn có những lần được ghi nhận là quấy phá và tịch thu phương tiện của ngư dân.

Các tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên phát tín hiệu nhận diện tự động khi tuần tra Scarborough, nhưng không ổn định như khi chúng ở Cỏ Mây và Luconia. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là những bãi này do Philippines và Malaysia quản lý trên thực tế, còn bãi Scarborough đã bị Trung Quốc kiểm soát chắc chắn. Mọi ngư dân Philippines từ rạn san hô này trở về đều xác nhận sự hiện diện của Trung Quốc, còn các hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu Trung Quốc đồn trú bên trong vụng biển. Điều này có thể giải thích vì sao các tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên tuần tra bãi cạn này không cảm thấy có nhu cầu dùng việc phát tín hiệu vị trí của mình để tuyên bố chủ quyền như những nơi khác, tuy họ cũng không thấy cần thiết phải tắt các thiết bị này đi. 

Ảnh: Các tàu của chính quyền Trung Quốc đóng quân bên trong bãi Scarborough, 15 tháng 5 năm 2019 (Nguồn: AMTI/CSIS).

Lịch trình tuần tra của các tàu Trung Quốc tại các thực thể này đã ổn định thường xuyên hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là với việc hoàn thành các cơ sở cảng biển tại các căn cứ của chúng ở quần đảo Trường Sa. Dường như không có khu vực tranh chấp nào khác mà các tàu hải cảnh Trung Quốc lại hiện diện kiên trì và rõ ràng muốn các đối thủ trong khu vực biết mình đang ở đâu đến như vậy. Bắc Kinh thể hiện rõ họ quan tâm đặc biệt đến các bãi Luconia, Cỏ Mây, và Scarborough. Có vẻ như Trung Quốc đánh cược rằng nếu có thể duy trì sự hiện diện bán thường trực của Hải cảnh ở đây đủ lâu thì các quốc gia trong khu vực cuối cùng sẽ phải thừa nhận quyền kiểm soát thực tế của Trung Quốc ở những vùng đó. Và nếu chiến lược đó thành công ở Luconia và Cỏ Mây (như nó đã thành công ở mức độ nào đó tại Scarborough) thì nó sẽ trở thành một hình mẫu đầy tính thuyết phục để Trung Quốc mở rộng quyền quản trị trên các đá và bãi cạn này.

*
TS. Nguyễn Trịnh Đôn hiện đang làm việc trong lãnh vực Khoa học Tự nhiên và là cộng sự Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Nguồn bài gốc:
Published: September 26, 2019

———-
Bài viết được hỗ trợ kinh phí từ quỹ tài chính chung của Dự án Sự Ký Biển Đông, được tài trợ bởi những nhà tài trợ. Xem thông tin các nhà tài trợ tại https://daisukybiendong.wordpress.com/nha-tai-tro/.

Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. 

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Mọi khoản đóng góp xin gửi về: Tài khoản Paypal: sukybiendong@gmail.com. Hay chuyển khoản: Hoàng Việt. Số tài khoản: 207503269. Ngân hàng ACB (Asia Commercial Bank). Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.






No comments:

Post a Comment

View My Stats