VOA Tiếng Việt
01/10/2019
Đảng
Dân chủ có trách nhiệm tiến hành luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump mặc dù
hành động này có thể đem đến cho họ rất nhiều rủi ro chính trị, các nhà phân
tích nhận định.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, hôm 24/9
loan báo Đảng Dân chủ đã bắt đầu chính thức điều tra luận tội Tổng thống Donald
Trump về những cáo buộc rằng ông cố gắng gây áp lực với Tổng thống Ukraine để
điều tra ông Joe Biden, một ứng cử viên Tổng thống 2020 bên Đảng Dân chủ.
Tổng thống Donald Trump và người tương nhiệm
Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm gây tranh cãi
Trước đó, nhiều nhân vật bên Đảng Dân chủ từng kêu gọi
xúc tiến tiến trình luận tội Tổng thống Cộng hòa Donald Trump sau khi báo cáo
điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller dù không kết luận rằng ông
Trump đã phạm tội cản trở công lý nhưng không minh oan cho ông Trump về tội
danh này. Tuy nhiên, các lãnh đạo Dân chủ đã không đáp ứng lời kêu gọi lúc đó
vì những rủi ro tiềm tàng đối với họ trong mùa bầu cử sắp tới.
‘Cực chẳng đã’
Lần này, Đảng Dân chủ theo đuổi luận tội ông Trump
vì bị buộc vào thế ‘cực chẳng đã,’ theo bà Ông Thụy Như Ngọc, Tiến sĩ Chính trị
học và hiện là chủ nhiệm tờ báo Viet Tide ở tiểu bang California.
“Nếu họ không luận tội thì họ sẽ bị cho là tiếp tục bao che cho các hành
vi không trong sáng của ông Trump vì đã có người trong nội bộ tố cáo ra,” bà Ngọc nói và nhắc lại rằng lâu nay Đảng Dân chủ vì lo ngại hậu quả
chính trị nên không thực hiện đàn hặc ông Trump vì họ biết là ‘kết quả sẽ không
đi đến đâu’.
“Từ đầu đến giờ Đảng Dân chủ đã rất do dự, nhưng nếu chiếu theo những gì
đã trưng ra trong bản báo cáo thì họ cũng không còn cách nào khác,” bà giải thích. “Đã là đảng đối lập
thì phải soi mói từng chút một đảng cầm quyền.”
“Biết là rủi ro nhưng họ vẫn phải làm vì đó là nhiệm vụ của họ trong một đất nước có thể chế dân chủ kiểm soát lẫn nhau,” bà nói thêm.
“Biết là rủi ro nhưng họ vẫn phải làm vì đó là nhiệm vụ của họ trong một đất nước có thể chế dân chủ kiểm soát lẫn nhau,” bà nói thêm.
Quyết định của Đảng Dân chủ có thể bị phe Cộng hòa
cáo buộc là ‘bôi nhọ ông Trump để giành lợi thế trong kỳ bầu cử sắp tới’, nhưng
‘nhìn chung ông Trump sẽ không bị ảnh hưởng bao nhiêu (từ việc luận tội này) trừ
phi bị truất phế,’ Tiến sĩ Ngọc nói về tác động đối với ông Trump. “Điều này không làm suy suyển sự ủng hộ
trong nhóm cử tri của Trump mà chỉ làm họ ủng hộ thêm thôi.”
Tuy nhiên, trong nền chính trị Mỹ khi mà các cử tri
luôn có xu hướng bầu cử theo đảng phái bất kể ứng viên hay vấn đề gì (tức là khối
Dân chủ luôn bầu cho Dân chủ còn khối Cộng hòa luôn bầu cho Cộng hòa) thì việc
luận tội này có thể lay động khối cử tri trung dung vốn đóng vai trò quyết định
trong bất cứ kỳ bầu cử Tổng thống nào, Tiến sĩ Ông Thụy Như Ngọc phân tích thêm
và cho rằng quá trình luận tội cũng có thể có lợi cho một số vị dân cử của Đảng
Dân chủ đại diện cho những địa phương mà cử tri ở đó có tiếng nói mạnh mẽ đòi
luận tội.
Nên hay không nên luận tội?
Trên trang mạng news24, Timothy J. Lynch, Phó Giáo
sư về Chính trị Mỹ tại Đại học Melbourne, Úc đưa ra 8 lý do không nên và 3
lý do Đảng Dân chủ nên luận tội ông Trump.
Luận tội Trump vẫn còn đầy rủi ro đối với Đảng Dân
chủ. Hạ bệ một Tổng thống đương nhiệm cũng giống như là quả bom hạt nhân trong
chính trị Mỹ, ông Lynch nhận định.
Dưới đây là tám rủi ro mà Đảng Dân chủ
không nên luận tội Tổng thống Trump, theo phân tích của Phó Giáo sư Lynch:
1.
Sẽ không thành
Có đủ đảng viên Dân chủ tại Hạ viện để bỏ phiếu yêu
cầu luận tội của Trump. Chỉ cần một đa số tối thiểu là cần thiết để bắt đầu quy
trình luận tội và hiện có 225 dân biểu Dân chủ trong Hạ viện gồm 435 ghế.
Tuy nhiên, Đảng Dân chủ không có đủ ghế ở Thượng viện
để phán quyết rằng ông Trump có tội. Phải cần đến 2/3 trong số 100 thượng nghị
sĩ (hoặc 67 vị, tức ‘siêu đa số’) bỏ phiếu là Trump có tội để truất phế ông –
nhưng chỉ có 46 Thượng nghị sỹ Dân chủ.
Thậm chí nếu như một số Thượng nghị sỹ Cộng hòa cũng
về phe Dân chủ thì lợi thế về số phiếu vẫn đứng về phía Trump.
Thách thức lớn nhất đối với đảng Dân chủ là liệu một
Thượng viện không thiên vị về tư pháp có thể hành động mà không quan tâm đến lợi
ích đảng phái hay không. Có rất ít bằng chứng trong lịch đương đại hoặc trong lịch
sử Mỹ cho thấy điều đó.
2.
Trump đã miễn dịch?
Ông Trump đã phạm rất nhiều lỗi lầm nhỏ đến mức
không tội lỗi lớn nào chạm đến ông được. Ông đã trở nên lão luyện trong việc né
tránh các cáo buộc hình sự đồng thời gọi chúng là một phần của cuộc săn phù thủy,
tức truy bức chính trị, của Đảng Dân chủ.
Khoảng thời gian và sức lực lớn bỏ vào cuộc điều tra
của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã thất bại trong việc đưa ra một trọng
tội mà bà Pelosi tự tin là đáp ứng được yêu cầu của Hiến pháp về luận tội.
Diễn biến Ukraine thật ra có thể là một bước ngoặt,
nhưng cho đến khi xảy ra vụ Ukraine chưa có vi phạm nào của ông Trump có thể dẫn
đến luận tội.
3.
Chưa phải là hành vi đáng để luận tội rõ ràng
Theo Hiến pháp Mỹ, hành vi đáng để luận tội là:
“Tổng thống, Phó Tổng thống và tất cả các viên chức
dân sự của Hoa Kỳ, sẽ bị cách hết chức trách nếu bị luận tội và kết tội về các
tội: phản quốc, hối lộ, hoặc các tội và hành vi sai trái nghiêm trọng khác (Điều
II, Mục 4).”
Các luật sư của Trump sẽ thách thức mọi nỗ lực nhằm
khắc họa ‘biện pháp ngoại giao’ của Trump với nhà lãnh đạo Ukraine là đã đến
ngưỡng ‘các tội và hành vi sai trái nghiêm trọng’.
4.
Giúp Trump tái sinh?
Nếu nỗ lực luận tội của đảng Dân chủ dẫn đến kết quả
là ông Trump được tha bổng tại Thượng viện, kết quả cho Đảng của bà Pelosi sẽ
không phải là một Tổng thống suy yếu, mà trái lại là một Tổng thống thêm mạnh bạo.
Khi Hạ viện của Đảng Cộng hòa luận tội Tổng thống
Bill Clinton hồi năm 1998, ngay sau đó ông được Thượng viện phán xử là không có
tội. Hai năm tại vị cuối cùng của ông, bất chấp sự xấu hổ của vụ bê bối Monica
Lewinsky, lại là khoảng thời gian ấn tượng nhất của ông.
Ông đã giải phóng Kosovo khỏi người Serbia và được
cho là có công làm kinh tế Mỹ bùng nổ. Khi rời chức, ông ấy là một trong những
Tổng thống được lòng dân nhất trong lịch sử Mỹ.
5.
Nhớ đến Brexit
Nước Anh hiện đang bế tắc bởi vì ý chí dân chủ của
đa số cử tri đang bị thể chế chính trị vốn không thích cách họ bỏ phiếu từ chối
thực hiện.
Không khó tưởng tượng sự tương đồng này ở Mỹ: nếu giới
tinh hoa chính trị ở Washington loại bỏ thành công một Tổng thống Mỹ được bầu hợp
pháp, nó sẽ thúc đẩy một quốc gia đã bị phân cực thành quốc gia hướng đến cuộc
chiến văn hóa.
Sẽ tốt hơn cho Đảng Dân chủ nếu họ tìm cách đánh bại
ông Trump ở phòng phiếu vào năm 2020.
Nếu Trump rời khỏi Nhà Trắng theo con đường bình thường
này, những người ủng hộ ông sẽ không thể lập luận ông ấy đã bị lật đổ bằng các
biện pháp chính trị-tư pháp mà là quá tiến trình dân chủ lập hiến thông thường.
6.
Đảng Dân chủ cần lập lại trật tự trong chiến lược bầu cử
Thay vì tiến hành một cuộc chiến luận tội, Đảng Dân
chủ nên giải quyết các vấn đề giúp cho Trump vươn đến quyền lực ngay từ đầu.
Ông ấy chỉ là triệu chứng, chứ không phải nguyên
nhân, của sự bất mãn văn hóa của những người Mỹ da trắng vốn là dân lao động vốn
cảm thấy bị Đảng Dân chủ bỏ rơi. Việc luận tội sẽ làm tăng sự bất mãn đó. Ông
Trump sẽ mạnh mẽ tuyên bố rằng đó là bằng chứng cho thấy Đảng Dân chủ không còn
quan tâm gì đến các cử tri lao động nữa.
7.
Luận tội không được lòng dân
Vẫn chưa có sự đồng thuận mạnh mẽ trong nước rằng luận
tội là điều đúng đắn. Điều này có thể thay đổi khi giờ đây người Mỹ đã được thấy
bản ghi về cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Ukraine.
Nhưng trước khi Quốc hội chắc chắn có sự đồng thuận
quốc gia như vậy, họ cần phải thận trọng.
8.
Trump thích so găng
Ông Trump vững vàng bằng cách khiêu khích các kẻ
thù. Và ông ấy sẽ tiếp tục tận hưởng những đặc quyền của một Tổng thống ngay cả
khi chiếc lưới luận tội đang siết chặt xung quanh ông. Ông sẽ đề ra nghị trình
và đóng vai nạn nhân. Ông ấy là bậc thầy về điều này.
Đảng Dân chủ, ngay cả khi họ nắm trong tay đạo đức
và luật pháp, có thể không kham nổi công việc này.
Luận tội là điều ông Trump muốn đảng Dân chủ làm. Nó
sẽ giúp cho chính quyền thường xuyên hỗn loạn và lộn xộn của ông ấy có trọng
tâm và mục đích.
Về 3 lý do Đảng Dân chủ nên luận tội
ông Trump, theo Phó Giáo sư về Chính trị Mỹ Timothy Lynch:
1.
Đúng về mặt đạo đức
Trong cuộc gọi điện đàm, ông Trump đã làm mờ đi ranh
giới giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của riêng ông trong cuộc bầu cử. Yêu cầu
một nhà lãnh đạo nước ngoài bôi bẩn đối thủ chính trị của mình có thể đáng bị
khiển trách và có thể bị luận tội.
2.
Về mặt pháp lý, đây là yêu cầu của nền pháp trị
Elijah Cummings, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện,
đã trình bày quan điểm này hồi tháng Tư rằng: “Ngay cả khi chúng ta không thắng,
tôi nghĩ rằng lịch sử sẽ mỉm cười với chúng ta vì đã đứng lên bảo vệ Hiến
pháp.”
3. Nó có ý nghĩa về mặt chính trị
Ngay cả khi Trump không bị cách chức sau khi bị luận
tội, quá trình này sẽ khiến ông khốn khổ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
Ông ấy sẽ không thể theo đuổi các chính sách mà từ lâu Đảng Dân chủ đã không
thích.
Do đó, là chiến lược bầu cử, luận tội có thể mang lại
lợi ích nào đó cho Đảng Dân chủ. Đến tháng 11 năm 2020, cử tri có thể đã quá mệt
mỏi với toàn bộ sự việc nên họ sẽ bỏ phiếu để thay đổi - và khiến cho một số ứng
viên Cộng hòa phải ra đi.
Nó cũng sẽ tiếp sức cho khối cử tri Dân chủ và giúp
cho Đảng này có sự tập trung mà nhờ đó họ có thể tránh làm tổn thương lẫn nhau.
------------------------------
VOA
01/10/2019
No comments:
Post a Comment