Lucio Blanco Pitlo - VOV
Thứ Sáu, 27/09/2019 08:01 AM GMT+7
Chuyên
gia khẳng định, vụ việc ở Bãi Tư Chính là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc
nhằm hiện thực hóa cái gọi là “Chiến lược Tứ Sa” độc chiếm Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV mới
đây, ông Lucio Blanco Pitlo khẳng định: Vụ việc ở Bãi Tư Chính là một phần
trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa cái gọi là “Chiến lược Tứ
Sa” hòng độc chiếm Biển
Đông.
-
Ông bình luận như thế nào về cái gọi là “Trung Quốc có chủ quyền tại Trường
Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực Bãi Tư Chính” mà phía Trung
Quốc đưa ra mới đây?
Trên thực tế, Trung Quốc đang gia tăng hành động can
thiệp vào các hoạt động kinh tế biển hợp pháp của các quốc gia ven biển láng giềng,
không chỉ là Việt
Nam mà còn một số nước khác như Philippines, Malaysia và Indonesia.
Trung Quốc cũng tìm cách gây áp lực lên các công ty,
tập đoàn nước ngoài để buộc họ dừng các hoạt động khai thác không chỉ ở khu vực
“Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc ngang nhiên đưa ra yêu sách chủ quyền mà còn ở cả
những vùng biển lân cận.
Tuyên bố của Trung Quốc là hoàn toàn phi pháp và các
nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines và Malaysia sẽ tiếp tục những hành
động mà chúng tôi coi là hợp pháp. Chúng tôi sẽ không tuân thủ tuyên bố của
Trung Quốc. Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa ra tuyên bố nói trên không có gì bất
ngờ nhưng nó sẽ không có giá trị gì đối với chúng tôi.
-
Năm 2017, Trung Quốc đã công bố cái gọi là “Tứ Sa”, nhưng không được cộng
đồng quốc tế thừa nhận. Theo ông, việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 liên
tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có phải là một bước đi hiện
thực hóa tham vọng này?
Sau khi cái gọi là “đường 9 đoạn dựa trên chứng
cứ lịch sử” của Trung Quốc bị Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết là vô giá trị
hồi năm 2016, Trung Quốc tiếp tục đưa ra một cách diễn giải mới nhằm hợp thức
hóa yêu sách chủ quyền phi lý của mình.
Tuy nhiên, với việc phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc
tế 2016 nêu rõ, các đảo ở Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển
như một thực thể thống nhất có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải
lý và thềm lục địa, Trung Quốc sẽ rất khó có thể bao biện cho việc dùng yêu
sách Tứ Sa làm căn cứ để tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển và tài nguyên
tại đó.
-
Với việc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 liên tục xâm phạm EEZ của Việt Nam,
Trung Quốc muốn biến vùng không tranh chấp nằm sâu trong lãnh thổ của Việt Nam
thành vùng biển có tranh chấp. Ông đánh giá như thế nào về hành động này của
Trung Quốc?
Việc Trung Quốc điều các tàu thăm dò tiến sâu
vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam rõ ràng đã vi phạm nghiêm trọng UNCLOS
và luật pháp Việt Nam. Qua việc này cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng leo thang căng
thẳng và chấp nhận những rủi ro lớn hơn thông qua hành động của mình.
Dù vậy, chiến thuật này có thể gây phản tác dụng bởi
thứ nhất nó sẽ càng khiến Việt Nam quyết tâm bảo vệ lợi ích kinh tế trong vùng
biển của mình và thổi bùng lòng yêu nước của người dân Việt Nam.
Thứ hai, hành động của Trung Quốc có thể khiến Chính
phủ Mỹ gia tăng sự ủng hộ tập đoàn dầu khí ExxonMobil nhằm làm giảm áp lực từ
phía Trung Quốc. Thứ ba, hành vi của Trung Quốc càng khiến ASEAN thêm quyết tâm
đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc ngăn cản các tập đoàn nước ngoài làm ăn với các
quốc gia ven biển trong khu vực.
-
Trung Quốc từng cho rằng bãi cạn Scarborough “thuộc” Trung Sa của họ.
Nhưng không ai thừa nhận điều này và giờ họ lại tiến hành các bước đi tương tự,
nhằm biến quần đảo Trường Sa thành cái gọi là Nam Sa. Ông nhận định thế nào về
“bước đi” của Trung Quốc?
Việc Bộ Quy tắc ứng xử (COC) của các bên ở Biển
Đông đang được đàm phán và Việt Nam sẽ nắm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm tới
khiến Trung Quốc có thể nhận định rằng, cánh cửa để nước này có thể đẩy mạnh
các hành động ngang ngược sắp bị khép lại. Chính vì thế, Trung Quốc phải hành động
thật nhanh trước khi mọi thứ trở nên bất lợi cho Trung Quốc.
Thực tế hiện nay cho thấy, những tuyên bố chủ quyền
phi pháp và thái quá của Trung Quốc sẽ không bao giờ được các nước công nhận, đặc
biệt là những quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á. Cộng đồng quốc tế
không thể chấp nhận những yêu sách phi lý của Trung Quốc dù đó là “đường 9 đoạn”
hay cái gọi là “Tứ Sa”.
Trung Quốc cứ đưa ra yêu sách của mình và không quan
tâm đến phản ứng của cộng đồng quốc tế. Tôi không hề tin rằng, Trung Quốc có thể
thuyết phục được các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế về tính hợp pháp
của những yêu sách chủ quyền của nước này.
-
Liệu các nỗ lực quốc tế hiện tại đã đủ để ngăn chặn các tham vọng của
Trung Quốc hay cần một chế tài nào khác?
Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và chính
trị của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế rất khó có thể ngăn chặn những hành
động hiếu chiến và phi pháp của Trung Quốc. Các quốc gia có tranh chấp với
Trung Quốc cần phải thuyết phục Trung Quốc rằng, những hành động của nước này ở
Biển Đông không chỉ gây tổn hại đến lợi ích của chính Trung Quốc mà còn ảnh hưởng
tới mong muốn hòa bình và ổn định trong khu vực.
Nếu Trung Quốc lo ngại về các hoạt động hợp tác khai
thác thương mại trên biển (các dự án dầu khí, khí đốt) hoặc các hoạt động quân
sự (các cuộc tập trận giữa ASEAN và các cường quốc) có thể gây tổn hại đến lợi
ích của Trung Quốc thì nước này cũng cần nhận thức rằng, ASEAN cũng hết sức
quan ngại về việc mất đi quyền tự chủ và bị phụ thuộc quá mức vào một cường quốc
nào đó.
Nếu Trung Quốc thực sự quan tâm đến việc cùng hợp
tác phát triển nhưng không gây ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền
tài phán của các nước khác, Trung Quốc cần phải để các nước láng giềng xem xét,
cân nhắc các đề xuất của mình hoặc hợp tác với Trung Quốc theo phương thức “đôi
bên cùng có lợi” chứ không phải ép họ theo ý của mình bằng cách gây áp lực và o
ép các nước như hiện nay.
Trung Quốc không được phép gây áp lực để buộc các
công ty, tập đoàn nước ngoài làm điều này. Việt Nam hoàn toàn có quyền tham gia
vào những hoạt động thúc đẩy an ninh và hợp tác kinh tế với các đối tác như Mỹ,
Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và châu Âu vì Việt Nam có chủ quyền ở vùng biển của
mình.
-
Xin cảm ơn ông!
No comments:
Post a Comment