11/02/2019
Trong
những ngày đầu xuân Kỷ Hợi, tôi mang cuốn sách ‘21 bài học cho Thế kỷ 21’ ra đọc. Cuốn sách hơn 350
trang của cây viết có tiếng Yuval Noah Harari đưa ra nhiều dự đoán về cuộc cách
mạng công nghệ trong thế kỷ này và ảnh hưởng của nó tới loài người. Trong khuôn
khổ bài viết này, tôi xin điểm bảy bài học chính của cuốn sách.
Yuval Noah Harari tại một cuộc phỏng vấn tại Berlin.
(Hình: Daniel Naber / commons. wikimedia.org/wiki/File:Yuval_Noah_Harari.jpg)
Harari, tác giả cuốn sách đã được dịch sang tiếng Việt
‘Sapiens: Lược sử Loài Người’, mở đầu với tuyên bố điều tưởng như đã là dấu chấm
hết của lịch sử thực ra đã chỉ là dấu ba chấm. Người ta đã ngỡ rằng câu chuyện
dân chủ tự do đã thắng thế sau khi chủ nghĩa cộng sản phá sản và chủ nghĩa phát
xít đã thất bại từ nhiều thập niên về trước.
Harari nói con ‘phượng hoàng tự do’ từng lâm nguy
trong thập niên 1930 và 1940 khi Hitler giành hết thắng lợi này tới thắng lợi
khác. Nó cũng gặp sự canh tranh mạnh mẽ của phe cộng sản cho tới khi Liên Xô sụp
đổ hồi đầu thập niên 1990.
Tác giả cho rằng một trong những lý do nhiều nước về
hùa với Moscow và Bắc Kinh trong nhiều chục năm chính là tiêu chuẩn kép của
phương Tây. Đây là một trong những ví dụ được đưa ra: “[K]hi Hà Lan trỗi dậy
vào năm 1945 sau năm năm chịu sự chiếm đóng tàn bạo của Phát xít, gần như điều
đầu tiên họ làm là lập quân đội và đưa quân nửa vòng thế giới tới tái chiếm thuộc
địa cũ của họ, Indonesia. Trong khi vào năm 1940 người Hà Lan từ bỏ sự độc lập
của họ chỉ sau hơn bốn ngày giao tranh [với quân của Hitler], họ lại chiến đấu
cay đắng trong hơn bốn năm để trấn áp [mong muốn] độc lập của Indonesia.”
Nhưng trong
những năm 1990, mọi chuyện đã thay đổi và dường như nhân loại chỉ còn một lựa
chọn duy nhất đó là “dân chủ, nhân quyền, thị trường tự do và phúc lợi xã hội
do chính phủ [cung cấp]”. Mặc dù vậy lựa chọn này đã bị ngờ vực sau cuộc khủng
hoảng tài chính hồi năm 2008 và chuyện Tổng thống Trump lên cầm quyền tại Hoa Kỳ
cũng làm cho sự ngờ vực này càng lớn thêm. Hoa Kỳ không còn là thế lực thúc đẩy
các giá trị dân chủ, nhân quyền và thị trường tự do như trước nữa, Liên minh
châu Âu EU chưa đủ sức thay thế trong khi các giá trị của Nga và Trung Quốc
không hấp dẫn được ai. Thế giới bỗng quay trở lại thời chẳng có câu chuyện nào
thuyết phục được đông đảo người dân trên hành tinh này nữa. Harari viết thêm rằng
Nga thực ra là một trong những nước bất bình đẳng nhất thế giới với 87 phần
trăm tài sản tập trung trong tay của 10 phần trăm dân giàu nhất.
“Con người bỏ phiếu bằng chân. Khi đi vòng quanh thế giới tôi gặp rất nhiều
người từ nhiều nước muốn tới Hoa Kỳ, Đức, Canada hay Australia. Tôi gặp vài người
muốn tới Trung Quốc hay Nhật Bản. Nhưng tôi chưa gặp ai mơ di cư tới Nga,” tác giả viết.
Bài
học thứ hai tác giả nói tới là mọi ngành nghề trên thế giới sẽ
đều chịu tác động của trí tuệ nhân tạo và người máy. Máy móc từ chỗ chỉ cạnh
tranh với con người trong những lĩnh vực liên quan tới lao động chân tay giờ
đang tiến tới cạnh tranh với ông chủ của chúng trong cả lĩnh vực lao động trí
óc. Harari nói tự động hoá sẽ gây chấn động đối với hệ thống tư bản nhưng chủ
nghĩa cộng sản cũng sẽ chẳng lợi lộc gì từ cuộc khủng hoảng do trí khôn nhân tạo
gây ra.
“Kế hoạch chính trị cộng sản kêu gọi cuộc cách mạng của giai cấp công
nhân. Nhưng học thuyết này liệu còn ý nghĩa gì khi quần chúng mất giá trị kinh
tế và phải chống chọi với sự vô dụng thay vì với sự bóc lột? Làm sao có thể bắt
đầu cuộc cách mạng của giai cấp công nhân khi không có giai cấp công nhân?”
Bài
học thứ ba được nêu ra là cơ hội và hiểm hoạ mà sự lên ngôi của
thuật toán mang lại cho loài người. Cho tới nay con người vẫn được cho là có “ý
nguyện tự do” và điều này được tôn trọng khi tất cả mọi người đều được quyền bỏ
phiếu cho dù trình độ học vấn của mỗi người mỗi khác. Bầu cử hay trưng cầu dân
ý được hiểu là phép thử cảm xúc của dân chúng thay vì đánh giá trình độ của họ.
Harari cho rằng với sự phát triển của thuật toán và sự kết hợp của công nghệ
sinh học và công nghệ thông tin, chẳng mấy chốc máy móc sẽ hiểu con người hơn cả con người hiểu cảm xúc
của chính mình.
“Điều này đã đang diễn ra trong lĩnh vực y khoa. Những quyết định y khoa
quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta không dựa trên cảm giác ốm yếu hay
mạnh khoẻ, hay ngay cả các chẩn đoán của các bác sỹ, mà vào tính toán của máy tính
vốn hiểu cơ thể của chúng ta hơn cả chúng ta. Trong vài thập niên tới, thuật
toán Đại Dữ liệu với sự hỗ trợ của dòng dữ liệu sinh học liên tục có thể theo
dõi sức khoẻ của chúng ta 24/7.”
Đó là một trong những cơ hội. Hiểm hoạ có thể là sự
đột nhập “hệ điều hành con người” của chính phủ và các công ty nhằm tuyên truyền
và quảng cáo. “[N]gay cả trong những xã hội được cho là tự do, thuật toán vẫn
có thể có uy quyền vì qua kinh nghiệm chúng ta sẽ học cách tin vào chúng trong
ngày càng nhiều vấn đề và sẽ dần mất đi khả năng tự đưa ra quyết định. Hãy nghĩ
về cách mà chỉ trong hai thập niên hàng tỷ người đã đặt niềm tin vào thuật toán
tìm kiếm của Google khi [thực hiện] một trong những việc quan trọng nhất: tìm
kiếm thông tin đáng tin cậy và phù hợp.”
Tác giả cũng nêu khả năng các máy tính với trí tuệ
nhân tạo sẽ hợp tác với các nhà độc tài và được sai khiến để theo dõi hay thậm
chí kết liễu tính mạng của con người mà chúng chẳng hề thấy cắn rứt lương tâm,
thứ mà chúng không có.
Bài
học thứ tư là điều mà nhiều người đã dần nhận ra khi sử dụng
các dịch vụ của Google, Facebook hay Baidu – chúng ta không phải là khách hàng
mà là sản phẩm. Harari chỉ ra rằng mô hình kinh doanh của các công ty này cho tới
giờ là “buôn sự chú ý” của chúng ta và khách hàng của họ là các công ty quảng
cáo. Nhưng trong tương lai có thể ngành quảng cáo cũng không còn nữa vì chúng
ta đâu còn ra quyết định. Thuật toán sẽ quyết hộ chúng ta mọi thứ. Con người và
máy tính cũng có thể cộng sinh tới mức mà nếu tách khỏi máy tính, con người sẽ
không còn vận hành được nữa. Viết tới đây trong đầu tôi không hiểu sao bỗng nhớ
tới câu hát “nếu phải cách xa em [máy tính] anh chỉ còn bão tố”.
Bài
học thứ năm là sự gắn kết giữa cộng đồng trên mạng và ngoài xã
hội. Harari cho rằng mỗi người chúng ta có lẽ khó có khả năng kết thân với hơn
150 người. “Qua một ngưỡng nhất định, thời
gian và năng lượng quý vị bỏ ra để biết các bạn trực tuyến từ Iran hay Nigeria
sẽ lấy đi khả năng hiểu biết những người hàng xóm cạnh nhà bạn,” Harari viết.
Ông cũng hy vọng Facebook sẽ chú trọng tới việc phát triển các cộng đồng không
chỉ trên mạng xã hội của họ mà cả ngoài đời thực. Điều này sẽ khiến cho các hoạt
động xã hội không bị tê liệt nếu Facebook không may bị các chính quyền độc tài
ngăn chặn. “[Facebook] và các gã khổng lồ trực tuyến khác thường xem con người
như động vật nghe nhìn – một đôi mắt và một đôi tai kết nối với 10 ngón tay, một
màn hình và một thẻ tín dụng. Bước quan trọng tiến tới đoàn kết nhân loại là ý
thức rằng con người có cơ thể [và cơ thể không chỉ ngồi một chỗ trên không gian
ảo mà có thể di chuyển và kết nối với nhau ngoài đời thực].”
Bài
học thứ sáu là lòng yêu nước xuất phát từ tinh thần dân tộc sẽ
mang lại những điều tốt đẹp nhưng sự kiêu căng xuất phát từ niềm tin ta là nước
ưu việt có thể mang đến hiểm hoạ bạo lực. Harari cũng nhắc con người nhớ rằng
loài người từng tồn tại “hàng trăm ngàn năm” trong những nhóm nhỏ chỉ vài chục
người và sự đòi hỏi lòng trung thành của mỗi người với cả triệu người mà họ
không quen biết mới chỉ tồn tại từ vài ngàn năm trở lại đây.
Sự tụ họp thành những nhóm khổng lồ khiến người ta
có thể làm được những việc vô cùng lớn lao mà cộng đồng nhỏ khó lòng làm được
nhưng nó cũng có thể gây ra những cuộc đại chiến. Bởi vậy sẽ là lý tưởng nếu
nhân loại nhìn nhận mình như thành viên của một nền văn minh duy nhất và cùng
nhau giải quyết các vấn đề phát sinh mà không quan ngại tới ranh giới quốc gia.
Một trong những vấn đề đó là tình trạng thay đổi khí hậu do việc khai thác và sử
dụng thái quá nhiên liệu hoá thạch của con người.
Bài
học thứ bảy là đừng có phát hoảng vì khủng bố. Harari viết rằng
khủng bố có khả năng kiểm soát tinh thần của chúng ta rất tốt dù trên thực tế
chúng giết rất ít người. “Kể từ ngày 11/9/2001, mỗi năm khủng bố giết khoảng 50
người ở Liên minh châu Âu, 10 người ở Hoa Kỳ, khoảng bảy người ở Trung Quốc, và
chừng 25.000 người trên toàn cầu (chủ yếu ở Iraq, Afghanistan, Pakistan,
Nigeria và Syria). Trong khi đó, mỗi năm tai nạn giao thông làm thiệt mạng
80.000 người châu Âu, 40.000 người Hoa Kỳ, 270.000 người Trung Quốc và 1,25 triệu
người [trên toàn thế giới]. Tiểu đường và mức [tiêu thụ] đường cao làm chết 3,5
triệu người mỗi năm trong khi ô nhiễm không khí làm bảy triệu người chết.”
Lý do người ta lo sợ khủng bố hơn những thứ gây chết
chóc hơn rất nhiều chính là khả năng reo rắc nỗi sợ của chúng. Khủng bố hầu hết
không gây hư hại gì cho đối thủ của chúng về khả năng quân sự và đó cũng không
phải mục đích của chúng. Khủng bố mong muốn đối thủ phản ứng thái quá và do vậy
gây ra “cơn bão chính trị và bạo lực quân sự” lớn hơn nhiều so với những gì khủng
bố có thể tự chúng gây ra.
Harari nói những kẻ khủng bố không tư duy như các vị
tướng quân đội mà như những nhà “biên đạo kịch”. “Giống như những kẻ khủng bố,
những người chống khủng bố cũng phải suy nghĩ như các biên đạo kịch… Trên hết,
nếu chúng ta muốn chống khủng bố một cách hữu hiệu, chúng ta phải nhận ra rằng
không điều gì những kẻ khủng bố làm có thể đánh bại chúng ta. Chúng ta là những
người duy nhất có thể đánh bại chúng ta nếu chúng ta phản ứng thái quá theo
cách không đúng đối với sự khiêu khích của khủng bố.”
Điều này cũng đúng với sự khủng bố tinh thần của các
chính thể cộng sản. Họ chẳng đánh đập hay bỏ tù quá nhiều người so với hàng chục
triệu hay cả tỷ dân chúng, nhưng cả triệu hay ngàn triệu người dân lại có phản ứng
sợ hãi thái quá và ngoan ngoãn tự biến mình thành những con cừu dễ bảo. Hy vọng
hơn một phần năm nhân loại đang sống dưới các chế độ tự nhận là cộng sản sớm sử
dụng ý nguyện tự do của họ trước khi thuật toán tước đoạt mất ngay cả điều được
coi là thiêng liêng của loài người cho tới ngày hôm nay.
No comments:
Post a Comment