Mai
V. Phạm dịch
19/09/2019
Khi Mỹ lùi lại, Trung Quốc sẽ nắm quyền
Trong nhiều năm qua, cuộc họp thường niên của Đại hội
đồng Liên Hiệp quốc vào tháng 9 là tâm điểm nổi bật vai trò lãnh đạo toàn cầu của
Mỹ. Ví dụ, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã sử dụng dịp này để kêu gọi
cộng đồng quốc tế quan tâm tới các vấn đề biến đổi khí hậu và tái định cư cho
người tị nạn.
Nhưng khi các tổng thống và thủ tướng tập trung tại
New York bắt đầu từ tuần này, họ sẽ tập trung dưới sự hướng dẫn của một tổ chức
đang trải qua một sự chuyển đổi to lớn. Mỹ đã từ bỏ vai trò lãnh đạo và
Trung Quốc đang sẵn sàng nắm lấy nó.
Háo hức để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên chính
trường thế giới, nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, Trung Quốc đã tập trung các
nguồn lực đáng kể đằng sau nỗ lực nắm giữ vai trò lãnh đạo tại Liên Hiệp
quốc như một đất nước nhanh nhẹn, năng động so với Mỹ. Chỉ trong vài năm
qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bố trí các quan chức của mình để lãnh
đạo 4 trong số 15 cơ quan chuyên trách của Liên Hiệp Quốc, trong khi Mỹ chỉ
lãnh đạo 1 cơ quan. Trung Quốc cũng đã nâng cao hơn 20 biên bản ghi nhớ để hỗ
trợ chiến lược ‘Vành đai và Con đường’ và huy động một tập đoàn các quốc gia có chủ ý, nhằm giảm bớt chỉ
trích quốc tế về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Mỹ đã phản ứng sự bành trướng của Trung Quốc chậm
rãi, một phần vì Washington đã đang bận rộn tính toán lại mối quan hệ với Liên
Hiệp quốc. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã có nhiều đại sứ khác nhau
tại Liên Hiệp quốc trong một thời gian ngắn, trong khi đơn phương rút Mỹ ra khỏi
một số cơ quan của Liên Hiệp quốc và bác bỏ các tổ chức đa phương.
Tuy nhiên, với việc Trung Quốc đang tìm cách lèo lái
Liên Hiệp quốc ra khỏi các nguyên tắc nền tảng, Mỹ không nên ngồi yên. Một Liên
Hiệp quốc do Trung Quốc thống trị sẽ chỉ dẫn đến sự xói mòn liên tục của các
giá trị và lợi ích của Mỹ trong các vấn đề từ không phổ biến vũ khí hạt
nhân đến phát triển bền vững. Nếu chính quyền Trump nghiêm túc trong việc cạnh
tranh chiến lược với Trung Quốc, Mỹ sẽ phải đẩy mạnh vai trò của mình ở tổ chức
có tầm quan trọng tối cao này.
Trong nhiều thập kỷ, vai trò của Trung Quốc tại Liên
Hiệp quốc chủ yếu là một trong những kẻ phá hoại. Thông qua Liên Hiệp quốc, Bắc
Kinh chủ yếu nhắm vào các nỗ lực của Mỹ và các cường quốc dân chủ khác để áp đặt
một tầm nhìn tự do lên thế giới. Đặng Tiểu Bình, cựu lãnh đạo của Trung Quốc,
đã lên tiếng về những nỗ lực này trong một phát biểu năm 1974 tại Đại hội đồng
Liên Hiệp quốc. Ông ta đã tố cáo “sự theo đuổi kiêu ngạo quyền bá chủ thế giới”
của Mỹ và bày tỏ thái độ chống lại sự thiết lập “phạm vi ảnh hưởng của bất kỳ
quốc gia nào”.
Nhưng khi sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc
tăng lên, cách tiếp cận của nó đối với các tổ chức quốc tế tiến triển đáng kể.
Hiện tại, dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã từ bỏ thế phòng ngự từng xác định
vai trò của họ tại Liên Hiệp quốc. Trong một bài phát biểu năm ngoái, ông Tập
đã kêu gọi Trung Quốc “tham gia tích cực vai trò lãnh đạo cải cách hệ thống
chính trị toàn cầu”.
Trung Quốc đang tăng cường vai trò lãnh đạo ở Liên
Hiệp quốc tại thời điểm mà Mỹ giảm bớt vai trò toàn cầu. Ví dụ, vào năm 2011, Mỹ
đã cắt 80 triệu Mỹ kim tài trợ hàng năm cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn
hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) – khoảng 22% trong toàn bộ ngân sách của Mỹ.
Trung Quốc đã chạy đua để lấp đầy khoảng trống này, cam kết hỗ trợ hàng triệu
Mỹ kim cho các chương trình giáo dục. Bắc Kinh đã tăng cường đóng góp cho
Liên Hiệp quốc gấp 5 lần trong thập kỷ qua, tự quảng cáo trong các chương
trình do nhà nước bảo trợ như là “nhà vô địch của chủ nghĩa đa phương”.
Đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc tại Liên Hiệp quốc đã
mang lại cho nước này một số lợi ích mà Bắc Kinh có thể sử dụng để bảo vệ
mình khỏi những chỉ trích về chính sách ở Tân Cương và Tây Tạng, và để cô lập
Đài Loan. Nhưng ĐCS Trung Quốc đã đề ra một chương trình nghị sự tham vọng
hơn, bảo vệ lãnh đạo chuyên chế tại Venezuela, Syria và thúc đẩy quan điểm tôn
trọng “chủ quyền” cho phép chính quyền từ chối các yêu sách của cá nhân và thiểu
số, nhân danh an ninh trong nước. Trung Quốc đã sử dụng Hội đồng Nhân quyền của
Liên Hiệp quốc để từ chối và bác bỏ khái niệm về các giá trị phổ quát, lập luận
rằng “mỗi quốc gia có thể chọn mô hình bảo vệ nhân quyền của riêng mình tùy
theo hoàn cảnh quốc gia”. Một cách ngắn gọn, Bắc Kinh đang sử dụng Liên
Hiệp quốc như một nền tảng để hợp thức hóa hình thức cai trị độc tài chuyên chế.
NHÂN LỰC LÀ CHÍNH SÁCH
Trung Quốc không chỉ đóng góp vật chất cho Liên Hiệp
quốc trong những năm gần đây. Trung Quốc đã thực hiện một nỗ lực có hệ thống để
lấp kín các chức vụ lãnh đạo của Liên Hiệp quốc bằng các quan chức của đảng Cộng
sản. Công dân Trung Quốc
hiện đang nắm vai trò lãnh đạo hơn một phần tư tại các Cơ quan chuyên môn của
Liên hợp quốc, bao gồm Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, Liên minh Viễn
thông Quốc tế, Cục Hàng không Dân dụng Quốc tế và Tổ chức Phát triển Công nghiệp.
Và chính phủ Trung Quốc tiếp tục tuyển dụng ngày càng nhiều công chức có khả
năng, năng lực cao để làm việc tại Liên Hiệp quốc.
Để đổi lấy tiền của, chuyên môn và nhân sự mà Trung
Quốc cung cấp, Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ của Liên Hiệp quốc cho các chính
sách đối ngoại của mình, đặc
biệt là chiến lược Vành đai và Con đường. Được xem là chiến
lược dấu ấn của Tập Cận Bình, Vành đai và Con đường đã giành được nhiều khen ngợi
vì đã giúp cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho các nước đang phát triển, nhưng
cũng bị chỉ trích đáng kể vì không đạt được các tiêu chuẩn quốc tế về khả năng
tài chính, bảo vệ môi trường, và quyền lao động.
Bắc Kinh đã sử dụng Liên Hiệp quốc để củng cố
tính chính danh và ủng hộ quốc tế cho chiến lược Vành đai và Con đường.
Trung Quốc đã cố gắng làm cho Vành đai và Con đường giống với Dự án 2030 vì sự
Phát Triển Bền Vững của Liên Hiệp quốc (2030 Agenda for Sustainable
Development), trong đó tập trung vào giảm nghèo và ổn định môi trường. Liu
Zhenmin, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc và hiện là Tổng thư ký về các vấn đề kinh
tế và xã hội tại Liên Hiệp quốc, nói, Vành đai và Con đường phục vụ “các mục
đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp quốc”. Ngay cả Tổng thư ký LHQ
António Guterres cũng đã khuyến khích các lợi ích của chiến lược này khi Liên Hiệp quốc bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ, nhưng không
quan tâm đến những rủi ro và hạn chế của chiến lược này.
GIÀNH LẠI THẨM QUYỀN
Bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc, nhiều quốc gia
thành viên Liên Hiệp quốc vẫn hoài nghi về sự lãnh đạo của Bắc Kinh trong các vấn
đề toàn cầu. Một cuộc thăm dò gần đây của Pew Research cho thấy, chỉ 19% số người
được hỏi bày tỏ thích Trung Quốc hơn là Mỹ dẫn đầu thế giới. Nhưng một tương
lai được định hình bởi các giá trị và lợi ích của ĐCS Trung Quốc đang đến rất
nhanh, và cơ hội để nắm bắt nó là ngay bây giờ.
Mỹ
nên ngăn chặn các nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá hoại các giá trị tự do trong
Liên Hiệp quốc, đặc biệt là xung quanh các vấn đề bảo vệ nhân
quyền. Cùng với các quốc gia đồng minh, Mỹ nên tập trung ngăn chặn Trung Quốc
thêm vào các thuật ngữ có tính tư tưởng, có vẻ vô hại, vào các tài liệu của
Liên Hiệp quốc. Ví dụ như “hợp tác đôi bên cùng có lợi”, “cộng đồng của một
tương lai chung cho nhân loại”, “dân chủ hóa của các mối quan hệ quốc tế”. Các
thuật ngữ như thế cố tình làm suy giảm sự đồng thuận về quyền con người
và các quan chức Mỹ nên phổ biến một tài liệu tham khảo công khai cho công
chúng, giải thích rõ các thuật ngữ này được Trung Quốc sử dụng nhằm gia tăng lợi
ích bằng cái giá của các nguyên tắc và chuẩn mực dân chủ.
Đồng thời, Mỹ nên kêu gọi lãnh đạo Liên Hiệp quốc,
bao gồm cả tổng thư ký Liên Hiệp quốc, lên tiếng mạnh mẽ hơn chống lại các
vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất của Trung Quốc. Michelle Bachelet, ủy
viên cao cấp về nhân quyền của Liên Hiệp quốc, đã làm gương bằng cách công khai
chỉ trích Trung Quốc với “các cáo buộc đáng lo ngại liên quan đến các vụ bắt bớ
tùy tiện và có quy mô lớn đối với người Duy Ngô Nhĩ”.
Về lâu dài, để khống chế các giá trị phi tự do tại
Liên Hiệp quốc đòi hỏi sự tham gia thường trực của Mỹ. Đơn phương rút khỏi
các cơ quan quan trọng, như UNESCO và Hội đồng Nhân quyền, Mỹ chỉ nhường
lại tầm ảnh hưởng cho Trung Quốc. Thay vào đó, Mỹ nên sử dụng ảnh hưởng của
mình để định hướng cho các cơ quan của Liên Hiệp quốc, hoặc ít nhất, tránh để
những khoảng trống quyền lực cho Trung Quốc lấp đầy. Xét cho cùng, Trung Quốc
vẫn thua Mỹ với tư cách là nước đóng góp tài chính lớn nhất cho toàn bộ hệ thống
của Liên Hiệp quốc.
Tuy nhiên, Mỹ đang tụt lại phía sau trong việc
đóng góp nhân sự cho Liên Hiệp quốc, và họ nên cố gắng khắc phục điều này bằng
cách giải quyết các rào cản gia nhập cho các ứng cử viên Mỹ. Người Mỹ thường
thiếu trình độ ngoại ngữ hoặc bị cản trở bởi các quy trình tuyển dụng phức tạp.
Bộ Ngoại giao có thể trợ giúp bằng cách thành lập các chương trình cho viên chức
cấp trung và khởi đầu kết hợp với các công việc xoay vòng tại Liên Hiệp quốc và
bằng cách cung cấp các khóa học chuyên sâu về ngôn ngữ cho những người tham gia
các chương trình này.
Tất cả các cường quốc đều tìm cách thúc đẩy lợi ích
của họ trong các tổ chức quốc tế. Tổng thống Trump đã nói với Đại hội đồng Liên
Hiệp quốc năm 2017: “Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên trên hết, giống như bạn, với
tư cách là nhà lãnh đạo quốc gia của bạn, sẽ luôn luôn và nên luôn luôn đặt các
quốc gia của bạn lên hàng đầu”. Nhưng sự theo đuổi các lợi ích cốt lõi của
Trung Quốc tại Liên Hiệp quốc là nguy hiểm, bởi vì trong số những lợi ích
đó là mục tiêu chính trị hẹp hòi nhằm bảo vệ quyền lực của một cơ quan duy
nhất: Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh thành công thay đổi Liên Hiệp quốc theo
mục đích của mình, Trung Quốc sẽ không trở nên như phần còn lại của thế giới,
mà phần còn lại của thế giới sẽ trở nên giống Trung Quốc hơn [về mặt độc tài
chuyên chế].
-------------------------------------
Nguyên bản :
As Washington Steps Back, Beijing Will Take Charge
By
Kristine Lee
Foreign
Affairs September 16, 2019
No comments:
Post a Comment